L
aura Huang là trợ giảng khoa quản lý và doanh nghiệp ở Trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania.
Lĩnh vực nghiên cứu của cô xem xét các quyết định đầu tư trong giai đoạn đầu và tác động của nhận thức đến khả năng đưa ra các quyết định quan trọng, có tính rủi ro cao của cá nhân. Nếu hiểu mối liên kết giữa tâm trí và hành vi của các doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp thì ta có thể hiểu rõ hơn điều gì đem lại thành công cho họ không?
Chắc chắn là có rồi. Tôi nghĩ quan trọng là phải hiểu suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của người ta có liên kết như thế nào với hành vi sau đó của họ. Một điều quan trọng khác là nhận ra mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ giữa người với người đối với nhận thức và những kết luận của chúng ta - những thứ cũng tác động đến hành vi của ta. Doanh nhân - cũng như khách hàng, nhà cung ứng và nhà đầu tư có liên hệ với họ - đều có những mô thức và hình mẫu mà tâm trí của họ sẽ vận hành theo. Vấn đề này cực kỳ phức tạp, và đó là lý do mà ta rất khó dự đoán những đánh giá và quyết định mà con người sẽ đưa ra.
Những sai lầm phổ biến nhất mà các thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thường mắc phải khi khởi nghiệp là gì?
Trong giai đoạn đầu, không riêng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh mà mọi người đều phạm phải nhiều sai lầm khiến họ phải trả giá về sau. Phân chia phần vốn góp của nhà sáng lập là việc cần được xem xét hết sức cẩn thận, và đó là cả một nghệ thuật đấy. Bên cạnh đó còn có cách điều chỉnh và lặp lại mô hình kinh doanh của mình. Và đương nhiên là tôi đang đơn giản hóa vấn đề, nhưng nhìn chung thì sai lầm lớn nhất người ta có thể phạm phải khi khởi nghiệp chính là cạn vốn. Đừng bao giờ để mình rơi vào cảnh cạn vốn.
Theo cô thì thời điểm nào là thích hợp để mở công ty riêng? Trước khi khởi nghiệp thì ta có cần cân nhắc những tiêu chuẩn nào hay không?
Nếu bạn có một ý tưởng tuyệt vời và thu hút được sự chú ý ban đầu, đồng thời có hoàn cảnh và khả năng phù hợp, thì tôi nghĩ đó chính là thời cơ thích hợp.
Làm thế nào để một người có ý muốn trở thành doanh nhân có thể vượt qua nỗi sợ mở công ty riêng? Khi nào thì ta nên lắng nghe nỗi sợ của mình?
Tôi lo cho những ai không biết sợ hơn. Theo tôi thì biết sợ có nghĩa là bạn đang nghiêm túc và suy xét các quyết định của mình trong thực tế. Đối với tôi, điều quan trọng không phải là chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là tận dụng nỗi sợ và để rủi ro thúc đẩy ta tìm ra những giải pháp có thể giúp ta dấn thân và theo đuổi đến cùng, bất chấp nỗi sợ đó. Bởi vì ta khao khát làm ra sản phẩm hay dịch vụ của mình, và đó là động lực để ta tiến lên chứ ta không nỗ lực chỉ vì lợi nhuận.
Nếu thứ cô đam mê đã có người làm rồi thì sao?
Bạn luôn có thể làm khác đi mà, hoặc bạn cũng có thể tìm cách cải tiến thứ hiện có. Sự cạnh tranh không phải là tất cả; ta còn có thể tương hỗ và làm những thứ thuộc cùng một lĩnh vực nữa.
Liệu cô có khuyên một doanh nhân ngừng hoạt động kinh doanh nào đó nếu hoạt động đó có vẻ không hiệu quả hay không?
Có, nếu công ty bạn hoạt động không hiệu quả, và bạn tin là sự việc sẽ không đi đến đâu, chắc chắn tôi sẽ khuyên bạn giải thể và đóng cửa công ty. Bạn có thể làm rất nhiều việc khác. Đừng trở thành nạn nhân của ‘chi phí chìm’ hoặc tâm lý ‘leo thang cam kết’. Nếu bạn thích sự ‘lao động vất vả’ trong quá trình làm chủ doanh nghiệp, và việc làm ăn hiện tại của bạn không hiệu quả, nhưng bạn đang có một ý tưởng khác muốn theo đuổi, vậy thì bạn cứ việc tạo ra một khởi đầu mới. Hoặc hãy làm một điều gì khác mà bạn nên làm. Bất kể bạn làm gì thì không thể lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ, nhưng quan điểm của tôi là chúng ta luôn cảm nhận được thời điểm mình cần buông bỏ. Không có gì phải xấu hổ về việc đó cả.
Có cách nào để đánh giá chính xác xem một dự án nào đó có hiệu quả hay không?
Tôi ước gì có cách như vậy! Nếu tôi có công thức cứ-thử-là-đúng thì tôi giàu to rồi!