S
anjay Parthasarathy là chuyên gia công nghệ và là cựu giám đốc của Microsoft. Hiện tại ông là CEO của Indix.
Ông đã hỗ trợ việc ra mắt nền tảng lập trình .NET1 ở Microsoft. Ý tưởng về .NET đến từ đâu?
1 Nền tảng lập trình và cũng là một nền tảng thực thi ứng dụng chủ yếu trên hệ điều hành Microsoft Windows, được phát triển bởi Microsoft. Các chương trình được viết trên .NET Framework sẽ được triển khai trong môi trường phần mềm (ngược lại với môi trường phần cứng) được biết đến với tên Common Language Runtime (CLR). Môi trường phần mềm này là một máy ảo trong đó cung cấp các dịch vụ như an ninh phần mềm, quản lý bộ nhớ, và các xử lý lỗi ngoại lệ.
Ý tưởng về .NET phần nào xuất hiện thông qua việc nhận ra rằng các mô hình lập trình trên Internet cần có cấu trúc ghép nối lỏng2 hơn, chứ không phải cấu trúc máy khách-máy chủ ghép nối chặt3 đang phổ biến vào thời đó. Cấu trúc ghép nối lỏng thời đó được xây dựng dựa trên các dịch vụ web mà ngày nay đã phổ biến hơn nhiều. Đó là một cuộc tranh luận về mặt nguyên lý lúc bấy giờ. Cuối cùng, ban quản trị của Microsoft quyết định chọn cấu trúc ghép nối lỏng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thì trường Harvard có cả một bài nghiên cứu kinh doanh về đề tài này.
2 Tại mức cơ sở, quan điểm ghép nối lỏng có nghĩa các ứng dụng hay các dịch vụ không bị liên kết chặt với các hàm chức năng.
3 Trong mô hình ghép nối chặt, việc trình bày, xử lý và quản lý dữ liệu là các quy trình riêng biệt, tạo thành nhiều tầng khác nhau (N-tier). Các ứng dụng sẽ được xây dựng bằng cách sắp xếp các lớp một cách logic lên nhau. Mỗi lớp trong ứng dụng N-tier đóng vai trò cụ thể và xác định (ghép nối chặt): xử lý công việc theo nhiệm vụ của mình, sử dụng dịch vụ của những tầng khác và cũng là dịch vụ cho các tầng khác sử dụng.
Ông đã hướng dẫn chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Bill Gates vào năm 1997, từ đó đầu tư của Microsoft vào đất nước này đã tăng đáng kể, đồng thời cũng giúp ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển tại đây được hưởng lợi. Điều này hỗ trợ cho việc mở rộng mảng phần mềm của Microsoft ra sao?
Tôi đến Ấn Độ năm 1996 và thấy quốc gia này đã sẵn sàng dấn bước vào lĩnh vực phần mềm. Hồi còn ở Viện Công nghệ Massachusetts, tôi đã viết một bài bình luận độc lập về việc Ấn Độ có thể trở thành một siêu cường quốc về phần mềm như thế nào, và đó là năm 1989. Tôi nhận thấy thời cơ đang đến - Bill Gates sắp sang Ấn Độ lần đầu tiên. Và đây là cơ hội để khẳng định vài điều: ngoài châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, vẫn còn một thị trường cho phần mềm của Microsoft, và Bill cần thấy được điều đó. Nhưng quan trọng hơn thế, Microsoft là công ty chuyên về nền tảng kết nối, và lập trình viên chuyên về nền tảng kết nối là cực kỳ quan trọng. Khi đến Ấn Độ, Bill có được điều đó, Bill có được năng lượng và sự nhiệt tình, và kết quả là một trung tâm phát triển phần mềm được thành lập. Tôi nghĩ, vậy là hồi chuông báo hiệu đã vang lên ở cả hai cấp độ cung và cầu, như một phần trong chuỗi cung ứng phần mềm. Đây là thời điểm phù hợp. Sự kiện Bill Gates đến Ấn Độ lần đầu tiên năm 1997 đã thu hút rất nhiều sự chú ý, và chính trị gia nào cũng nói về chuyện này trong bài diễn thuyết của mình. Rồi sự cố máy tính năm 2000 sắp sửa xảy ra, và người ta nhận ra cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là nhờ một công ty phần mềm hỗ trợ. Đó là một cơn sóng gió có lợi, nếu ta biết tận dụng thời cơ.
Vì sao ông lại thành lập Indix?
Sau khi nghỉ làm ở Microsoft vào năm 2009, tôi đưa cả nhà đến Chennai (Ấn Độ). Sau hai mươi hai năm xa quê, tôi không thể tìm được chỗ mua mấy món đồ mình cần. Tôi lớn lên tại Chennai, nhưng khi tôi cố tìm chỗ mua đồ nội thất ở đây thì Google không giúp được gì nhiều. Cách hoạt động của Google ưu tiên cho các dữ liệu đến từ các nước bên ngoài Ấn Độ, chủ yếu là Mỹ hoặc Anh. Xem xét cách hoạt động nên có của các công cụ tìm kiếm bên ngoài nước Mỹ hoặc nước Anh là bước đầu tiên trong quá trình phát triển ý tưởng về Indix.
Theo ông thì năm yếu tố chủ chốt để thành lập và vận hành một doanh nghiệp thành công là gì?
Thứ nhất, bạn cần có ý tưởng hoặc quan điểm nào đó. Thứ hai, bạn cần có khả năng đối phó với sự từ chối và thất bại, vì những chuyện này sẽ xảy ra vào một lúc nào đó thôi. Thứ ba, bạn phải có cái tôi, nhưng hãy giữ nó bên trong, vì dù có ý tưởng hoàn hảo đến đâu thì bạn cũng phải biết lắng nghe người khác. Thứ tư, bạn phải xây dựng một đội ngũ, vì bạn không thể một mình đến đích được. Cuối cùng, bạn phải chịu khó xông pha để tự tìm vận may. Nếu bạn không dấn thân ra ngoài kia thì những điều tốt đẹp sẽ không xảy ra.
Hai lời khuyên mà ông muốn gửi đến các bạn sinh viên đại học, hoặc bất kỳ ai có mong muốn trở thành doanh nhân, để giúp họ có tinh thần doanh nhân đích thực là gì?
Trước hết, khi bạn mới bước chân vào nghề thì rủi ro hãy còn ít. Cho nên bạn sớm chấp nhận rủi ro chừng nào thì tốt chừng nấy. Bởi vì rủi ro đi kèm kinh nghiệm. Giờ đây, tôi biết là có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học và phải gánh một khoản nợ tài chính to đùng, và họ không có khả năng đón nhận rủi ro. Tốt thôi. Mỗi người sẽ đánh giá chính xác nhất về mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cũng như tình hình của bản thân. Nhưng nếu bạn có cơ hội chấp nhận rủi ro thì hãy đón nhận nó càng sớm càng tốt.
Lời khuyên thứ hai: đa số các bạn sinh viên đều hiểu thất bại rất quan trọng, học hỏi từ thất bại cũng rất quan trọng, nhưng trên thực tế thì rất khó làm được điều đó. Bị từ chối là chuyện rất khó chấp nhận. Thất bại và sau đó tự hỏi mình phải làm gì với thất bại đó là chuyện rất khó khăn. Một trong những điều quan trọng nhất đối với việc thất bại là tìm đến những người từng trải qua việc đó, và những người có thể tư vấn cách vượt qua thất bại. Ai cũng có thể dễ dàng nói “thất bại là mẹ thành công”. Ai cũng biết cảm giác đó tồi tệ như thế nào, nhưng nếu ta được một người “từng trải” hướng dẫn và hỗ trợ thì sẽ tốt hơn nhiều. Vì vậy tìm được người cố vấn tốt là rất quan trọng.
Nếu có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp thì ông sẽ thay đổi điều gì?
Có lẽ tôi sẽ gia nhập Microsoft sớm vài năm. Nhưng về cơ bản thì những chuyện tôi sẽ làm vẫn giữ nguyên. Tôi đã học tới hai lớp thạc sĩ chỉ vì không biết mình muốn làm gì. Phải chi hồi đó tôi chín chắn hơn một chút và bắt đầu sớm hơn vài năm.
Ông từng mắc phải sai lầm lớn nào chưa, và nếu có thì ông khắc phục ra sao?
Công việc thứ hai của tôi tại Microsoft là xây dựng phiên bản hệ điều hành Windows cho ti-vi. Thực tế thì hệ điều hành này được tích hợp vào một thứ trông như đầu đĩa CD hay DVD. Hồi ấy là năm 1992. Tôi nghĩ đây có thể là một sai lầm lớn. Nhưng tôi không muốn dừng lại như vậy, và tôi bắt đầu nghiên cứu các phương pháp khác. Cuối cùng tôi viết một bản ghi nhớ có tựa đề “Modem cáp chính là tương lai”, thứ đã được Bill và Paul Allen4 chú ý. Tôi đã rút ra được bài học là kết nối CD-ROM hay DVD với ti-vi sẽ không đem lại trải nghiệm mà người ta mong muốn. Vậy đó là một sai lầm, nhưng may là tôi lại nghĩ ra mẫu modem cáp sơ khai, cho nên hiểu được điều đó cũng tốt. Và tất nhiên là trong khoảng mười, mười lăm năm sau, modem cáp được sử dụng rộng rãi. Vậy nên quan trọng là bạn phải tiến lên - đó là cách hay nhất để đối phó với thất bại.
4 Nhà đồng sáng lập Microsoft.
Những người cố vấn có vai trò gì trong thành công của ông không?
Chắc chắn là có. Tôi là một trong những người Ấn Độ đầu tiên ở Microsoft. Có vài người Ấn Độ khác đã gia nhập công ty sớm hơn nhiều. Trong bộ phận kinh doanh có một người vào công ty lâu hơn tôi một chút, về sau ông ấy đã hướng dẫn cho tôi và CEO hiện tại của Microsoft cùng với một số người nữa. Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ ông ấy. Chúng tôi học được rằng mình có thể tạo ra ảnh hưởng, trở thành nhân viên cấp cao trong một công ty chưa từng có đội ngũ nhân viên cấp cao nào trước đó. Và một người trong chúng tôi đã trở thành CEO của Microsoft, nên tôi nghĩ ông ấy là một người cố vấn giỏi.
Ông có nghĩ là có kiểu mẫu hoặc công thức nào đó để trở thành một doanh nhân thành công không?
Tôi không nghĩ là có quy tắc cố định nào cả. Kể cả khi có tài, có kỹ năng thì bạn cũng phải xông pha, phải có thời cơ và vận may. Bạn phải để vũ trụ hỗ trợ. Nhưng có đôi khi bạn đơn giản là không có mặt ở nơi thích hợp vào thời điểm thích hợp. Bạn có thể làm đúng mọi thứ, nhưng lại không đúng thời điểm. Điều đó thật không may, nhưng chuyện đó thật sự có thể xảy ra.