R
obert Chess là một doanh nhân không ngừng lập nghiệp trong lĩnh vực khoa học đời sống và là giảng viên tại Trường Cao học Kinh doanh Stanford. Hiện tại ông đang tham gia điều hành một số công ty công nghệ sinh học.
Ông tập trung vào các ngành có nền tảng khoa học, chẳng hạn như công nghệ sinh học, công nghệ sạch và công nghệ thông tin. Ông đoán những lĩnh vực này sẽ thay đổi thế nào theo thời gian? Ông có hy vọng sẽ thấy được mốc phát triển quan trọng nào trong tương lai gần không?
Tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, ngành y tế đang thay da đổi thịt, xoay quanh lĩnh vực mà tôi gọi là y tế chính xác, tức là phát triển y tế và thuốc men trên cơ sở lấy bệnh nhân làm trọng tâm, chứ không còn theo mô hình “phù hợp cho tất cả” nữa. Ý của tôi là, nếu theo cách phát triển thuốc men trước kia thì bạn sẽ xông ra ngoài thiên nhiên hoặc vùng rừng mưa nhiệt đới và quay lại với mấy mẫu đất đá, rồi thử nghiệm và tìm hiểu xem có thứ gì hay ho mà lại có tiềm năng làm thuốc được hay không. Cách này gần giống với định lý con khỉ vô hạn: nếu có đủ số khỉ và số máy đánh chữ bằng nhau, cuối cùng ta sẽ có được quyển Kinh thánh1. Đây gần như chính là cách làm đối với thuốc men: hãy thử nghiệm mọi thứ trên đời và có lẽ ta sẽ tìm được thứ gì đó hay ho.
1 Định lý con khỉ vô hạn phát biểu rằng nếu cho một con khỉ gõ tự do trên một bàn phím trong thời gian vô hạn thì gần như chắc chắn là một phần văn bản con khỉ gõ ra sẽ có nghĩa.
Ngày nay, ta đã hiểu rõ hơn về cấu trúc di truyền của bệnh tật cũng như của con người. Ta thậm chí còn quan sát được cả hệ vi khuẩn sống trong cơ thể người và sử dụng chúng để phát triển các loại thuốc mới dành riêng cho cơ chế cụ thể của loại bệnh đó, đồng thời ta cũng xem xét hồ sơ của từng cá nhân và bệnh tật của họ để làm cơ sở lựa chọn các loại thuốc hoặc phương pháp can thiệp hiệu quả dành cho họ.
Công nghệ có nền tảng khoa học và công nghệ sinh học là hai trong nhiều lĩnh vực mà ông đang chú trọng. Một vài thử thách đặc trưng khi khởi nghiệp trong những lĩnh vực này là gì?
Thường thì bạn cần kêu gọi lượng vốn rất lớn, trái ngược với thông tin mà bạn có thể đọc được trong cuốn The Lean Startup (tựa tiếng Việt: Khởi nghiệp tinh gọn) - một cuốn sách hay của Eric Ries. Nhưng có rất nhiều điều trong cuốn sách đó không thể áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh công nghệ có nền tảng khoa học. Bạn có thể bù đầu với khoa học công nghệ trong ba năm, năm năm hoặc tám năm, và có khi phải kêu gọi hàng chục triệu, hoặc trong một số trường hợp là hàng trăm triệu đô-la, rồi bạn mới biết sản phẩm hoặc công nghệ của mình có thành công hay không.
Đây là cuộc chạy nước rút đối với nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ; nhưng đối với các công ty công nghệ có nền tảng khoa học thì đây giống cuộc chạy đua đường dài hơn. Bạn cần quản lý đội ngũ của mình, vì trong cuộc đua đường dài thì bạn phải duy trì lực lượng trong thời gian dài. Bạn cần kêu gọi lượng vốn lớn, giữ sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian dài và có khả năng thể hiện các mốc tiến triển, và bạn sẽ cần cược những ván lớn nữa, vì bạn sẽ chưa thể chứng minh là mình đúng suốt một giai đoạn dài. Vậy nên bạn sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro cá nhân, vì có thể bạn sẽ mất năm, bảy năm theo đuổi thứ gì đó và rồi phát hiện nó không đi tới đâu cả.
Phương pháp giảng dạy của ông chú trọng vào việc cho sinh viên tiếp xúc với các vấn đề và các cuộc thương lượng phức tạp ngoài đời thực. Bài học quan trọng nhất mà ông muốn sinh viên học được trong lớp của ông là gì?
Tôi nghĩ có hai bài học quan trọng nhất. Bài học thứ nhất liên quan tới những gì chúng ta đã đề cập. Đó là làm điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho xã hội; lượng việc cần làm cũng tương đương khi ta làm điều không thật sự có ý nghĩa. Cho nên hãy chú trọng làm điều có ý nghĩa thì hơn. Bạn vẫn có thể làm tốt mà lại cảm thấy thích việc mình đang làm hơn nhiều, và về lâu về dài bạn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn lao hơn. Đây là điều cơ bản.
Bài học thứ hai là sự việc rất phức tạp và cần được xem xét từ nhiều góc độ. Là một doanh nhân, bạn cần chia đầu óc thành hai nửa. Nửa thứ nhất là nửa lạc quan - bạn thấy mục tiêu dài hạn, bạn tập trung và khích lệ người khác, và bạn luôn có thái độ tích cực về những thành tựu mình có thể đạt được. Nửa kia thì luôn tìm cách giảm thiểu rủi ro và xem có gì có thể trục trặc hay không. Điều bạn cần làm là lạc quan hóa và tối thiểu hóa rủi ro.
Chuyên gia tư vấn quản trị hàng đầu thế giới Peter Drucker đã nói rất đúng: doanh nhân không phải là người nhận rủi ro, mà là người lạc quan hóa rủi ro. Có rất nhiều thứ có thể trục trặc khi bắt đầu hoạt động kinh doanh mới. Bạn cần nhớ là mọi thứ đều có thể trục trặc và mình phải có nhiều kế hoạch dự phòng. Nếu xảy ra vấn đề gì đó, bạn phải có kế hoạch dự phòng, vì sẽ có rất nhiều thứ trục trặc và không có tấm lưới bảo hộ nào đỡ bạn đâu.
Ông đã từng phạm sai lầm hay thất bại chuyện gì chưa? Chuyện đó đã thay đổi con người và sự nghiệp của ông ra sao, và từ đó ông rút ra được bài học gì?
Tôi phạm rất nhiều sai lầm. Tôi từng mở công ty khởi nghiệp và làm ăn chẳng ra sao. Tôi từng đưa ra nhiều quyết định tồi tệ - từ nhân sự đến chiến lược, khi xem xét triển khai sản phẩm nào và tuyển dụng ai. Tôi nghĩ bài học lớn nhất là nhận ra mình sẽ phạm sai lầm, và một khi đã phạm lỗi thì cần cố gắng thừa nhận điều đó càng sớm càng tốt. Đừng giữ khư khư quyết định của mình; hãy thay đổi và tiếp tục tiến lên. Khi mắc phải sai lầm về tuyển dụng, chiến lược hay chiến thuật, người ta có khuynh hướng bám víu vào đó thật lâu để xem kết quả thế nào. Một khi ta đã quyết định là việc đó sẽ không thành công thì nó sẽ không thành công, và đã đến lúc ta phải đi tiếp.
Khi thành lập công ty công nghệ sinh học thì sự đổi mới và sáng tạo quan trọng đến mức nào? Có người nói những ai càng đột phá thì sẽ càng thành công hơn, điều đó có đúng trong lĩnh vực này không?
Thường thì đúng là thế. Điều này còn tùy vào việc bạn ở đâu trong chu trình. Bạn có thể quá sớm hoặc quá muộn. Điều này có thể đúng nếu có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, nếu bạn không rõ ngành nào là tốt nhất, hoặc nếu bạn bắt đầu quá sớm nên có quá nhiều vấn đề khoa học còn phải nghiên cứu. Trong vai trò doanh nhân, có thể bạn sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi và giảm thiểu rủi ro cho những ai đi sau mình. Thường thì thời điểm tốt nhất để bắt đầu không phải là giai đoạn một hay giai đoạn hai. Một ví dụ tiêu biểu trong lĩnh vực HIV là IliAD, thành công lớn nhất của cả ngành công nghệ sinh học. Thuốc điều trị HIV của họ là loại thuốc thứ mười sáu được phát triển. Nhưng họ đã có thể phát triển trên nền tảng kiến thức, phát kiến của những người khác và phát triển được loại thuốc có đặc tính tốt nhất và thành công rực rỡ nhất.
Công ty của tôi tiên phong về insulin nước. Sản phẩm này không thành công về mặt thương mại. Công ty đã bỏ ra rất nhiều công sức để phát triển sản phẩm này, tiêu tốn mười lăm năm và ba tỷ đô-la, thế rồi các công ty khác cho ra mắt những sản phẩm được xây dựng trên thành quả của chúng tôi.
Thông thường, người đổi mới hoặc tiên phong trong ngành khoa học không phải là người thành công, mà những ai biết đứng trên vai những người khổng lồ đó mới thành công.
Đối với doanh nhân trong ngành công nghệ sinh học, ông nghĩ tỷ lệ cân bằng nào là hợp lý giữa học thức, kinh nghiệm kinh doanh và tính sáng tạo?
Tôi nghĩ bí quyết để trở thành doanh nhân ngành công nghệ sinh học là có phát kiến khoa học để làm cơ sở khởi nghiệp. Trong vai trò thường trực của mình, tôi chưa bao giờ là người đưa ra ý tưởng đổi mới. Tôi không phải là nhà khoa học, cũng không phải người giỏi nhìn xa trông rộng; vai trò thường trực của tôi là kết nối các nhà khoa học, xây dựng đội ngũ, kêu gọi vốn và đưa ra trọng điểm kinh doanh. Cho nên bạn phải nghĩ xem mình sẽ đóng vai trò nào. Nếu bạn muốn làm giám đốc công nghệ sinh học hoặc nhà sáng lập công nghệ - đa số họ đều là tiến sĩ, tiến sĩ y khoa hoặc thuộc mảng thiết bị, họ đều từng học về kỹ thuật sinh học - thì bạn cần có trình độ học vấn cao. Nếu đặt chân vào mảng kinh doanh, bạn cần có đủ kinh nghiệm và uy tín để gọi được số vốn lớn, để có thể tập hợp đội ngũ và các chuyên gia lại với nhau. Lĩnh vực này không giống như Internet, nơi có các doanh nhân mười chín tuổi đã bỏ học đại học. Đây là lĩnh vực đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng về khoa học, kỹ thuật hoặc kinh doanh.
Gina Smith
Gina Smith là phóng viên công nghệ đã giành nhiều giải thưởng và là đồng tác giả của tác phẩm ăn khách iWoz - tự truyện của nhà đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak.
Động lực nào đã thúc đẩy bà trở thành phóng viên công nghệ?
Tại sao tôi chọn đưa tin công nghệ ấy à? Ban đầu tôi đưa tin về mảng hình sự và tội phạm. Hồi mới ra trường, tôi làm phóng viên chuyên trách cho tờ Miami Herald. Một ngày nọ, tôi phải đưa tin về buổi công bố về máy tính cá nhân IBM. Tôi phỏng vấn các kỹ sư máy tính. Tôi thật sự, thật sự rất thích việc này; trong tòa soạn chẳng có ai thích làm việc này cả: phải trò chuyện về máy tính và dịch các thuật ngữ kỹ thuật thành một ngôn ngữ dễ hiểu hơn - tôi rất thích thử thách đó. Cho nên tôi đã hỏi xem liệu mình có thể tiếp tục đưa tin về mảng này được không. Sếp của tôi khi ấy phụ trách đào tạo nhân viên mới, và ông nói cách duy nhất để thăng tiến trong nghề phóng viên là phải chọn mảng tin ít ai muốn viết - những lĩnh vực mình có thể tinh thông. Ông ấy đề xuất công nghệ sinh học hoặc máy tính, và tôi chọn máy tính.
Đó là quyết định đúng đắn, vì tôi là một trong những phóng viên công nghệ đầu tiên của tạp chí PC Week. Tôi đã làm công việc đó ngay từ đầu, cho nên nhiều người hồi ấy tôi từng đưa tin giờ đã giàu sụ rồi. Chẳng hạn như Eric Schmidt, hiện đang là chủ tịch Google, tôi đã phỏng vấn ông ấy rất nhiều lần hồi ông ấy còn trong độ tuổi hai mươi. Thế nên thật tuyệt khi vừa được chứng kiến ngành này cất cánh và viết sách về tiểu sử của những nhân vật đó.
Vậy bà đã bước chân vào nghề như thế nào, và duyên cớ nào khiến bà trở thành người đưa tin về công nghệ và máy vi tính cho đài ABC News, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình Good Morning America, World News Tonight và 20/20, cũng như từng hỗ trợ ra mắt tạp chí Wired và trang tin công nghệ CNET?
Tôi viết bài mảng công nghệ cho hai tạp chí PC Magazine và PC Week. Chuyện xảy ra trước khi tôi đến AB đốc trẻ của ngân hàng đầu tư vừa mới mất việc và đến California vì mới nảy ra một ý tưởng. Ông ấy định thành lập mạng lưới xuất bản có thể cạnh tranh với Ziff Davis, công ty chủ quản của PC Magazinevà PC Week - hai tạp chí máy tính duy nhất hồi ấy. Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên vì ông ấy chẳng biết tí gì về máy tính cả, ấy thế mà ông ấy lại nghĩ mình có thể gây dựng công ty tỷ đô như Ziff Davis. Nhưng tôi tin ông ấy. Người đàn ông ấy, tôi và John Dvorak, cùng với một số chuyên gia máy tính khác ở Thung lũng Silicon ngồi lại với nhau và lập ra CNET. Ý tưởng ban đầu không phải là tạo ra một website, mà là xây dựng một mạng truyền hình. Họ định gọi đó là Mạng Máy Tính. Ý tưởng đó không thành công; họ không kêu gọi được đồng vốn nào cả, còn tôi thì không thể giúp họ. Vậy nên họ quyết định: chúng ta sẽ làm một website, và đó chính là những gì chúng tôi đã làm được.
Bà còn là tác giả cuốn tự truyện iWoz của nhà sáng lập Apple, Steve Wozniak. Đó là cuốn sách ăn khách theo bình chọn của tờ New York Times. Bà cảm thấy trải nghiệm đó như thế nào, và bà đã học hỏi được gì từ dự án này?
Tôi có một người bạn hay đi nghe hòa nhạc, không làm trong ngành máy tính và chẳng biết tên tuổi ai hết. Bà ấy ngồi cạnh Steve Wozniak và bạn bè của ông tại Nhà hát vòm Shoreline ở California. Họ đều đeo một bộ răng giả kỳ quặc có thể phát sáng để khi nhà hát tắt đèn thì họ sẽ cười và trông như chú mèo Cheshire1 vì miệng họ sẽ phát sáng. Bạn tôi thấy như thế rất ngầu, thế nên bà ấy đã hỏi, “Anh tên gì vậy?”, và ông ấy đáp, “Steve Wozniak”. Bà ấy không biết Steve Wozniak là ai, nhưng bà ấy nghĩ có khi đây là người có tiếng tăm, nên bà ấy bèn nhắn tin cho tôi: “Này, cậu có từng nghe nói tới Steve Waznak chưa?”. Tôi hỏi lại, “Ý cậu là Wozniak?”. Bà ấy trả lời, “A, đúng rồi đó!”. Tôi nói, “Ôi, mình rất muốn phỏng vấn anh ta!”. Lúc tôi bước chân vào nghề thì ông ấy đã rút lui khỏi ngành máy tính rồi. Tôi đã gặp Steve Jobs cả triệu lần, nhưng chưa hề gặp được Steve Wozniak. Thế là tôi hẹn ông ấy đi uống cà phê, cả hai trò chuyện về mấy cuốn sách vật lý hay ho mới được xuất bản. Mấy cuốn sách thú vị này do một nhà vật lý viết, rất hài hước và nhẹ nhàng, nhưng vẫn nói về vật lý. Steve nói mình cực kỳ thích tác giả này. Tôi bèn nói, sách quả là tuyệt vời, tại sao chúng ta không làm một cuốn sách y như thế, nhưng là về anh và quá trình anh làm ra chiếc máy vi tính thương mại đích thực đầu tiên.
1 Một nhân vật trong truyện Alice lạc vào xứ thần tiên của nhà văn Lewis Carroll.
Tôi và ông ấy gặp nhau hai lần một tuần trong suốt một năm rưỡi. Tôi chỉ cần bật máy ghi âm lên và nghe ông ấy nói. Vấn đề của Steve là ông ấy rất thông minh, nhưng tâm trí của ông ấy biến đổi quá nhanh đến mức ông ấy không bao giờ tập trung vào chủ đề mà cứ nhảy cóc từ chuyện này sang chuyện khác. Tôi đã học được cách thật sự lắng nghe người khác từ chuyện này, vì trước kia từng có rất nhiều người cố gắng hợp tác với ông ấy để làm sách nhưng đều chán nản. Mỗi khi họ hỏi một câu đại loại như “Hôm ấy anh và Steve Jobs đã làm gì?”, ông ấy sẽ bắt đầu kể, rồi ông ấy sẽ đổi đề tài. Người ta bực mình và không tài nào hoàn thành cuốn sách được. Vậy nên tôi sẽ tua băng, ông ấy cứ việc đổi đề tài, và thế là ổn. Cả hai hay ngồi bên bàn nướng thịt trong công viên, điểm đến ưa thích của ông ấy. Rốt cuộc, sau sáu tháng phỏng vấn, tôi đã có thể nghe lại toàn bộ và bắt đầu gắn kết các mẩu chuyện đã diễn ra trên thực tế với nhau. Đó là một bài học quan trọng.
Đến khi chúng tôi thật sự xuất bản được cuốn sách thì có một vấn đề lớn là nhà xuất bản không thật sự bỏ công sức để quảng bá cho ông ấy, ví dụ như để ông ấy tham gia các chương trình phỏng vấn chẳng hạn. Có lẽ họ có tập trung vào ông ấy trong một, hai tuần, nhưng rồi họ lại nhảy sang cuốn sách tiếp theo. Tôi thật lòng muốn người ta nhớ đến ông ấy, nên tôi đã giúp ông ấy tham gia chương trình khiêu vũ Dancing with the Star trên sóng truyền hình. Tôi nghĩ dù ông ấy khiêu vũ rất tệ nhưng lại là người hài hước nên chắc chắn sẽ được chú ý. Và điều này đã khơi lên sự chú ý dành cho Steve Wozniak.
Nếu có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp lần nữa, bà sẽ thay đổi điều gì?
Tôi sẽ chọn cổ phiếu thay vì tiền. Hồi mới thành lập CNET, khi công ty rốt cuộc cũng thu về được chút tiền, họ cho chúng tôi chọn giữa năm ngàn đô-la hoặc năm ngàn cổ phiếu. Chúng tôi đều nói, “Không biết công ty này có thành công không nữa”. Và năm ngàn đô-la là rất nhiều - đó là cả một gia tài vào thời đó. Ai nấy đều lấy tiền, nhưng đống cổ phiếu đó bây giờ phải có giá cả tỷ đô-la.
Ngoài ra, tôi sẽ chấp nhận mạo hiểm nhiều hơn nữa. Tôi vẫn luôn chấp nhận rủi ro, nhưng lẽ ra tôi nên liều hơn nữa. Khi tỷ lệ rủi ro cao thì bạn nên thử mọi thứ. Hãy đón nhận thật nhiều rủi ro và đánh cược thật nhiều. Tôi ước gì khi xưa mình đã làm thế nhiều hơn.
Một vài sai lầm lớn bà từng phạm phải là gì? Bà đã khắc phục như thế nào và điều đó ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp của bà?
Tôi có rất nhiều sai lầm, nhưng như người ta nói, “Càng thất bại lại càng thành công”. Tôi nhớ đến một chuyện vào năm 2011, khi tôi được tuyển dụng để tái phát hành một tạp chí máy tính danh tiếng lâu đời, tờ Byte, tôi đã rất phấn khích. Chúng tôi sẽ làm phiên bản điện tử của một tạp chí máy tính cực kỳ nổi tiếng. Người ta đã thuê tôi, và họ tỏ ra “Ừ, cứ làm đi”. Nhưng ý tưởng của tôi lại khác với điều họ thật sự mong muốn. Tôi ra ngoài và tuyển về bảy mươi người. Tôi chưa thể trả lương cho họ ngay được, nhưng tôi có được bảy mươi người muốn tham gia dự án này. Chúng tôi đều hết lòng với dự án và đã tạo ra trang web này.
Thế rồi, hóa ra người ta chỉ muốn có một blog để thu hút lượng truy cập vào các website khác của họ mà thôi. Tầm nhìn của họ khác với tôi. Tầm nhìn của tôi là kiểu, “Ôi chao, nhóm nhạc The Beatles tái hợp rồi này”. Nhưng họ thì lại, “Chúng tôi không cần cô tạo ra một trang web trị giá hàng triệu đô-la”.
Tôi thất vọng khủng khiếp. Cuối cùng tôi nổi giận đùng đùng và nghỉ việc. Người ta muốn tôi cắt giảm đội ngũ nhân sự bảy mươi người, dù về cơ bản họ đang làm việc không lương. Người ta không muốn trang web nổi tiếng đến thế. Họ cảm thấy trang web này đang phát triển quá mức rồi. Nó làm đảo lộn lượng quảng cáo đổ về các trang web khác của họ.
Chúng tôi đều thấy trang web có thể tuyệt vời đến mức nào. Nhưng công bằng mà nói thì họ không muốn có nó. Tôi đã không ngừng đấu tranh với họ. Thế nên khi rời đi, tôi cứ quanh quẩn bên tòa nhà đó. Tất cả những người tôi đã tuyển vào làm bắt đầu gọi điện cho tôi và nói, “Chúng tôi muốn đi với cô!”. Có khoảng sáu mươi hai người, và tôi đã không thể dẫn họ theo.
Bà có tin là có một kiểu mẫu hoặc công thức nào đó để trở thành một doanh nhân công nghệ thành công hay không?
Là doanh nhân, bạn phải thoải mái với sự bất định và vô vàn đổi thay. Cũng như câu chuyện về CNET - chúng tôi đã nghĩ mình sẽ lập ra Mạng Máy Tính, và rồi rõ ràng là việc đó quá tốn kém, và có lẽ tốt hơn hết là làm một website thôi. Chúng tôi đã có thể tiến tới và chuyển đổi trọng tâm. Đó là một trong nhiều công thức để trở thành doanh nhân thành công. Ngoài ra bạn cũng phải biết liệu có phải mình không có phẩm chất của doanh nhân hay không.
Tôi từng tham gia những công ty khởi nghiệp mà trong đó người ta hay nói, “Đáng sợ quá đi. Hôm qua suýt tí nữa chúng ta đã có tiền rồi; cứ tưởng mình sẽ có nhà đầu tư rồi chứ. Và hôm nay chúng ta lại chẳng có gì cả”. Không phải ai cũng có thể trở thành doanh nhân. Bạn phải có phẩm chất thích hợp - và có máu mạo hiểm.