T
y đạp xe từ trụ sở tòa soạn báo Sunnydale Sentinel về nhà, gương mặt ánh lên niềm tự hào. Niềm vui đó không hẳn do bản hợp đồng mới ký vẫn đang nằm trong ba-lô của cậu, cũng không phải vì cậu có thể bắt đầu hành trình mới ngay từ sáng mai, mà nó xuất phát từ các ý tưởng đang đua nhau nảy ra trong đầu cậu.
Khi đạp xe qua khu trung tâm Sunnydale, cậu có thể cảm nhận bầu không khí đang thay đổi. Mùa hè đang khép lại và mùa thu sắp bắt đầu. Những ô cửa sổ và mặt tiền của các cửa hàng đã đổi phông nền chủ đề từ màu đỏ, trắng và xanh của tháng Bảy1 sang sắc vàng của mùa thu.
1 Quốc khánh của Mỹ là vào tháng Bảy (ngày 4/7). Đỏ, trắng và xanh là ba màu của quốc kỳ Mỹ.
Điểm dừng chân đầu tiên trong ngày của Ty là Ngân hàng Tiết kiệm và Cho vay Sunnydale, nơi đang rất đông đúc vào giờ này, và Ty phải tự nhắc nhở rằng các doanh nghiệp địa phương không bao giờ nghỉ hè, nhất là ngân hàng duy nhất trong thị trấn.
“Chào Ty”, Carol lên tiếng. Cô là nhân viên giao dịch đã giúp cậu mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng này hồi đầu hè. “Hôm nay chị có thể giúp gì cho em?”
“Chào chị Carol”, Ty đáp lời. “Em muốn kiểm tra tài khoản tiết kiệm của mình và rút ít tiền.”
Carol lắc ngón tay với vẻ đùa giỡn. “Em có nhầm không Ty? Em định gửi tiền chứ có phải rút tiền đâu nào, nhớ không?”
“Nhưng nếu rút tiền để đầu tư thì sao hả chị?”, Ty vừa hỏi vừa nhìn Carol nhập thông tin tài khoản của cậu vào máy vi tính.
“Em chưa đủ tuổi chơi chứng khoán mà đúng không?”, Carol in số dư tài khoản ra cho cậu và nói.
“Chuyện này gần giống như đầu tư vào... à, đầu tư cho bản thân vậy”, Ty chậm rãi đáp, như thể cậu chỉ vừa mới nhận ra điều đó. Cậu nhìn xuống tờ giấy Carol vừa đưa. Cậu có một ngàn hai trăm đô-la tiền tiết kiệm, nhờ công việc làm thêm mùa hè ở Rạp phim Sunnydale. Vốn dĩ Ty muốn dành dụm để sắm một chiếc ô-tô vào năm lớp mười hai, nhưng rồi cậu nhận ra là với các hoạt động ngoại khóa của mình, cộng thêm việc phải duy trì điểm số, thì cậu cũng sẽ không có nhiều thời gian rảnh để lái xe loanh quanh. Nhờ vậy mà cậu đã dành dụm được một khoản đáng kể trong tiền lương hàng tuần của mình để gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Tuy vậy, Ty vẫn không muốn rút ra quá nhiều tiền. Cậu hy vọng mình sẽ được nhận học bổng từ một trong năm trường đại học mình chọn, nhưng cho dù như thế thì cậu biết sẽ có nhiều khoản chi phí sinh hoạt như mua sắm đồ đạc cho phòng ký túc xá, giải trí, đi lại, v.v... Cậu không muốn phải ngửa tay xin tiền mẹ để trả những khoản đó, vậy nên cậu đang cố gắng để dành ít nhất năm ngàn đô-la cho các khoản phát sinh trong năm nhất đại học. Không quá lớn, nhưng đây là con số hợp lý nhất cậu có thể đưa ra dựa trên công việc mới của mình.
“Em có thể rút một trăm đô-la được không?”, cậu vừa hỏi vừa điền vào phiếu yêu cầu rút tiền và đẩy nó qua ô cửa của bàn giao dịch.
“Em muốn rút bao nhiêu cũng được”, Carol nói. “Nhất là khi số tiền đó dùng để đầu tư cho bản thân”, cô nháy mắt, xử lý tờ phiếu và đưa cho cậu năm tờ hai mươi đô-la.
Ty cầm tiền và nháy mắt nói đùa, “Nếu em có thể biến mỗi tờ tiền này thành tờ một trăm đô-la thì sao hả chị?”.
“Chị sẽ đề nghị em ứng tuyển vào ngân hàng này, vì bọn chị cần những người có khiếu tài chính như thế!”
Ty cầm mấy tờ hai mươi đô-la mới cứng và đi thẳng đến tiệm xe đạp ở góc đường.
“Bác giúp được gì cho cháu đây, chàng trai trẻ?”, ông Giuseppe chủ tiệm hỏi.
“Cháu mới nhận việc đi giao báo quanh khu nhà mình ạ”, Ty trả lời.
Ông Giuseppe gãi cái đầu hói nằm dưới chiếc mũ bóng chày có dòng chữ Phụ tùng Giuseppe của mình. “Người ta vẫn còn giao báo cơ à?”, ông hỏi. “Đi bộ sao?”
“Chà, bằng xe đạp chứ ạ”, Ty trả lời. “Vì vậy cháu mới đến đây. Chiếc xe đạp của cháu còn khá tốt, nhưng cháu biết mình sẽ dùng nó rất nhiều trong năm học này, thế nên bác có thể kiểm tra xe một lượt giúp cháu không - thay lốp xe, tút tát lại một chút để nó chạy thật ngon lành ấy ạ?”
“Rất sẵn lòng”, ông đáp. “Cháu cần gói dịch vụ đặc biệt ‘Mùa khai giảng’ của Giuseppe đấy.”
“Gói đó bao nhiêu tiền ạ?”, Ty hỏi.
Ông Giuseppe gãi gãi chiếc cằm lún phún râu và nhìn Ty chăm chú. “Cháu đã bắt đầu công việc chưa?”
“Sáng mai ạ. Cho nên nếu có phiếu giảm giá hay ưu đãi gì đó…”
Ông Giuseppe toét miệng cười. “Bảy mươi đô-la thì thế nào, trọn gói, bảo dưỡng từ đầu đến đuôi?”
Ty tỏ ra đăm chiêu. Cậu không phải là người giỏi thương lượng, nhưng lúc này mỗi tờ hai mươi đô-la đều rất quý giá. Cậu không muốn bị lố ngân sách ngay ngày đầu tiên bắt tay vào việc! “Sáu mươi đô-la có được không ạ?”, cậu hỏi.
Ông Giuseppe nheo mắt. “Yêu cầu hơi cao đấy nhóc. Bác không chắc lắm đâu.”
Ty suy nghĩ một chút rồi mỉm cười. “Nhà cháu được tặng báo dài kỳ miễn phí vì cháu đi giao báo”, cậu nói. “Nhưng mẹ cháu đã đọc trên mạng rồi. Mỗi sáng cháu đều đi học ngang qua đây, cho nên… cháu có thể giao cho bác một tờ báo miễn phí vào mỗi ngày trong tuần, nếu chúng ta có thể thống nhất giá sáu mươi đô-la.”
“Đồng ý!”, ông Giuseppe nói và bắt tay Ty. “Bác thích cách nghĩ của cháu đấy nhóc. Nhưng bác còn thích cách cháu thanh toán hơn”, ông nói thêm lúc Ty đưa ba tờ hai mươi đô-la mới cứng cho mình. “Bác đóng cửa tiệm lúc 5 giờ chiều, nên nếu cháu muốn lấy xe thì tầm đó là xe của cháu đã xong.”
Ty gật đầu và rời khỏi tiệm. Cậu nhìn danh sách khách hàng của mình và đi đến Cửa hàng dược phẩm Discount2. Ngoài hợp đồng, tòa soạn còn giao cho cậu tên và địa chỉ của mười khách hàng hiện tại. Ty nghĩ gửi cho mỗi khách hàng một tấm thiệp có ghi dòng chữ viết tay của mình là một ý kiến hay. Đó sẽ là cách cậu nói, “Cảm ơn vì là khách hàng trung thành của chúng tôi”.
2 Ở Mỹ, cửa hàng dược phẩm còn bán cả đồ dùng nhà tắm (xà phòng, sữa tắm, dầu gội…) và nhiều thứ hàng hóa khác.
Khi Ty đang đứng trước dãy kệ bày thiệp thì một cô gái trạc tuổi cậu bước lại. “Xin chào, mình là Chelsea. Mình có thể giúp gì cho cậu không?”
Ty đỏ mặt, vì cô ấy xinh quá. “À, ngày mai mình sẽ bắt đầu công việc mới”, cậu giải thích. “Mình muốn gửi thiệp đến khách hàng của mình, cậu biết đấy, để có một khởi đầu tốt đẹp. Nhưng mấy cái này...”, cậu đưa ra tấm thiệp in hình hoa lá rất hợp để tặng bà Worsham hàng xóm, “... những năm đô-la một tấm!”.
Chelsea gật đầu. “Ừ, mấy năm nay giá thiệp tăng lên rồi. Cậu có bao nhiêu khách hàng?”
“Hiện tại thì mình có mười người”, Ty trả lời. “Nhưng mình hy vọng tuần sau mình sẽ có nhiều khách hàng hơn, và có nhiều hơn nữa vào tuần kế tiếp. Nhưng đến lúc đó thì mình sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận, nên mình có thể mua nhiều thiệp hơn. Cậu có cái nào đẹp giống cái này nhưng…”, Ty ngập ngừng, có chút lúng túng.
“Rẻ hơn chút hả?”, cô hỏi. “Có chứ. Tiệm mình có một dãy thiệp chín mươi chín xu ở đằng kia, vậy là cậu có thể mua mười tấm mà giá tiền thì chỉ bằng hai tấm thiệp bắt mắt hơn.”
Ty nhìn qua vài tấm thiệp trong dãy chín mươi chín xu, nhưng đúng là mấy tấm đó không đẹp bằng loại thiệp đắt tiền. Chelsea nhìn ra điều đó qua vẻ mặt cậu và mỉm cười. “Còn không thì...”, cô cầm lấy một chiếc hộp ở cuối dãy và nói, “tiệm mình có thiệp bán sỉ”.
“Đó là gì thế?”, Ty thắc mắc. Cậu chưa bao giờ nghe tới thiệp bán sỉ. Ngoài thiệp sinh nhật tặng mẹ mỗi năm thì cậu không phải người hay đi mua thiệp.
“Trong này có mười hai tấm thiệp, mỗi tấm có in những hình ảnh khác nhau như hình hoa cỏ, hình ngôi nhà cổ từ thời Victoria3 hoặc hình cún con.”
3 Nhà được xây vào thời Nữ hoàng Victoria của Anh (1837 – 1901). Kiến trúc thời Victoria mang nhiều phong cách khác nhau.
Ty nhìn chiếc hộp, bắt đầu có hứng thú với ý tưởng này. “Bên trong thiệp viết gì vậy?”, cậu hỏi.
“Cậu muốn trong thiệp viết gì?”, Chelsea hỏi lại.
“Lời chào từ cậu bé giao báo mới của quý khách!”
“Là sao?”, cô nhăn mũi hỏi lại.
“Cậu biết đấy, người đi giao báo mỗi sáng ấy mà.”
“Mình biết điều đó”, cô bật cười. “Chỉ là… người ta vẫn còn thuê người giao báo cơ à?” Thấy Ty hơi nhíu mày, cô bèn nói, “Xin lỗi, mình đùa dở quá. Nhưng không, mình không nghĩ là tiệm mình có loại thiệp đó. À, mà mấy cái này là thiệp trắng đấy”. Cô nói và đưa cho cậu một chiếc hộp khác. “Nhìn xem, mấy tấm thiệp này in hình những ngôi nhà cổ với nhiều phong cách khác nhau. Cậu có thể viết trong thiệp, ‘Mỗi sáng quý khách muốn tôi đặt báo ở đâu?’”.
“Có lẽ mình sẽ làm thế”, cậu nói và với tay lấy một chiếc hộp khác. “Và đối với những khách hàng tiềm năng, mình sẽ viết, ‘Hãy tưởng tượng mỗi sáng quý khách đều nhận được báo ngay thềm nhà’”.
“Nghe hay đó”, Chelsea vừa nói vừa đi cùng Ty đến quầy thu ngân. Ty rất vui vì tiết kiệm được khối tiền, bây giờ cậu có thể đầu tư số tiền đó vào một số phương thức khác để tạo thiện cảm với khách hàng. Trên đường đi đến quầy thu ngân, cậu thấy ký hiệu chụp ảnh thẻ.
“Ở đây có nhận chụp ảnh thẻ không?”, Ty hỏi.
Chelsea đáp, “Có, sao vậy?”.
“Bao nhiêu tiền thế?”
“Hai đô-la một tấm.”
“Mình có thể in mười tấm, trong… hôm nay được không?”
“Chắc chắn rồi. Mình có thể in xong trong vòng năm phút. Như thế đã kịp chưa?”
“Tuyệt vời”, Ty nói khi đứng trước tấm phông xanh, còn Chelsea thì hướng máy ảnh về phía cậu.
“Tươi tắn lên nào!”, cô nói, và Ty mỉm cười. Nói cho cùng, cậu đang đầu tư vào bản thân cơ mà. Sao lại không cười được chứ?
“Tôi và John Dvorak1 cùng với một số chuyên gia máy tính khác ở Thung lũng Silicon ngồi lại với nhau và lập ra CNET 2. Ý tưởng ban đầu không phải là tạo ra một website, mà là xây dựng một mạng truyền hình. Họ định gọi đó là Mạng Máy Tính. Ý tưởng đó không thành công; họ không gọi được đồng vốn nào cả, còn tôi thì không thể giúp họ. Vậy nên họ quyết định: chúng tôi sẽ làm một website, và đó chính là những gì chúng tôi đã làm được.”
1 Nhà báo kiêm phát thanh viên người Mỹ, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và máy tính.
2 Website truyền thông của Mỹ, chuyên đăng tải các bài bình luận, tin tức, bài báo, blog, video,… về công nghệ và hàng điện tử tiêu dùng trên toàn cầu.
– Gina Smith,
phóng viên chuyên viết mảng công nghệ đã giành nhiều giải thưởng