T
y cảm thấy thật may khi mình bắt đầu đi giao báo trước khai giảng một tuần. Điều đó giúp cậu có cả ngày để quen tay hay việc, thay vì chỉ có buổi sáng và buổi tối.
Cậu bắt tay vào việc từ mờ sáng thứ Hai, với một chồng báo mới được giao đến trước cửa nhà cậu lúc 5 giờ sáng. Mùi giấy báo và mực nhũ ánh đồng tràn ngập trong không khí khi cậu cuộn mấy tờ báo lại - thật thơm và ấm áp. Vì dự báo thời tiết là sáng nay có mưa nên cậu cho mỗi tờ báo vào một chiếc túi nhựa trong mỏng do tòa soạn Sunnydale Sentinel cung cấp.
Cậu mừng là tòa soạn có đưa dư mấy tờ báo, vì cậu đã làm rách gần một nửa số báo trong lúc háo hức muốn gấp chồng báo thật nhanh. Và cậu lại làm rách thêm vài tờ nữa khi cố gắng nhét thiệp vào bên trong. Mấy tấm thiệp bị gập lại một cách tệ hại và còn che mất trang đầu của tờ báo. Sau khi thử nhiều cách khác nhau, Ty nhận thấy nếu nhét thiệp vào trong tờ báo đã cuộn sẵn thì tấm thiệp dễ giữ được nguyên dạng hơn và không bị cong khi mở ra.
Đến 5 giờ 30 thì Ty đang bon bon trên đường, chiếc xe đạp mới được bảo dưỡng lướt qua những con phố yên ắng. Cậu biết rõ nhà cửa trong khu, và vì còn sớm, đèn đường còn chưa bật, nên cậu có thể tập ném báo vào hiên nhà sao cho nó rơi ngay chính giữa thảm chùi chân trước cửa.
Cậu định xuống xe và cẩn thận đặt báo lên tấm thảm của từng nhà, nhưng cậu biết mình sẽ không có thời giờ để làm chuyện xa xỉ như thế một khi lượng khách hàng của cậu tăng lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp bốn lần.
Với lượng khách hàng quá sức ít ỏi, Ty nhanh chóng hoàn thành tuyến giao báo, và đến 6 giờ thì cậu đã về đến nhà, nghĩ ngợi về mấy tờ báo dư mà tòa soạn đưa cho. Sau khi để tờ báo của ông Giuseppe - ông chủ tiệm xe đạp thân thiện - sang một bên, vẫn còn lại năm tờ.
Cậu chợt nảy ra một ý tưởng và nhẹ nhàng bước vào nhà - lúc này mẹ cậu vẫn còn đang ngủ - rồi chạy ù lên phòng. Tòa soạn đã cho cậu bản đồ toàn bộ nhà cửa trong khu, cả bảy con đường của Hampton Squares.
Chín căn nhà của các khách hàng hiện tại được in màu đỏ. Nhà của những khách từng đặt báo nhưng không còn đặt tiếp nữa thì được in màu xanh lá, còn những nhà chưa từng đặt báo thì có màu đen.
Ty làm một phép tính nhanh. Cậu có chín khách hàng hiện tại in màu đỏ, hai mươi mốt khách hàng cũ in màu xanh lá và một trăm bảy mươi bảy khách hàng tiềm năng in màu đen. Cậu tính ra là nếu muốn ký hợp đồng đặt báo với từng nhà trong vùng thì cậu có một trăm chín mươi tám cơ hội để làm thế.
Thay vì đem bỏ hoặc tái chế năm tờ báo dư mỗi ngày, nếu như cậu cuộn chúng lại và cho vào túi, kèm theo tờ ghi chú hoặc thiệp có lời chào từ “người có khả năng là cậu bé giao báo mới” của họ, thì có khi cậu không những giành lại được hai mươi mốt khách hàng cũ mà còn lôi kéo được một trăm bảy mươi bảy nhà chưa từng đặt báo dài kỳ nữa ấy chứ.
Với năm tờ báo miễn phí một tuần, cậu sẽ phải mất ba mươi lăm tuần mới “chào hỏi” hết một trăm bảy mươi bảy nhà. Vậy là cậu sẽ mất gần hết học kỳ mùa thu để làm việc này, nhưng có còn hơn không, và điều này sẽ góp phần vào mục tiêu cả năm của cậu, đó là ký hợp đồng đặt báo dài hạn với tất cả các hộ gia đình trong tuyến giao báo của mình.
Còn bây giờ, cậu lấy năm tấm thiệp còn dư và viết mấy dòng sau:
Xin chào, mong rằng quý khách sẽ thích số báo biếu lần này của Sunnydale Sentinel. Tôi tên Ty Chandler và tôi là người giao báo trong vùng của quý khách. Vui lòng gọi hoặc nhắn tin cho tôi theo số 478-393-3417 nếu quý khách muốn được nhận báo như thế này mỗi sáng. Chúc quý khách đọc báo vui vẻ! - Ty
Sau khi dán năm tấm ảnh thẻ còn lại lên thiệp, Ty lại nhảy lên xe để chạy đến năm địa chỉ đầu tiên trong danh sách khách hàng triển vọng thuộc nhóm đã-từng-đặt-báo.
Khi giao xong số báo đó, cậu bắt đầu làm những việc thường lệ như cắt cỏ, dọn phòng, đăng ký môn học qua mạng, tìm hiểu các trường đại học cho đến đầu giờ chiều. Sau đó cậu tắm rửa, sửa soạn, trưng ra nụ cười bảnh nhất của mình và bắt đầu đi chào hỏi khách hàng.
Nhà đầu tiên cậu đến là nhà bà Brubaker cách đó ba căn. Bà mở cửa khi cậu mới gõ đến lần thứ hai. Trông bà thật nhiệt tình và nhanh nhẹn dù đã bước vào tuổi tám mươi. “Bà giúp gì được cho cháu đây, chàng trai trẻ?”, bà nhìn cậu chăm chú qua cánh cửa chắn và hỏi.
“Chào bà ạ”, cậu lên tiếng. “Cháu là Ty, người giao báo mới của bà. Cháu chỉ muốn ghé thăm và tự giới thiệu thôi ạ.”
“Cháu không bán thứ gì đấy chứ?”, bà thận trọng hỏi.
“Dạ không, cháu chỉ muốn đảm bảo là bà đã nhận được báo sáng nay thôi ạ.”
Bà mỉm cười. “Giờ thì bà nhận ra cháu rồi”, bà nói rồi chậm rãi đi qua cánh cửa chắn đến chỗ cậu đứng trên thềm nhà. Bà mặc chiếc đầm ở nhà màu xanh nhạt, mang dép lê màu hồng và có mùi hoa tử đinh hương. “Cháu đã dán hình mình vào tờ báo của bà!”
“Cháu làm thế để bà biết phải tìm ai khi có chuyện gì trục trặc đấy ạ”, cậu đùa.
Bà nhướng một bên mày bạc trắng lưa thưa. “Cháu nhắc bà mới nhớ”, bà nói và chỉ về phía bãi cỏ. “Mấy cái đầu phun nước tự động đã tưới cỏ trước lúc bà lấy báo. Tờ báo ướt nhẹp hết trơn.”
“Nhưng báo được bỏ trong túi nhựa mà bà”, cậu nói. Ngày đi làm đầu tiên, còn là ngôi nhà đầu tiên nữa, vậy mà cậu đã bị phàn nàn rồi sao?
“Cái đồ rẻ tiền đó ấy hả?”, bà đằng hắng. “Bà đã gọi điện cho tòa soạn và phàn nàn biết bao nhiêu lần suốt mấy năm nay rồi. Họ chẳng buồn quan tâm.”
“Chà, cháu thì có đấy”, cậu nói. “Cháu rất quan tâm nữa là khác. Hôm nay là ngày đầu tiên cháu đi làm, và cháu muốn tất cả khách hàng của mình đều hài lòng. Gì thế ạ? Sao bà lại nhìn cháu như thế?”
“Cháu có chắc là mình không định chào bán thứ gì đó chứ, chàng trai trẻ?”, bà Brubaker nhìn cậu chằm chằm và hỏi.
“Dạ, cháu không bán gì thật mà”, Ty trả lời. “Cháu chỉ thấy rất biết ơn vì bà là khách hàng của cháu và muốn đảm bảo bà được vui lòng.” Cậu nhìn quanh thềm nhà, ván sàn bị cong vênh và phủ đầy lá rụng. “Có chỗ nào cháu có thể ném báo vào mà báo không bị ướt không hả bà?”
“Không có”, bà lắc đầu nói. “Sáng nào mấy cái đầu phun tưới cỏ cũng làm thềm nhà bà ướt cả.”
Cậu bước xuống bậc thềm và ngay lập tức nhận ra vấn đề. “Ồ, thì ra là vậy”, cậu nói và quay ngược cái vòi lại. “Bà để mấy cái đầu phun quay nhầm hướng rồi.”
Cậu đảm bảo vòi phun nước quay ra ngoài sân chứ không phải vào trong thềm nhà và dùng tay mở vòi. Chiếc vòi liền phun nước lên mặt sân khô ráo, sáu tia nước xịt ra gần tới vỉa hè. Cậu đóng vòi lại. “Khi đến giờ tưới cỏ tự động ngày mai thì bãi cỏ nhà bà sẽ được tưới ướt, còn báo của bà thì không.”
“Cảm ơn chàng trai trẻ”, bà nói với nụ cười rạng rỡ. “Lẽ ra bà phải làm thế từ mấy tuần trước mới phải!”
Ty vẫy tay chào tạm biệt bà và đi sang nhà tiếp theo.
Mặc dù ai cũng tử tế, và thậm chí còn ngạc nhiên thích thú khi thấy cậu đích thân đến chào hỏi, nhưng hầu hết mọi người đều phàn nàn về người giao báo trước kia.
“Chiếc xe hơi của anh ta làm sáng nào ông cũng thức giấc lúc 5 giờ 30”, ông Johnson nói.
“À, cháu đi xe đạp ạ”, Ty nói. “Thế nên ông không cần phải lo lắng vấn đề đó nữa.”
“Túi nhựa đựng báo sáng nay bị rách”, bà Evans phàn nàn, “và sương làm tờ báo bị ướt. Bà không tài nào đọc được một nửa trang nhất”.
“E rằng đó là lỗi của cháu ạ”, cậu nói, mặt hơi ửng hồng. “Hôm nay là ngày đầu tiên đi làm nên cháu háo hức quá, có thể cháu đã nhét báo vào túi quá vội vàng!”
“Không phải đâu”, bà giải thích. “Chuyện này từng xảy ra rồi. Mấy cái túi nhựa trong suốt đó rẻ tiền quá ấy mà!”
Ty phải đồng ý với điều đó, và sau khi gặp khách hàng cuối cùng của ngày hôm nay, cậu tranh thủ vào trung tâm thị trấn để xem có thể làm gì để cải thiện tình hình hay không. Khi cậu đạp xe đến Cửa hàng Dụng cụ Harper cũng là lúc mặt trời sắp lặn, ông Harper cất giọng trầm vang chào cậu. Ông là một người đàn ông trung niên có vóc người mập mạp, mặc tạp dề làm việc màu đỏ tươi.
“Chào mừng đến tiệm Harper, chàng trai trẻ. Hôm nay bác giúp được gì cho cháu nào?”
“Cháu không chắc nữa ạ”, Ty thú thật. “Cháu là người giao báo. Mấy túi nhựa mà tòa soạn đưa cho cháu cứ bị rách hoài và khách hàng đang phàn nàn. Cháu nghĩ bác có thể có thứ gì đó có chất lượng tốt hơn.”
Ông Harper nheo mắt và gãi cằm. “Thật là một yêu cầu kỳ lạ”, ông vỗ vai Ty và dẫn cậu đi đến dãy kệ hàng gần đó. “Hiếm có khách hàng khiến bác bị bí ngay tại chỗ, nhưng bác phải thừa nhận là trước giờ chưa từng có ai hỏi mua thứ như thế cả.”
“Cháu cứ tưởng tòa soạn phải có túi tốt hơn thế”, Ty càu nhàu.
“Nói ra thì một nửa số báo buổi sáng của bác cũng bị ẩm đấy!”
“Bác có sống trong khu Hampton Squares không ạ?”, Ty hỏi. “Nếu có thì điều này cũng sẽ có ích cho bác đấy.”
“Đáng tiếc là không”, ông Harper nói. “Và bác đã ngừng đặt báo từ mấy năm trước rồi. Nào, khu bày túi đựng đây rồi. Bác không chắc trong số này có loại cháu cần hay không, nhưng chúng ta có thể tìm xem sao.”
Ty bắt đầu nhìn lướt qua mấy chiếc túi nhựa dày và chắc, nhưng mấy cái này quá to, quá nhỏ, kích thước quá kỳ quặc hoặc là quá kềnh càng đối với mục đích của cậu. Và tất cả đều quá đắt!
“Cái nào cũng có giá thế này ạ?”, Ty hỏi.
“Không may là đúng thế”, ông Harper đáp. “Túi nhựa là ngành hái ra tiền đấy. Giờ thì, ở đằng kia…”
Nhưng Ty đã ngắt lời ông. “Đó là gì thế bác?”, cậu hỏi khi thấy có vài kệ bày mấy cái túi mỏng màu đỏ.
“Cái đó hả?”, ông Harper nhăn mũi và nói. “Đó là túi đựng dù. Các cửa tiệm mua với số lượng lớn và đặt trước cửa những khi trời mưa để khách hàng có thể đựng dù mà không làm nhỏ nước khắp tiệm.”
“Túi hơi dài”, Ty trầm ngâm, “nhưng khá vừa vặn với tờ báo”.
“Nhưng không vừa với số báo Chủ nhật”, ông Harper bước lại chỗ Ty và nói. “Nó khá to.”
Ty gật đầu. “Cháu nghĩ tòa soạn dùng loại túi khác vào Chủ nhật.”
“Cháu nói đúng”, ông Harper nói. “Vậy thì cháu chỉ gặp khó vào sáu ngày ẩm ướt trong tuần mà thôi.”
“Nếu có bác giúp thì sẽ không bị nữa”, Ty nói và chỉ vào mấy cái túi nhựa đỏ.
Túi khá mỏng, nhưng vẫn chắc chắn hơn mấy cái túi hiện có của cậu. Không chỉ vậy, màu sắc này sẽ giúp các khách hàng lớn tuổi dễ nhìn thấy hơn, đặc biệt là những hôm Ty lỡ tay ném tờ báo vào bụi cây.
“Đây”, ông Harper đi đến chỗ kệ bày hàng và nói. “Mấy cái túi này dùng để đựng dù xếp gọn, có lẽ chúng sẽ vừa với tờ báo hơn.”
Ty gật đầu, nhận lấy xấp túi nhựa từ tay ông Harper. “Cháu sẽ phải cuộn báo chặt hơn mới được”, cậu lẩm bẩm, “nhưng mấy cái túi này chắc là được đây. Bao nhiêu tiền vậy bác?”.
Ông Harper đưa cậu đến quầy thu ngân. “Bảy đô-la hai mươi bốn xu cho một hộp năm trăm cái”, ông nói.
Ty gật đầu, bắt đầu tính nhẩm.
“Nghe có vẻ hơi nhiều”, ông Harper nói tiếp, “nhưng nếu cháu đi giao một trăm tờ báo mỗi sáng thì… chà, có đáng phải làm thế không?”.
Ty gật đầu. “Đây là việc cháu muốn làm ngay bây giờ”, cậu nói. “Giúp khách hàng vui lòng là việc đáng làm, nhất là khi cháu chỉ mới khởi đầu.”
Ông Harper gật đầu. “Chắc chắn rồi, chàng trai trẻ, à mà…”
“Ty ạ”, cậu nói và đưa tay ra.
Ông Harper bắt tay cậu. “Chắc chắn là vậy, Ty à.” Ông nhìn xuống bảng tên của mình, trên đó có ghi “Ông Harper”. “Bác nghĩ cháu biết bác là ai rồi.”
“Chứ bác nghĩ tại sao cháu lại chạy thẳng đến chỗ bác nào?”, Ty cười và nói.
“Chà, nghe này Ty, cháu không thể khởi đầu bằng cách giao cho khách hàng những chiếc túi đỏ dày dặn và đẹp đẽ giúp tờ báo không bị ướt, để rồi khiến họ thất vọng chỉ sau hai tuần, khi cái hộp này đã hết và cháu thì không đủ tiền để mua thêm.”
Ty gật đầu. “Bác nói đúng. Cứ vài tuần cháu sẽ phải mua một lần.”
“Vậy thì làm thế có đáng không, Ty?”, ông Harper lại hỏi.
Ty nhíu mày. “Với mức giá này thì không”, cậu thừa nhận. “Có cách nào để giảm giá không ạ?”
Ông Harper mỉm cười. “Chà, bác có giảm giá cho các doanh nhân trẻ”, ông nói. “Và chắc chắn là cháu đủ điều kiện, cho nên…” Giọng ông nhỏ dần vì bận tính toán. “Bác sẽ giảm cho cháu còn sáu đô-la một hộp. Như thế ổn hơn, đúng không nào?”
Ty gật đầu trong lúc vẫn còn đang mím môi suy nghĩ. “Cháu muốn mức giá năm đô-la một hộp”, cậu vừa thú thật với ông Harper vừa nhớ tới ông Giuseppe ở tiệm xe đạp. “Mỗi sáng cháu giao báo đến tiệm xe đạp cách đây vài căn. Nếu cháu cũng giao một tờ đến đây thì thế nào ạ? Đáng một đô-la một hộp mà đúng không bác?”
“Cháu trả giá hơi nhiều đấy, Ty”, ông Harper nói và đưa tay ra. “Nhưng cháu đã thương lượng thành công!”
“Còn một chuyện nữa ạ”, Ty nói, cậu không muốn phải trả trước khoản tiền nào nữa nếu có thể tránh được. “Cháu có thể ghi sổ khoản này cho đến khi nhận lương vào cuối tuần không ạ?”
“Hãy nghĩ ra những cách phi chính thống để giải quyết vấn đề. Khi xem xét vấn đề, hãy nghĩ xem có cách nào để lật ngược vấn đề hay không: mình có thể lật ngược giải pháp thông thường để đạt được kết quả tốt hơn không? Hãy sẵn sàng tránh xa những đáp án hiển nhiên và những điều trực giác mách bảo, và hãy tự hỏi: Trí tưởng tượng đang nói với mình điều gì?
Hãy vận dụng trí tưởng tượng, hãy tự hỏi: Picasso sẽ giải quyết vấn đề này thế nào? Steve Jobs sẽ giải quyết vấn đề này thế nào? Oprah Winfrey sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?”
– Josh Linkner,
CEO/Hội viên quản trị của Công ty Nghiên cứu và Đầu tư Detroit Venture Partners