Jenny nhận bằng tốt nghiệp hôm thứ tư. Đông đủ những người thân thích của nàng từ Cranston, Fall River, đều đến Cambridge dự lễ phát bằng, có cả một người cô từ Cleveland cũng đến. Chúng tôi đã thỏa thuận trước với nhau sẽ không giới thiệu tôi là chồng chưa cưới của Jenny và Jenny sẽ không đeo nhẫn đính hôn. Cốt để không ai bị mếch lòng (quá sớm) là không được mời đến dự lễ cưới.
- Thưa cô Clara, đây là anh Oliver, bạn trai cháu. - Jenny đại loại nói như vậy, không quên thêm: Anh ấy thì chưa tốt nghiệp.
Mọi người xì xào nhỏ to với nhau rất nhiều, và thậm chí đặt ra những câu hỏi thẳng thừng, nhưng họ hàng nhà Jenny không moi được một chi tiết cụ thể nào ở Jenny hoặc tôi… và cả ở ông Phil. Tôi đoán ông mừng là tránh được việc chuyện trò, bàn bạc về tình yêu của những kẻ vô thần.
Đến thứ năm, tôi trở thành bình đẳng với Jenny về mặt học hành: tôi nhận bằng tốt nghiệp trường Harvard, cũng hạng ưu như Jenny. Hơn nữa, tôi còn được chọn làm người dẫn đầu đoàn sinh viên tốt nghiệp đến ngồi ở hàng ghế danh dự của mình. Điều đó có nghĩa là tôi đi trước cả những sinh viên tốt nghiệp hạng tối ưu, những bộ óc siêu siêu đẳng. Tôi ngứa ngáy muốn nói với những anh chàng đó rằng việc tôi dẫn đầu đoàn dứt khoát minh chứng cho thuyết của tôi coi một giờ tại sân tập Dillon bằng hai giờ tại Thư viện Widener. Nhưng tôi ghìm lại được. Hãy để cho tất cả mọi người đều vui vẻ.
Tôi hoàn toàn không biết Oliver Barrett III có đến dự hay không. Hơn mười bảy nghìn người chen chúc nhau trên sân trường Harvard trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, và chắc chắn tôi không lấy ống nhòm ra quan sát các hàng ghế. Tất nhiên tôi đã dành cho ông Phil và Jenny những giấy mời của tôi. Và cũng tất nhiên, với tư cách cựu sinh viên của trường, ông Già vẫn có quyền đến dự và ngồi cùng với đám tốt nghiệp khóa 1926. Nhưng việc gì mà ông ấy phải đến? Với lại, hôm đó là ngày các ngân hàng mở cửa cơ mà.
Lễ thành hôn được tiến hành vào Chủ nhật cùng tuần. Chúng tôi không mời họ hàng Jenny đến dự vì chúng tôi thực sự lo ngại việc chúng tôi không “Nhân danh Cha và Con và Thánh thần” sẽ là một thử thách quá nặng nề đối với những người ngoan đạo này. Lễ thành hôn diễn ra tại Phillips Brooks House, một tòa nhà cổ kính nằm về phía bắc sân trường Harvard. Timothy Blauvelt, cha tuyên úy Giáo phái nhất thể của trường, làm chủ lễ. Tất nhiên có mặt Ray Stratton; và tôi còn mời cả Jeremy Nahum, một cậu bạn thân thời ở trường trung học Exeter - cậu này thích vào học Amherst hơn là Harvard. Jenny mời một cô bạn gái cùng ký túc xá Briggs Hall và cô bạn cao lồng ngồng, lóng ngóng. ở phòng cho mượn sách, có lẽ vì lý do tình cảm. Và đương nhiên có ông Phil.
Tôi giao nhiệm vụ cho Ray Stratton lo tiếp ông Phil. Nghĩa là chỉ cần làm cho ông ấy cảm thấy thật thoải mái, tự nhiên. Không phải vì Ray Stratton thừa bình tĩnh đâu. Hai con người ấy đứng cạnh nhau, dáng hết sức ngượng nghịu, lúng túng, tự lặng lẽ củng cố định kiến của nhau cho rằng cái “đám cưới tự phục vụ” này (theo lời ông Phil) nhất định sẽ là một “màn diễn vô cùng dở”(theo cách nói của Ray Stratton). Tất cả chỉ vì Jenny và tôi sẽ trực tiếp nói với nhau đôi lời trong lễ cưới. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh cô dâu chú rể phát biểu với nhau như thế hồi mùa xuân năm nay khi một cô bạn âm nhạc của Jenny là Marya Randall lấy một anh sinh viên kiến trúc tên là Eric Levenson. Cảnh tượng rất đẹp khiến hai chúng tôi quyết định cũng làm như họ.
- Hai người đã sẵn sàng cả chưa? - Ông Blauvelt hỏi.
- Đã ạ. - Tôi trả lời thay cho cả Jenny.
- Thưa các bạn, - ông Blauvelt nói với mọi người, - chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến sự hợp nhất hai cuộc đời bằng hôn nhân. Chúng ta hãy lắng nghe những lời mà họ đã chọn để nói với nhau trong giờ phút thiêng liêng này.
Đầu tiên là cô dâu. Jenny đứng quay mặt vào tôi đọc to bài thơ nàng đã chọn. Bài thơ rất cảm động, có lẽ đặc biệt đối với tôi vì đó là một bài xonnê của Elisabeth Barrett:
Khi hồn đôi ta cùng vươn lên vững chãi
Mặt nhìn mặt, lặng lẽ, gần lại nhau
Cho đến khi những đôi cánh vươn dài kia rực cháy …
Liếc mắt nhìn, tôi thấy Phil Cavilleri tái nhợt, miệng há hốc, mắt tròn xoe vì kinh ngạc xem lẫn thán phục. Chúng tôi lắng nghe Jenny đọc hết bài xonnê, theo cách riêng cùa nó là một lời cầu mong:
Một nơi để sống và để yêu trong một ngày
Dù cho bóng tối và thần chết có bủa vây.
Sau đấy đến lượt tôi. Vất vả lắm tôi mới tìm được những vần thơ tôi có thể đọc to mà không đỏ mặt. Tôi thực sự không có khả năng đọc to liền một mạch các câu đẹp đẽ bay bướm. Nhưng một đoạn trong Bài ca con đường rộng mở của Walt Whitman, tuy hơi ngắn, nhưng nói lên đúng những điều tôi muốn bộc bạch:
… Anh trao cho em bàn tay anh!
Trao cho em tình anh quý hơn tiền bạc
Trao cho em con người anh trước những lời thuyết giáo hay luật pháp
Em có gửi cho anh chăng con người em?
Có đi chăng cùng anh trên một con đường?
Ta sống chăng mãi mãi bên nhau suốt cuộc đời?
Khi tôi dừng lời, cả gian phòng chìm trong một sự im lặng kỳ diệu. Rồi Ray Stratton đưa cho tôi chiếc nhẫn cưới, sau đó Jenny và tôi cùng nhau đọc lời ước nguyện hôn nhân: trao thân cho nhau kể từ hôm nay để yêu quý nhau cho đến khi cái chết tách lìa chúng tôi.
Với thẩm quyền được cộng đồng bang Massachusetts trao cho, ông Timothy Blauvelt tuyên bố hai chúng tôi thành vợ chồng.
Về sau nghĩ lại, “buổi liên hoan sau trận đấu” (lời Ray Stratton) thực sự không khoa trương. Jenny và tôi nhất định loại trừ mục rượu sâm banh cổ truyền, và do tất cả chúng tôi chỉ có mấy người, có thể đủ quây quần xung quanh một chiếc bàn con, chúng tôi kéo nhau đi uống bia tại quán Cronin. Tôi còn nhớ, chính Jim Cronin đã đích thân ra mời chúng tôi một chầu để mừng “cầu thủ khúc côn cầu vĩ đại nhất kể từ thời anh em Cleary”.
- Đằng ấy bảo sao? - Ông Phil đấm mạnh tay xuống mặt bàn, giọng oang oang. - Nó còn giỏi hơn cả hai anh em Cleary cộng lại.
Qua đó, ông Phil muốn nói - tôi chắc thế, vì ông đã xem đội khúc côn cầu trường Harvard bao giờ đâu - là cả Bobby lẫn Billy Cleary, cho dù đạt được những thành tích lớn đến đâu trên đôi giày trượt băng của họ song chưa bao giờ lấy được cô con gái xinh đẹp của ông. Vì chúng tôi ai nấy đều đã ngà ngà cả nên đó chỉ là một lý do để chúng tôi uống thêm.
Tôi đã để cho ông Phil trả tiền. Nhờ quyết định ấy mà sau đó tôi đã nhận được một trong những lời khen hiếm hoi của Jenny về sự tế nhị của mình (“Anh rồi ra sẽ trở thành một con người thật sự, anh Dự bị ạ.”). Cuối cùng, khi chúng tôi lái xe tiễn ông ra bến xe buýt thì bầu không khí chuyển thành lâm lý. Mắt ai nấy đều đỏ hoe. Mắt ông Cavilleri, mắt Jenny, và có lẽ cả mắt tôi nữa. Tôi không còn nhớ gì, chỉ biết rằng đó là một khoẳng khắc đẫm nước mắt.
Dẫu sao, sau một hồi chúc tụng nhau và ban phúc lành, ông Phil lên xe buýt và chúng tôi vẫy tay cho đến khi chiếc xe khuất bóng. Đến lúc ấy sự thật đáng sợ bắt đầu xâm chiếm người tôi.
- Jenny, chúng mình đã thành vợ chồng theo pháp luật.
- Vâng, từ nay em có thể là một đứa con gái vô tích sự.