của Francesca Segal, con gái tác giả
Với lối viết lãng mạn mà hóm hỉnh, chặt chẽ, mộc mạc mà mãnh liệt, và đến nay vẫn tươi rói trong từng câu chữ, Câu chuyện tình yêu ra đời trong năm 1970, mười năm trước ngày tôi được sinh ra. Vì sinh sau đẻ muộn như vậy, tôi đã lỡ không được chứng kiến không khí đón chào cuồng nhiệt đầu tiên. Tôi đã lỡ không được nhìn thấy số lượng phát hành bản bìa mềm lên tới hàng chục triệu, số phát hành kỷ lục của bản bìa cứng, và khi bộ phim chuyển thể cùng tên được công chiếu sau đó trong cùng năm tôi cũng đã lỡ không được nhìn thấy dòng người xếp hàng tư mua vé xem phim, doanh thu vượt mọi kỷ lục của phim, đã lỡ không được nhìn thấy những người yêu phim nức nở nghẹn ngào trên khắp thế giới - từ Tokyo cho tới Tennessee, từ London cho tới Lagos. Tôi đã lỡ không được biết rằng gần suốt một thời kỳ mười bốn năm trong đó Jennifer trở thành cái tên được chọn đặt chiều nhất cho các bé gái mới sinh ra tại Mỹ. Câu chuyện tình yêu đã làm nước Mỹ xúc động và khiến cho những kẻ yếm thế nay lại tin tưởng ở tình yêu.
Để hiểu bối cảnh lịch sử của cuốn sách, nhất thiết phải nhớ lại đó là một thời kỳ khác biệt đến như thế nào - trước thời Internet khá lâu, và gần bốn thập kỷ trước ngày cụm từ “lan truyền chóng mặt trên mạng” được đưa vào từ điển.
Câu chuyện tình yêu đã làm được chính điều đó. Cho đến lúc bấy giờ duy chỉ có mỗi ban nhạc Beatles là đã càn quét thế giới đúng như vậy. Cuốn sách đã được dịch sang 33 thứ tiếng.
Cứ 5 người dân Mỹ thì có 1 người đã đọc nó - một chuyện tình đơn sơ giữa ngôi sao khúc côn cầu trường Harvard Oliver Barrett IV với cô sinh viên âm nhạc lém lỉnh xuất thân từ tầng lớp lao động Jenny Cavilleri.
Vì đã viết một cuốn tiểu thuyết 131 trang, cha tôi đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới - được bạn đọc yêu mến, nhưng lại bị giới học giả ghen ghét bêu riếu cho rằng đã là giáo sư đại học thì không được bén mảng đến lĩnh vực văn hóa dân gian. Và tất cả những chuyện ấy, tôi đã bị lỡ không được biết. Nhưng tôi được biết đến cuốn tiểu thuyết, và khá may mắn là được biết tác giả xuất chúng của nó. Cha tôi là một con người thật hòa nhã và kết quả là ông đã viết ra một cuốn tiểu thuyết nhân hậu, chân thật. Ông đã đặt vào trong đó tấm lòng và tâm hồn ông, tính trung thực và nét hóm hỉnh của ông và sự tổng hòa của tất cả những yếu tố ấy, hiếm có biết bao, là một thứ gì tưởng chừng không thể có thật.
Ở tuổi ba mươi. vào một lúc thảnh thơi trong một ngày đông giá lạnh và tĩnh mịch vì tuyết tại Cambridge, bang Masachussetts, ông ngồi viết cuốn sách mà quý độc giả đang cầm trong tay Ông là một giáo sư trẻ và năng động dạy môn Văn học cổ điển và so sánh tại Trường đại học Yale và ông vừa mới được nghe kể một sinh viên cũ của ông đang học ở Harvard đã mất đi người vợ trẻ của mình vi căn bệnh ung thư ở tuổi hai mươi nhăm.
Cha tôi khi ấy chỉ nhỉnh hơn người sinh viên kia vài ba tuổi và chính mình còn đang đau nỗi tang cha, đã vô cùng thương xót trước câu chuyện đau lòng này.
Cô gái Jenny và chàng trai Oliver tình cờ quen biết nhau. Hai người đem lòng thương yêu nhau, nhưng cha mẹ họ không tán thành. Jenny từ giã cõi đời và sự mất mát ấy làm tan nát trái tim Oliver, và cũng làm tan nát trái tim chúng ta nữa. Vì sự đơn sơ đến táo bạo của câu chuyện, tờ báo Le Monde coi đó là “cuốn tiểu thuyết mà không một ai dám cả gan viết ra, nhưng tất cả mọi người đều mong đợi đọc nó.” Nước Mỹ năm 1970 là một đất nước mình đầy thương tích, bị xé làm đôi vì cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam. Màn ảnh trong năm ấy tràn ngập chuyện bạo lực, dâm dục và giả dối. Martin Luther King, Jr đã chết. Giữa các thế hệ đã khoét sâu một vực thẳm tưởng chừng không thể hàn gắn được. Lớp người tuổi cha chú tôn thờ nền Cộng hòa từng kiêu hãnh phục vụ đất nước trong Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc tại Triều tiên, không thể hiểu nổi lũ con cháu hippie tóc dài xé thẻ quân dịch, phản đối chiến tranh và phỉ báng “thói thị dân” của cha mẹ chúng. “Sự im lặng như căn bệnh ung thư ngày một trầm trọng.” Simon và Garfield đã cất tiếng hát sau vụ ám sát tổng thống J.F. Kennedy, và sự im lặng, mối bất hòa giữa cha và con ngày một nặng nề và lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Trong Câu chuyện tình yêu, điều nổi trội là những giá trị mà Jenny trân quý - trên hết là tôn kính cha mẹ. Câu chuyện tình yêu này thực ra là hai câu chuyện: chuyện tình thứ nhất giữa người nam và người nữ, chuyện tình thứ hai giữa cha và con. Sự hòa giải ấy mà đau thương đã đem lại cho Oliver cùng với niềm khuây khỏa trong vòng tay cha anh, chính là niềm hy vọng thầm kín của những người cha và những người con trên khắp nước Mỹ.
Tặng Sylvia Herscher và John Flaxman
... namque...solebas
Meas esse aliquid putare nugas (1)
1 Tiếng Latin, trích từ một bài thơ của thi sĩ La Mã Gaius Valerius Cutullus (84? trước CN - 54? trước CN), có nghĩa là “... đã có thói quen coi những thứ vặt vãnh của tôi là những cái đáng giá”
Tác giả ERICH SEGAL từng giảng dạy văn học Hy Lap và Latin tại các trường đại học Harvard, Yale và Princeton.