"Cho đi và nhận lại”, chỉ khi biết “cho đi” chúng ta mới có thể “nhận lại”. Nếu chúng ta không thể làm sáng tỏ được mối quan hệ “nhân, duyên và quả” trong hai từ này, thì không dễ gì hiểu được diệu dụng của câu nói: “Cho đi là nhận lại”.
Ngoài đồng, nếu người nông dân không gieo hạt giống thì làm gì có quả để thu hoạch? Với người thân hoặc bạn bè, hay tất cả các mối quan hệ trong xã hội khác cũng vậy thôi, có qua có lại mới toại lòng nhau. Ngày thường bạn không tặng họ món quà gì để tỏ thành ý, thì làm sao họ có thể mang quà đến tặng cho bạn được?
Hành động cho đi tưởng chừng là cho người khác, nhưng thực tế lại là cho chính mình. Cho người một lời nói khích lệ, thì bạn mới có thể nhận lại lời khen ngợi của người khác. Bạn trao cho người ta một nụ cười, thì bạn mới có thể nhận lại được nụ cười đáp trả. Mối quan hệ của cho đi và nhận lại cũng giống như mối quan hệ nhân và quả vậy. Người có khả năng cho đi được thì nhất định sẽ có tấm lòng giàu có. Nếu như trong nội tâm họ không có sự tri ân, không có tính cách kết duyên, thì họ làm sao có thể dám cho người khác? Và làm sao có thể làm cho người khác “nhận được” chứ?
Nội tâm của họ tràn đầy niềm vui thì họ mới có cái để trao niềm vui cho người khác. Nếu trong lòng họ chan chứa tình yêu thương thì họ mới trao niềm yêu thương cho người khác. Chính mình có của cải thì mới có thể cho đi. Trong tâm nhiều người chỉ có tham lam, sân hận, si mê, nghi ngờ, nếu họ muốn trao cho người khác, thì chắc chắn cũng chỉ trao tham lam, sân hận, si mê và nghi ngờ. Cho nên, chúng ta khuyên mọi người không nên mang phiền não, sầu muộn lây nhiễm cho người khác, bởi vì “cho đi” thứ gì, thì sẽ “nhận lại” thứ đấy, đó là nhân quả tất nhiên thôi.
Dân gian có một câu chuyện như sau: Gia đình nọ có người cha thích làm điều thiện, thường xuyên bố thí cho người khác, mà của cải nhà ông vẫn còn nhiều vô cùng; nhưng đáng tiếc là cô con gái của ông tính tình tham lam, keo kiệt. Sau khi người cha qua đời, cô con gái thừa hưởng gia sản, lại tìm mọi cách thu gom tất cả của cải của người khác về mình. Về sau, nhà cô bị hỏa hoạn, gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, chẳng còn gì trong tay. Hai cha con họ, một người cho đi và một người luôn đòi nhận lại, kết quả được, mất đúng như ông trời đã định sẵn. Cho nên, “cho đi để nhận lại” đó là điều chắc chắn.
Trong Phật giáo, cho đi có nghĩa là bố thí. Bố thí giống như cây Ni Câu Đà, trồng một thu hoạch mười, trồng mười thu hoạch trăm, trồng trăm có thể thu hoạch nghìn vạn. Vì thế, con người chúng ta sống trên thế gian mong cho sống đến trăm tuổi, được vinh hoa phú quý, gia đình hòa thuận, danh tiếng cao vời, thân thể khỏe mạnh, thông minh trí tuệ, v.v. thì điều đầu tiên là nên tự hỏi: “Bạn đã có gieo hạt giống vào vụ xuân chưa? Nếu không thì mùa thu làm sao có cái để mà thu hoạch?”
“Cho đi” nên xuất phát từ tâm từ bi, lợi tha, cần phải mang pháp lành trao cho người khác, mang lợi ích trao tặng mọi người. Trong Thập nhị nhân duyên kinh có nói: “Ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời, nước bọt không đến được trời mà còn rơi xuống mặt mình. Tung bụi ngược gió, bụi không bay về phía trước mà bay ngược về mình”. Cho đi cũng giống như mang quà tặng cho người, nếu như món quà của mình không thích đáng, đối phương không chịu nhận, vậy thì món quà vẫn là của mình. Vì thế, chúng ta “đừng cho người khác thứ mà mình không thích”. Chúng ta thích ánh mặt trời mùa đông, vì nó mang lại sự ấm áp cho chúng ta; chúng ta thích cây cổ thụ, vì nó cho chúng ta bóng râm mát mẻ; chúng ta thích con cái, vì chúng sẽ hiếu dưỡng chúng ta; chúng ta thích bạn bè, vì họ giúp đỡ cho chúng ta. Nếu như mặt trời, cây cổ thụ, con cái, bạn bè, v.v. không mang lại lợi ích cho chúng ta, thì liệu rằng chúng ta có thích chúng không?
Nếu tình yêu là sợi dây trói buộc, thì bạn hãy buông bỏ tình yêu, tự nhiên sẽ có được sự tự tại. Nếu như kiêu ngạo là phiền não, bạn cứ buông bỏ kiêu ngạo, chẳng phải như thế thì bạn sẽ được vui vẻ hơn hay sao? Nếu như vọng tưởng là hư vọng, bạn buông bỏ vọng tưởng đi, chẳng phải như vậy thì bạn sẽ đạt được chân thật hay sao? Cho nên, nếu bạn có thể buông bỏ, thì bạn sẽ có thể nhận được nhiều thứ khác, đây là đạo lý rất hiển nhiên thôi.
Khi đi trên đường, nếu không buông bỏ đi những bước chân phía sau, thì bạn sẽ không cách nào có thể tiến lên những bước phía trước được. Khi làm văn, nếu không bỏ đi những từ ngữ dài dòng dư thừa, thì không thể nào hoàn thiện thành một đoạn văn gọn gàng, súc tích. Nếu bạn không cắt bỏ đi những cành khô lá úa, thì chúng không thể nào nảy ra những mầm mới xanh non. Trong kiến trúc đô thị, nếu như bạn không phá đi những cái lỗi thời, cũ kỹ, thì sẽ không cách gì có thể tạo nên dung mạo mới cho thành phố. Nếu như người tu hành không thể cắt ái từ thân thì làm sao có thể xuất gia học đạo được, làm sao có thể vân du bốn bể, hoằng pháp mang lại lợi ích cho chúng sinh? Các bậc thánh hiền xưa kia: “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”, nếu như không thể bỏ bản thân mình vì người khác, thì làm sao có thể để lại tiếng thơm muôn thuở, tên tuổi ghi ở sử sách chứ?
Đức Phật “làm những điều khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn”. Ngài có thể “cắt thịt nuôi chim ưng, xả thân cho hổ đói” cho nên mới có thể thành được Phật đạo. Đồng tử trên núi Tuyết, vì một câu kệ: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp; sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc1” mà có thể xả thân vì đạo, cuối cũng cũng chứng ngộ đúng như sở nguyện.
1 Các vấn đề trên thế gian này đều là vô thường, nên nó thuộc về pháp sinh diệt. Một khi pháp sinh diệt đó không tịch lặng hết thì tịch diệt hiện tiền, và thứ tích diệt đó mới thực sự là niềm an lạc.
Nếu một người không thể buông bỏ những thói quen cũ, thì không thể tiến bộ được. Người học Phật chính là cần phải “buông bỏ đường mê, đi về lối ngộ; buông bỏ điều nhỏ để đạt cái lớn; buông bỏ giả dối để về với chân thật; buông bỏ hư ảo để được thực tế”. Có câu: “Buông dao đồ tể, ngay đó thành Phật”, không buông bỏ ác tâm thì làm thế nào có thể thành Phật được?
Tóm lại, chúng ta “cho đi” để “nhận lại” là diệu dụng vô cùng. Tặng cho người khác những thứ tốt đẹp, thì bạn sẽ nhận lại được sự tốt đẹp. Nếu bạn cho đi những thứ không tốt, thì bạn sẽ nhận được những điều tương đương. Khi chúng ta gạt bỏ hết tất cả phiền não, đau thương, vô minh, vọng tưởng, v.v. thì tự nhiên sẽ nhận được một cảnh giới khác của cuộc sống.