Trong xã hội ngày nay, người ta càng lúc càng hiểu được vấn đề cần phải “tôn trọng sự chuyên nghiệp”. Thí dụ như có người muốn làm nghề y cứu đời, thì cần phải thi vào trường y; muốn làm thầy cô giáo thì phải nghiên cứu về giáo dục. Ngoài ra, các nghề như sửa điện nước, sửa điện cơ, sửa máy lạnh, sửa máy điều hoà, làm nghề đầu bếp, v.v. dù phân thành nhiều dạng nhưng đều có lĩnh vực chuyên nghiệp riêng.
Trong xã hội ngày trước, nếu muốn xây một căn nhà thì chỉ cần tìm thợ, sau đó thợ sẽ chuẩn bị thiết kế, bản vẽ, cây gỗ, vôi vữa, v.v. rồi một mình bắt tay vào xây dựng tất cả. Nhưng đến ngày nay, lợp ngói thì có thợ ngói, phần xây dựng có thợ xây đảm nhiệm, phần mộc thì có thợ mộc đảm nhiệm, sắt thép thì có riêng thợ sắt thép, vôi vữa thì có thợ hồ riêng, v.v. mỗi công đoạn đều có thợ chuyên nghiệp đảm trách. Cho đến người theo học hội họa nghệ thuật, học vẽ phong cảnh hay vẽ chân dung, v.v. cũng đều có chuyên môn theo từng trường phái riêng biệt. Xã hội ngày nay đang dần dần trở nên chuyên nghiệp hóa, hình thức một người thầu tất cả các công đoạn đang bị thời đại đào thải. Nếu có thể “tôn trọng sự chuyên nghiệp”, thì vấn đề kiến thiết của xã hội mới tiến bộ, sự phát triển của xã hội mới có thể trở nên hài hòa.
Có câu chuyện, một người chèo đò chở một triết gia qua sông. Trong lúc đang xoay xở chèo lái con thuyền nhỏ trong dòng nước xiết, triết gia hỏi người chèo đò: “Anh có hiểu về lịch sử không?” Người chèo đò đáp: “Không hiểu!” Triết gia phê bình: “Vậy anh đã mất một nửa cuộc đời rồi!” Sau đó người này lại hỏi tiếp: “Anh có nghiên cứu về toán học chưa?” Người chèo đò đáp: “Chưa!” Triết gia lại phê bình: “Vậy thì anh mất mát nốt một nửa cuộc đời còn lại rồi!”
Nói vừa dứt, một cơn gió lớn thổi lật cả chiếc thuyền con, hất hai người vào trong dòng nước. Lúc này người chèo đò hỏi triết gia: “Anh biết bơi không?” Triết gia đáp: “Không biết!” Người chèo thuyền nói: “Vậy bây giờ anh sẽ mất cả cuộc đời đấy!”
Tục ngữ nói: “Nhiều nghề thì không chuyên” nghĩ cũng đúng! Cuộc sống con người chỉ có mấy mươi năm, thì làm sao có thể học cho chuyên tinh nhiều nghề được chứ? Cho nên, mỗi người chỉ có thể học cho mình một nghề mà mình cảm thấy hứng thú nhất cho thật tinh chuyên. Do đó, lãnh đạo chỉ nên yêu cầu nhân viên làm đúng chuyên môn của riêng mình, cần tôn trọng sự chuyên nghiệp, không nên yêu cầu phải tinh thông tất cả. Cũng hy vọng những bậc làm cha mẹ, chỉ nên yêu cầu con cái mình chuyên một kỹ năng duy nhất là quý lắm rồi. Có câu: “Đã muốn con ngựa tốt, nhưng cũng muốn con ngựa không ăn cỏ!” Yêu cầu con cái “văn võ toàn tài”, trăm món võ nghệ món nào cũng tinh thông, thì thật sự không thể thích hợp với yêu cầu của xã hội ngày nay được. Mong rằng trong xã hội chúng ta, từ nay về sau, ai ai cũng có thể “tôn trọng sự chuyên nghiệp”, như vậy mới có thể bắt kịp với trào lưu và xu thế của thời đại được.