Trong Phật giáo, khi vị giảng sư đến để giảng kinh, thuyết pháp nơi nào, thì mọi người thường nói: “Cảm ơn đã đến đây phóng hào quang”, “cảm ơn đã đến đây khai thị”. Người ta dùng từ “phóng hào quang” để thí dụ cho việc thuyết pháp, điều đó thật sự có ý nghĩa vô cùng!
Thuở Đức Phật còn tại thế, trước khi Ngài giảng kinh, thì hầu như đều có hiện tượng “phóng hào quang”. Điều này thường được nhắc đến trong Hoa nghiêm kinh và các kinh điển Đại thừa khác; thậm chí một số kinh điển có tên gọi trực tiếp như là Phóng quang Bát nhã kinh.
Trong Kim cương kinh, đoạn mở đầu viết: “Thuở nọ, đến giờ đi khất thực, Đức Thế Tôn đắp y, tay bưng bình bát đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Trong thành, khi đã đi khất thực theo thứ tự xong, ngài trở về nơi trụ xứ của mình. Sau khi dùng cơm xong, dọn dẹp y bát, rửa chân tay, ngồi xếp bằng…” Đoạn này đang giải thích việc Đức Phật phóng ra hào quang: “Đắp y, bưng bình bát”, đó là phóng hào quang trên tay; “đi vào thành Xá Vệ khất thực” là giải thích việc Đức Phật lên đường, để cho tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy, đó chính là phóng quang trong mắt; “sau khi ăn trưa xong”, đây là phóng hào quang trong miệng; “rửa chân tay”, đây là phóng hào quang trên bàn chân; “ngồi xếp bằng”, đây là phóng hào quang trên thân thể. Thậm chí, trong đoạn kinh có câu “lúc đó Đức Thế Tôn”, đây là nói về việc Đức Phật lúc nào cũng phóng hào quang Bát nhã. Có thể nói, các hành động đi, đứng, ngồi, nằm của Đức Phật cũng đều đang phóng ra hào quang chân lý.
“Phóng hào quang” vốn là một việc hết sức có ý nghĩa, nhưng mấy năm trước đây, có một người giả mạo việc phóng hào quang, dẫn tới rất nhiều người bàn tán về vấn đề đó. Việc vọng ngữ cho rằng bản thân mình có hào quang là tội lỗi vô cùng nghiêm trọng. Đúng là như vậy, nếu không có tâm từ bi và đạo đức, không có trí tuệ Bát nhã thì làm sao có thể phóng hào quang?
Thật ra, không cần quan tâm đến vấn đề có tỏa ra hào quang hay không, chỉ cần chúng ta tu tập giống như Đức Phật, đồng nghĩa với việc ngày ngày chúng ta đang phóng ra hào quang rồi. Thí dụ như miệng nói lời nói lương thiện, miệng nói những lời khen ngợi, hay đẹp, v.v. đấy không phải là miệng phóng hào quang hay sao? Chúng ta dùng ánh mắt từ bi dịu dàng nhìn chúng sinh, sử dụng con mắt trí tuệ quán chiếu toàn xã hội, v.v. đấy không phải là mắt phóng hào quang hay sao? Lỗ tai chú ý lắng nghe Phật pháp, nghe tiếng tụng niệm kinh chú, v.v. đấy không phải là tai phóng hào quang hay sao? Khuôn mặt tràn ngập nụ cười, thể hiện nét từ bi, v.v. đấy không phải là khuôn mặt phóng hào quang hay sao? Trong lòng thể hiện sự từ bi, Bồ đề, chính niệm, v.v. đấy không phải là tâm phóng hào quang hay sao? Thân thể đoan chính, đi đứng ngồi nằm, oai nghi tốt đẹp, v.v. đấy không phải là thân phóng hào quang hay sao?
Nếu một con người, tồi tệ, yếu kém đến mức không có hào quang để tỏa ra, thì cũng giống như: “Cái lồng đèn sơn bằng sơn đen”. Ngọn đèn tâm không sáng thì có còn được gọi là con người hay không? Cho nên, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến ánh sáng mặt trời, ánh sáng điện, ánh sáng lửa bên ngoài, càng không nên để ý đến ánh sáng mờ ám của tà ma ngoại đạo không chân chính, mà phải chú ý đến “ánh hào quang” của ta đang ở nơi nào? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta liệu có phóng hào quang được hay không? Đặc biệt là tâm của chúng ta có thể “phóng hào quang” hay không? Có thể thắp được ngọn đèn trong tâm, thắp lên ánh sáng chân lý Bát nhã, thắp lên tự tính chân như trong tâm của mỗi chúng ta hay không?
Trong tâm của chúng ta có thể phóng được hào quang, đó mới là điều quan trọng bậc nhất!