Người ta khen bạn là người tốt bụng, chắc hẳn bạn sẽ rất thích thú. Bạn có nghĩ tới, điều mà họ khen ngợi đó là đúng hay là sai? Còn khi bị người khác chê bai, bạn sẽ ngay lập tức có phản ứng tức giận. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng lời chê bai của họ là đúng, là thiện chí hay không?
Khi nghe người khác nói hoặc tự mình quyết định một vấn đề gì, chúng ta nên suy nghĩ, cân nhắc kỹ rồi sau đó mới thực hành. Tuy rằng phản ứng tư duy của con người cần sự nhạy bén, nhanh chóng, nhưng nếu như không suy tính cho kỹ, chúng ta sẽ không đưa ra được những quyết định thích hợp.
Nhiều người cứ cố chấp, luôn cho cách nghĩ của mình là đúng, không muốn lắng nghe lời góp ý hay khuyên can của người khác. Cho dù họ có lắng nghe người khác nói thì cũng không để tâm đến ý kiến của người kia. Cho nên, họ sẽ rất khó có được kết quả trọn vẹn. Để đối trị với loại hình tính cách như vậy, trong Phật giáo sẽ sử dụng phương pháp: “Văn, Tư, Tu” thì mới có thể vào được “Tam ma địa1”. “Văn” nghĩa là nghe những gì mang tính minh triết, “Tư” là tư duy những gì mang tính minh triết, “Tu” là sửa đổi theo cách minh triết. Làm việc gì cũng cần phải trải qua giai đoạn “Văn, Tư, Tu” thì mới có thể đạt được mục tiêu. Nho gia có câu: “Học mà không tư duy thì mờ mịt, tư duy mà không học thì nguy hại”, đây cũng là nói rõ về sự quan trọng của “Văn, Tư, Tu” vậy.
1 Tâm chuyên chú vào một cảnh, xa lìa hôn trầm, trạo cử, là một trong 75 pháp của Câu xá, một trong 100 pháp của Duy thức. Từ ngữ Tam ma địa có nhiều nghĩa, theo Thuyết nhất thiết hữu bộ thì Tam ma địa là một trong mười Đại địa pháp, tương ứng với tất cả tâm, tâm sở pháp, thông cả định, tán, cũng thông cả ba tính thiện, ác, vô ký, nhưng không có thể riêng biệt. Theo Lượng bộ kinh, tâm ở một cảnh mà chuyển liên tục, gọi là Tam ma địa. Hành giả trụ trong Tam ma địa, lặng lẽ quán tưởng, trí tuệ sáng rỡ, chiếu soi, đoạn trừ tất cả phiền não mà chứng đắc chân lý.
“Văn” nghĩa là lắng nghe. Khi người khác nói bạn có lắng nghe hay không? Bạn có nghe được toàn bộ vấn đề hay không? Bồ tát tu hai mươi lăm môn viên thông, trong đó thì “nhĩ căn viên thông” là một pháp môn tu quan trọng. Phật giáo chú trọng vấn đề huân tập việc nghe nhiều, vì lắng nghe còn quan trọng hơn dùng mắt nhìn. Đồ vật để quá xa ta không thể nhìn thấy rõ được, nhưng âm thanh rất xa vẫn có thể nghe thấy. Chuyện ngày xưa chúng ta có thể nghe người khác kể lại, nhưng không thể nhìn thấy hay chứng kiến tận mắt được. Chúng ta có thể nghe được người bên kia bờ tường nói nhưng không thể thấy được họ.
Thật ra, khi học cách lắng nghe thì chúng ta cần phải khéo nghe và phải biết cách nghe. Có câu nói rằng: “Tiếng vỗ của một bàn tay”. Nếu bạn có thể nghe được tiếng vỗ của một bàn tay thì đồng nghĩa rằng bạn đã đạt đến minh triết của sự nghe rồi đấy!
“Tu” có nghĩa là tư duy. Người ta thường nói: “Tư duy những gì mang tính minh triết”, nghĩa là phải tư duy điều chính đáng, tư duy điều lương thiện, tư duy thanh tịnh, tư duy có chiều sâu. Phàm làm việc gì con người cũng cần phải suy nghĩ ba lần mới thực hành. Trên thế giới có người giàu hoặc người siêu giàu về vật chất, nhưng người có khả năng tư duy tốt thì mới là đáng quý, đáng trân trọng thực sự!
Các nhà triết học trên thế giới giải thích rất nhiều các vấn đề về vũ trụ, tất cả đều dựa vào tư duy của họ; rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng ra đời, cũng đều là kết quả từ tư duy ngôn ngữ của các nhà văn.
“Tu” tức là hành trì, là sửa đổi mang tính thực tế, “tu theo cách minh triết”. Tu có tu khổ, tu vui, tự tu, cộng tu, v.v. Quần áo rách rồi thì phải vá lại; nhà cửa hư hỏng thì phải sửa chữa mới có thể ở; thân tâm dở tệ thì đương nhiên phải sửa đổi, chuyển hóa trở nên tốt đẹp thì mới sử dụng được.
Chỉ cần bạn cất bước lên đường thì lo gì không thể hoàn thành hành trình vạn dặm. Chỉ cần bạn nỗ lực phấn đấu thì lo gì không thành công trong sự nghiệp. Tu tâm để trở thành người tốt; tu hành có thể chứng đắc quả vị thành Phật. Chỉ cần bạn có tu thì tất nhiên sẽ có chứng, đó chính là minh triết tu hành.
Cho nên, Phật giáo khích lệ việc cần phải lắng nghe, cần phải tư duy và cần phải tu hành. Có “Văn, Tư, Tu” thì mới có thể vào Tam ma địa được!