Hai từ “nhân, quả” ai ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của mối quan hệ này. Thậm chí, những người giảng dạy giáo lý Phật pháp theo phương diện trao truyền lý thuyết đơn thuần cũng không dễ gì hiểu hết một cách thấu đáo.
Người thường thì chỉ có thể nhìn thấy “quả”, chứ không thể hiểu hết được “nhân”. Có câu nói rằng: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Người ta tạo ra rất nhiều “nhân” xấu nhưng không biết sự nghiêm trọng của nó, chỉ khi “quả” báo kéo đến thì mới rõ tai hại ra sao. Lúc đó, dù có hối hận thì cũng muộn rồi!
Thường khi người ta gặp phải sự thất bại, họ sẽ than trời oán đất, hận mình hận người. Nhưng họ không biết rằng cứ “suy quả ra nhân”, thì chắc chắn “nhân” của họ là bất chính nên mới gặp phải “quả” như thế. Thí dụ như anh A và anh B cãi nhau, anh A nói: “B đánh tôi, chửi bới tôi!” Chúng ta nghe vậy thì sẽ cho rằng anh B đánh người và mắng nhiếc anh A là vô cùng sai trái. Nếu như căn cứ như vậy rồi phán xét mà không làm sáng tỏ sự việc, thì mình chỉ là kẻ ngu si. Vì sự thật thì vì lý do gì mà B lại đánh A, mắng A? Rất có thể là do A ăn chơi, làm điều xấu, đua đòi theo chúng bạn sa đọa vào tệ nạn, v.v. và kết quả là bị B đánh mắng. Như thế có hợp lý không?
Trong xã hội, thường khi người ta nhìn nhận một sự việc, họ luôn luôn chỉ biết một mà không biết hai. Thí dụ như một người trách cha mẹ mình không hiền, nhưng lại không biết cha mẹ dữ dằn do có “nhân” là con cái quá bướng bỉnh. Có người trách con cái bất hiếu, nhưng họ không biết “nhân” là cha mẹ làm việc xấu, không giữ phúc đức mới tạo cho con cái bất hiếu. Cho nên, làm việc gì mà không suy quả tìm nhân, thì làm sao có thể biết được chân tướng của sự thật? Làm sao có thể đem lại sự công bằng, công đạo cho cuộc đời?
Cũng có một số người không thấu hiểu được vấn đề nhân quả, họ thường nhầm lẫn giữa nhân với quả. Thí dụ như tại sao người ăn chay tụng kinh, từ bi hành thiện, v.v. lại gặp điều bất hạnh? Công lý của “nhân quả” ở đâu? Không biết lý do gì mà bạn thiếu nợ ngân hàng chưa trả được? Không thể vì bạn là người tốt, bạn làm các điều thiện, thì bạn không cần có nghĩa vụ trả nợ.
Cũng vậy, bạn làm nhiều điều ác, sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, v.v. nhưng bạn lại được hưởng thụ vinh hoa phú quý, vậy nhân quả ở đâu? Thật ra, người đó còn gửi tiền trong ngân hàng, nhưng bạn không thể mặc định rằng vì họ làm điều ác, mà họ không được phép sử dụng số tiền mà họ đã gửi. Cho nên, nhân và quả có mối quan hệ tuần hoàn trong cả ba đời: “Quá khứ, hiện tại và vị lai”.
Khi chúng ta nhìn thấy thực vật ra hoa kết quả, thì chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng, chắc chắn có người đã gieo trồng hạt giống tức là họ đã tạo “nhân”; Khi chúng ta nhìn thấy có người thực hành điều thiện, tức là họ đang gieo “nhân” là thiện, thì sau này người đó chắc chắn sẽ có “quả” vô cùng tốt đẹp.
Cho nên, người ngu si chỉ biết nói mà không thể hiểu ý nghĩa thật sự của nhân quả. “Nhân quả” chính là chìa khóa then chốt cho tất cả thiện, ác, tốt, xấu trên vũ trụ này.