Con người có hỷ, nộ, ái, ố, v.v. là vì họ có cảm xúc, người khác nhìn vào có thể biết được trong lòng bạn đang nghĩ điều gì. Cho dù một người không bộc lộ các cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố, nhưng thông qua động tác, ngôn ngữ cũng có thể biểu đạt được suy nghĩ trong lòng họ.
Nhiều người không biểu hiện bằng hành động, cũng không có ngôn ngữ, cả gương mặt cũng không có chút biểu cảm, bạn có nghĩ rằng anh ta là người chết không? Anh ta vẫn đang sống! Nếu anh ta là người sống, tại sao lại không có cảm xúc? Có câu: “Nói chuyện không mở miệng, thần tiên khó lường được”. Với những người không biểu hiện cảm xúc qua nét mặt, qua nói năng, hành động, v.v. thì có người hình dung những kẻ đó là “ma sống”, hoặc “người chết đang sống”. Cuộc sống của người đó giống như gỗ mục, như than nguội, hoàn toàn không có chút sinh khí nào. Không những chính họ đáng tiếc một kiếp người, mà cả trời đất vạn vật cũng đáng tiếc cho những người như vậy!
Trong rạp xiếc, chú hề biểu diễn rất nhiều các động tác hài hước, mục đích là để lấy được nụ cười của khán giả. Bạn không có biểu cảm, không có lời nói, không có hành động, lẽ nào bạn không bằng cả chú hề hay sao? Thậm chí những đứa trẻ con, chúng cũng biết làm những động tác đáng yêu, làm khuôn mặt hài hước để thể hiện sự thích thú khi gặp người thân, người quen, lẽ nào bạn không bằng cả đứa bé hay sao? Bạn lo lắng quá nhiều, khuôn mặt bạn đơ như gỗ, khiến cho người khác cảm thấy như đang thiếu nợ bạn rất nhiều, bạn không thấy tàn nhẫn lắm hay sao?
Thời đại này là thời đại của âm thanh, nói năng nên lớn tiếng. Thời đại này là thời đại của sắc màu, trên gương mặt cần phải luôn nở nụ cười, vì nụ cười chính là màu sắc sự sống của chính bạn. Thời đại này là thời đại của hành động, bạn có hành động thì mới biểu thị được bạn là một con người đang sống chứ không phải chỉ là tồn tại.
Trong A hàm kinh có nói đến năm loại người “không giống người” như sau: Một là lúc cần từ bi thì họ không từ bi; hai là lúc cần hoan hỷ thì họ lại không hoan hỷ; ba là lúc cần họ nói năng thì họ lại im lặng; bốn là lúc cần họ cảm động thì họ lại không cảm động; năm là lúc cần họ hành động thì họ lại không hành động. Ngày xưa, chính Đức Phật cũng đã từng cảm thấy bất lực với hạng người “không giống người” ấy.
Ngày thường, khi chúng ta gặp một chú mèo con, thì nó cũng sẽ kêu meo meo với bạn; chúng ta gặp chú chó con, thì nó cũng vẫy đuôi với bạn. Theo như nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ cần cây, cỏ, hoa, lá có sự sống, nếu như bạn thường xuyên nói lời hay và khen ngợi chúng, thì chúng sẽ phát triển rất tốt, nở hoa rất đẹp để cảm ơn bạn. Chúng ta sinh làm thân người thì tại sao lại có thể không có cảm xúc chứ?
Biểu cảm của một người là vô cùng quan trọng. Biểu cảm của Đức Phật thường là hiển thị hình dáng từ bi; biểu cảm của Bồ tát là sự nhiệt tình phi thường; La hán cũng có biểu cảm, biểu cảm của họ là trí tuệ phi thường; thậm chí các vị tăng khổ hạnh cũng có biểu cảm, biểu cảm của họ chính là sự phát tâm.
Khi dạy người ta viết văn, Hồ Thích thường nói: Bài văn hay là lột tả đúng cảm xúc của chính mình. Biểu cảm tốt thì ý sẽ đạt và đó chính là kiệt tác.
Hỡi những người không có biểu cảm! Hãy vì tiền đồ của chính các bạn, cũng là để mang lại chút hoan hỷ cho những người bên cạnh bạn. Hy vọng mỗi người đều có thể để lộ một chút biểu cảm, nói nhiều thêm vài câu, và thường xuyên làm vài động tác, v.v. có được không?