Trên bước đường của đời người, có lúc chỉ cần đi thẳng là đã đến mục tiêu, nhưng cũng có khi phải đi đường vòng. Khi phải đi vòng mà bạn không đi, nghĩa là bạn không biết linh hoạt, không hiểu “quay đầu là bờ”. Lúc cần đi thẳng nhưng bạn lại không dấn bước, thì rất có thể sẽ đánh mất cơ hội tốt.
Chúng ta đi trên đường, có lúc rẽ về phía trái hay rẽ về phía phải đều được, nhưng quan trọng là không được rẽ sai hướng. Dù là đi thẳng thì cũng cần phải biết xa hay gần, cần đi nhanh hay chậm, thì mới an toàn được. Đáng tiếc là trên con đường đi của đời người, lúc cần đi thẳng thì có người lại rẽ, lúc cần rẽ thì họ lại đi thẳng. Điều đó, khiến cho họ gặp phải rất nhiều khó khăn, đáng tiếc biết bao!
Tống Tương Công - một trong số năm vị bá vương thời Xuân Thu, khi đối đầu với quân địch. Đúng ra là phải đi tiến lên, nhưng ông lại chần chừ không quyết định xuất binh, dẫn đến việc bị bại trận làm mất thành. Lúc nước Sở và nước Hán giao tranh với nhau, Sở Bá Vương - Hạng Vũ rất nóng nảy, thẳng thắn, không biết linh hoạt rẽ hướng nên dẫn đến việc binh bại thân vong. Thời Tống, danh tướng Nhạc Phi chỉ huy cuộc chiến tranh chống quân Kim. Vốn dĩ quân Tống có thể tiến thẳng đến Hoàng Long, nhưng vì ông ta bị Tần Cối cản trở, nên do dự không tiến binh, cuối cùng không tránh khỏi họa mất mạng.
Công chúa Văn Thành được gả về Tây Tạng, bà đã đi thẳng lộ trình, nên cuối cùng đã kiến tạo nền văn hóa tôn giáo, chính trị rực rỡ ở đất Tây Tạng. Đại sư Giám Chân bảy lần lên thuyền đi Nhật Bản, lần nào cũng gặp phải trắc trở, nhưng vẫn nhắm thẳng mục tiêu mà lên đường, cuối cùng ngài đã trở thành cha đẻ của văn hóa Nhật Bản. Đường Tam Tạng đi Ấn Độ thỉnh kinh, ngài đã kiên trì hướng theo mục tiêu, nên cuối cùng cũng đã thành công. Phật Thích Ca Mâu Ni nhất tâm thành Phật, và cuối cùng ngài cũng đã đạt được mục đích.
Khổng Tử vốn không có ý muốn ra làm quan, nhưng ông biết rằng sức mạnh của chính trị có thể tác động lớn cho các vấn đề học thuật, giáo dục, v.v. vì thế mà ông đã đồng ý nhậm chức quan thủ kho của nước Lỗ. Điều đó đủ thấy, ông là người biết rẽ hướng đúng lúc. Khuất Nguyên hạ mình thờ vua, nhưng cá tính của ông ngay thẳng, không muốn thoả hiệp với chính trị, nên ông mới thất vọng và gieo mình xuống sông Mịch La.
Thời cận đại, Tưởng Giới Thạch cũng nhắm thẳng mục tiêu mà đi và đã đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Trường hợp Uông Tinh Vệ, đúng ra cần phải đi thẳng, nhưng ông lại có sự thay đổi giữa chừng, muốn rẽ ngang để nương nhờ Nhật Bản, vì thế mà thất bại.
Đông Đức, Tây Đức, Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên, v.v. cũng từng trải qua mấy mươi năm đối lập nhau, cuối cùng cũng hiểu và chuyển hướng. Họ biết rằng đôi bên cần phải thiết lập lại mối quan hệ, cho nên sự hòa bình, thống nhất cũng đã lóe lên tia hy vọng.
Trên chiến trường, nhiều lúc cần phải dũng cảm tiến lên phía trước, nhưng cũng có lúc cần phải lựa chọn chiến thuật rút lui về phòng thủ. Muốn đi đến đỉnh núi cần phải tạo nên nhiều đường cua vòng xung quanh sườn núi chứ không thể nào cứ đi thẳng mãi mà có thể lên đến đỉnh núi được.
Có câu nói rằng: “Đường đi có nhiều, nhưng đích đến thì chỉ có một”. Trên con đường của đời người, chỉ cần có thể đạt được mục đích, thì việc gì phải cố chấp theo một đoạn đường? Đoạn đường này bị tắc, chúng ta có thể đi vòng sang đường khác. Cho nên, làm người không nhất định phải cố chấp. Nếu không chịu nhường một bước, thì chắc gì đã giành được thắng lợi. “Thấy gió thì chuyển lái”, đợi đến khi gió lặng rồi trả lái lại, làm được như vậy con thuyền đời người mới có thể thông đạt, không gặp chướng ngại.