"Ai ai cũng đang Quán Tự Tại, thì việc gì phải đi tìm đâu cho xa?”
“Quán Tự Tại” là một danh hiệu khác của Bồ tát Quán Thế Âm. Danh hiệu đó có nghĩa là, chỉ cần bạn quán chiếu chính bản thân mình, nhận thức được chính mình, thì tức là bạn đang tự tại rồi!
Thí dụ như, khi bạn quán chiếu người khác, rồi hiểu ra vấn đề “ta và người vốn là một thể”, thì sao bạn không thể tự tại được chứ? Bạn quán chiếu, không để cho tâm mình bị cảnh bên ngoài chi phối, vậy thì sao bạn có thể không tự tại được chứ? Sự việc trên đời thì muôn màu muôn vẻ, nhưng qua con mắt quán chiếu của ta, mọi việc trở nên thật đơn giản, như vậy thì làm sao không tự tại được chứ? Đạo lý trên đời thì huyền diệu không ngờ, ta chỉ cần quán chiếu bằng tâm bình thường, như thế sẽ được tự tại.
Con người chúng ta sống trên cõi đời này, nếu có tiền mà cuộc sống không được tự tại, thì cũng chẳng có gì vui vẻ cả. Con người sống trên thế gian này, “có” chính là sự chướng ngại lớn, “có” tức là phiền não. Do đó, nhiều người có nhiều tiền của, nhưng họ đã mất đi sự tự tại. Nhiều gia đình không được hạnh phúc; những cuộc tình không được bình yên; những danh vị không được lâu bền, v.v. tất cả là do bởi “có”, có sở hữu, có ngã chấp cho nên mới không được tự tại, an lạc.
Nhiều nhân vật chính trị lớn nắm quyền lực trong tay, nhưng đôi khi họ bị chính quyền lực đó ràng buộc, bản thân không tự tại chút nào. Có những giám đốc rất nhiều tiền, nhưng khi đồng tiền của họ xảy ra bất cứ vấn đề gì đều sẽ khiến cho họ thao thức, nghĩ ngợi, suy tính và khi đó họ không còn tự tại nữa.
Cuộc đời con người, nếu vừa có được danh vị và sự giàu có, lại vừa có được sự tự tại thì thực sự rất tốt. Nhưng nếu giàu có mà không tự tại, thì sở hữu cho nhiều để làm gì? Con người sống trên thế gian, thứ mà họ mong muốn chẳng phải là hạnh phúc bởi sự giải thoát và an lạc bởi sự tự tại đấy sao?
Bạn hãy xem! Đứa trẻ từ lúc bé đã chịu sự quản lý của bố mẹ, nên nó đã cảm thấy không được tự tại rồi. Người phụ nữ về nhà chồng, thì bị mẹ chồng giám sát, cô ấy cũng cảm thấy rất mất tự do. Trong tất cả các công việc phục vụ cho xã hội, nếu mình cảm thấy không đủ năng lực, cảm thấy bản thân làm việc không đạt như yêu cầu, thì ta sẽ không cảm thấy tự tại được.
Cho nên, một cuộc sống có ý nghĩa là được sống “tự tại”, đây cũng là thành công lớn nhất của đời người. Bạn có thể tự tại giữa mớ thị phi của người với ta được không? Bạn có thể không khởi ham muốn trước công danh phú quý hay không? Đứng trước sinh, già, bệnh, chết bạn có thể không lo lắng, buồn khổ được không? Sống trong cảnh nhân duyên quả báo bạn có thể không sợ hãi, tiếc nuối được không?
Nếu bạn sống không tự tại, thì sự nghiệp có thành tựu bao nhiêu, giàu có cỡ nào cũng chỉ là gánh nặng, càng thêm trói buộc mà thôi! Nếu có thể đứng trước “tám ngọn gió”: Ca tụng, châm biếm, chê bai, khen ngợi, quyền lợi, suy tàn, khổ cực, an lạc mà không bị lay động, thì tự nhiên bạn có thể giải thoát. Lúc đó, chẳng phải chính bạn là “Quán Tự Tại” đó sao!