Truyền thuyết kể rằng, khi Kiềm Lâu1 chết đi, vì gia cảnh nghèo khó nên không có được mảnh vải nào đủ dài để liệm cho kín từ đầu đến chân. Thế là có người kiến nghị, xoay chéo mảnh vải ra thì có thể đắp được toàn thân. Nhưng vợ của Kiềm Lâu nói: “Không được! Thà ngay thẳng mà thiếu còn hơn đắp chéo mà thừa”. Qua đây có thể thấy được người xưa quan trọng chuyện chính và tà đến mức độ nào.
1 Kiềm Lâu: Một ẩn sĩ nghèo thời xuân thu chiến quốc.
Tà tức là không chính, không chính tức là tà. Nói rộng ra, “chính” tức là đúng đắn, ngay thẳng, lương thiện, v.v. còn ngược lại, “tà” có nghĩa là sai lệch, cong vẹo, xấu ác, v.v. Trong cuộc sống, cảnh giới chính và tà thường xuyên xuất hiện và chi phối rất nhiều đến đích đến của cuộc đời mỗi chúng ta. Trong Phật giáo có nói đến “Bát chính đạo”, dạy cho con người thực hành tám pháp chân chính.
Thứ nhất, chính kiến: Tức là quan điểm và kiến giải chính xác. Chính kiến là vị thầy dẫn đường cho việc tu hành, giống như con mắt cần cho việc dẫn đường, hay như chiếc la bàn cho tàu thuyền trên biển vậy. Chính kiến cũng giống như máy chụp hình, lúc chụp cần phải chỉnh đủ ánh sáng, đúng cự ly thì bức ảnh thu được mới sáng tươi và đẹp.
Thứ hai, chính tư duy: Tức là không tham dục, không sân nhuế, không ngu si, lìa xa tham dục tà kiến, vọng ngữ; tạo nên năng lực tư duy của trí tuệ chân thật nơi con người.
Thứ ba, chính ngữ: Tức là lìa xa tất cả những lời nói bất cẩn, lời nói phỉ báng, lời nói ngạo mạn, lời nói nhục mạ, lời nói cay nghiệt, lời nói hư vọng không thật và lời ngon tiếng ngọt.
Thứ tư, chính nghiệp: Tức là hành vi chính đáng, cũng tức là hành vi cử chỉ đúng đắn, thanh tịnh của ba nghiệp thân, miệng, ý; xa lìa tất cả các hành động sai trái như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, v.v.
Thứ năm, chính mạng: Tức là nghề nghiệp chính đáng.
Thứ sáu, chính cần: Tức là chính tinh tiến. Tinh là không tạp lẫn, tiến là không thoái lui; cũng tức là hướng về mục tiêu chân lý mà dũng mãnh đi lên.
Thứ bảy, chính niệm: Tức là suy nghĩ thanh tịnh, không nảy sinh ý niệm bất chính, luôn nghĩ về chính pháp.
Thứ tám, chính định: Tức là sử dụng thiền định chính xác để tập trung ý chí và tinh thần, làm cho thân tâm tán loạn được trụ lại một cảnh trong tâm.
“Bát chính đạo” là tám con đường đúng đắn trong cuộc sống, là chuẩn mực đạo đức tại nhân gian mà bất kỳ ai cũng cần phải tuân thủ. Nếu như không theo đường “chính”, thì sẽ đi vào đường “tà”, điều ấy thật nguy hiểm biết bao!
Có một chú Sa di đi về quá muộn nên không vào được trong thành, bèn ngồi thiền dưới một gốc cây bên ngoài thành đợi đến trời sáng. Trong đêm khuya, bỗng xuất hiện một con quỷ ác, mặt mũi rất hung tợn muốn ăn thịt chú.
Chú Sa di nói: “Ta và ngươi không có oán thù gì, chúng ta khác nhau rất xa, tại sao ngươi lại muốn ăn thịt ta?”
Con quỷ hỏi: “Tại sao chú lại nói ta và chú lại khác nhau rất xa?”
Chú Sa di nói: “Sau khi ngươi ăn thịt ta rồi, vì ta là người tu hành nên sẽ được vãng sinh về cảnh giới Cực lạc. Còn ngươi, sau khi ăn thịt ta rồi, thì với tâm địa và hành động ác của mình, nhất định ngươi sẽ bị đọa vào địa ngục, như thế chẳng phải là khác nhau rất xa sao?”
Con quỷ nghe nói vậy thì đại ngộ, biết rằng tà sẽ không bao giờ thắng được chính, nên xấu hổ mà bỏ đi.
Pháp có chính pháp và tà pháp; người cũng có người tà, người chính; việc cũng có việc chính, việc tà, lẽ nào chúng ta không phân biệt được hay sao? Đời người không thể không có cái nhìn thực tế, chân thật để phân biệt được rõ đúng sai, chính tà, v.v. rồi chọn lựa con đường chân chính để dấn thân.