Đôi mắt của con người bình thường chỉ nhìn được trong một giới hạn cho phép. Tuy nhiên nếu chúng ta dùng tâm để suy nghĩ, dùng tâm để nhìn thì đó chính là tầm nhìn xa.
Trong Lăng nghiêm kinh có một đoạn công án “Bảy chỗ hiển bày về tâm”. Tâm của chúng ta nhìn thấy được người khác, nhưng không nhìn thấy được chính mình; nhìn thấy được bên này, nhưng không nhìn thấy được bên kia; thấy được bên ngoài, nhưng không thấy được bên trong; thấy được đại địa sơn hà, nhưng không thấy được tâm của chính mình; nhìn thấy “có”, nhưng không nhìn thấy “không”. Cho nên, để có được tầm nhìn xa là điều không dễ dàng. Người thường chúng ta chỉ có thể nhìn thấy bề nổi nhưng không thể nhìn thấy được nơi thẳm sâu; chỉ có thể nhìn thấy mặt trước nhưng không thấy được mặt sau; chỉ có thể nhìn thấy chỗ gần nhưng không thể thấy được chỗ xa. Cho nên, chỉ khi nào có được con mắt trí tuệ thì mới có thể có tầm nhìn xa được.
Người không biết lo xa ắt hẳn sẽ thường xảy ra thất bại. Người có cái nhìn nông cạn thường chỉ nhìn thấy được chính bản thân họ, mà không nhìn thấy được đại chúng. Họ chỉ nhìn thấy gia đình mà không nhìn thấy cả một xã hội. Cũng giống như một số phần tử trong chính quyền nhiều nước hiện nay, họ chỉ nhìn thấy chính đảng, mà không hề nhìn thấy nhân dân. Có một số người chỉ thấy tiền mà không nhìn thấy đạo đức; chỉ nhìn thấy quyền lợi mà không nhìn thấy trách nhiệm; chỉ nhìn thấy quả mà không nhìn thấy nhân. Ngay cả con người trong xã hội này cũng đều chỉ nhìn thấy đời này mà không nhìn thấy đời sau; chỉ nhìn thấy sinh mà không nhìn thấy tử; chỉ nhìn thấy hiện tại mà không nhìn thấy vị lai. Con người có nhiều điểm mù không thấy rõ được như thế, vậy làm thế nào để có thể kiện toàn được chứ?
Quan trọng là chúng ta làm việc gì cũng cần phải có tầm “nhìn xa”. “Nhìn xa” nghĩa là không chỉ nhìn thấy lịch sử, nhìn thấy tổ tiên chúng ta, mà bạn còn cần phải nhìn thấy cả tương lai của con em chúng ta. Bạn cũng không thể chỉ nhìn thấy bạn bè, người thân ở đời này, mà bạn cần có con mắt quán chiếu rộng sâu để có thể nhìn thấy chúng sinh trong pháp giới ở mười phương nữa.
Cũng có nghĩa là, chúng ta không nên chỉ nhìn thấy một gia đình, một đoàn thể mà phải nhìn thấy toàn thế giới. “Nhìn xa” là không còn thời gian, không còn không gian, không còn sự trở ngại. Xin hỏi: “Bạn có nhìn xa về bản thân bạn chưa? Bạn có nhìn xa về cả gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại hay chưa?
Nếu bạn muốn có cái nhìn xa, thì hãy quán chiếu bằng lý nhân duyên, hãy nhìn bằng chân lý. Bạn nhìn thấy nhân duyên thì sẽ nhìn thấy chân lý. Nếu bạn nhìn thấy chân lý thì mới có thể nhìn thấy nhân duyên. Cho nên, bất kỳ chuyện gì cũng không thể chỉ dựa vào tưởng tượng, “có” và “không” hoàn toàn là dối trá. Bạn cần phải thông qua tri thức, trí tuệ Bát nhã của mình thì bạn mới có thể có cái nhìn chính xác được.
Trong tự nhiên, con kiến biết được trời sắp đổ mưa nên chúng dự trữ lương thực; con ong hút mật để dự trữ cho mùa đông; con sóc cất giấu lương thực cũng để dự phòng mùa đông khắc nghiệt. Động vật đều có cái “nhìn xa”, thì con người chúng ta sao có thể không yêu cầu bản thân mình cần phải có tầm nhìn xa chứ?