Hiếu thuận là một truyền thống đẹp có từ xa xưa, nhưng theo sự thay đổi của trào lưu thời đại, đến ngày nay nội hàm của hiếu thuận cũng có phần nào biến chất. Có người cho rằng việc cha mẹ nuôi dạy con cái là trách nhiệm đương nhiên, không cần con cái phải báo đáp lại. Cũng có người cho rằng “hiếu” là điều nên làm, “thuận” thì lại không cần thiết. Bởi vì, biết bao nhiêu đấng cha mẹ, với vốn tri thức nhỏ bé của mình mà yêu cầu con cái phải nghe theo chủ trương của họ, và kết quả là con cái vì để “hiếu thuận” với cha mẹ nên đã bỏ lỡ mất lý tưởng của mình, làm hỏng tiền đồ cả đời của chính mình, thật đáng buồn biết mấy!
Trong hai mươi bốn gương hiếu thuận của Trung Quốc, có những chuyện như “Cừu con quỳ bú” hay “Quạ con nuôi mẹ”, thường được sử dụng làm đề tài để giáo dục con cháu nên hiếu thuận với cha mẹ. Hàng ngày, nếu đi đến bệnh viện thì bạn sẽ thấy, trong phòng bệnh của khoa Nhi có biết bao nhiêu bậc cha mẹ “hiếu thuận” ra ra, vào vào. Còn phòng bệnh người già thì rất ít các con hiền cháu thảo đến thăm. Một người mẹ có thể chăm sóc bảy tám người con, nhưng mười người con chưa chắc đã chăm lo được cho cha mẹ già. Có câu: “Chỉ có chim mẹ với cái tổ trống, chứ không có cái tổ có chim non nào vắng mẹ”. Cha mẹ luôn là những nhân vật chính trong vở kịch “tựa cửa đợi con về”. Cha mẹ luôn là người cho đi và rất ít khi nhận lại được sự báo đáp của con cái. Dù Nho giáo luôn khích lệ các thanh niên nên đọc Hiếu kinh; Phật giáo cũng có Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh, nhưng có mấy người để tâm đến những điều dạy ấy đâu?
Về ý nghĩa của chữ “hiếu”, đại sư Liên Trì chia thành ba tầng bậc hết sức chí lý. Ngài nói: “Với cha mẹ, nên biết lắng nghe lời chỉ dạy của họ, khi còn sống thì cẩn thận chăm sóc, khi họ đã qua đời thì an táng tử tế, đó chỉ là cái hiếu nhỏ; Làm cho rạng rỡ tổ tông, gia môn vinh hiển mới là cái hiếu bậc trung; Người biết hướng dẫn cho cha mẹ thoát khỏi luân hồi, đó mới là cái hiếu lớn.
Quan niệm truyền thống về đạo hiếu của người Trung Quốc về cơ bản tương đương với tư tưởng báo ân của Phật giáo. Những tấm gương hiếu hạnh trong nhà Phật nhiều không thể tính kể. Thí dụ như Đức Phật khiêng quan tài của cha, thuyết pháp cho mẹ trên cõi trời; tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi địa ngục; trước khi nhập diệt, tôn giả Xá Lợi Phất đã cố gắng trở về quê hương từ biệt mẹ. Gần đây hơn, vào thời Dân Quốc, hòa thượng Hư Vân dành ba năm triều bái Ngũ Đài Sơn để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Trong tập Truy môn sùng hạnh lục cũng kể về vô số gương hiếu thuận. Như đại sư Kính Thoát gánh mẹ đi học; đại sư Đạo Phi đi tìm hài cốt cha; thiền sư Sư Bị báo ơn cha sau khi ngộ đạo; thiền sư Đạo Ký tự mình cung phụng chăm sóc mẹ, v.v.
Lắng nghe cha mẹ cũng cần phải chọn lọc, nhắm mắt làm theo những điều không thích đáng đương nhiên là không nên. Nhưng bất hiếu, không nghe lời cha mẹ, thậm chí trong xã hội hiện tại còn xảy ra rất nhiều chuyện trái nghịch luân thường, như giết cha, giết mẹ, v.v. chắc chắn sẽ bị quả báo nặng nề. “Hiếu” là gốc rễ trong luân lý làm người, là căn bản của luân lý đạo đức thực tế. Người mà bất hiếu thì sao có thể gọi là người được chứ?
Cho nên, “hiếu” là sợi dây duy trì luân lý đạo đức của xã hội, xúc tiến việc kiện toàn mối quan hệ hài hòa của gia đình. Hy vọng mối quan hệ cha mẹ con cái trong thời đại chúng ta sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp, mọi người đều có thể kiến lập được quan niệm về luân lý đạo đức nhờ hiểu rõ đạo lý “hiếu thuận”.