Người thì có người thượng đẳng, người trung đẳng và người hạ đẳng. Đồ vật cũng có ba bậc là đồ vật thượng đẳng, đồ vật trung đẳng và đồ vật hạ đẳng. Thức ăn ngon dở cũng chia thành ba bậc, thức ăn thượng đẳng, thức ăn trung đẳng và thức ăn hạ đẳng. Trong trường, các thầy cô giáo phê bài làm văn của học sinh, cũng sẽ phê tốt, khá hoặc trung bình. Thậm chí, cấp bậc trong quân đội cũng phân thành: ba sao của thượng tướng, hai sao của trung tướng, và một sao của thiếu tướng.
Trên thế gian này có vô vàn đẳng cấp. Như ngày nay có khách sạn năm sao, bốn sao, ba sao, thậm chí nếu không có nhiều dịch vụ ưu đãi hoặc phục vụ tệ, thì còn bị đánh giá thấp không đáng một sao nữa. Người dân nghèo thì có nghèo cấp một, nghèo cấp hai, nghèo cấp ba. Di tích cổ cũng có di tích cổ cấp quốc gia, cấp tỉnh... Thế gian phân chia nhiều đẳng cấp như vậy cũng là điều tự nhiên. Trong gia đình thành viên gồm có cấp ông bà, cấp cha mẹ, cấp con cái, đây là thứ tự thuận theo tự nhiên và điều đó biểu hiện của luân lý.
Nhưng ngoài khuôn mẫu tự nhiên ấy, nếu như bạn có nhân cách tốt, có học vấn, có năng lực và bạn làm được nhiều việc mang lại lợi ích cho quốc gia, xã hội, thì tất nhiên bạn là người thượng đẳng. Bạn làm tốt công việc của mình, tận tâm tận lực, giữ đúng bổn phận thì bạn là người cấp trung đẳng. Nếu bạn là người ăn của người khác, sử dụng tài sản của người khác, không tự kiểm điểm chính mình, thường hay thực hiện những hành vi bất chính, thì người ta sẽ nói bạn là người thuộc cấp hạ đẳng. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn tự nhắc nhở mình muốn làm người ở đẳng cấp nào?
Trong Phật giáo, khi nói đến việc sám hối, phát tâm hoặc lập nguyện thì cũng có ba cấp: thượng, trung, hạ. Thượng đẳng sám hối: xuất huyết chân lông; trung đẳng sám hối: nóng toát mồ hôi; hạ đẳng sám hối: lệ nóng tuôn trào. Dù là tu hành hay làm việc gì cũng đều cần đến phẩm chất. Bạn muốn làm việc ở đẳng cấp nào?
Đời người cho dù không làm được hạng thượng đẳng, làm việc thượng đẳng, nói lời thượng đẳng thì ít nhất cũng không làm người hạ đẳng, không làm việc hạ đẳng, không nói lời nói thuộc tầng lớp hạ đẳng. Nếu có thể làm được người hạng trung đẳng, dùng tâm bình thường để an phận giữ mình, làm một người bình thường, không làm nhục gia phong, không làm tổn thương đến người khác. Như vậy chí ít cũng đủ để an ủi cuộc đời mình!