Con người cần phải có nhận thức “tất cả đều do ta” với các cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố của chính mình. Với việc thành, bại, được, mất của mình cũng cần phải suy nghĩ rằng “tất cả đều do ta”. Đời người từ đâu đến và đi về đâu cũng cần phải nuôi trong mình suy nghĩ “tất cả đều do ta”. Thành vua hay thành quan, thành thánh hay thành hiền càng phải đứng trên lập trường “tất cả đều do ta”. Con người cần phải trở thành ông chủ của chính mình.
Tục ngữ có câu: “Không có một Đức Phật Thích Ca nào tự nhiên xuất hiện, cũng không có Đức Phật Di Lặc nào tự nhiên xuất hiện”. Tất cả đều phải dựa vào sự siêng năng và nỗ lực của chính mình. Chỉ cần hăng hái tiến lên phía trước, thì nhất định bạn sẽ nhận được thành quả thích đáng với nỗ lực của bản thân.
Trên thế gian, có người chỉ vì đôi lời nói phiếm của người khác mà trở nên buồn rầu, đến nỗi chẳng thiết gì đến ăn uống. Có người vì một chuyện nho nhỏ không hài lòng mà ôm phiền muộn, đến nỗi cả đêm thao thức mất ngủ. Cuộc đời như thế đúng là đã bị người khác thao túng, kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Nếu muốn bạn hoan hỷ thì người ta chỉ cần nói đôi câu hay ho; nếu muốn bạn phiền não thì người ta chỉ cần phê bình bạn bằng vài lời khó nghe. Như vậy nghĩa là bạn đã đặt cuộc đời của mình nằm trong tay của người khác, thật đáng buồn biết mấy!
Tương truyền Phán quan trong địa ngục, phụng mệnh của Diêm Vương đến nhân gian để báo cho người trên nhân gian biết, tuổi thọ của họ còn lại nhiều hay ít. Phán quan ngồi bên đường, tay lắc chuông, nói với một ông cụ đã cáo lão hồi hương rằng: “Tuổi thọ của ông chỉ còn lại ba tháng. Ba tháng sau ta sẽ đến nhà ông lắc chuông, chỉ cần nghe tiếng chuông vang lên thì ông sẽ chết và đi theo ta”.
Phán quan lại lắc chuông một cái, nói với người thương nhân đi ngang đường rằng: “Tuổi thọ của ông cũng chỉ còn ba tháng thôi! Ba tháng sau ta sẽ đến phủ của ông lắc chuông, khi nghe tiếng chuông vang lên thì ông phải chết và đi theo ta”.
Hai người kia nghe vậy vô cùng lo sợ, trong lòng thấp thỏm không yên. Từ đó về sau, ông cụ cáo lão hồi hương mỗi ngày đều ưu sầu phiền não, nghĩ đến việc tuổi thọ của mình chỉ còn có ba tháng, mà cơm nuốt không trôi, ngủ không ngon giấc. Ngày nào ông cũng ngắm gia tài mình kiếm được mà buồn bã hết sức. Tay lần đếm không ngừng những thứ quý giá mà mình vất vả kiếm được, tiếc nuối không biết phải làm thế nào!
Còn người thương nhân, nghĩ đến việc tuổi thọ của mình chỉ còn ba tháng, nhận thấy được đời người ngắn ngủi, cho dù có sở hữu gia tài kếch xù thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Do đó, người này liền mang của cải trong nhà ra bố thí, đi khắp nơi xây cầu, đắp đường, tùy duyên cứu giúp những người nghèo khó. Ông cứ lo công việc như thế nên quên mất cả chính mình.
Khi thời hạn ba tháng đã đến, Phán quan theo lời hẹn đến phủ của ông cụ cáo lão hồi hương. Người này do phiền não, tâm thần hoang mang nên dẫn đến thân thể suy nhược. Khi vừa nhìn thấy Phán quan, tiếng chuông chưa kịp vang lên thì ông ta đã ngã quỵ xuống đất chết ngay tại chỗ. Còn người thương nhân, do bố thí làm điều thiện, tạo phúc trong các làng, các xã, khiến họ đều cảm niệm công đức của ông. Để biểu thị sự biết ơn, họ cùng nhau tạc biển đề chữ tặng ông. Lúc đó chuông trống vang trời, cảnh tượng náo nhiệt vô cùng, do đó mà tiếng chuông của Phán quan rung lên ông cũng không nghe thấy. Ông vẫn đường hoàng sống, cảm nhận được niềm vui lớn nhất chính là làm việc thiện.
Cho nên, tiền đồ của đời người, được, mất, khổ, vui, v.v. “tất cả đều do ta” chứ không phải do người khác!