Bây giờ vẫn còn có những người đang sống và có thể nói rằng “Khi còn trẻ, chúng tôi ngước lên trời để biết thời gian”. Vị trí của các ngôi sao vào ban đêm, hay của Mặt trời hắt bóng ban ngày, là đủ để báo giờ. Cuộc sống thành thị, các thiết bị xem giờ kỹ thuật số, đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường đã làm lu mờ khả năng tự nhiên này; chúng ta trở nên bị ràng buộc với khái niệm về thời gian chính xác, cho công việc, các chuyến tàu và bản tin. Chúng ta đã quên mất mặt trời.
Những người sống ở nơi khí hậu ôn hòa – nơi thường có mây và mưa – nhận xét, với sự ngạc nhiên và thích thú, về sự bừng nở nhất thời của ánh nắng mặt trời. Trạng thái vô thường của thời tiết là điều bình thường đối với chúng ta; và chúng ta đã quen với những thay đổi của nó, ngay cả chỉ trong khoảng thời gian của một chuyến đi bộ buổi chiều. Vì thế, khi mặt trời xuyên qua các đám mây, sưởi ấm lưng mình, chúng ta có thể thấy đó như một lời chúc phúc, một món quà và ngay lập tức cảm thấy biết ơn.
MỘT LÒ LỬA NGUYÊN SINH
Chúng ta hiếm khi có thời gian hay có ý muốn suy nghĩ sâu xa hơn – để xem xét bản thân Mặt trời, lò hạt nhân với đường kính xấp xỉ một triệu dặm. Không có nó, chúng ta không có mặt ở đây; cuộc sống sẽ không bao giờ tiến hóa trên Trái đất và sẽ không có người quan sát nào để cảm thấy biết ơn vì ánh nắng mặt trời. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong quá khứ tổ tiên thường tôn thờ Mặt trời; thậm chí còn có những gợi ý rằng các thuyết độc thần của người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo có thể bắt nguồn từ hơn ba nghìn năm trước từ tín ngưỡng của người Ai Cập về một vị thần duy nhất – thần Mặt Trời Aton, hoặc còn gọi là Ra. Và các nhà thiên văn học Hy Lạp ở Ai Cập đã biết về kích thước khổng lồ của Mặt trời, so với Trái đất, một thời gian dài trước khi khoa học hiện đại đo lường được nó.
Mặt trời là một người đồng hành liên tục và đáng tin cậy của hành tinh chúng ta trong hàng tỷ năm, tạo ra nguồn năng lượng sáng tạo cần thiết cho hệ sinh thái phong phú xung quanh, mà chúng ta là một phần trong đó, để phát triển và phồn thịnh. Nó là bà đỡ cho sự xuất hiện của ý thức trên Trái đất.
BÌNH MINH, HOÀNG HÔN…
Một cách để nhận biết và trân trọng Mặt trời hơn là cố gắng có ý thức để nhận ra và đánh dấu trong tâm trí đường chân trời mà nó mọc lên và lặn xuống, như cách tổ tiên xa xôi của chúng ta từng làm, mùa này qua mùa khác. Một tuyến đường mà bạn đi bộ thường xuyên ở địa phương có lẽ là một nơi lý tưởng để thực hiện sự trân trọng này. Theo dõi đường đi của Mặt trời khi Đông chí tới và ghi nhớ nơi nó lặn – theo vị trí của một cái cây, một tòa nhà, bụi gai hay quả đồi ở xa. Một cách thậm chí tốt hơn nữa, đó là thức dậy với điệp khúc bình minh và quan sát mặt trời mọc. Không cần phải dựng các tảng đá nguyên khối hay các vòng tròn đá như cách người ta đã làm hàng nghìn năm trước, để nhận ra sự chuyển động đều đặn của Mặt trời qua bầu trời và nhận thức được sự hiện diện đáng tin cậy hằng năm của nó cùng sự trôi qua của thời gian. Đôi khi vào lúc hoàng hôn, khi Mặt trời lặn về phía đường chân trời qua đám sương mù hoặc mây, nó có thể trở thành một quả bóng màu đỏ đậm mà ta có thể nhìn thẳng vào (dù vậy hãy khôn khéo và cẩn thận); bạn có thể thoáng nhìn thấy vết đen của Mặt trời, một cơn bão tối tăm trên bề mặt của nó; và hãy nhớ rằng cái hiện ra trước đôi mắt thường của ta như thể một cái đốm nhỏ kia trong thực tế có kích thước lớn hơn cả thế giới ta đang sống.
MỘT TIA SÁNG LE LÓI CỦA LÒNG BIẾT ƠN
Cảm giác biết ơn mà ta có khi mặt trời sưởi ấm sau lưng – nó đến từ đâu và nó hướng đến cái gì, hay là ai? Tương lai tốt đẹp? Sự may mắn? Bản thân Mặt trời?
Teilhard de Chardin (1881-1955), nhà cổ sinh vật học và nhà thần bí học, đã viết trong bài tiểu luận The Soul of the World (Tạm dịch: Linh hồn của thế giới), thuộc cuốn Writings in Time of War (Tạm dịch: Tác phẩm thời chiến): “Không còn gì để nghi ngờ nữa, chúng ta biết rõ về thứ ta đang mang trong mình, đó là thứ vĩ đại hơn và thiết thân hơn chính bản thân ta, đó là thứ tồn tại từ trước và sẽ tiếp tục tồn tại mà không có chúng ta; một cái gì đó mà chúng ta sống trong nó và chúng ta không thể rút cạn nó: Một thứ phục vụ chúng ta, nhưng chúng ta không phải là chủ của nó…” Tôi tin rằng, đó là thứ mà chúng ta biết ơn, cho dù bản thân có gọi được tên nó hay không.
Một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo là cuộc sống được đặc trưng bởi sự vô thường; nó cộng hưởng với cách nói trong Sách Kinh Nguyện Chung (của Anh giáo) về “cuộc sống thoáng qua này”. Với ánh nắng chói chang trên lưng khi bước đi, chúng ta đáp lại bằng cách cảm ơn món quà trong thời khắc này. Chúng ta làm thật tốt để nắm bắt được tia sáng biết ơn đó, một trạng thái đáng yêu để ở bên trong nó và thổi bùng lên ngọn lửa của nó.