Chuyến đi bộ qua vùng thôn dã làm bẩn đôi ủng. Chúng ta cố sức đá và cào nó đi bằng cách rê chân qua lớp cỏ thô mộc; một mảnh hàng rào có thể giúp loại bỏ một số bùn đất khỏi đế giày, nhưng những nỗ lực của chúng ta chỉ có thể giảm bớt được phần nào. Mấy đôi ủng phải chờ đến khi chúng ta về nhà – nơi có một cái cạo, bàn chải và nước sẽ làm sạch chúng, rồi sẵn sàng cho bất kỳ loại chất đánh bóng hay bảo vệ nào mà ta dùng. Chăm sóc giày ủng chính là mối ưu tiên chính của bất kỳ một người đi bộ nghiêm túc nào.
Nhưng khi đã cầm lên và rửa sạch những chiếc ủng – với hy vọng không làm tắc bồn rửa nhà bếp và ước rằng chúng ta đã làm điều đó ở bên ngoài nhà mình – chúng ta có lẽ không còn suy nghĩ gì đến vết bùn đất nữa. Chúng là những mảnh của Trái đất: đất sét và mùn, phân và bùn, lá khô và các mảnh sạn bám chặt cứng vào đế ủng khi chúng ta đi bộ trên những con đường gồ ghề của thôn quê. Làm sạch bùn bẩn từ đôi ủng cho chúng ta một khoảnh khắc hiếm hoi để nghĩ về đất và mặt đất mà ta đi bộ trên đó. Thậm chí chúng ta bắt đầu có sự tôn trọng với những bụi bẩn mà ta rửa sạch đi – xét cho cùng, chúng ta và những mảng đất này đều được tạo ra từ cùng một thứ. Thực phẩm mà ta ăn mọc lên từ đất, nơi cây cối biến đất bẩn thành thảm thực vật, và sau đó trong chúng ta, quá trình sáng tạo đi xa hơn và xuất hiện một cách ý thức từ đất.
THẦN THOẠI SÁNG THẾ
Những thần thoại xa xưa nhất đã kể về mối liên hệ của con người chúng ta với đất. Trong Sáng thế ký, Yahweh (Chúa) đúc ra người đàn ông đầu tiên từ đất và thổi sự sống vào anh ta – Adam, tên của anh ta có phần nào như một sự gợi ý, có nghĩa là “đất” trong tiếng Do Thái. Chỉ dẫn tang lễ trong Sách Kinh Nguyện Chung nhắc lại sự kiện này với những từ ngữ mạnh mẽ: “Đất về với đất, tro về với tro, bụi về với bụi”. Các tín đồ Thiên chúa giáo vào ngày Thứ Tư Lễ Tro đôi khi còn bôi tro lên trán họ với dòng chữ: “Hỡi người, hãy nhớ mình là cát bụi và sẽ lại trở về cát bụi.”
Một thần thoại sáng thế ít được biết đến hơn của người Mỹ bản địa, được kể bởi những người thuộc nhóm Jicarilla Apache, đưa ra một điểm tương tự. Đấng sáng tạo trong câu chuyện này là Black Hactcin, người trước tiên tạo ra động vật từ đất sét rồi thổi sự sống vào chúng, sau đó là tạo ra chim chóc bằng cách trộn đất sét với những hạt mưa. Câu chuyện tiếp tục kể về chuyện chim và thú lo lắng ra sao vào ngày Hactcin rời bỏ chúng: “Người sẽ không ở cùng chúng tôi mọi lúc.” Cho nên chúng đã yêu cầu một người bạn đồng hành, một con người, để chăm sóc chúng.
Black Hactcin chấp thuận yêu cầu và gửi tới cho chim và thú tất cả các nguyên liệu cần thiết: đất sét trắng, màu đen, đá đỏ, đá opal, đất son đỏ và mây đen làm tóc. Sau đó, ông đã vẽ bản phác thảo của một người đàn ông lên mặt đất, một phác thảo giống như chính ông, và đặt tất cả các nguyên liệu vào đó. Ông triệu hồi gió để định hình đất (nó đã để lại các vòng xoắn ốc trên các đầu ngón tay, thứ mà đến giờ vẫn còn có thể nhìn thấy).
Black Hactcin ra lệnh cho các thú vật và chim chóc không được nhìn khi quá trình sáng tạo này diễn ra – nhưng các con chim không thể cưỡng lại được sự cám dỗ và chúng đã nhìn, đó là lý do tại sao con người rất hiếu kỳ. Tuy vậy, chim chóc đều cất lên tiếng hát khi người đàn ông đầu tiên sống dậy, như giờ đây chúng vẫn làm vào mỗi sáng với bản điệp khúc buổi bình minh.
Toàn bộ thần thoại phức tạp này có thể được tìm thấy ở trong tác phẩm mang tính bước ngoặt về nhân chủng học của Joseph Campbell (1904-1987): The Masks of God: Primitive Mythology (Tạm dịch: Những mặt nạ của Chúa: Thần thoại nguyên thủy).
CÁC TẠO VẬT CỦA TRÁI ĐẤT
Cả thần thoại sáng thế của người Do Thái và người Jicarilla đều lưu ý đến trách nhiệm của chúng ta là phải quan tâm đến các tạo vật khác, một vấn đề ngày càng trở nên cấp thiết hiện nay. Và những thần thoại đều nhắc nhở chúng ta rằng, con người được tạo ra từ thứ lấy trên mặt đất mà chúng ta đang bước lên – những thứ chúng ta cạo khỏi ủng sau một chuyến đi bộ dài lầy lội. Đất.