Một người đàn ông tôi từng gặp coi những tòa nhà chọc trời là những ngọn núi. Anh ấy thích leo lên chúng, từ cầu thang lên tầng thượng, hết tòa nhà này đến tòa nhà khác, chinh phục những quãng đường dài dằng dặc như một cuộc thám hiểm đỉnh Everest vậy. Phiêu lưu, đối với nhà thám hiểm này, có nghĩa là sự hiếu kỳ, muốn tìm hiểu về mọi thứ ở xung quanh; đó là cảm giác bạn có khi cố gắng ngước lên, ngó xuống, và nhìn xung quanh.
Tôi chưa từng hỏi anh, liệu anh có bao giờ tình cờ lướt qua một nhóm những người đam mê chim chóc, một nhóm vui vẻ những người phụ nữ và đàn ông tụ tập đón bình minh trên tầng thượng của một trong những tòa nhà cao nhất London hay không. Những người đó đi lên đỉnh tòa nhà cao tầng đặc biệt này để ngắm những con chim săn mồi và những động vật hoang dã khác.
Quanh năm, tòa tháp này đã ban thưởng cho những con người chịu khó leo trèo này những cảnh tượng ngoạn mục – chim cắt lớn, chim bồ cắt, chim ó, chim cốc và mòng biển bay qua bay lại với nhịp điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng giữa các cây cầu, các phòng triển lãm nghệ thuật và các bảo tàng như thể đấy là môi trường sống tự nhiên của chúng.
Từ mái nhà, những người xem có thể cảm nhận hoàn toàn cảnh quan đô thị. Những cư dân thành phố dành quá nhiều thời gian để đi đến đâu đó, mắt nhìn xuống, vỉa hè trở thành thước đo chính, và đường chân trời duy nhất bị bó gọn trong những bước đi – những gì nằm ngoài bước chân đó thì chúng ta hiếm khi có thể mở rộng lòng để tưởng tượng đến.
KHÁM PHÁ SỰ HOANG DÃ
Những cá thể có xu hướng tự nhiên thường không áp đặt ranh giới nào trong tầm nhìn của mình. Đối với một con chim, một tòa cao ốc văn phòng chỉ là một cái đỉnh khác, một nơi làm tổ, một địa điểm thuận lợi để săn mồi; với một người có tinh thần tự do khoác trên vai một cái ba lô thì những mảng kính, sắt thép và bê tông cũng đã là đủ để khơi gợi hứng thú và thỏa mãn cái nhu cầu căn bản được lang thang. Với một cảm quan linh hoạt về không gian trong tâm trí, chúng ta cũng có thể nhìn những cao ốc trong thành phố như những đỉnh núi – bên trong, bên ngoài và ở trên mái nhà. Khi làm như vậy, chúng ta cảm nhận được sự hoang dã ở hầu hết những nơi ta không ngờ đến nhất.
Vài giờ sau khi những người say mê chim chóc đã đi xuống, quán bar ở tầng 42 bên dưới tràn ngập tiếng cụng ly sâm banh leng keng thánh thót. Những nhóm người ồn ào trong giờ ăn trưa di chuyển từ các ngân hàng và các tòa nhà tài chính, vừa ngẫm nghĩ về các ý tưởng thị trường vừa nhai những miếng thịt bò hiếm tưới đẫm xốt mayonnaise ngải giấm. Băng qua biển khăn trải bàn trắng lóa, các thực khách rôm rả bàn luận về một vụ thâu tóm lớn tiếp theo: tin tức về một lĩnh vực đầy hứa hẹn, tin đồn về một lợi nhuận ròng yếu ớt và dao động. Ở đó, thế giới là phẳng và họ là kẻ chinh phục. Còn ngoài kia, gió đã chuyển hướng.
MỘT VỊ TRÍ CAO NGẤT
Bức tranh toàn cảnh của đô thị nhìn từ trên cao mang lại cho chúng ta cảm giác nực cười rằng: Thành phố là một ốc đảo cô lập – nó không có sự kết nối vật lý nào với cái hoang dã, rằng sức hút của mặt trăng không có tác động nào đến những dòng sông của nó. Sống với một thái độ và quan điểm quá thực tế, chúng ta sẽ dần định vị nhầm bản thân trong thế giới này. Chúng ta quên mất rằng thành phố luôn luôn chỉ là một phần trong một hệ thống vĩ đại hơn, chỉ là một khoảng trên tấm bản đồ rộng lớn hơn nhiều. Chúng ta không lưu tâm đến lớp đất đá sâu bên dưới những tòa nhà chọc trời – đó là môi trường nền tảng được xây đắp và định hình bởi các quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm.
Khi dành thời gian để trèo lên thật cao, tôi thường ngạc nhiên khi nhìn thấy những ngọn cây ở một khu rừng hay công viên – những nơi dường như quá xa nếu tôi đứng trên mặt đất. Sự thoáng hiện của tự nhiên trông cũng thật mềm mại – những con suối, dòng nước, tia và giọt trong đủ các sắc thái của màu xanh; chúng luồn vào và chảy tràn xung quanh những cái rãnh và khe hở ở trong đô thị này.
Khi đứng trên đỉnh của một tòa nhà chọc trời, chúng ta sẽ nhận ra thành phố của mình không giới hạn chỉ ở những đường nét kiến trúc lộn xộn. Ở trên cao đó, chúng ta đón bắt được ánh sáng mặt trời, chứ không phải là ánh sáng laser qua một ô cửa kính. Ánh sáng tự nhiên đó như một đám sương mù ẩm ướt trộn lẫn với màu sắc của những đám mây, một sự hiện diện rực rỡ làm nổi bật các đường viền và góc cạnh của các mốc ranh giới gần và xa cùng một lúc.
ÂM THANH CỦA SỰ IM LẶNG
Và rồi có âm thanh của gió: như một lời thì thào, một tiếng huýt sáo, một tiếng rít quanh tai. Nó giống như cơn gió bạn đón nhận khi trèo lên một ngọn núi. Ngọn gió làm tắt ngóm tất cả những âm thanh ồn ã khác - tiếng xe ô tô, tiếng chào hàng, tiếng chuông nhà thờ – và cũng khiến cho bạn cảm thấy khá cô đơn. Đó là âm thanh của sự im lặng, đưa chúng ta ra khỏi sự nhân tạo và thoáng chốc bao bọc chúng ta trong sự hoang dã.
Trong khoảnh khắc đó, chúng ta có thể nhận ra rằng sự im lặng này đã có từ lâu – âm thanh đó đã lướt qua những tảng băng, định hình nên những lãnh nguyên lạnh giá và cả cảnh quan nơi mình đang sống. Nó cũng chính là âm thanh mà nhà thám hiểm luôn nghe thấy khi đứng trên đỉnh núi. Trên đó, anh có tầm ngắm hoàn toàn mới mẻ, một điểm nhìn tươi mới theo cái cách thật thú vị.