Tôi đã từng đến thăm một khu vườn ngẫu nhiên được tạo nên bởi các công dân của đường phố London. Cái trang trại nhỏ đó được đặt tên là Trạm-Bus-Ăn-Được; đúng như cái tên đã chỉ ra, các trang trại được gieo trồng xung quanh một trạm xe bus nhằm biến một khối bê tông khô cứng và nhạt nhẽo thành một mảng xanh tươi.
Khoai tây, cây lý chua và các loại thảo mộc, và một số loại khác được gieo trồng để bất cứ ai đi qua cũng thu hoạch được. Trạm-Bus-Ăn- Được này đem lại sự mềm mại tươi tốt cho những vạch thẳng cứng nhắc của một con đường đô thị náo nhiệt.
Nhưng đặc tính riêng của nó mới thật nổi bật. Khu vườn không có cổng hay hàng rào nào bị khóa để bảo vệ cây trồng khỏi những hành vi thiếu văn minh. Trong suốt cuộc phỏng vấn của tôi với các tình nguyện viên, tôi đã hỏi họ về cách tiếp cận thoải mái này. Họ giải thích rằng: “Chúng tôi cố gắng tạo ra cảm giác rằng khu vườn này dành cho tất cả mọi người”.
Những người làm vườn có lý khi đặt niềm tin vào những người hàng xóm láng giềng của họ: Trạm-Bus- Ăn-Được chưa từng phải trải qua một hành động phá hoại nào. Và yêu cầu của họ là, nếu bạn thu hoạch cái gì từ khu vườn này thì việc bạn sẽ tặng lại một gói hạt giống hoặc giúp một tay vun trồng nó thì cũng đã là hành động đáng trân trọng.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi biết về một dự án cộng đồng được hàng nghìn người tôn trọng và hàng ngày tiếp cận với nó. Một dự án khác là một cánh đồng hoa dại bên cạnh một sân bóng đá. Cư dân sống gần đó đã phản đối kế hoạch này vì nghĩ rằng lũ trẻ chơi bóng trên sân có thể sẽ bất cẩn làm hỏng cây trồng. Trong một buổi nói chuyện về chủ đề tự nhiên đô thị – sau một năm khi những hạt giống được gieo xuống – một tình nguyện viên giám sát dự án đã trình bày một báo cáo cho thấy rằng: Đồng hoa đó chưa hề bị phá hoại chút nào và đang bừng nở trong mùa hè đầu tiên của nó.
TÌM KIẾM ĐIỀU TỐT ĐẸP
Có một quan điểm mặc định rằng, tốt nhất là không nên tin vào loài người. Nhưng những giai thoại như tôi đã kể trên thách thức cái quan điểm đó – và thật hài hước khi cả hai câu chuyện đều đến từ một thành phố có tiếng là ít an toàn hơn một ngôi làng chật hẹp, nơi mọi người đều biết tên của bạn.
Mẹ tôi, một người sống ở nông thôn, ủng hộ quan điểm này; bà tin rằng thành phố là nguy hiểm đầy những “kẻ lập dị”. Thành phố mà bà ấy biết, nơi chúng ta xây dựng gia đình của mình, là thành phố mà bà xem trên bản tin 24 giờ, nơi chỉ cung cấp những thông tin xấu xí. “Con không biết được cái người mà con ngồi cạnh là loại người nào”, bà nói như vậy về giao thông công cộng.
Mặc dù vậy, tôi lại có cảm giác rằng, việc sống ở bên cạnh rất nhiều người của những thị dân có tiềm năng nuôi dưỡng cái bản năng tin tưởng vào người khác. Hầu hết con người thực chất là những thực thể tốt bụng – đó là điều chúng ta có thể cảm nhận khi càng gặp gỡ nhiều người và số lượng con người mà mình tiếp xúc càng lớn. Chúng ta có thể chia sẻ cho nhau đủ những câu chuyện kinh dị về thành phố; trong một số trường hợp nhất định chúng ta buộc phải tỉnh táo, sắc bén. Nhưng chúng ta càng tương tác, càng có nhiều cơ hội cho chúng ta hóa giải những trải nghiệm xấu xí và gây dựng lại niềm tin.
KHÔNG ĐỊNH KIẾN
Trong suốt thời gian tôi rời khỏi thành phố và sống ở một ngôi làng nhỏ, tôi đã gặp một số người thực sự đẹp đẽ và tuyệt vời; nhưng đồng thời cũng chứng kiến những hành động kì quái của lòng tham và sự chiếm hữu; gặp phải sự nghi ngờ ăn rất sâu trong đầu óc của một số người về “những kẻ bên ngoài” – tức là những người không sinh ra ở vùng đó. Trải nghiệm này đã thách thức quan điểm của tôi về sự phát triển của tinh thần cộng đồng – tôi vốn cho rằng tinh thần ở các cộng đồng nhỏ sẽ phát triển tự do hơn là ở các khu vực đông đúc.
Các thành phố giỏi hơn bất cứ đơn vị hành chính nào khác trong việc củng cố niềm tin và ý thức cộng đồng bởi sự cởi mở và đa dạng. Lòng tin lớn lên khi con người tương tác với những người khác; và càng có nhiều tương tác, chúng ta càng có thể cảm thấy thoải mái với đồng loại – ở bất cứ nơi nào chúng ta đang sống.
Sống trong tình trạng mất lòng tin là cách dễ nhất. Khi chúng ta bắt gặp rác rưởi và các hành vi khó chịu, thật đáng trách khi đổ lỗi cho cái đặc tính nội tại của thành phố, khi nói với chính mình rằng thành phố khuyến khích mọi người trở nên ích kỉ và thô lỗ. Nhưng nếu bắt gặp một sự việc tương tự vào lần tới, hãy thử cố gắng kiềm chế để không tưới tẩm cho cái hạt giống của sự tiêu cực và làm cho nó nở hoa – có lẽ điều đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn.
Thay vào đó, hãy tìm hiểu những gì xảy ra xung quanh bạn mà không có định kiến. Hãy điểm lại tất cả những tương tác qua lại bạn có trong một ngày. Hãy xem lại cách cư xử của những người mà bạn đã lướt qua, đã cùng đi thong dong hay đi mua sắm bên cạnh bạn – có thể bạn sẽ ngạc nhiên, vui thích khi tìm thấy nhiều ví dụ về thiện chí. Chúng ta chẳng thể nào trải nghiệm được tinh thần cộng đồng cho đến khi chúng ta tin vào sự tồn tại của nó.