Sẽ thật dễ dàng để nghĩ về chánh niệm như thể một hũ vàng nơi đáy giếng – chúng ta chỉ có ý niệm về sự hiện hữu của nó khi ta chạy trốn khỏi thành phố. Một bãi thạch nam đầy gió, một vùng biển xanh sóng cuộn, một chuyến đi dạo bên bãi biển xa lánh sự chú ý của con người – đó là những nơi chốn điển hình mà chúng ta đến để thư giãn và cuối cùng “tìm thấy” bản thể sâu hơn của chính mình. Ta thường cảm thấy rằng việc rời bỏ những căng thẳng lo âu chỉ có thể được thực hiện theo cách này.
Tôi không có ý coi nhẹ khả năng chữa lành mà phong cảnh thiên nhiên mang lại cho một đầu óc đô thị căng thẳng. Thật may mắn, chúng ta giờ đây đã biết rất nhiều về nhu cầu kết nối với không khí trong lành và những gì tự nhiên nhất của con người. Con người đã lang thang trên Trái đất trong hàng triệu năm, rất lâu trước khi có bê tông; việc tạo kết nối với các khoảng không gian (dù nhỏ bé hay rộng lớn) tách biệt khỏi các tòa nhà chọc trời và vùng ngoại ô là rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Nhưng việc làm chủ chánh niệm không thể đạt được bằng cách bỏ qua nguồn sức mạnh vô song trong sự kết nối với nhân loại.
Một thành phố “hối hả nhộn nhịp” vẫn thường được sử dụng như một uyển ngữ để ám chỉ tất cả những sai sót trong cách thiết lập cuộc sống của chúng ta. Nhìn thấy sự gần gũi kề vai sát cánh của con người theo cách này có thể là điều tiêu cực và ngăn trở chúng ta trân trọng nó. Và không có nhiều người trong số chúng ta có thể đi đến những nơi hoang dã đủ thường xuyên để coi đó như một liều thuốc chánh niệm đáng tin cậy. Hơn thế nữa, con người mới chính là hiện thực của chúng ta.
MỘT PHẦN CỦA NHÂN TÍNH THUẦN KHIẾT
Những hạt giống của một trạng thái tinh thần cân bằng, bình ổn không tồn tại trong lòng đất. Chúng luôn im lìm ẩn náu trong tâm trí của chúng ta. Điều này có nghĩa là tham gia vào dàn hợp xướng địa phương hay đi xem triển lãm tranh của một họa sĩ đầy ma lực cũng có thể khiến những hạt giống chánh niệm này nảy mầm không khác gì với một cuộc đi dạo trong rừng. Những hoạt động này có giá trị ngang bằng nhau; chỉ có nhận thức của chúng ta về chúng là khác nhau mà thôi.
Vào một Giáng sinh gần đây, chúng tôi lần đầu tiên trở lại sống ở London sau thời gian lánh mình ở vùng hoang dã của West Cornwall, chúng tôi đã đến một buổi hòa nhạc giáng sinh ở Royal Albert Hall. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia vào một sự kiện văn hóa kể từ sau khi trở về. Đến muộn, khoảng 10 phút sau khi bắt đầu, buổi hòa nhạc đã hết sức sôi nổi khi chúng tôi bước vào khán phòng và tìm chỗ ngồi. Khán phòng chật cứng người – trong trang phục lễ hội, một số còn quấn quanh người dây đèn Giáng sinh và họ đang vui vẻ cất lên lời hát của bài “Jingle Bells”.
Những âm thanh vang lên nồng nhiệt, hân hoan. Quả là choáng ngợp khi nghe hàng nghìn giọng ca trong một hòa âm, cùng cất tiếng bên nhau để tạo ra sự vang vọng âm thanh. Trong cuộc sống nơi thôn dã của chúng tôi, những âm thanh của cảnh quan – tiếng đại dương, tiếng chim kêu, tiếng gió rít – có thể khiến tôi cảm thấy bị cô lập và trở nên xa lạ với môi trường xung quanh. Ở đây, tôi cảm thấy là một phần của nó – nhân tính thuần khiết.
NHU CẦU Ở BÊN NHAU
Cách đây nhiều năm, tôi đã đến một xưởng gốm cộng đồng để viết bài về cuộc đấu tranh (cuối cùng đã thành công) của nó để khỏi bị đóng cửa. Xưởng gốm này mở những lớp học miễn phí cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp, những người chăm sóc, người vô gia cư và người cao tuổi. Hội đồng sở hữu đất đã đề nghị phá bỏ tòa nhà và thay thế nó bằng những căn chung cư đắt tiền. Bắt chuyện với những người học ở đây trong suốt chuyến thăm, tôi đã nhận ra nỗi khát khao được ở một mình lớn đến thế nào.
Muriel, 83 tuổi và sống một mình, nói với tôi rằng bà đến lớp học mỗi ngày thứ Tư – hoạt động duy nhất mà bà làm trong suốt cả tuần. Kevin, một chàng trai trẻ vốn là người vô gia cư khi mới tham gia lớp học, giờ đã học được các kỹ năng cần thiết khi ở xưởng gốm để kiếm được một công việc ở siêu thị địa phương. Và Mary, một học viên cao tuổi, đã tóm lược giá trị của tất cả những điều này một cách hoàn hảo nhất: “Tôi đã lỡ buổi học tuần trước và tôi cảm thấy điều đó thật tệ. Đó là nơi duy nhất mà một số người ở đây có thể đi tới, nếu không họ sẽ không gặp ai cả. Nếu chúng ta không tiếp tục giữ gìn những không gian nơi chúng ta chia sẻ các trải nghiệm, những người này sẽ mất đi sự tự tin.”
Trong cuốn sách Cities are Good for You (Tạm dịch: Thành phố tốt cho bạn), Leo Hollis đã nói: “Chúng ta có một nhu cầu về mặt sinh học được ở cạnh nhau… Đối với Jean-Paul Sartre, địa ngục chính là những người khác, nhưng nhà chủ nghĩa hiện sinh hút thuốc lá như ống khói này đã sai.” Khi một đám người ngẫu nhiên trở thành một cộng đồng – có thể là do một buổi hòa nhạc giáng sinh, nhờ một dự án trồng cây ăn quả, hay trong một cuộc tuần hành – chúng ta khám phá ra sức mạnh của quãng thời gian chia sẻ với nhau. Chúng ta nhận ra những áp lực mà bản thân đã gánh lên vai để khiến những khoảnh khắc trở nên có ý nghĩa, để sự tồn tại của chúng ta trên thế giới này có ý nghĩa. Nhưng hành động đơn giản của “việc tham gia vào” làm giảm bớt gánh nặng của việc làm điều đó một mình, và đôi khi đó là tất cả những gì chúng ta cần.