Một tạp chí từng mời tôi viết một bài về nguyên nhân tôi chọn sống ở thành phố trong khi lại dành tình yêu cho phong cảnh thiên nhiên. Lúc đó, tôi còn chưa biết rằng cuộc sống thôn dã không phù hợp với bản thân; nhưng bản năng vẫn mách bảo rằng, hai khía cạnh trong tính cách đó cũng không quá đối nghịch.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy rằng mình phải bỏ bớt ham muốn, sở thích với giới tự nhiên hoang dã. Thực ra, chính cuộc sống thành phố đã cho tôi thấy nét quyến rũ trong sự song hành của giới tự nhiên và thế giới nhân tạo. Sự song hành đó gần gũi hơn chúng ta tưởng – đó là điều tôi nhận ra khi nhìn thấy vẻ sống động của một khu vườn nép dưới một cây cầu lúc nào cũng ầm ầm như sấm động, hoặc một cái tổ chim trong hốc tường của một tòa nhà chọc trời.
Hơn thế nữa, cái tư duy nhị nguyên mà con người tự định ra – rằng tự nhiên thật sự thuộc về nông thôn, một thứ gì đó chỉ cần được bảo vệ trong những khu vực được nhất định – là một sự phân biệt đang trở nên lỗi thời.
Một thành phố thành công trong tương lai sẽ là nơi có sự bao phủ của cây xanh, giữ cho những thị dân được mát mẻ và không khí được trong sạch; là nơi hỗ trợ các hệ sinh thái cho việc trồng trọt lương thực trong các trang trại đô thị, và duy trì những không gian xanh không có sâu hại. Mỗi một công viên công cộng trong thành phố đó sẽ được xem như là một lá phổi xanh vô giá, và lá phổi đó sẽ chỉ cho các thị dân biết đến kết cấu và nhịp điệu của thế giới tự nhiên.
Giờ đây, khi hơn một nửa dân số thế giới là cư dân thành thị, chính các thành phố sẽ đi đầu trong việc giảm thiểu tác động của con người lên Trái đất. Chỉ một thành phố chánh niệm mới có thể tổng hòa được các phương thức sáng tạo để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, khởi tạo và thúc đẩy giao thông xanh và các tòa nhà không khí thải carbon, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thế hệ năng lượng sạch. Chỉ một thành phố chánh niệm mới có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
NƠI GẶP GỠ CỦA VẠN VẬT
Nhiều thành phố sở hữu vô số nguyên liệu thô để tạo ra những không gian lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Thành phố có thể là ngôi nhà cho một số loài sinh vật hiếm, khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác; như ở thành phố của tôi có các loài dơi, bướm, nhện và cây. Tôi có thể vươn mình thức dậy cùng mặt trời để lắng nghe dàn hợp xướng của buổi bình minh, và tìm thấy những dòng suối trong vắt đến nỗi nước của chúng lấp lánh.
Trong thành phố, tôi có thể sống một cuộc sống phù hợp hơn là ở nông thôn; sự đông đúc của thành phố có nghĩa là tôi không cần đến một cái ô tô để đi đến mọi ngóc ngách, và các thị dân cũng không quá xa lạ với việc tái chế. Các nhà sinh thái học đã phát hiện ra rằng, sự tập trung dân số và hệ thống giao thông công cộng làm giảm thiểu sự xâm lấn của con người lên môi trường tự nhiên, và các căn hộ trong đô thị tiết kiệm năng lượng hơn là những căn nhà đơn lẻ ở ngoại thành. Điều đó có nghĩa, mọi thị dân đều có thể là những người tìm ra giải pháp cho một hành tinh bền vững và một tương lai cho loài người.
Sự căng thẳng tranh chấp giữa thế giới tự nhiên và thế giới nhân tạo được gói gọn lại trong một không gian vật lý – những đô thị. Giống loài Homo sapiens, hay loài người, đã và vẫn đang giành phần thắng trong cuộc chiến đó. Nhưng cho đến tận bây giờ, con người mới nhận thức rõ ràng những tổn thương mà cuộc chiến đó đem lại. Nhưng nếu chúng ta tìm ra một phương cách trọn vẹn để giải quyết những thách thức trong thành phố – áp lực về hạ tầng cư trú và cấp dưỡng một số dân khổng lồ là các vấn đề quan trọng nhất – thì con người vẫn có thể chung sống hài hòa với thiên nhiên, thay vì một lối sống hình thức, tạm bợ.
CHĂM MỘT CÁI CÂY
Đưa chút gì đó nhân văn vào trong một mét vuông thành phố có thể là một việc làm có sức lan tỏa, mạnh mẽ – đó sẽ là hành động đem tới sự mãn nguyện của bản thân, và cũng có lợi cho khu phố của bạn. Chăm một cái cây là một thí dụ. Hãy chọn lấy một mầm non mới trồng ở gần nhà hay nơi làm việc của bạn; chăm sóc nó như thể đó là nhiệm vụ làm đẹp cho thành phố: Định kỳ tưới nước, nới lỏng dây buộc cọc để nó vươn lên mạnh mẽ. Đó cũng là cách đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho đô thị bạn đang sống.
Mầm non đó rồi sẽ phát triển dần thành một cái cây cứng cáp, tự tồn tại trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Cho đến một ngày ngột ngạt nào đó trong tương lai, hãy thử tưởng tượng xem bao nhiêu cư dân thành phố có cơ hội nghỉ ngơi dưới bóng râm của cái cây bạn đã cất công vun trồng và tận hưởng cơ hội được hít thở không khí trong lành mà nó trao tặng.
Các thành phố – dù được thiết lập theo cách phát thải ô nhiễm kiểu cũ – vẫn đang vận hành tốt trong thời điểm hiện tại. Rồi những cư dân trong những thành phố đó vẫn phải đối mặt với vô số những trách nhiệm hàng ngày. Giữa những bộn bề lo toan ấy, việc khám phá ra ý nghĩa của chánh niệm nghe có vẻ dị thường và dường như là một gánh nặng cho những cư dân của thành phố. Một hành động có chánh niệm sẽ luôn chứa đựng sự lạc quan và đem tới sự vui thú cho các thị dân. Những việc làm đơn giản và bé nhỏ cũng đem đến hy vọng cho chúng ta: Thành phố sẽ không còn chỉ là nơi ô tạp, khó chịu; đó có thể là – và là – một nơi chốn để con người thăng hoa.