Những năm sống ở thành phố đã dạy tôi phải trân quý cây cối. Khi tôi nghĩ về hình ảnh nông thôn thời thơ ấu, những cái cây chẳng đáng giá gì – dường như cây nhiều hơn cả người. Nói thế không có nghĩa là tôi không yêu những cái cây. Chúng đã ngắm nhìn hành trình trưởng thành của tôi: Từ một đứa trẻ chơi trò đuổi bắt xung quanh chúng, cho đến khi thành một thiếu nữ ngồi dưới gốc cây trong những đêm êm dịu, tán chuyện và uống rượu.
Bước chân đến thành phố vào những năm tháng chớm đôi mươi, tôi cảm thấy thiếu thốn không khí trong lành và những khoảng không gian quen thuộc; ở đó, thứ tôi kiếm tìm nhiều nhất chính là những cái cây. Không chỉ là những cái cây cư ngụ trong công viên mà cả những cái cây chạy dọc trên đường phố. Ngay khi tình cờ bắt gặp một cái cây nổi loạn – vươn những cành của nó thoát khỏi sự ngăn trở của hàng rào khu vườn – tôi chắc chắn sẽ nán lại đủ lâu để cảm thấy mùi hương từ nó, đoán tuổi của nó, nhìn những tán lá của nó in trên nền trời.
Đến tận bây giờ, dù có sự gắn bó chặt chẽ với thành phố, tôi vẫn thích dựa vào những cái cây cổ thụ. Chúng tựa như người ông người bà ân cần, luôn đem lại cảm giác thoải mái ấm áp và bí ẩn bất chấp sự thô ráp bề ngoài. Mỗi gốc cây cổ thụ đã chứng kiến bao thế hệ đến rồi đi, và sẽ vẫn đứng đó, tiếp tục như thế trong nhiều năm tới. Đó là một lời nhắc nhở nho nhỏ về sự ngắn ngủi của cuộc sống của chúng ta xét trên lịch trình vĩ đại của lịch sử, thậm chí là so với các giống loài khác trên thế giới này – vậy nên, một ngày của bạn dù có tệ hại đến đâu thì cũng chỉ là thoáng qua.
HƠI THỞ SÂU
Qua năm tháng, tôi dần dà hình thành một tình cảm đặc biệt cho một số cái cây trong thành phố; tôi cứ quay đi trở lại, ngắm nhìn chúng hết lần này tới lần khác. Đó là một cây liễu bên bờ sông, các nhánh của nó rối tung trong cỏ dại; đó là một cây dâu tằm rậm rạp trong công viên phía đông nam thành phố mà trái của nó là món quà ngọt ngào nhất; đó là một cây dương vàng trong vườn thực vật địa phương, đón những làn gió qua những kẽ lá, rồi cùng nhảy múa trong một vũ điệu quyến rũ.
Dưới những cái cây là nơi tôi có thể hít thở sâu hơn ở bất cứ nơi nào khác. Cơ thể tôi cứ đáp lại một cách đầy bản năng với khí oxy bao phủ quanh những cái cây. Mỗi lần lao đầu vào công việc trong thành phố, tôi luôn cảnh giác với sự ô nhiễm, chối từ hít thở sâu một cách vô thức. Những cái cây là những bậc thầy thanh lọc không khí vĩ đại; ở gần chúng, tôi cảm thấy an toàn, sẵn lòng mở rộng lá phổi hết cỡ để hít thở.
Hít thở sâu như vậy đem lại một cảm giác lâng lâng sảng khoái, như thể đang bập bềnh giữa đại dương vậy. Nhưng cũng cần nhớ rằng, việc hít thở đúng cách là điều thực sự cần thiết cho tâm trạng bản thân; và điều quan trọng là phải tìm được thời gian và không gian – những khi chúng ta tận hưởng cảm giác phục hồi cơ thể qua việc hít và thở. Chúng ta có thể chấp nhận những hơi thở nông và gấp khi chạy đi chạy lại giữa các cuộc họp, cúi gằm người trên bàn làm việc, hoặc lúc đợi chờ một chuyến tàu trễ. Những hơi thở ngắn, vội ấy giữ cho trái tim tiếp tục đập; nhưng chúng không nuôi dưỡng cơ thể hay tâm trí mình. Những hơi thở sâu đầy thư giãn mới đem lại những ích lợi sức khỏe trọn vẹn nhất.
PHÚT HỒI PHỤC
Chúng ta có thể gọi sự thực hành thở sâu là “phút hồi phục”. Khái niệm này là sự đối lập với “phút New York”, một cụm từ thể hiện sự dồn nén căng thẳng của thời gian trong Quả Táo Lớn1. Bất cứ thị dân nào cũng có thể nhận thức được phút New York qua từng khoảnh khắc trôi qua, và qua sự rung cảm cơ thể họ với những áp lực, dồn nén họ phải chịu. Trong phút hồi phục, chúng ta dừng lại, điều chỉnh hơi thở và làm sạch tâm trí. Đó là khoảng thời gian mà bạn có thể hoàn toàn dừng lại, tạm ngưng dòng suy nghĩ, gác lại cái công việc đang làm. Bạn đồng thời quan sát những hành động của bản thân, quán sát hơi thở, nhận biết mọi căng cứng bởi căng thẳng trong cơ thể.
1 Quả Táo Lớn (Big Apple) là một tên gọi khác của thành phố New York. (Chú thích của Người Dịch – ND)
Bạn có thể thực tập phút hồi phục ở nhà, trên một băng ghế công viên vào giờ ăn trưa, thậm chí là trên cái cầu thang không người của một triển lãm. Tất nhiên, không khí càng trong lành càng tốt – cho nên các công viên và các nhà thờ, những nơi thường có nhiều cây xanh là những không gian lý tưởng nhất. Bất cứ nơi nào mà bạn làm điều đó, hiệu quả cũng như nhau: Khi 60 giây đó qua đi, tâm trí và cơ thể bình tĩnh lại. Làm việc ở nhà cho phép tôi có được những phút nghỉ ngơi dễ dàng hơn; nhưng ngay cả khi làm việc ở một văn phòng có không gian mở hay trên các tầng cửa hàng khác nhau, tôi vẫn tìm được thời gian để làm cái việc mà tôi cho là một hành động nổi loạn âm thầm.
Khi bạn chọn được một nơi yên ả, hãy bắt đầu bằng cách điều chỉnh lại tư thế để cho vai được thư giãn, ngồi hay đứng thẳng hơn để kéo giãn cột sống và thả lỏng cơ hàm. Hít vào và thở ra thật sâu – hít vào từ từ qua mũi, cho phép phổi mở rộng đủ để cảm thấy lồng ngực nâng lên thật nhẹ nhàng, và sau đó chầm chậm giải phóng hơi thở, một lần nữa qua mũi, cảm thấy xương sườn trở lại vị trí cũ.
Sự thực hành này cho phép chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với sự hồi hộp của mình khi bị kích động bởi đám đông. Kiểm soát hơi thở khi đi bộ, hít vào trong khoảng bốn đến sáu bước, và thở ra trong số bước tương tự. Sau khi phút hồi phục của bạn kết thúc, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn và bớt cáu giận với bất cứ ai đó dám “cắt ngang” con đường của bạn. Bạn có thể nhận ra rằng trong khi thực hành, bạn chỉ nghĩ về cái cảm giác nuôi dưỡng, sảng khoái đến từ làn không khí hít vào tận đáy lá phổi.