Năm 2017, tôi cùng Việt Healthy tổ chức hướng dẫn cho một nhóm cách kiểm soát tiểu đường bằng chế độ ăn ít đường bột, nhiều chất béo tốt theo công thức nghiêm ngặt nhất của bác sĩ Atkins (chúng tôi gọi là Atkins 1).
Phương pháp đó yêu cầu bệnh nhân phải giới hạn mức carb dưới 20g/ngày, tức là chỉ được ăn rau, chất béo và đạm động vật, không ăn thứ gì khác. Hơn 90% bệnh nhân ổn định đường huyết và ngừng thuốc chỉ sau 2 ngày. Số còn lại cũng ổn định sau 5 ngày. Tuy vậy, rất khó để duy trì lâu dài một chế độ ăn quá khắt khe. Sau độ vài tuần, hầu hết mọi người bỏ dần chế độ ăn đó.
Từ những suy luận trên, trong đầu óc vốn luôn treo lơ lửng câu hỏi “tại sao” của tôi chợt bật lên suy nghĩ: “Ồ, tại sao không ai tìm cách đo đường huyết vào các thời điểm khác nhau trong ngày, để xác định quy luật lên/xuống của từng người, rồi dùng các biện pháp tự nhiên và chế độ ăn để kiểm soát đường huyết tại chính những thời điểm mà đường huyết của người đó hay bị đẩy lên?” Và thêm điều nữa: chắc chắn lý thuyết về một chế độ ăn phù hợp với từng cá nhân người bệnh là vô cùng quan trọng, bởi vì “chẳng ai giống ai 100% cả”.
Bệnh nhân phải được hướng dẫn để xác định loại carb, cũng như mức carb được ăn cho từng bữa, để kiểm soát tốt đường huyết của mình. Vậy chế độ ăn-nhịn luân phiên có lợi ích thế nào với người tiểu đường?
Những câu hỏi đó cứ “hành hạ” tôi trong suốt nhiều tháng trời, cho đến khi tình cờ biết anh Tạ Văn Nam qua chia sẻ của anh về những trải nghiệm khi làm enema cà phê. Tôi lập tức nhắn tin, tha thiết thuyết phục anh thử dừng thuốc, chấp nhận để tôi hướng dẫn cách kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn.
Cuộc thử nghiệm được bắt đầu vào ngày 12/5/2020, đúng ngày nhà tôi rời Đà Lạt để chu du vùng núi phía Bắc.
Tôi thống nhất với anh Nam về các bước tiến hành như sau:
-Bước 1 – Nhịn ăn chỉ uống nước xương hầm: thực hiện trong 7 ngày. Mục đích là để tạo cơ hội cho tụy được một kỳ nghỉ dài, sẽ tự phục hồi và hoạt động tốt hơn. Vì thấy “chuột bạch” Nam rất quyết tâm và kỷ luật cao, nên tôi mới động viên anh nhịn ăn, chứ chỉ riêng việc kiểm soát chế độ ăn cũng giúp ổn định đường huyết ngay lập tức, không cần phải nhịn ăn dài ngày.
Phố Trúc, khu đô thị Ecopark, cách Hà Nội 15km
-Bước 2 – Ăn lại sau khi nhịn, chế độ ăn không đạm thực vật, không chất béo – trừ nước xương, bước đầu thử nghiệm lượng carb cho từng bữa, thực hiện trong 4 ngày, được kết hợp với chế độ ăn-nhịn luân phiên. Cụ thể: bỏ bữa ăn sáng, thay vào đó uống nước xương hầm, bắt đầu ăn trưa lúc 12 giờ và kết thúc bữa tối chậm nhất lúc 19 giờ (gói gọn 2 bữa ăn trong tối đa 6 – 8 tiếng). Thực hiện chế độ ít đường bột mức 2 – Atkins 2 (tức là ăn khoảng 50 – 70g carb/ngày). Mỗi bữa, tôi yêu cầu anh chỉ ăn 40g gạo đen (vì chỉ số GI của gạo đen thấp nhất trong các loại gạo lứt), 10 – 20g trái cây (trừ chuối, mít, sầu riêng).
-Bước 3 – Thử nghiệm và duy trì chế độ ăn phù hợp với cơ thể. Mục đích của giai đoạn này là: mỗi ngày ăn 100 – 110g chất béo tốt và tối đa 100g thịt hoặc cá (1g đạm động vật/1kg cân nặng cơ thể), đồng thời thử nghiệm và tìm ra các loại thực phẩm thuộc nhóm đường bột, định lượng từng loại cho mỗi bữa sao cho phù hợp với cơ thể cá nhân. Sau khi biết quy luật thì tạo ra và duy trì thói quen ăn uống mới giúp kiểm soát tốt đường huyết. Với cách này, anh vẫn được thưởng thức mọi loại đồ ăn mà không cần dùng thuốc, tạm gọi là “chế độ ăn có kiểm soát mức đường bột” phù hợp với cá nhân anh Nam. Giai đoạn này thực hiện trong 1 tháng.
Để biết cụ thể những việc anh Nam thực hiện trong từng giai đoạn từ ngày 12/5/2020 đến ngày 12/9/2020, mời các bạn xem Chương 2.