Khi quyết định giảm cân, dù để mặc lại quần áo mua từ 10 năm trước hay do liều insulin ngày càng phải tăng lên, thường ta đưa ra một kế hoạch nhịn ăn khắc khổ và lịch tập thể dục hoành tráng, có thể bao gồm cả việc đầu tư vào thẻ hội viên một phòng gym. Vấn đề nằm ở chỗ bạn sẽ hào hứng theo đuổi được một vài tuần rồi bỏ cuộc. Nếu bạn rơi vào tình trạng đó thì cũng đừng tự dằn vặt quá, bởi có nhiều người cũng như vậy. Nhịn ăn dài hạn chỉ nên là kế hoạch ngắn hạn, phải được tính toán kỹ và đặt ra những mục tiêu cụ thể, khi đạt được ta lại quay về với “đời thường”.
Do vậy trong những năm gần đây, nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) đang là giải pháp được nhiều người chọn. Bởi đây không phải là một đợt kham khổ mà chỉ bạn huấn luyện lại mình dần dần, theo một cách thức ăn uống và sinh hoạt mới, lâu dài và bền vững hơn.
Hình 27– Lợi ích của nhịn ăn gián đoạn.
Nguồn: Girl with Curves, 2019
Thực ra những người nhịn ăn gián đoạn cũng không làm ra cuộc cách mạng nào, mà chỉ quay về với lối sống cách đây 30 – 40 năm, khi mọi nhà ăn sáng, còn gọi là bữa lót dạ, vào khoảng 6 – 7 giờ sáng, sau đó ăn bữa trưa đơn giản, rồi quây quần quanh mâm cơm gia đình vào khoảng 6 – 7 giờ tối. Khi đó không có trà sữa,không bữa xế, không bỏng ngô lúc xem phim, hay một tô ấm bụng cho dễ ngủ. Đi ngược xa hơn về thời kỳ tiền nông nghiệp, con người chỉ ăn khi kiếm được cái mà bỏ vào miệng, điều không phải ngày nào cũng xảy ra, thành thử nhịn ăn dài ngày thành thường lệ. Còn ngày nay tại Mỹ (rất tiếc không tìm được số liệu ở Việt Nam), theo một nghiên cứu năm 2018, chỉ có khoảng 1/4 người được hỏi còn giữ chế độ ăn ba bữa mỗi ngày, còn phần lớn ăn nhiều bữa hơn, trung bình 5 bữa, nhiều người ăn luôn miệng (Gervis, 2018).
Ý tưởng của nhịn ăn gián đoạn là thu ngắn khoảng thời gian ăn trong ngày, cho các hệ thống của cơ thể có thời gian xử lý thức ăn thừa ứ và nghỉ ngơi. Có nhiều chế độ khác nhau như 12:12, 16:8 hay thậm chí 20:4 hoặc bỏ bữa cách quãng. Xin không đi vào chi tiết của các chế độ nhịn ăn cách quãng vì có rất nhiều thông tin được viết ra trong sách vở hay trên Internet.
Dù có nhiều gương thành công, nhưng nhịn ăn gián đoạn vẫn chưa chắc đã giúp được bạn giảm cân hoặc kiểm soát tiểu đường. Khi nghe nhiều người say sưa nói về lợi ích của nó, bạn vẫn có thể lăn tăn: Liệu chế độ nào là tốt nhất cho bạn? Nên theo tiêu chí nào để chọn chế độ này hay chế độ khác? Liệu có cần thay đổi gì trong thực đơn hay không? Nhỡ đói quá rồi mà vẫn chưa đến giờ được phép ăn thì làm thế nào? Có sợ bị ăn quá đà và lại lên cân sau đợt nhịn? Nếu bạn đọc tiếp, phần còn lại của cuốn sách sẽ cố gắng giải đáp thắc mắc và gợi ý với bạn một phương cách có thể trả lời những băn khoăn đó.