Quay lại ý tưởng tìm một chỉ số để đo mức năng lượng trong cơ thể, giúp ta biết lúc nào cỗ máy cơ thể cần nạp thêm nhiên liệu, còn khi nào thì bình xăng vẫn còn đầy. Đường huyết chính là kim chỉ chính xác mức năng lượng hiện tại của bạn. Dù đo đường huyết không xa lạ gì với người mắc bệnh tiểu đường, nhưng phần lớn họ tập trung vào chỉ số đường huyết SAU bữa ăn. Ngẫm kỹ ra, đường huyết TRƯỚC khi ăn mới là chỉ số giúp ta quyết định đã đến lúc phải nạp thêm năng lượng hay chưa.
Đợi tới lúc đường huyết trở về mức tiêu chuẩn (baseline) mới ăn sẽ giúp bạn không đổ thêm xăng khi bình còn đầy. Nhưng nếu tiếp tục đợi cho đường huyết xuống thấp hơn chút nữa, bạn thực sự sẽ đốt bớt calo dự trữ và tạo điều kiện cho năng lượng nạp vào ít hơn số lượng thải ra. Bạn có thể chắc chắn như vậy bởi như đã nói ở trên, chỉ số đường huyết không chỉ đo glucose trong máu mà còn biểu hiện mức năng lượng tổng cộng của tất cả các nguồn dự trữ. Phương pháp này không những giúp bạn kiểm soát đường huyết, mà còn làm bạn giảm cân dựa trên những mách bảo của chính cơ thể mình.
Không cần phải lên gân lên cốt để nhịn ăn hành xác, bạn vẫn có thể đạt được những lợi ích của chế độ nhịn ăn, như giảm cân, giảm mỡ, giảm đường huyết, giảm kháng insulin, đẩy mạnh quá trình tự thực bào (autophagy), v.v.. Những lợi ích này có thể được duy trì lâu dài chứ không chỉ mang tính nhất thời.
Người theo trường phái ăn nhiều chất béo cho rằng nó sẽ làm cơ thể “thích nghi với mỡ” tốt hơn, dễ dàng đạt tới trạng thái ketosis và đốt mỡ tích cực hơn. Vấn đề ở chỗ, để đốt bớt mỡ, dù là tích trữ trong mô mỡ hay mới ăn vào trong bữa trước, cơ thể phải dùng hết glucose trong máu đã. Khi mức đường huyết còn cao, chẳng có cách gì tiêu thụ lượng mỡ mới ăn vào chứ đừng nói gì đến đám mỡ tích ở bụng và mông.
Do vẫn còn hiểu lầm về vai trò của insulin trong cơ thể, nhiều người chỉ quan tâm giữ cho mức đường huyết khỏi bị vọt lên sau bữa ăn, nên câu chuyện thường xoay quanh băn khoăn nên ăn gì và ăn bao nhiêu. Nhưng không chỉ sau khi ăn, ta cần kiểm soát đường huyết và giảm insulin trong cả ngày (và đêm nữa). Hai việc này thoạt nghe như giống nhau, nhưng cách tiếp cận và kết quả thu được lại hoàn toàn khác.
Mức đường huyết sau khi ăn chịu ảnh hưởng của loại thực phẩm bạn vừa ăn vào, còn đường huyết lúc đói lại phụ thuộc vào mức mỡ trong cơ thể (năng lượng dự trữ). Nếu chỉ kiềm chế insulin sau bữa ăn và cho đó là mục đích cuối cùng, bạn đã vô tình đẩy insulin trong ngày cao lên vì sẽ bóp mồm bóp miệng bằng khẩu phần nghèo dinh dưỡng và không cho cảm giác no – chính lại là yếu tố dẫn đến tích mỡ và kháng insulin.
Hình 32– Cơ thể mở lần lượt từng kho năng lượng, đốt hết glucose và mỡ trong máu rồi mới dùng tế bào mỡ.
Do vậy đường huyết là kim chỉ mức tổng năng lượng.
Nhìn chung, mức đường huyết mới ngủ dậy cao hơn 100 mg/dL (5,6 mmol/L) nghĩa là bạn cần giảm bớt mỡ về ngưỡng béo cá nhân lành mạnh. Tương tự, mức insulin trong ngày cũng tương quan chặt chẽ với mức mỡ cơ thể. Bởi thế, biện pháp duy nhất giúp giảm insulin và đường huyết một cách ổn định và đảo ngược bệnh tiểu đường loại 2 là giảm mỡ cơ thể xuống dưới ngưỡng béo cá nhân. Do vậy, quá trình kiểm soát tiểu đường cũng chính là cách làm vơi đi những kho mỡ của bạn, nhất là mỡ nội tạng.