Bản chất của phương pháp này là luyện cho cơ thể tập chịu đói (hunger training) một cách có kiểm soát, tuân theo mách bảo của chính cơ thể – là mức đường huyết. Cộng thêm với mục tiêu do bạn đặt ra: đốt năng lượng nhiều hơn nạp.
Ý tưởng được giới thiệu từ năm 2012 trong cuốn sách Máy đo đường huyết: Công cụ giúp bạn tự tạo nên cơ thể khỏe mạnh và thon gọn của tác giả Angela Ross (Ross, 2012), khuyến cáo đừng vội ăn khi đường huyết còn trên ngưỡng 90 mg/dL.
Sau đó có nhiều nghiên cứu khác theo hướng này. Chẳng hạn trong vòng hai năm 2016, 2017, Đại học Otago ở New Zealand (Jospe, Brown, Roy & Taylor, 2015) đã tiến hành thực nghiệm nhiều đợt nhịn ăn theo mức đường huyết và cho thấy phương pháp này cực kỳ hiệu quả, giúp người béo phì giảm trung bình 1,5kg chỉ trong vòng hai tuần. Quan trọng hơn, nếu người tham gia chỉ ăn khi đường huyết đạt đến điểm kích hoạt (trigger point) được xác định riêng biệt cho từng cá nhân thì hiệu quả hơn chế độ tuân thủ cứng nhắc theo một mức đường huyết được cho là tối ưu xác định trước – nghiên cứu đó chốt ở mức 4,7 mmo/L (85 mg/dL).
Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 sẽ phải chờ quá lâu để đường huyết hạ xuống tới mức định trước như vậy rồi mới được ăn, làm cho họ khó lòng theo được chế độ này về lâu dài. Bởi vậy, mức đường huyết “cho phép ăn” mới đầu đặt ở mức dễ chịu hơn, sau đó điều chỉnh dần khi tình trạng kháng insulin được cải thiện đã làm toàn bộ quá trình nhịn ăn nhẹ nhàng hơn nhiều.
Theo dõi đường huyết tiếp thêm sức mạnh cho bạn, bởi nó cung cấp thông tin phản hồi ngay lập tức, cho bạn thêm tự tin. Hiểu rằng quyết định xem liệu “đã cần ăn chưa nhỉ” thực ra tùy thuộc mức đường huyết sẽ cho bạn cảm giác kiểm soát tình hình tốt hơn. Mức đường huyết cao vẫn còn cao trước giờ ăn làm bạn nhớ ngay ra đã ăn gì vào bữa ăn trước và hiểu cho cơ thể đã phải xử lý bữa ăn trước vất vả đến thế nào; và cũng giúp bạn điểm mặt chỉ tên ngay loại hay lượng thức ăn nào làm đường huyết cao lâu đến thế để tìm cách điều chỉnh.
Thú vị hơn nữa, hầu hết người tham gia nhanh chóng tìm được quy luật để dự đoán mức đường huyết dựa vào cảm giác đói. Họ cũng phân biệt rõ ràng ăn bữa nào khi đã đói và lúc nào chưa đói mà vẫn ăn, cũng như nhận biết cảm giác đói và no rành mạch hơn nhiều – điều này giúp tạo ra thay đổi tích cực trong lựa chọn món ăn, lượng thức ăn, thời gian và tần suất ăn.