ANguyên nhân bệnh tiểu đường
Như chúng ta đã biết, lượng carbohydrate (carb) từ bữa ăn hằng ngày được hấp thu vào ruột rồi chuyển hóa thành đường (glucose) và hòa tan trong máu. Để tế bào có thể hấp thụ được đường, tụy sẽ sản xuất ra một loại hormone có tên là insulin. Nhờ insulin, đường glucose được đưa vào các tế bào và trở thành nguồn năng lượng chính của cơ thể.
Nếu hoạt động của insulin không hiệu quả hoặc lượng glucose trong máu tăng lên đến mức vượt quá khả năng xử lý của insulin, thì sẽ có một lượng lớn glucose không được chuyển hóa thành nguồn năng lượng của cơ thể, bị dư thừa trong máu. Tình trạng lượng glucose trong máu (lượng đường trong máu) vượt quá tỷ lệ nhất định được gọi là “bệnh tiểu đường” (hay bệnh đái tháo đường). Hay nói cách khác, một người bị coi là mắc bệnh tiểu đường khi có chỉ số đường huyết cao hơn so với mức bình thường theo quy định của cơ quan y tế nước đó.
Hiện nay còn có nhiều tranh cãi về nguyên nhân và cơ chế gây ra bệnh tiểu đường. Theo quan điểm và suy luận của cá nhân tôi, sau khi nghiên cứu rất nhiều thông tin cả từ y học truyền thống và y học thay thế, các nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường là:
- Ảnh hưởng đường huyết của mẹ lên thai nhi: Nếu mẹ bị tiểu đường quá nặng, hoặc đường huyết tăng rất cao trong thời gian mang thai, thì đứa bé sinh ra rất dễ có khả năng bị tiểu đường. Tại sao thế? Đơn giản vì máu của mẹ luân chuyển để nuôi thai nhi, làm cho đường huyết trong máu của thai nhi cũng bị tăng cao như mẹ. Để tồn tại, cái tụy nhỏ bé vừa thành hình đã buộc phải căng gồng hết sức để sản xuất insulin nhằm hạ bớt đường huyết của thai nhi xuống. Hoạt động quá sức này sẽ làm cho tụy bị yếu hoặc hỏng ngay từ lúc bé chưa được sinh ra. Trường hợp này rơi vào dạng tiểu đường loại 1.
- Ảnh hưởng từ chế độ ăn của mẹ trong thời gian cho con bú: Trong thời gian cho con bú, nhiều bà mẹ thường được khuyên nên ăn nhiều cà rốt hầm với chân giò, 2 – 3 bát cơm gạo trắng mỗi bữa để đủ sữa cho con bú. Tất nhiên với cách ăn uống như vậy, sau mỗi bữa ăn, đường huyết mẹ sẽ tăng cao. Khi mẹ cho con bú chắc chắn đường huyết của con cũng sẽ bị đẩy lên cao. Kết quả là cái tụy nhỏ nhoi của bé lại phải gồng hết mình để sản xuất insulin và lại tiếp tục bị suy yếu – dẫn tới tiểu đường loại 1 hoặc 2 về sau.
- Ảnh hưởng của chế độ ăn sau khi trẻ cai sữa và trưởng thành: Như chúng ta đã biết, tụy giống như một nhà máy sản xuất có hai chức năng cơ bản. Chức năng thứ nhất là sản xuất các loại enzyme giúp cơ thể tiêu hóa đồ ăn; và chức năng thứ hai là sản xuất ra các loại hormone giúp cơ thể điều hòa lượng đường trong máu. Với các chức năng trên, nếu ăn quá nhiều bất cứ loại đồ ăn nào, đều sẽ khiến tụy làm việc quá tải. Ví dụ: Nếu ăn quá nhiều chất béo hoặc đạm động vật, tụy sẽ bị quá tải và không thể sản xuất đủ enzyme để tiêu hóa các loại đồ ăn đó – lâu dài sẽ làm suy yếu cả tụy và hệ tiêu hóa. Nếu chế độ ăn quá nhiều chất bột, tụy sẽ phải tăng cường sản xuất enzyme amylase, đồng thời phải “tăng ca liên tục” để sản xuất hormone insulin. Con người còn được nghỉ ít nhất 1 – 2 ngày/tuần, một năm có 12 ngày phép. Còn tụy phải làm việc liên tục 24/24 giờ, một năm 365 ngày, mà ngày nào cũng “tăng ca tối đa”, thì việc nó kiệt sức sau vài năm là không thể tránh khỏi.
Tất cả các nhân tố ảnh hưởng trên làm cho tụy bị suy yếu, dẫn đến không có khả năng sản xuất insulin để điều hòa đường huyết của cơ thể, là nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 1. Hoặc tụy vẫn có khả năng sản xuất insulin nhưng sản xuất không đủ, hoặc tế bào bị “trơ”, cần rất nhiều insulin mới hấp thụ và chuyển hóa được glucose, là nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 2.