“TẠI SAO CHỊ KHỎE THẾ? SAO DA MỊN THẾ? SAO NHIỀU NĂNG LƯỢNG THẾ...?”
“Chỉ 47kg mà trông chị săn chắc quá”.
“Trời ơi, chỉ số BMI của chị là 19 - 20, ở mức lý tưởng luôn”.
Những câu hỏi này được đặt ra cho tôi hằng ngày, làm chính tôi cũng ngạc nhiên. Từ năm 2014, khi tôi bắt đầu chia sẻ trên Facebook về các phương pháp tự chăm sóc sức khỏe và thải độc định kỳ, nhiều người đã làm theo và đạt được kết quả mỹ mãn: kiểm soát hoàn toàn các căn bệnh mạn tính, sống khỏe, sống vui.
Vậy thì tại sao vẫn ít người khỏe và tràn đầy năng lượng được như tôi?
Có những buổi tụ tập, cả hội nhảy như lên đồng, nhưng tôi luôn hăng và dai sức nhất, chẳng biết mệt là gì. Xong tiệc về ngủ ngon lành, sáng dậy mặt vẫn tươi hơn hớn.
Nói về đi bộ thì bạn bè, con cái, cháu chắt…, chưa ai theo kịp tốc độ, cũng như sự dai sức của tôi.
Lạ quá đi!
Tôi tìm hiểu, tôi vặn hỏi để cố tìm câu trả lời.
Cũng vì vậy, tôi quyết định tổ chức thử chuyến nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng chế độ ăn uống – tập luyện kết hợp thải độc 6 ngày ở Mũi Né, với mục đích trả lời câu hỏi cứ day dứt: Sao mình khỏe thế? Sao mọi người không khỏe và nhiều năng lượng được như mình?
Rồi sau đó, trong một chuyến đi xuyên Việt, tôi đã tìm ra sự thật. Hóa ra mọi người ăn thiếu lượng (tức là thiếu calo) trầm trọng. Mấy năm vừa rồi, nhiều người bắt chước tôi thải độc, có chế độ ăn khá đa dạng, nhưng vẫn bị ảnh hưởng của xu thế thời đại từ Tây tràn về: ăn ít mới khỏe mạnh, ăn nhiều gây béo phì. Trời ơi là trời, người phương Tây trước đây họ ăn như vũ bão, còn chế độ ăn của người Việt Nam mình, để ăn cho đủ calo là vấn đề cực kỳ hóc búa đấy. Tôi bắt vài người liệt kê cụ thể: ăn cái gì từng bữa, và bật ngửa luôn. Hầu như không ai ăn đủ 1.000 calo/ngày. Chả trách nhiều người gầy đét hoặc béo phì, da thì trắng xanh, sần sùi, tàn nhang lấm tấm đầy mặt.
Vậy là tôi bắt đầu chia sẻ về chế độ ăn, cũng ấp ủ ý định viết một cuốn cẩm nang về đề tài dinh dưỡng, với hy vọng mọi người sẽ có đủ cơ sở để tin tưởng và thực hành một chế độ ăn uống lành mạnh.
Ý đồ ban đầu là cuốn sách này chỉ viết về chế độ dinh dưỡng. Nhưng với thời gian, tôi lại tìm tòi ra được phương pháp thải độc bằng cách nhịn khô – từ đó, gom thêm nhiều thông tin rất bổ ích về đề tài “Có phải chúng ta đang uống quá nhiều nước?”. Vì vậy, tiện đây, tôi quyết định bổ sung thêm đề tài “Thải độc bằng cách nhịn khô” vào cuốn sách này.
Cái sự “chẳng bao giờ ốm đau” nó cũng chứa chất những “nỗi buồn” không biết tỏ cùng ai: hầu như không cần sự chăm sóc của người khác, không có cơ hội “nhõng nhẽo hay làm nũng”. Vì cứ tươi hơn hớn suốt ngày, lại khỏe như vâm thì nhõng nhẽo chẳng ai thương.
Mọi người hỏi tôi: “Sao thấy chị thải độc nhiều thế? Không chán à?”.
Tôi trả lời: “Ôi cũng chán kinh lên ấy chứ. Nhưng nếu so sánh với cái sự ốm yếu ho hen, nhức đầu sổ mũi, chán ăn, nhiều lúc chán cả buồn sống như hồi xưa, thì thải độc định kỳ là lựa chọn ‘ít xấu’ hơn nhiều”.
Nếu sống mà suốt ngày cứ “lừ khừ”, mỏi mệt; nếu sống mà chẳng dám chơi bời bay nhảy, dù có dư tiền nhưng “hiếm” sức khỏe; nếu sống mà chỉ quanh quẩn trong nhà, la con mắng cháu, hay nịnh con để nó cho phép trông cháu – thì tôi xin kiếu.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng:
1. Nếu cứ ăn chơi vung vít, ăn uống kiểu gì cũng được mà vẫn có thể sống vui vẻ, khỏe mạnh, không sợ cảnh về già liệt giường: muốn ra đi không được, mà ở lại thì trước tiên là khổ mình, sau đó là khổ cái bọn mà mình cứ “leo lẻo” là mình yêu thương (vợ, chồng, con cái, cháu chắt…) – thì U70 tội gì thải độc cho khổ cái “thân già”?
2. Một tháng thải độc độ 1 lần: mà cả tháng, rồi cả phần đời còn lại khỏe mạnh – là sự đánh đổi RẤT ĐÁNG GIÁ – theo quan điểm cá nhân tôi.
3. Một ngày tu baking soda và “cà phê ngược” (rửa ruột hay enema), mỗi thứ một lần: mất trên dưới 1 tiếng – để không những được hưởng cảm giác đê mê, mà cả ngày người cứ nhẹ nhàng phơi phới – thì tôi sẵn sàng đánh đổi.
4. Chẳng bao giờ và không ở bất cứ đâu trên thế gian này tồn tại sự tuyệt hảo. Vấn đề là: NẾU KHÔNG CÓ PHƯƠNG ÁN TỐT NHẤT, TA HÃY CHẤP NHẬN LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN ÍT XẤU NHẤT. Dẹp bỏ sĩ diện, dẹp bỏ những giấc mơ bay bổng – muốn bản thân và gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc. Trước tiên hãy biết chăm sóc để bản thân khỏe mạnh và hạnh phúc. Bạn không thể cho người khác cái mà bạn không có, cũng chẳng nên chia sẻ những gì mà bạn không biết hoặc hiểu không rõ, đúng không nào? Ăn uống đủ calo và đủ chất, thải độc định kỳ, giữ cho tâm lý ổn định, tập luyện hợp lý – là những yếu tố quan trọng hàng đầu với sức khỏe.
Vậy thì bản thân ta phải lựa chọn thôi. Cuộc đời luôn là sự lựa chọn và đánh đổi mà.
Đã từ lâu, trong tôi luôn trăn trở những câu hỏi về sức khỏe con người.
Đã từ lâu, tôi dành hầu hết thời gian để mà tìm, mà đọc, và cố phân tích, kết nối các nguồn thông tin, kết hợp giữa khái niệm khoa học phòng thí nghiệm và khoa học dựa trên thực tế cuộc sống của bản thân, gia đình và bè bạn.
Có một sự thật: rất nhiều người quan tâm tới sức khỏe, ăn uống cực kỳ cẩn thận theo những gì sách báo tuyên truyền, thì lại hay mắc những căn bệnh nan giải: ung thư, tiểu đường, tim mạch…?
Mà cụ thể bố tôi, chị gái tôi và bản thân tôi là ba trong số những ví dụ điển hình.
Tôi may mắn vượt qua và kiểm soát được toàn bộ các căn bệnh mạn tính, mắc từ thuở ấu thơ là nhờ “tỉnh ra” khi tìm mọi cách có thể, với hy vọng cứu được bố và chị. Kết quả là tôi chỉ cứu được bản thân mình.
Tôi vẫn luôn tâm nguyện có thể tập hợp lại các thông tin hữu ích về vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe để chia sẻ được thêm cho nhiều người, biết đâu có thể giúp ai đó cứu được chính mình giống như tôi. Nếu không có sự tham gia của cháu tôi là Trần Doãn Hưng – biệt danh Mắm, thì tôi không thể một mình viết được cuốn sách này. Các phần lựa chọn, tóm tắt nội dung để đưa ra chỉ dẫn cụ thể, đều do Mắm chịu trách nhiệm.
Và giờ đây, nguyện vọng đó đã thành sự thật, để cuốn sách được lên kệ ngày hôm nay.
Trần Bích Hà