Trong các nghi thức Phật giáo, sám hối cũng có nhiều loại, nhiều dạng. Vì con người, xuất phát từ lòng ham muốn cá nhân mà khó tránh khỏi việc tranh quyền, đoạt lợi, thậm chí có lúc làm thương luân bại lý, có thể đưa người đến chỗ chết. Sau những việc làm như vậy, mấy năm hay mười mấy năm sau hồi tưởng, lòng thấy xấu hổ, cảm thấy mình mắc nợ người khác quá nhiều, tâm tình bất nhẫn, nhưng do hàng loạt nguyên nhân không tiện nói rõ với đương sự hay con cháu, hoặc muốn sửa chữa sai lầm cũng khó để cởi bỏ cho hết lo lắng trong lòng. Thế là nảy sinh ý muốn đến chùa viện đứng trước Phật Bồ Tát sám hối những tội lỗi mình đã phạm phải, thỉnh cầu được tha thứ, tiêu trừ tội nghiệt. Đó là nguyên nhân đầu tiên sản sinh ra nghi thức sám hối trong Phật giáo, các vị cao tăng, đại đức vì muốn đáp ứng sự việc kịp thời bèn tùy cơ tiếp dẫn, như vậy nghi thức sám hối đã tùy thời cơ mà sản sinh; đồng thời cũng là nghi thức quan trọng cho người xuất, tại gia, tứ chúng đệ tử tự thân tu trì.
Trong số các loại nghi thức sám hối, nghi thức quan trọng và lâu đời có lẽ là Pháp Hoa tam muội sám nghi. Đây là một trong những điển tịch do đại sư Trí Giả tông Thiên Thai đích thân biên soạn tại chùa Ngõa Quan. Tên gốc là Pháp Hoa tam muội hành sự vận tưởng bổ trợ nghi lễ Pháp Hoa kinh nghi thức. Nghe tên nghĩ đến nghĩa, nghi thức sám hối (gọi tắt là sám nghi) là một loại nghi thức lễ kính của kinh Pháp Hoa, lấy những gì người tu hành thực hiện hàng loạt pháp như hành sự, vận tưởng khi tu trì Pháp Hoa tam muội, làm nội dung chủ yếu. Mục đích giúp người tu hành thông qua tu trì sám nghi mà chứng được Pháp Hoa tam muội. Năm đó, Trí Giả yết kiến ngài Tuệ Tư trên núi Đại Tô ở Quang Châu, tụng kinh trong mười bốn ngày, nhập Pháp Hoa tam muội sơ phương tiện, khai mở Pháp Hoa Đà-la-ni83 giúp Trí Giả trở thành người thuyết giải kinh Pháp Hoa giỏi nhất. Nhân đó, theo ý của phẩm Bồ Tát Phổ Hiền kinh Pháp Hoa đại sư Trí Giả soạn ra sám nghi để làm sáng tỏ sự vượt trội của pháp môn mà mình đã tu chứng, đồng thời cũng đem lợi lạc cho người khác. Do sám nghi sử dụng nhiều ý tưởng của Phổ Hiền quán kinh nên đời Đường có người gọi là Thiên Thai Phổ Hiền sám nghi.
83. Một trong ba loại Đà-la-ni được nói trong phẩm Khuyến phát của kinh Pháp Hoa. Toàn cũng đọc là Triền nghĩa là xoay chuyển, ý nói xoay chuyền tâm chấp trước vào hình tướng các pháp của kẻ phàm phu trở về chứng đạt trí lực Không lý, loại Đà-la-ni này tương ứng với Không quán, trong ba phép quán giả quán, không quán, trung quán của tông Thiên Thai.
Trong lịch sử sám nghi Phật giáo, Pháp Hoa tam muội sám nghi rất được sùng thượng, không chỉ là bản sở hữu sám nghi của các loại thuộc tông Thiên Thai đời sau, mà còn là bản gốc về sám pháp của các tông phái khác. Tại sao như vậy? Đó không những vì thời gian lưu truyền lâu đời mà tu tập sám nghi này còn có công đức thù thắng đặc biệt, chính như đại sư Trí Giả từng nói:
...Muốn tu hạnh Đại thừa, phát nguyện ý Đại thừa, muốn thấy sắc thân Bồ Tát Phổ Hiền, muốn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni… và chư Phật mười phương, muốn đạt thanh tịnh cho sáu căn, đi vào cảnh giới Phật, thông suốt vô ngại, muốn được nghe chư Phật mười phương thuyết giảng, chỉ trong một niệm tất có thể thọ trì, thông tỏ không quên, giải thích những lời thuyết giảng vô ngại, muốn được cùng với các đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền và các bạn lữ, muốn được hiện khắp sắc thân, trong một niệm mà không khởi niệm diệt định, thì sẽ hiện khắp mười phương Phật quốc, cúng dường tất cả chư Phật, muốn được trong một niệm mà đến khắp mười phương tất cả Phật quốc, hiện vô vàn sắc thân, thực hiện vô vàn thần biến, phóng ra đại quang minh, thuyết pháp độ thoát tất cả chúng sinh, vào được Nhất thừa bất tư nghì, muốn được phá hết tứ ma (tức phiền ma, uẩn ma, tử ma và thiên tử ma), an tịnh tất cả phiền não, diệt tất cả tội lỗi chướng nghiệt, được hiện thân nhập vào chính vị Bồ Tát, đầy đủ tất cả công đức tự tại chư Phật. Trước hết đang lúc rảnh rỗi, nhất tâm tinh tấn nhập vào Pháp Hoa tam muội trong vòng hai mươi mốt ngày, nếu hiện thân có phạm năm tội nghịch, bốn trọng tội với tỳ khưu, muốn được thanh tịnh, hãy hoàn thành đầy đủ luật nghi của sa môn thì sẽ có được hàng loạt công đức thù thắng như đã nói ở trên, và cũng trong hai mươi mốt ngày, nhất tâm tinh tấn tu trì Pháp Hoa tam muội...
Chính vì như vậy, nên sau khi Pháp Hoa tam muội sám pháp ra đời đã được các tổ sư, đại đức qua các triều đại coi trọng và hoan nghênh. Đời Đương, cao tăng Trạm Nhiên có sách Pháp Hoa tam muội hành sự vận tưởng bổ trợ nghi, như vậy sám pháp được phát huy. Đời Tống, Tri Lễ soạn Tu sám yếu chỉ nhấn mạnh “chỉ quán nhất bộ, tức nói lên mục đích cần đạt của Pháp Hoa; nhất thừa thập quán, tức chỉ thể thức chính của Pháp Hoa tam muội. Viên đốn Đại thừa rốt cuộc là ở chỗ đó”. Trên thực tế, Pháp Hoa tam muội sám nghi là hành pháp số một của tông Thiên Thai, cho nên các kinh hành pháp đời sau không ai không lấy đó làm quy tắc, người tu tập là đại biểu của môn pháp ấy. Đồng thời các loại sám nghi của tông Thiên Thai lấy Pháp Hoa tam muội làm bản gốc cũng lần lượt xuất hiện. Nhưng bất cứ việc gì cũng có cái hay cái dở. Tu sám thịnh hành, một mặt thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo, nhưng mặt khác cũng gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn, một số sám pháp của tông Thiên Thai và những sám pháp không thuộc hệ thống của Thiên Thai, bị tục khí của tăng chúng trong tự viện lạm dụng, xa rời chính đạo của sám pháp; càng nghiêm trọng hơn, việc thuyết minh và chỉ dẫn nội dung hành sự và vận tưởng của sám pháp Thiên Thai không được nhấn mạnh mà chỉ đề xướng một cách sơ sài, cẩu thả, đó là điều đau lòng.
Nói đến Pháp Hoa tam muội sám nghi, trong đó hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về việc hiểu rõ và tu hành (giải hành), do năm tháng quá lâu dài, lại thiếu người truyền bá rộng rãi, dù ngẫu nhiên có người phụng hành, nhưng cũng chỉ chú trọng nghi lễ tụng niệm, chứ ít thấu triệt cái lý của đạo (tức chỉ chú ý đến sự, mà không chú tâm đến lý), nên khó tránh khỏi mối nghi ngờ là có học mà không có quán, không thể làm cho sám pháp ấy phát huy rộng rãi, thật là điều đáng tiếc. Nay đem tư tưởng, hành sự và kết cấu của sám pháp ra giới thiệu một cách đại thể để nghiên cứu và thực hành, khiến chúng sinh được lợi lạc, thật không gì tốt bằng.
Xét tổng quát, Pháp Hoa tam muội sám nghi có năm chương: Chương một Khuyến tu, chương hai Tiền phương tiện, chương ba Tinh tấn phương pháp, chương bốn Chính tu hành phương, chương năm Minh lược tu chứng. Trong đó Chính tu hành phương có mười hai bước:
(1) Nghiêm tịnh đạo tràng. Tại một nơi yên ắng, tĩnh lặng, chọn một phòng lớn làm đạo tràng. Chính giữa phòng có một chỗ cao để bộ kinh “Pháp Hoa”. Sau đó, bố trí năm cái phướn vải màu và đồ cúng tương ứng. Vào ngày ấy, hành giả bước vào đạo tràng, buổi sáng phải quét dọn sạch sẽ, vảy nước thơm, hai bên trái - phải chỗ giữa phòng thắp đèn dầu, trong lư hương đốt đàn hương cúng dường Tam bảo, phải làm một cách tận tâm, tận lực, sao cho đạo tràng thật trang nghiêm, sạch sẽ, để cầu được cảm ứng.
(2) Phương pháp tịnh thân. Trước khi bước vào đạo tràng lần đầu tiên, phải tắm rửa bằng nước thơm, mặc áo quần mới tinh sạch. Nếu không có áo quần mới, thì chọn bộ tốt nhất để dùng khi hành đạo tại đạo tràng. Sau đó, nếu rời khỏi đạo tràng hoặc đến nơi không sạch sẽ, phải cởi bộ áo quần ấy ra, thay bộ khác. Khi xong việc, phải đi tắm lại trước khi mặc áo quần sạch vào đạo tràng hành lễ.
(3) Cúng dường ba nghiệp. Sau khi vào đạo tràng, đầu tiên đặt đồ ngồi trước bàn thờ Phật, đứng cúi người, trước tiên khởi tâm từ niệm cứu độ tất cả chúng sinh. Tiếp theo, khởi tâm tha thiết, thành khẩn xấu hổ, tư niệm Như Lai Tam bảo, đầy đủ trong hư không mười phương, ảnh hiện đạo tràng. Lúc ấy, hành giả tay bưng lư hương, thắp hương thơm, rải các loại hoa cúng dường Tam bảo. Sau đó, dập đầu quỳ lạy, miệng xướng đọc:
Nguyện hương hoa này khắp mười phương, rõ là quang minh đài vi diệu. Âm nhạc chư thiên hương quý của trời, thức ăn chư thiên, áo quý của trời. Không thể nghĩ bàn trần gian diệu pháp, mỗi hạt bụi sinh tất cả thế gian, mỗi hạt bụi sinh tất cả các pháp, bố thí vô ngại cùng nhau trang nghiêm. Đến khắp tất cả trước Tam bảo, mười phương pháp giới trước Tam bảo, đều có thân con tu cúng dường, nhất nhất đều cùng khắp pháp giới. Đó đây không lẫn lộn, không chướng ngại; hết cả cảnh giới vị lai đều làm Phật sự. Thơm ấm khắp chư chúng sinh pháp giới, đội ơn Tam bảo, thảy đều phát Bồ đề tâm, cùng vào cõi vô sinh chứng Phật trí.
(4) Phụng thỉnh Tam bảo. Cúng dường ba nghiệp xong, hành giả phải thắp hương và rải hoa lại, nhất tâm chính niệm, tâm hồi hướng cúng dường phụng thỉnh Tam bảo. Hành giả phải chính tâm thành ý, miệng nói họ tên của mình, nhất tâm phụng thỉnh: Đức Thế tôn Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Thế tôn Đa bảo quá khứ, chư Phật phân thân mười phương của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, tất cả chư Phật trong “Diệu pháp Liên hoa kinh”, tất cả Thường trú Phật mười phương, “Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh”, tất cả Thường trú Pháp mười phương, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma-ha-tát, Di Lặc Bồ Tát Ma-ha-tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát Ma- ha-tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát Ma-ha-tát, Diệu Âm Bồ Tát, Hoa Đức Bồ Tát Ma-ha-tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma-ha-tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma-ha-tát, Đại Lạc Thuyết Bồ Tát, Trí Tích Bồ Tát Ma-ha-tát, Túc Vương Hoa Bồ Tát, Nam Thi Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát Ma-ha-tát, Hạ Phương Thượng Hành Đẳng Vô Biên A Tăng Kỳ Bồ Tát Ma-ha-tát, Phổ Hiền Bồ Tát và tất cả Đại Bồ Tát Ma-ha-tát trong Diệu pháp Liên hoa kinh, Xá Lợi Phất và tất cả chư Đại Thanh văn, tất cả Thường trú Tăng mười phương, Tứ Tổ Đại sư Trí Giả lập Thiên Thai giáo, tất cả Thiên Long Dạ Xoa trong Diệu pháp Liên hoa kinh, Càn Đạt Bà, A Tu La, Ca Lâu Na, Khẩn Na La, Ma Hầu La Ca, Người, tất cả các cấp quyến thuộc minh không không phải người.
Tiếp theo, hành giả quỳ kiểu người Hồ, niệm thưa: “Hôm nay, vì chúng sinh trong sáu nẻo con muốn tu hành Đại thừa Vô thượng Bồ đề, phá hết tất cả chướng ngại, trọng tội. Nguyện đạt được Pháp hoa tam muội, hiển hiện sắc thân, trong một niệm xin cúng dường tất cả Tam bảo mười phương, khiến cho con được vào Nhất thừa Bình đẳng Đại tuệ. Cho nên trong hai mươi mốt ngày, nhất tâm tinh tấn tu hành như kinh đã nói, nguyện tất cả chư Phật Bồ Tát, Đại sư Phổ Hiền bổn nguyện lực, nhận lời sám hối của con khiến cho con được hành như sở nguyện, quyết phá các tội nghiệt và chướng ngại, pháp môn hiện có ở đây như kinh đã nói”.
(5) Tán thán Tam bảo. Hành giả dập đầu quỳ lạy, thân mình ngay ngắn uy nghi, nhất tâm đứng yên, mặt hướng về bàn thờ Phật, thắp hương rải hoa, tâm niệm công đức vi diệu của Tam bảo, miệng tự đọc kệ tán thán, và niệm chú nguyện: “Lời tán thán công đức của Phật này, mong tu hành Đại thừa Vô thượng Bồ đề, dâng phúc lên thượng giới Thiên long Bát bộ, Đại phạm Thiên vương, Tam thập tam Thiên, Diêm La Ngũ đạo, Lục trai Bát vương, các cấp quyến thuộc Hành bệnh Quỷ vương, Thổ thần khu vực này, các tăng trong chùa, quý vị bảo hộ chính pháp, nhân dân cả nước, nhân dân thế giới, cha mẹ các sư thầy, các vị chức sắc thiện ác, thí chủ dựng chùa, tín thí mười phương, và chúng sinh pháp giới khắp nơi, nguyện an ủy người có thiện căn, bình đẳng rèn luyện tu tập, tạo công đức và trí tuệ, cả hai đều trang nghiêm, cùng hội vô sinh, thành trí đạo”.
(6) Lễ kính Tam bảo. Hành giả phải nhất tâm giữ thân thể ngay ngắn, uy nghi, theo thứ tự lễ Phật. Khi lễ Phật, thành tâm nhớ lại pháp thân ấy của Phật, giống như hư không, ứng vật hiện hình như đang đứng trước mắt mình tiếp nhận mình đang lễ lạy. Những vị Phật khác cũng chú tâm như vậy, không được phân tâm tán loạn. Thêm vào đó, khi hành giả lễ Phật, tự biết thân tâm mình rỗng rang tĩnh lặng, như ảo như huyễn, không thực, không có lễ tướng, nhưng vô cùng ảnh hiện. Pháp giới mười phương nhất nhất chư Phật, ắt cũng giữ thân như vậy, khấu đầu đảnh lễ, thực hành trong hai mươi mốt ngày, sáu mươi lần lễ Phật không ngừng nghỉ.
(7) Tu hành ngũ hối. Đứng trước bàn thờ Phật, hành giả giữ thân ngay ngắn, uy nghi, thắp hương rải hoa, luôn nghĩ tưởng Tam bảo khắp chốn hư không, Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà, vô lượng quyến thuộc trang nghiêm vây quanh như đang hiện ra trước mắt. Toàn tâm toàn ý vì tất cả chúng sinh mà thực hành pháp sám hối. Tự mình khởi tâm xấu hổ, hiển hiện vô lượng kiếp trước và thân này hiện nay cùng với tất cả chúng sinh, những ác nghiệp do sáu căn tạo ra trong hiện tại và vị lai, nguyện tiêu trừ hết tận. Vì sao vậy? Dù nghiệp tính vốn không, nhưng quả báo không bao giờ mất, nếu không dứt ác nghiệp thì ắt phải nhận báo ứng. Do đó, tâm sinh ra xấu hổ, thắp hương, rải hoa biểu lộ sự sám hối. Sám hối về sáu căn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý, dứt cái tâm tương tục, phát tâm Bồ đề, dứt ác tu thiện, tinh cần đối với nghiệp thứ ba (tức ý nghiệp), hãy làm mới lại, phàm thánh tùy hỷ, một việc thiện nho nhỏ mà niệm mười phương Phật thì cũng có được phước huệ lớn lao, có thể cứu vớt được ta và mọi chúng sinh. Vì cầu đến với Bồ đề và vì chúng sinh mà thực hiện, tu thiện rộng rãi, dứt mọi nghiệp ác, chỉ nguyện Bồ Tát Phổ Hiền từ bi nhiếp thụ, thành tâm kính lễ Tam bảo.
Chư Phật mười phương, tất cả vì chúng sinh thành tâm sám hối, kính mong gia hộ, mọi chướng nghiệp tiêu trừ. Hành giả quỳ xuống chắp tay, lại niệm văn sám hội sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngoài ra, lấy đoạn văn sám hối ý căn làm ví dụ như sau:
Thành tâm sám hối, đệ tử Mỗ… tất cả chúng sinh trong pháp giới, từ vô lượng kiếp đến nay, ý căn không thiện, sinh tham mọi pháp, ngông cuồng ngu muội không thôi, tùy cảnh sở duyên, nổi tham sân si, như là tà niệm, có thể sinh tạo những nghiệp tạp loạn, gọi là mười thứ ác, năm loại nghịch, như loài khỉ vượn, như thứ keo dính, đâu đâu cũng tham chấp, khắp chốn trong cả sáu căn đều có mặt. Nghiệp của sáu căn ấy, nhánh cành hoa lá đầy khắp ba cõi, hai mươi lăm xứ, tất cả sinh xứ, cũng có thể làm tăng vô minh, già chết, làm tăng mười hai sự khổ, tám tà, tám nạn, không gì là không trải qua, vô lượng vô biên, làm ác không có thiện căn, tất cả do từ ý căn sinh khởi. Như là ý căn, dù tất cả căn gốc sinh tử, dù tất cả nguyên nhân các thứ khổ, như kinh đã nói, Thích Ca Mâu Ni danh gọi Tỳ Lô Giá Na, có mặt khắp nơi, biết tất cả các pháp đều là Phật pháp, dối lừa phân biệt phải chịu khổ não, tức là ở trong Bồ đề mà vẫn thấy không thanh tịnh, ở trong giải thoát mà cũng khởi niệm buộc ràng; nay mới giác ngộ, tâm sinh xấu hổ, tâm sinh hãi sợ, tụng trì kinh Đại thừa, tu hành hướng theo Bồ Tát Phổ Hiền và tất các Thế tôn chư Phật, thắp hương, rải hoa, nói hết tội lỗi, biểu lộ sám hối, không dám giấu che. Từ nhân duyên ấy, nay con và pháp giới chúng sinh, ngộ ra mọi tội nặng của ý căn và mọi ác nghiệp do sáu căn sinh khởi, đã sinh khởi đang sinh khởi, hoặc chưa sinh khởi hoặc cần sinh khởi, tiêu trừ tất cả, sám hối mọi tội lỗi, cuối cùng thanh tịnh.
Tiếp theo, nhất tâm quỳ xuống (theo kiểu người Hồ), thân thể ngay ngắn, uy nghi, nhất tâm niệm Phật, thành tâm thỉnh cầu Phật Bồ Tát thuyết pháp độ chúng sinh. Sau đó, tùy hỷ chư Phật Bồ Tát, chư Phật công đức, hồi hướng Phật đạo, từ đó, phát nguyện vãng sinh. Tiếp theo, đi quanh lễ đàn niệm “Mười phương Phật, Pháp, Tăng, Thích Ca Mâu Ni, Phật Đa Bảo, chư Phật phân thân Thích Ca Mâu Ni và “Diệu Pháp Liên hoa kinh”, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền” ba lần hoặc bảy lần.
(8) Tụng kinh hành đạo. Sau khi lễ Phật, hành giả phải giữ thân mình ngay ngắn, uy nghi, bên phải đi quanh bàn thờ Phật, thắp hương, rải hoa, chầm chậm tiến bước, tâm niệm Tam bảo, xưng danh hiệu khi đi quanh tụng niệm. Rồi tụng kinh “Pháp Hoa”, quy y Tam bảo.
(9) Phương pháp tụng kinh. Hành giả tụng niệm kinh “Pháp Hoa”, có hai cách tụng niệm: Tụng niệm đầy đủ, và tụng niệm không đầy đủ. Tụng niệm đầy đủ là, trước tiên tụng bộ kinh “Pháp Hoa”. Sau khi vào đạo tràng, có thể bắt đầu tụng niệm kinh văn, một phẩm, hai phẩm, hoặc tụng niệm nguyên một quyển. Đến lúc kết thúc thì dừng tụng niệm. Sau khi quy y Tam bảo, trở về chỗ ngồi. Nếu không muốn tọa thiền, thì ngồi ngay ngắn để tụng kinh cũng được. Tụng kinh nhiều ít có thể tùy mỗi người châm chước quy định. Nhưng bốn thời tọa thiền tất cả không được bỏ qua. Tụng niệm không đầy đủ, tức chỉ cho người tu hành Pháp Hoa tam muội, hành giả cần phải tụng niệm “An lạc hành phẩm” trong kinh “Pháp Hoa”, khi đi nhiễu quanh Phật đài, tụng một lần đến ba lần, hoặc có thể tụng niệm thêm phẩm mục nào khác trong kinh cũng được, nhưng không tụng niệm qua kinh văn khác. Khi tụng kinh, phải tụng câu văn rành mạch, âm thanh rõ ràng, không khoan không nhặt, không được tụng sai, tụng sao cho giống âm hưởng truyền lan trong động trống, tràn ngập pháp giới, cúng dường Tam bảo, tỏa khắp chúng sinh, khiến nhập vào cảnh giới nhất thực tướng84.
84. Nhất thực cảnh giới 一實境界: Tức cái lý của thực tướng. Tướng này không đổi không khác, không sinh không diệt; tự tính thanh tịnh, thoát khỏi tướng hư vọng, như Không, bình đẳng, phổ biến; chư Phật và chúng sinh không hai, không khác.
(10) Chính tu tam muội. Sau khi hành đạo, tụng kinh kết thúc, hành giả ngồi tại chỗ, áo quần tề chỉnh, ngồi ngay ngắn thẳng người, nhắm mắt, ngậm miệng, điều hòa hơi thở, thả lỏng thân tâm, thu niệm tĩnh lự chính quán, quán tất cả pháp không như thực tướng. Hành giả quán tưởng thì liền một niệm tâm khởi lên ở trong, ở ngoài, hay ở giữa, có dấu chân nào không, ở chỗ nào, tức là nhất nhất cầu nơi tâm thì rốt cuộc không thể được, tâm như ảo mộng, như hư không, không có danh, không có tướng, không thể phân biệt.
Lại không còn quán điều cần quán nữa, không giữ không bỏ, không theo không chấp, không khởi suy niệm, tâm thường tịch lặng, ngôn ngữ không diễn đạt hết đạo lý, không thể tuyên giảng, từ đó thông suốt tất cả tâm pháp, và không phải tâm pháp, tất cả đều là ảo hóa, tâm như nước chảy, không ngụ lại trong pháp. Mọi vọng tưởng điên đảo, làm nên các pháp tội phước đều từ tâm sinh khởi, xa rời khỏi tâm thì không có tội phúc, và không có các pháp. Nếu quán tâm không có tâm thì tội phúc không có chủ; biết tội, phúc tính Không thì mọi pháp Không. Như lúc quán tưởng có thể phá trừ tất cả sinh tử điên đảo, ba độc vọng tưởng, các ác nghiệp đại nặng khác, cũng có thể không phá trừ được thì thân tâm cũng thanh tịnh. Đó là nhân duyên được tương ưng với tam muội. Xét về lực của tam muội có thể cho thấy Bồ Tát Phổ Hiền và Phật mười phương xoa đầu thuyết pháp, trong tâm khởi một niệm ắt hiện tất cả pháp môn, không phải một, không phải khác, không có chướng ngại. Như tên gọi quán tâm thực tướng, sám hối sáu căn mà không đoạn trừ năm dục, có thể tịnh hóa được các căn.
Lần sau, hành giả mới đầu vào đạo tràng, trong một khắc cần tu tập đầy đủ mười pháp. Trong sáu khắc đều làm như vậy. Trừ việc triệu thỉnh Tam bảo ra, trong hai mươi mốt ngày tu tập chín pháp, không được thiếu sót.
Thêm nữa, khi hành giả đang tu sám pháp, lúc đi lúc ngồi, lúc tại chỗ lúc ra ngoài, lúc tiểu tiện, đại tiện, lúc quét dọn, tắm rửa, tâm phải luôn luôn niệm Tam bảo, quán tâm tính Không. Không được nhớ nghĩ năm dục của thế sự dù chỉ trong một sát na, vì như vậy sẽ sinh tâm tà niệm, và không được cùng người ngoài bàn luận, hay nằm ngủ nghỉ tự do thoải mái, vui cười, nghe nhìn âm thanh, hình sắc sẽ khởi niệm bất thiện, vô ký, phiền não, tạp niệm, tức là vi phạm bốn hạnh an lạc được nói trong sám pháp. Nếu được tâm tâm tương tục, không rời thực tướng, không tiếc thân mạng, vì tất cả chúng sinh thực hành sám pháp thì đó là nhất tâm chân thực, tinh tấn tu trì vậy.