Chế độ ăn chay là một nét đặc sắc của Phật giáo thuộc các vùng miền của tộc người Hán ở Trung Quốc, nó đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng của Phật giáo Trung Quốc. Tại sao người xuất gia phải ăn chay? Tại sao không thể ăn đồ mặn? Đó thường là những vấn đề xã hội rất quan tâm trong việc bảo vệ và duy trì Phật giáo xứ Hán, có ý nghĩa rất quan trọng, không được xem thường.
Trước khi nói chế độ ăn chay, phân tích khái niệm mặn, chay là điều rất cần thiết.
Trong Phật giáo, thức ăn mặn [葷huân] vốn chỉ thức ăn có vị hăng nồng, cay... như hành, tỏi, hẹ, kiệu (loại thực vật gốc cỏ, rễ củ có từng lớp, thường dùng làm rau mùi), hưng cừ (loại thực vật gốc cỏ, mọc ở Tân Cương, Tây Tạng, Ấn Độ, rễ như rễ cây huyền sâm, màu trắng, có mùi hôi hăng như tỏi, có thể ăn và dùng làm thuốc trị bệnh), là năm thứ rau hăng cay có mùi khá nặng. Sau khi ăn vào, từ miệng tỏa ra mùi hôi nồng khiến người khác khó chịu. Cho nên đức Phật đưa ra quy định không ăn năm thứ cay nồng (tức năm loại rau kể trên, gọi là ngũ tân). Nếu do phải chữa bệnh mà ăn những thứ hăng cay ấy, thì yêu cầu tăng hoặc ni không tham gia hội đoàn có tính quần chúng để tránh làm cho người khác bực chán. Đó là vốn là nghĩa chính thức tăng đoàn Phật giáo cấm không được ăn thức hăng cay, và hiện nay điều chúng ta nói không ăn thịt - ăn chay - hoàn toàn là hai chuyện khác nhau.
Thời Phật giáo nguyên thủy, tăng nhân ôm bình bát đi khất thực, giàu nghèo đều giống nhau, tùy duyên cứ theo thứ tự đi xin từng nhà, cho nên thức ăn xin được có thể là rau củ, có thể là thịt cá, đó là điều rất tự nhiên. Phật giáo tuyệt đối không cấm ăn thịt, đây là chế độ thực hành khất thực của Phật giáo và do tình hình xã hội Ấn Độ thời ấy quyết định. Vì vậy, trong giới luật quy định người xuất gia có thể ăn tam tịnh nhục, tức chỉ cho loại thịt mà không phạm một trong ba trường hợp sau:
1. Không thấy - mắt không thấy sinh vật ấy vì mình mà bị giết;
2. Không nghe - tai không nghe nói vì mình mà sinh vật ấy bị giết;
3. Không nghi - không nghi ngờ vì mình mà sinh vật ấy bị giết.
Cho nên, các nước theo Phật giáo Nam truyền, các vùng Tây Tạng, Mông Cổ và một số nước Phật giáo khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều không cần phải ăn chay, nhưng lại có quy định cấm giết hại động vật.
Như vậy, chế độ ăn chay của Phật giáo xứ Hán được hình thành như thế nào? Điều này có phù hợp với tinh thần Phật giáo không?
Trung Quốc là một nước theo Phật giáo Đại thừa, kế thừa tinh thần yêu thương bảo vệ chúng sinh bằng “từ là cho niềm vui đến mọi loài, bi là nhổ sạch khổ đau cho tất cả”, thực hiện từ bi không sát sinh, tức là hành động thực tiễn. Ăn chay là lấy thực vật làm chính trong thức ăn của các bữa ăn, nó không những phù hợp với tôn chỉ giới sát trong giới luật của Phật giáo mà còn thống nhất với chủ trương phủ nhận người xuất gia ăn thịt theo kinh điển của Phật giáo Đại thừa. Ví như kinh Phạm võng nói:
“Cho nên nếu Phật tử có ăn thịt, thì tất cả các loại thịt đều không được ăn. Đoạn trừ hạt giống Phật tính đại bi, tất cả chúng sinh thấy thịt phải xa lìa, cho nên tất cả Bồ Tát không được ăn thịt tất cả chúng sinh. Ăn thịt sẽ bị vô lượng tội nghiệt”.
Kinh Lăng Nghiêm có đoạn rằng:
“Phàm sát sinh, phần lớn là để cho con người ăn, còn nếu người không ăn thịt thì không có chuyện sát sinh, cho nên người ăn thịt và người sát sinh có tội như nhau”.
Những lời dẫn nêu trên, chính người xuất gia Trung Quốc chấp hành chế độ ăn chay theo kinh điển. Ý nghĩa lời kinh nói rằng, giới sát và ăn chay là hai mặt của cùng một sự việc. Hình thể các loại chúng sinh tuy khác nhau, nhưng giác tính thì giống nhau, tình cảm tham sống sợ chết rất giống con người, cho nên không được làm thịt để ăn mà tổn hại đến giác tính của chúng, phải giới sát, phải an chay tuyệt đối, thực hiện tinh thần từ bi của đức Phật. Chính đó là nền tảng của những lý do như vậy, có cư sĩ tại gia thọ Bồ Tát giới cũng ăn chay một cách nghiêm ngặt, bởi vì Bồ Tát giới lấy kinh Phạm võng làm tiêu chuẩn căn bản. Những lý lẽ ở trong đó không khó để nhận rõ.
Các nước Phật giáo Nam truyền kế thừa chế độ khất thực của Ấn Độ cổ đại, do đó, nghiêm khắc giữ giới không sát sinh không phải là vấn đề gì to tát, còn đất nước Trung Quốc ở về phía bắc của Ấn Độ, do tình hình quốc gia có những nét đặc thù, về cơ bản chế độ khất thực không thể thực hiện được, tăng chúng phần lớn ở chung trong các chùa viện, tự nấu tự ăn, nên để xóa bỏ sự nghi ngờ chuyện sát sinh, tăng chúng thực hiện từ bỏ việc ăn thịt mà đề xướng chế độ ăn chay. Đó là nguyên nhân sâu xa do hoàn cảnh xã hội tạo nên vậy.
Ngoài căn cứ kinh điển, sự thúc đẩy của ngoại lực cũng tạo thành nhân tố quan trọng trong việc ăn chay trường kỳ của giới Phật giáo Trung Quốc.
Lương Vũ Đế thời Nam Bắc triều là vị đế vương thành kính nhất đối với tín ngưỡng Phật giáo trong lịch sử Trung Quốc, hầu như ông đã đưa Phật giáo lên thành Quốc giáo. Điều càng khó hơn nữa là, ông không những xây nhiều chùa viện trang nghiêm, tráng lệ, ưu đãi tăng nhân xuất gia, thực hiện chính sách tôn giáo cởi mở, khiến cho Phật giáo phát triển vượt bậc chưa từng có, mà còn tự mình dụng tâm nghiên cứu Phật điển, đặc biệt dốc toàn tâm ý trứ thuật xiển dương giáo nghĩa Đại thừa, chú giải hàng trăm quyển kinh, lại còn đích thân đăng đàn giảng kinh thuyết pháp cho những tăng ni và thiện nam tín nữ khác, điều đó cho thấy trình độ Phật học của ông vô cùng sâu rộng.
Không chỉ vậy, ông còn là người đặc biệt hơn, trong lịch sử có ghi, sau khi Lương Vũ Đế tín sùng Phật giáo, ông “chỉ ăn ngày một bữa, bữa ăn không có thịt tươi sống, chỉ có canh đậu, cơm gạo lứt”, tức giống như ăn chay; còn nữa, “trên người chỉ mặc áo vải, màn che bằng vải bông đen, một mũ ba năm, một chăn hai năm”. Lại như đến “tuổi ngoài năm mươi, từ bỏ chuyện phòng the”, so với tu khổ hạnh nào có khác gì? Những gì ông thực hiện đúng là người thanh tâm quả dục, hoàn toàn có thể nói là “vị đế vương nghìn năm có một” trong lịch sử Trung Quốc.
Đương nhiên, cống hiến nổi bật nhất của Lương Vũ Đế đối với Phật giáo còn là ra sức phổ biến chế độ ăn chay trong giới tăng ni. Ông đã lấy kinh Niết bàn của Đại thừa nói về giáo nghĩa cấm ăn thịt để làm tiêu chuẩn, đề xướng người xuất gia phải tuân theo lời giáo huấn của đức Phật, giữ tâm từ bi, từ bỏ tập quán ăn thịt ăn cá, thực hành ăn chay, đồng thời ông đích thân soạn bài Đoạn tửu nhục văn (bài văn từ bỏ việc ăn thịt và uống rượu), công bố cùng thiên hạ để khích lệ thực hành.
Bài văn cho rằng, nếu người xuất gia ăn thịt, uống rượu thì chẳng khác gì người ngoại đạo, và đưa ra chín lý do, thậm chí còn có chín lần nói rõ, nếu như người xuất gia ăn thịt, uống rượu thì cũng không bằng người tại gia. Lời lẽ của toàn văn rất nghiêm khắc, bức thiết và cũng nhẫn nại, thành tâm khuyên bảo, nhiều lần nói rõ tính quan trọng và tính tất yếu của việc cấm ăn cá thịt.
Đồng thời Lương Vũ Đế còn ban chiếu lệnh cho pháp sư Pháp Vân tuyên giảng nội dung phẩm Tứ Tướng trong kinh Niết bàn cho toàn thể tăng ni nghe hiểu và giải thích ý nghĩa của kinh văn có liên quan đến việc cấm ăn thịt. Bài văn này đã dẫn đến những tranh luận kịch liệt trong giới tăng nhân, và cuối cùng cũng đạt được sự hiểu biết chung nhất, cấm đoán mọi mặt thói quen của tăng chúng ăn tam tịnh nhục như trước đây. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với giới luật Phật giáo Trung Quốc các đời sau, và được duy trì mãi cho đến ngày nay.
Lương Vũ Đế thụ giới