Ba thời hệ niệm pháp sự là một trong những pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông do Thiền sư Trung Phong Minh Bổn đời Nguyên đề xướng, chủ yếu là chú hết tâm lực vào việc siêu độ vong linh vãng sinh thế giới tây phương cực lạc, thoát khỏi biển khổ trầm luân. Đó là một trong những hoạt động quan trọng của thực hành pháp sự Phật giáo.
Thiền sư Trung Phong Minh Bổn (1263-1323), họ Tôn, người Tiền Đường, Hàng Châu (nay là thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Thưở nhỏ, ông là người thông minh vượt bậc, có chí xuất trần, từng tham kiến thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu thuộc phái Lâm Tế ở núi Thiên Mục. Ông xuất gia năm hai mươi bốn tuổi, kế thừa pháp của Cao Phong. Về sau, sư thường không trụ lại một nơi nhất định mà hoặc là cư trú nơi am vắng, hoặc dừng đậu trên thuyền đò, hoặc nghỉ chân nơi góc núi, tự xưng là Huyễn Trú Đạo Nhân, được hai hàng tăng tục kính trọng. Nguyên Nhân Tông từng triệu mời ông vào cung, nhưng ông cố từ chối, chỉ nhận áo cà sa Kim Lan và danh hiệu Phật từ Viên chiếu Quảng tuệ Thiền sư. Ông được người đời gọi là Giang Nam Cổ Phật. Nguyên Anh Tông đã quy y làm đệ tử của ông. Tháng 8 năm Nguyên Chí Trị thứ ba (1323) ông an nhiên thị tịch. Tác phẩm để lại hiện lưu hành là Trung Phong Hòa thượng Quảng lục 30 quyển. Thiền sư kế thừa truyền thống thiền tông từ thời Đạt Ma, Huệ Năng, Lâm Tế Hoàng Bá về sau, đồng thời dung hợp học thuyết của các nhà tư tưởng mà chủ trương thuyết Thiền - Giáo nhất trí, Thiền - Tịnh điều hòa, cho nên người đời khen tặng, ca tụng ông là Phật pháp Trung hưng Bổn Trung Phong. Nhưng hai tác phẩm Tam thời hệ niệm Nghi phạm và Tam thời hệ niệm Phật sự mà ông biên soạn thì đề xướng Thiền - Tịnh hợp nhất, điều này phản ánh tư tưởng của ông.
Sách Tam thời hệ niệm Phật sự thể hiện một cách đầy đủ tất cả nội dung về Tam thời hệ niệm Pháp sự. Ba thời ở đây có hai cách giải thích, một chỉ sáng chiều, giữa trưa, ban tối; còn cách giải thích ba thời là tất cả có, tất cả không, tất cả vừa có vừa không. Nhưng người đời sau không theo cách giải thích hai nghĩa về tam thời như trên để thực hiện hoạt động Phật sự, mà là gắn liền ba thời thành một chuỗi, tức là bắt đầu từ sáng sớm đến lúc mặt trời lặn, hoàn tất một mạch. Hệ niệm là chỉ thân, khẩu, ý của người tu hành quán tưởng đến nội dung kinh văn của kinh A Di Đà, tập trung mọi ý nghĩ của tâm vào một chỗ, đừng để chúng phát tán, từ đó khiến cho tự thân vãng sinh tịnh độ tây phương cực lạc.
Tam thời hệ niệm Phật sự chủ yếu được dùng trong nghi thức thực hành siêu độ vong linh, nội dung do bảy bộ phận cấu thành: Tụng kinh, niệm Phật, giảng giải, hành đạo, sám hối, phát nguyện, xướng tán. Trong ba thời, mỗi thời thực hành Phật sự đều phải bao gồm đủ bảy nội dung trên.
Còn sách Tam thời hệ niệm Nghi phạm thì thích hợp cho việc kết hội tự tu. Nội dung cơ bản tương tự như sách Tam thời hệ niệm Phật sự. Đầu tiên đưa ra những câu chú, gom đủ các bài tán, đặt những bài kệ lên đài, đưa ra nội dung chính, nêu nhân duyên… Tiếp theo, nêu lên ba thời Phật sự:
Thời thứ nhất, tụng niệm kinh A Di Đà quyển thượng;
Thời thứ hai, tụng niệm kinh A Di Đà quyển hạ;
Thời thứ ba, tụng niệm kinh Quán Vô lượng thọ.
Hoặc cả ba thời đều tụng kinh A Di Đà. Các thời phải được tiến hành theo thứ tự như sau: Nêu đề cương, diễn giảng, khởi niệm, sám hối, phát nguyện, tán thán Bồ Tát ở Tây phương và tụng niệm. Giữa thời thứ nhất và thời thứ hai cần tiến hành nghi thức trai Phật; giữa thời thứ hai và thời thứ ba tu theo sám pháp Di Đà. Thông thường, cuối sách còn có phần phụ đính văn tự khuyên mọi người niệm Phật và chính nhân niệm Phật.
Nói chung, ba thời quán niệm pháp sự đều phải lập đàn tràng để tiến hành pháp sự. Đàn tràng được lập đối diện với vong linh, một tượng Phật được tôn trí phía trên mặt đền cúng tế tiếp dẫn vong linh, trên đàn bày các pháp khí như hương hoa, đèn đuốc, kiền chùy và hai cái dẫn khánh. Ngoài ra còn lập thêm pháp tòa để nghênh thỉnh pháp sư. Sau khi mọi người tề tựu đông đủ, đánh trống, do trai chủ đứng ra nghênh thỉnh pháp sư. Các ban vào vị trí xong, trai chủ đốt hương, sau đó người chủ lễ đi đến trước đàn tràng đứng nghiêm trang, pháp sư cử bài tán hương.
Sau khi xướng xong bài tán Giới định chân hương, những người niệm Phật đến trước bàn thờ vãng sinh liên tòa, xướng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, tiếp theo xướng ba lần Nam Mô Thanh lương Địa Bồ Tát Ma-ha-tát, Nam Mô Bát Nhã Hội thượng Phật Bồ Tát. Sau đó, tụng Bát Nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Biến thực Chân ngôn, Cam lộ thủy Chân ngôn, Phổ cúng dường Chân ngôn, Liên trì tán và Hồi hướng kệ. Lúc này do vị chủ lễ đọc văn:
Âm Hán Việt:
Pháp vương lợi vật, bi trí hoằng thâm, phổ biến thập phương, minh dương mị cách. Kim mông trai chủ mỗ cung vị mỗ giới phùng mỗ chi kỳ, đặc thỉnh sơn tăng đăng tòa, y bằng giáo pháp, tác tam thời hệ niệm pháp sự. Nãi nhĩ vong linh, tao thử thắng duyên, tự nghi nghiêm túc uy nghi, lai lâm tọa hạ, cung linh diệu pháp, nhất tâm thọ độ.
Nghĩa:
Đấng Pháp vương đem lợi lạc cho chúng sinh, từ bi và trí tuệ sâu rộng phổ cập khắp mười phương, âm dương không hề cách trở. Nay, trai chủ là… đến kỳ…, có mời pháp sư đăng đàn, tuân theo giáo pháp thực hành ba thời quán niệm Phật sự. Các vị vong linh gặp được duyên lành này, nghiêm túc uy nghi, kính mời đến trước đài sen, kính cẩn nghe diệu pháp, một lòng đội ân hóa độ.
Tiếp theo đó xướng bài Lô hương tán, rồi chủ pháp niệm hương:
Âm Hán Việt
Thử nhất biện hương, căn bàn kiếp ngoại, chi bá trần hoàn, bất kinh thiên địa dĩ sinh thành, khởi thuộc âm dương nhi tạo hóa. Nhiệt hướng lô trung, chuyên thân cúng dường, thường trú Tam bảo, Sát hải vạn linh, Cực lạc đạo sư, A Di Đà Phật, Quan Âm Thế Chí, Thanh tịnh hải chúng, tất trượng chân hương, phổ đồng cúng dường.
Nghĩa:
Nén tâm hương này trải bao kiếp đời, qua bao thế giới, không do trời đất sinh, không thuộc âm dương tạo, chính là nén chân hương, đang cháy trong lò, chuyên dâng cúng dường Thường trú Tam bảo, muôn loài vong linh ở trong các quốc độ nhiều như biển lớn, Đạo sư Tây phương cực lạc, Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Thế chí, Bồ Tát Thanh Tịnh Hải Chúng, đều nương vào nén hương chân thành này, cúng dường cùng khắp.
Niệm hương xong, xướng ba lần Nam mô Hương vân cái Bồ Tát Ma-ha-tát để kết thúc.
Thời pháp sự thứ nhất:
Mọi người tập hợp, ổn định chỗ ngồi. Vị duy na đánh khánh gõ mõ, bắt lên câu Nam mô Liên trì Hải hội Phật Bồ Tát ba lần. Rồi mọi người bắt đầu tụng niệm toàn văn Phật thuyết A Di Đà kinh. Tiếp theo tụng Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Đà-la-ni, và Vãng sinh chú ba lần. Sau đó tụng niệm bài kệ:
Thế giới hà duyên sanh cực lạc; Chỉ nhân chúng khổ bất năng xâm.
Đạo nhân nhược yếu tầm quy lộ; Đản hướng trần trung liễu tự tâm.
Nghĩa:
Cõi ấy do đâu tên Cực Lạc;
Chính do phiền não không thể xâm.
Đạo nhân nếu muốn tìm lối đến;
Chỉ cần trừ hết ác trong tâm.
Lại tụng bài bạch văn Tâm tâm tức Phật và bài Tán Phật kệ. Dưới đây là một đoạn dài bài tụng niệm bằng bạch văn, ở giữa có bài Phật bảo tán, tiếp theo lại niệm bài bạch văn. Cuối cùng tụng ba lần Nam mô Liên trì Hải hội Bồ Tát Ma-ha-tát để kết thúc thời thứ nhất.
Pháp sự thời thứ hai và thứ ba có nội dung cơ bản tương tự như pháp sự thời thứ nhất, nhưng khác ở phần lời bài tán là Pháp bảo tán, Tăng bảo tán và phần niệm bài bạch văn cũng có chỗ khác nhau. Phần kết thúc là lời phát nguyện, niệm rằng:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp; Giai do vô thỉ tham sân si.
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh; Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Tự tính chúng sinh thệ nguyện độ; Tự tính phiền não thề nguyện trừ.
Tự tính chúng sinh thệ nguyện học; tự tính Phật đạo thề nguyện thành.
Nghĩa:
Mọi nghiệp ác xưa kia đã tạo; Đều do tham sân si có từ vô thủy.
Từ thân khẩu ý mà sinh ra; Tất cả tội kia con xin sám hối.
Tự tính chúng sinh thề nguyện độ; Tự tính phiền não thề nguyện trừ.
Tự tính chúng sinh thề nguyện học, Tự tính Phật đạo thề nguyện thành.
Tiếp theo, xướng Di Đà đại tán, Hồi hướng kệ và Tam quy y. Đến đây toàn bộ nghi thức hoàn tất.
Trong nghi thức trên, cần chú ý mấy điều dưới đây:
(1) Khi pháp sư đảnh lễ Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, cần quán tưởng, cầu khẩn Phật, Bồ Tát gia hộ; khi thuyết pháp cần phát tâm thành khẩn, thay Phật, Bồ Tát tuyên giảng giáo hóa chúng sinh.
(2) Trai chủ phải dứt bỏ mọi tạp niệm, nhất tâm nghĩ tưởng đến những vị khách là vong linh của cõi âm, thay mặt họ mà lễ kính Tam bảo, thành tâm nghe nhận, mới có thể cảm ứng giao hòa giữa chúng sinh và đức Phật, công đức không thể nghĩ bàn.
(3) Những người trong gia đình vong linh đều cùng xướng niệm, chỉ có chuyên tâm thành ý, lầm rầm tụng niệm theo là đủ, tuyệt đối không được có ý đùa cợt hay có thái độ ngạo mạn, điều này sẽ dẫn đến tội nghiệp chồng chất.
(4) Pháp sự này vốn có thể thực hành trước khi chưa nhập liệm cho người chết là tốt nhất. Nếu không, thì vào ngày chung thất, hoặc một trăm ngày, hoặc ngày tiểu đại tường đều có thể cử hành pháp sự.
Duyên khởi khoa Thủy Lục