Pháp hội Thủy Lục còn gọi là đạo tràng Thủy Lục, hội Thủy Lục, hội Bi Tịch, Thắng hội đại trai phổ độ Thủy Lục thánh phàm pháp giới… là nghi thức quy mô nhất trong pháp sự của Phật giáo Trung Quốc. Pháp hội bắt nguồn từ vua Lương Vũ Đế thời Nam Bắc triều, lại được Mật giáo thời nhà Đường phát triển, bổ sung, sau diễn biến và kiện toàn, chín muồi qua các triều Tống, Nguyên, Minh, cuối cùng được lưu truyền mãi cho đến ngày nay, đồng thời vẫn tiếp tục phát triển, và có xu thế bất diệt.
Nam triều thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, vua Lương Vũ Đế là người rất sùng tín Phật giáo. Nhân đêm nọ, ông nằm mộng thấy một vị thần tăng đến thăm, vị thần tăng ấy nói với ông rằng: “Chúng sinh trong sáu nẻo chịu quá nhiều khổ não, tại sao ông không thiết đàn đại trai để phổ tế quần linh?”
Tỉnh dậy, Lương Vũ Đế kể lại giấc mộng của mình với quần thần trong triều, các vị đại thần mặt mặt nhìn nhau, không ai hiểu hàm nghĩa của giấc mộng ấy. Lúc đó, thiền sư Bảo Chí dâng tấu sớ nói, giấc mộng ấy ắt có nhân duyên, và khuyên Lương Vũ Đế sưu tầm nghiên cứu nhiều kinh điển để tìm ra lời giải đáp. Thế là nhà vua liền ra lệnh cho mọi người đưa các loại kinh điển Phật giáo đến điện Pháp Hoa, ông đích thân cùng thiền sư Bảo Chí ngày đêm chăm chú xem đọc. Sau mấy ngày, khi đọc đến sự tích A Nan gặp Diện Nhiên Quỷ vương, cả hai người mới chợt hiểu ra. Nội dung đại khái của điển tích như thế này:
Ngày nọ, khi A Nan thị giả của đức Phật ngồi tĩnh tọa giữa rừng bỗng thấy một quỷ vương toàn thân da bọc xương, bụng to như cái trống đi đến trước mặt. A Nan hỏi: “Ông là ai? Tại sao đến nơi này?”
Quỷ vương trả lời: “Tôi tên là Diện Nhiên, có ý đến nói với ông rằng, sau ba ngày ông cũng sẽ đọa vào nẻo ngạ quỷ và cũng đau khổ như tôi vậy”.
A Nan vội hỏi: “Vậy có cách gì có thể tránh được quả báo ấy?”
Quỷ vương nói với A Nan: “Nếu ngày mai ông có thể bố thí cho một trăm ngạ quỷ và trăm nghìn tiên Bà la môn, mỗi người một hộc thức ăn uống, và cúng dường Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, nhờ công đức ấy mà có thể tăng thêm tuổi thọ và cũng tránh được quả báo kia”.
Sau khi A Nan xuất định, trong lòng có vẻ sợ hãi không thôi, vội vàng đến chỗ đức Phật bẩm báo.
Phật Thích Ca bèn dạy A Nan tu tập pháp “Đà-la-ni thí thực”, khiến cho thức ăn được gia trì trở thành pháp để cúng dường, như vậy vừa có thể trên cúng dường Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, dưới lại có thể bình đẳng bố thí mọi chúng sinh. Thức ăn sau khi đã được quán tưởng tu pháp thì từ số lượng ít chuyển thành số lượng vô tận vô biên, có thể bố thí tất cả quỷ đạo chúng sinh, tiêu trừ ác nghiệp khổ đau của ma quỷ, khiến cho chúng xả bỏ thân ma quỷ mà sinh vào cõi trời. A Nan nhân đó được cứu nạn và thoát khỏi quả báo đọa lạc vào nẻo ác ma.
Sau khi biết được duyên do như vậy, Lương Vũ Đế liền cùng với thiền sư Bảo Chí lấy pháp thí thực Vô lượng Uy đức Tự tại Quang minh Như Lai Đà-la-ni làm hạt nhân và phải mất thời gian ba năm mới hoàn thành nghi văn Thủy Lục.
Lại còn một truyền thuyết khác nữa, nói là tướng Bạch Khởi của triều nhà Tần do trận chiến Trường Bình, Bạch Khởi đã chôn sống bốn mươi vạn tù binh, tội đại ác, vong hồn họ bị trầm luân trong địa ngục quá lâu ngày không có đường ra. Thế là thác mộng vào Lương Vũ Đế, cầu xin ông tìm cách cứu vớt. Nhân đó, Lương Vũ Đế cùng thiền sư Chí Công bàn luận phương cách cứu giúp, do đó mà có nghi văn Thủy Lục ra đời.
Sau khi viết thành nghi văn Thủy Lục, trước tiên Lương Vũ Đế cho thiết lập đạo tràng ở trong cung, trước bàn thờ Phật đèn đuốc không được thắp sáng, tay nâng nghi văn hướng phía bàn thờ Phật thành tâm khấn nguyện: “Nếu nghi văn này có thể giúp đỡ được lục đạo, độ khắp chúng hữu tình, phù hợp với Phật pháp, xin khấn nguyện sau khi con lễ bái, đèn đuốc không được thắp sáng tự sáng đỏ lên, nếu không, đèn đuốc vẫn tối ám như cũ. Kính cẩn khởi bẩm”.
Lương Vũ Đế khấn nguyện xong, liền hành lễ lạy trước Phật đài. Vừa lạy xong một lạy, trong toàn điện đường, chốc lát đèn đuốc tự nhiên sáng lên rực rỡ như ban ngày; lạy lần thứ hai toàn bộ cung điện có chút rúng động, xuất hiện tín hiệu tốt lành; lạy lần thứ ba vừa xong, thì trên không tự nhiên có hương hoa bay xuống, thị hiện điềm lành ít khi thấy. Do đó, tín tâm của Lương Vũ Đế càng lớn, càng kiên định không lay chuyển.
Thế là vào ngày mười lăm tháng hai âm lịch lúc bấy giờ, người ta cử hành pháp hội thủy lục đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc tại chùa Kim Sơn, nay thuộc Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Lương Vũ Đế đích thân đến dự ngồi chiếu đất, lệnh cho luật sư nổi tiếng Tăng Hựu tuyên đọc nghi văn. Niên đại ước khoảng năm Lương Thiên Giám thứ tư (505), có thuyết nói vào năm Thiên Giám thứ bảy (508). Từ đó, pháp hội thủy lục bắt đầu được lưu truyền trong nước và phát triển thành hoạt động Phật sự được xem là long trọng nhất trong các chùa viện của Phật giáo Trung Quốc.
Sau thời Lương Vũ Đế, do trải qua chiến loạn thời Chu, Tùy, mà nghi văn thủy lục dần dần bị thất truyền. Mãi đến những năm Hàm Hanh (670-673) thời Đường Cao Tông, thiền sư Anh ở chùa Pháp Hải, Trường An nằm mộng thấy một dị nhân chỉ điểm, đến sáng tỉnh dậy, thiền sư đến nơi ở của tăng nhân Nghĩa Tế tại chùa Đại Giác thì tìm thấy nguyên bổn nghi văn thủy lục của Lương Vũ Đế, bèn lập pháp hội tại chùa Sơn Bắc. Từ đó, pháp hội thủy lục lại được lưu hành trở lại trong nước như trước.
Đến thời nhà Tống, pháp hội thủy lục đặc biệt thịnh hành, hầu như phổ biến khắp nơi trong cả nước, nhất là từ sau những trận chiến nó trở thành một thứ nghi thức siêu độ những oan hồn người chết từ triều đình đến thôn dã. Lúc bấy giờ có một pháp hội thủy lục nổi tiếng là vào năm Tống Nguyên Hựu thứ tám (1093), Tô Thức thiết lập đạo tràng Thủy Lục siêu độ cho người vợ quá cố của mình là Tống Thị và soạn mười sáu thiên Thủy lục Pháp tượng tán gọi là Mi Sơn Thủy lục. Trong bài Dẫn văn, ông viết:
Thức tôi kính phát tâm nguyện, vẽ tranh nghiêm trang đầy đủ, còn đại thí chủ Trương Hầu Đôn dâng cúng lễ , [Tô Thức tôi] rất vui khi nghe như vậy, cùng kết thiện duyên. Cầu thỉnh thiện bản [bản tiêu chuẩn, đầy đủ] của thiền sư Pháp Dũng ở chùa Pháp Vân, chọn lấy đồ đệ của sư chiếu liệu hội này, cứ vào đó làm hội pháp thí vô già [vô già tức không ngăn che, không hạn chế đối tượng tham gia, dịch từ cụm “vô ngại chi thí”] , cùng chọn nhặt những khoa nghi chưa được san khắc, Tô Thức tôi chắp tay cúi đầu mà viết bài tán thán, tổng cộng có 16 bài.
Khoảng những năm Tống Hy Ninh (1068-1077), Dương Ngạc, người vùng Tứ Xuyên thuật lại quy chế cũ rồi viết thành ba quyển nghi văn rất thịnh hành trong vùng đất Thục. Năm Nguyên Phong thứ bảy (1084), thiền sư Phật Ấn trú trì chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, do các nhà buôn thỉnh cầu thiết lập pháp hội Thủy Lục ngay trong chùa, thiền sư Phật Ấn đích thân chủ trì, cảnh tượng bề thế, hùng vĩ, nổi tiếng xa gần. Năm Thiệu Thánh thứ ba (1096), tăng nhân Tông Di sửa chữa, bổ sung và thẩm định các bản sách của những người đời trước mà viết thành bốn quyển Thủy lục nghi văn nhằm phổ biến và khuyến khích tứ chúng đệ tử theo pháp sùng tín mà siêu độ thủy lục vong linh. Nhưng rất tiếc tập Thủy lục Nghi văn ấy đã bị thất truyền.
Đến thời Nam Tống, pháp hội Thủy Lục lại được phát triển thêm nhiều nét mới. Năm Càn Đạo thứ chín (1173), một người Chiết Giang tên là Sử Hạo, nhân trên đường đi qua Trấn Giang, thấy chùa Kim Sơn tráng lệ tươi đẹp, chạnh nghĩ đến cảnh tượng trai đàn bạt độ rầm rộ năm xưa nhằm báo đáp đại tứ ân, thế là ông phát tâm cúng dường trăm mẫu ruộng trên vùng núi Nguyệt Ba ở Tứ Minh Đông Hồ để xây đạo tràng chuyên dùng cho pháp hội thủy lục, chia ra để cử hành trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đồng thời ông đích thân soạn ra văn sớ. Sự việc trên đến tai nhà vua, Tống Hiếu Tông bèn có chủ ý ban sắc thư cho viết biển đề Thủy lục Vô ngại Đạo tràng để khích lệ. Quanh núi Nguyệt Ba có ngôi chùa Tôn Giáo, tăng đồ đạo tục có khoảng trên ba nghìn người, hoàn toàn tuân theo pháp phổ độ núi Nguyệt Ba trong cả bốn mùa. Đồng thời lễ mời tác giả Chí Bàn, người soạn sách Phật Tổ Thống kỷ viết tiếp sách Thủy Lục Tân nghi thành bốn quyển, quảng bá rộng rãi, khuyến khích mọi chùa viện trong nước áp dụng pháp này để phổ độ chúng sinh, một thời có rất nhiều người phụng hành, như Tông Di trong Thủy Lục Duyên khởi có nói:
Chỉ thờ một vị Phật, cúng một vị tăng mà công đức đã vô lượng, huống hồ nay cúng dường Tam bảo mười phương, vạn linh sáu nẻo, há đâu chỉ lợi lạc cho riêng mình mà cả chín họ cũng được thấm nhuần ân đức… Phụng hành Phật sự Thủy Lục xưa nay rất thịnh hành tại các xứ Giang Hoài, Lưỡng Triết, Xuyên Quảng, Phúc Kiến. Hoặc do yên vui vô sự mà không thiết đàn Thủy Lục thì người ta cho là không thiện; đãi người trưởng thượng mà không thiết đàn Thủy Lục, thì người ta cho là không hiếu; giúp đỡ, cứu người hèn, trẻ nhỏ mà không thiết đàn Thủy Lục, thì người ta cho là không từ. Do đó, người giàu có thì tự mình thực hiện, người nghèo khó thì cùng góp tiền của để tổ chức.
Đây cũng là khởi nguồn tại chỗ của điều mà đời sau gọi người giàu có tự mình thực hiện là độc tính thủy lục (một họ tổ chức pháp hội Thủy Lục) và người nghèo khó cùng góp tiền của để xây dựng là chúng tính thủy lục (nhiều họ tổ chức pháp hội Thủy Lục). Không chỉ như vậy, trong Thủy lục duyên khởi Tông Di còn trình bày và phân tích một cách rõ ràng, chi tiết ba thời triệu thỉnh thủy lục, tám vị trên dưới từ đường và ba loại đối tượng cúng dường thượng, trung, hạ; trên thì cúng dường pháp giới chư Phật, Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác, Minh vương, Thiên long bát bộ, Tiên nhân Bà la môn; thứ đến cúng dường Phạm thiên, Đế thích, hai mươi tám tầng trời và tất cả thần linh của thế giới hư không; dưới thì cúng dường tam sơn ngũ nhạc, sông biển, long thần, người đời quá cố, chúng loại a tu la, âm quan quyến thuộc, chúng sinh địa ngục, quỷ thần vô chủ không nơi nương tựa, u hồn lạc vía, thế giới súc sinh… Kể cả thập loại chúng sinh (tức tứ thánh lục phàm) đều được cúng dường rộng khắp. Khiến cho “người chưa phát tâm Bồ đề, nhân có thạnh hội thủy lục này mà phát tâm Bồ đề; người chưa thoát khỏi khổ nạn, nhân có thạnh hội thủy lục này mà được chuyển hóa; người chưa thành Phật, nhân có thạnh hội thủy lục này mà thành Phật đạo”.
Có thể là do các giới nhân sĩ Phật giáo ra sức đề xướng và cực lực tuyên truyền nên pháp hội thủy lục trong hai triều Nam Bắc Tống có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhưng phải đợi đến triều Nguyên, dưới sự bảo trợ và giúp đỡ của triều đình, quy mô pháp hội thủy lục mới rầm rộ hơn bao giờ hết. Năm Diên Hựu thứ ba (1316), triều đình thiết lập đại hội thủy lục tại chùa Kim Sơn, ra lệnh cho các đại đức ba tông phái Thiền, Giáo, Luật cùng dự hội thuyết pháp, tăng chúng tham gia lên đến 1.500 người. Chuyện còn lưu truyền đến ngày nay là cao tăng Nguyên Tẩu Hạnh Đoan ở núi Kính Sơn đăng đàn nói pháp trong pháp hội thủy lục Kim Sơn do triều đình thiết lập là kỷ lục thuyết pháp của ông vào thời bấy giờ. Pháp hội chùa Kim Sơn năm Chí Trị thứ hai (1322) có quy mô cũng không thua lần trước, thiền sư Chính Ấn ở Nguyệt Giang trong tập Kim Sơn Đại hội Quy thượng đường có ghi:
Đại hội Kim Sơn trong đó tâm thành là một đại duyên. Có nhiều sơn tăng và bốn mươi mốt thiện tri thức tham dự, cùng với một nghìn năm trăm tỳ khưu, tất cả đều cùng nhập Như Lai Đại Quang minh tạng, cùng nói pháp môn bất nhị, cùng hoằng dương nghĩa đế duy nhất.
Từ đó, hầu hết các nơi trong nước tranh nhau bắt chước, tiến tới thúc đẩy hoạt động pháp hội thủy lục phát triển rộng khắp.
Triều Minh sáng nghiệp, hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương xuất thân là sa môn, sau khi lên ngôi, ông dùng uy quyền của triều đình, ra sức hoằng dương Phật pháp. Đối với pháp hội thủy lục, không chỉ tạo dựng quy mô to lớn trước nay chưa từng có mà còn có những nghi thức liên quan để định hình lại. Từ năm Hồng Vũ nguyên niên đến năm thứ năm (1368-1372), trước sau đều có thiết lập pháp hội thủy lục ở núi Tưởng Sơn tại Nam Kinh (nay là núi Tử Kim ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Trong đó, lần cử hành pháp hội vào năm Hồng Vũ thứ năm (1372) có quy mô lớn nhất, một lúc nhiều cao tăng thạc đức vân tập ở Kim Lăng (tức Nam Kinh), như Quý Đàm Tông Lặc, Sở Thạch Phạm Kỳ, Lai Phục Kiến Tâm, Đông Minh Tuệ Nhật, Mộng Đường Huyền Ngạc... đều thể theo lời mời dự hội thuyết pháp, số tăng chúng tham gia đông đến cả nghìn người! Trước đó, Chu Nguyên Chương đã sai Tông Lặc sáng tác tám bài Tán Phật nhạc chương, và hạ chiếu cho ban lễ nhạc cung đình diễn tấu, còn chính nhà vua và quần thần đều đến dự pháp hội lễ Phật. Đại thần Tống Liêm còn soạn bài văn Tưởng Sơn tự Quảng tiến Phật hội ký ghi lại cảnh tượng thực tế của pháp hội lần này.
Ngoài ra, vào triều nhà Minh, giữa hai vùng Giang Tô và Chiết Giang còn chia ra Bắc thủy lục và Nam thủy lục, tức là chỉ vùng Tứ Minh nơi mà Chí Bàn thời Nam Tống tiếp tục soạn Thủy Lục Tân nghi là Nam thủy lục, còn Thủy Lục cựu nghi của chùa Kim Sơn ở Trấn Giang được gọi là Bắc thủy lục. Cuối đời Minh, cao tăng Chu Hoằng bỏ Bắc theo Nam, và sau khi sửa đổi, thêm bớt sách Thủy Lục Tân nghi viết thành sáu quyển Thủy Lục Tu trai Nghi quỹ lưu hành trong đời.
Đời Thanh, cao tăng Nghi Nhuận lại dựa vào ý của Chu Hoằng trình bày đầy đủ cách thực hành và những quy tắc của pháp hội Thủy Lục, biên soạn thành sáu quyển Pháp giới Phàm Thánh Thủy Lục phổ độ Đại trai thắng hội Nghi quỹ hội bản và trở thành bản sách thông dụng của việc “cử hành tuần đại trai thạnh hội” được lưu truyền đến ngày nay, nói gọn là Thủy Lục Nghi quỹ hội bản. Nội dung bao gồm các phần như bố trí đàn tràng, sắp đặt hình ảnh, trình bày đồ dâng cúng và các thứ pháp khí, tiến hành pháp sự… Nói chung là mọi việc của lễ hội, vô cùng thực dụng, do đó vẫn mãi mãi được lưu truyền.
Từ thế kỷ XX trở về sau, tuy sách Thủy Lục Nghi quỹ không được đổi mới hay bổ sung, nhưng trong lối thi hành thực tế (đặc biệt là hình thức siêu độ vong linh) lại biết rút từ cái cũ ra cái mới mà viết lại thành sách “Thủy Lục Không đại pháp hội” được lưu hành rộng rãi trong cả nước. Ngoài việc lấy đó để siêu độ thủy lục, những cô hồn chết oan cũng khiến họ siêu thoát khỏi khổ ải của luân hồi. Người chế ra tượng gỗ đầu tiên là Lão hòa thượng Độ Luân (tức Tuyên Hóa Thượng Nhân) sống ở bang California, Hoa Kỳ, ở chùa Vạn Phật Thành. Năm 1987, tại chùa Vạn Phật Thành, lần đầu tiên ngài thiết lập “Thủy Lục Không đại pháp hội” mời tăng nhân ở Trung Quốc Đại lục sang chủ trì, cảnh tượng rầm rộ trước nay chưa từng có. Từ đó, người trong nước nhao nhao bắt chước, tạo thành nếp quen thuộc lưu hành hiện nay.
Còn về nội dung các hạng mục của pháp hội thủy lục như việc bố trí đàn tràng, kinh điển và số người tụng niệm, các quy định về bài vị, thời gian tiến hành trình tự pháp sự… tất cả dựa vào “Kê viên Thủy lục Thông luận”, giới thiệu đại thể như sau:
Đàn tràng chia làm nội đàn và ngoại đàn. Pháp sự diễn ra trong nội đàn là chính. Chính giữa nội đàn tôn trí ba tượng Phật Tì Lô Giá Na, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, bên dưới thiết bàn cúng bày hương hoa, đèn đuốc, quả phẩm, thức cúng, đòi hỏi phải trang nghiêm. Trước bàn cúng đặt bốn đài hình chữ nhật tạo thành một hình vuông, trên đài để khánh đồng, trống cơm, xập xõa (não bạt), tức các thứ dùng trong nghi thức pháp hội, phân ra bốn người sử dụng, đó là chủ pháp, chính biểu, phó biểu và trai chủ. Chung quanh vây bằng màn vải, chia nội đàn thành ba gian. Hai bên màn vải chia thành thượng đường, hạ đường, phía trên mỗi đường treo mười bức tượng vẽ. Mười bức ở thượng đường là: Tất cả Chư Phật thường trú mười phương, tất cả Tôn Pháp thường trú mười phương, tất cả Chư Bồ Tát Chư Tăng thường trú mười phương; mười bức ở hạ đường là: Pháp giới mười phương, bốn Không bốn Thiền, những vị Trời của sáu tầng cõi Dục, chư vị Thiên chư vị Thánh, chư thần Phúc Đức Ngũ nhạc Tứ độc. Phía dưới tượng vẽ ở thượng đường sắp đặt các bài vị, ghi rõ danh xưng thánh phàm của mỗi vị. Phía trên các bài vị vẽ thêm lọng quý, phía dưới vẽ hoa sen, ở giữa dùng giấy vàng kết lại với nhau; còn ở hạ đường dùng giấy đỏ để phân biệt.
Phật sự ở ngoại đàn bảy ngày, cùng thiết sáu đàn tràng lớn nhỏ:
(1) Đàn lớn có hai mươi bốn người, chuẩn bị trước một ngày, chuyên lễ tụng Lương Hoàng Bảo sám. Ngày thứ nhất đến ngày thứ tư, mỗi ngày lạy tụng hai quyển rưỡi, ngày thứ năm tụng kinh Kim Cương mỗi người năm quyển, ngày thứ sáu tụng kinh Dược Sư mỗi người năm quyển, ngày thứ bảy tụng kinh Phạm Võng quyển hạ (tức phẩm Tâm Địa).
(2) Đàn tụng các kinh có bảy người, tụng niệm các bộ kinh điển sau: Ngày thứ nhất mỗi người tụng kinh Vô Lượng Thọ ba bộ; ngày thứ hai tụng kinh Vô Lượng Thọ một bộ, kinh Quán Vô Lượng Thọ bốn quyển; ngày thứ ba, ngày thứ tư mỗi người tụng kinh Kim Quang Minh một bộ rưỡi; ngày thứ năm tụng kinh Kim Quang Minh một bộ; ngày thứ sáu tụng kinh Viên Giác ba bộ; ngày thứ bảy tụng kinh Viên Giác một bộ.
(3) Đàn Pháp Hoa có bảy người chuyên tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa; ngày thứ nhất, ngày thứ hai, mỗi ngày mỗi người tụng năm quyển; ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, mỗi ngày mỗi người tụng bốn quyển; ngày thứ bảy hai quyển.
(4) Đàn Lăng Nghiêm có sáu người tụng kinh Lăng Nghiêm, ngày thứ nhất mỗi người tụng bảy quyển; ngày thứ hai đến ngày thứ sáu mỗi ngày mỗi người tụng sáu quyển; ngày thứ bảy ba quyển.
(5) Đàn Tịnh Độ có bảy người, thống nhất niệm danh hiệu A Di Đà Phật bảy ngày.
(6) Đàn Hoa Nghiêm có hai người đọc ngầm kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm một bộ, bảy ngày.
Ngoài ra lập đàn Du Già hay còn gọi là đàn thí thực, cử hành vào ban đêm, đó là pháp sự cúng thí ngạ quỷ chúng sinh, số người tùy các đàn tạm thời điều dụng. Thêm vào đó, đặt một người giám đàn phụ trách việc tuần hành tình hình chung ở các đàn. Ngoại đàn do bốn mươi tám người hợp thành một nhóm.
Thông thường nội dung pháp sự của nội, ngoại đàn trong bảy ngày đêm của pháp hội chủ yếu gồm các hạng mục như kết giới sái tịnh (tức là phạm vi giới định của nội, ngoại đàn đã được vảy nước thơm sạch sẽ, an toàn), sai người đi phát bùa, mời lên thượng đường, cúng ở thượng đường, mời ở hạ đường, cúng ở hạ đường, dâng nước rửa, bày thí thực, truyền giới, và tống tiễn hiền thánh. Trong đó mười vị thánh hiền Tam bảo cung thỉnh vào lúc trước giờ ngọ; mười vị thần linh phàm thánh ở hạ đường thì triệu thỉnh vào lúc chạng vạng tối. Thứ tự như sau:
(1) Pháp sự kết giới là chỉ canh ba ngày đầu tiên của pháp hội thủy lục bắt đầu vảy nước thơm (gọi là sái tịnh) ở ngoại đàn trước, canh tư kết giới ở nội đàn.
(2) Phát bùa treo phướn chỉ canh năm trời rạng ngày đầu tiên của pháp hội, sai người dựng phướn, tức đem phướn có viết dòng chữ “Tu kiện pháp giới thánh phàm thủy lục (không) phổ độ đại trai thắng hội công đức bảo phướn” treo trên cây sào dài ở phía trước Đại hùng bảo điện.
(3) Mời lên thượng đường vào canh tư ngày tiếp theo, thỉnh các vị cao tăng tham dự nội đàn thượng đường, đến canh năm dâng nước rửa.
(4) Cúng thượng đường tức chỉ canh tư ngày thứ ba cúng dường ở thượng đường, đến canh năm mời nghỉ. Giờ ngọ mời thầy thọ trai.
(5) Mời ở hạ đường tức chỉ canh ba ngày thứ tư, mời cao tăng ở hạ đường, canh tư dâng nước rửa, canh năm thuyết giới.
(6) Cúng hạ đường tức chỉ canh tư ngày thứ năm tụng bài minh “Tín tâm”, đến canh năm cao tăng cúng ở hạ đường, giờ ngọ mời thầy thọ trai.
(7) Phóng sinh, tức chỉ canh tư ngày thứ sáu cao tăng chủ pháp đích thân chúc chúng tăng ở thượng, hạ đường, trước giờ ngọ cử hành nghi thức phóng sinh.
(8) Cúng dường thầy tăng và tống tiễn hiền thánh, tức chỉ vào canh năm ngày thứ bảy cúng dường khắp chúng tăng ở thượng, hạ đường. Giờ ngọ mời thầy thọ trai, giờ mùi nghênh thỉnh thầy tăng ở thượng, hạ đường và ngoại đàn, đến giờ thân tống tiễn quý thánh, tăng.
Đến đây, pháp hội thủy lục kính cáo thành tựu viên mãn. Trong suốt thời gian cử hành pháp hội, từ ngày thứ nhất mỗi đêm tại đàn Du Già tổ chức một mâm cúng thí ngạ quỷ chúng sinh, đến nửa đêm ngày thứ sáu thì phóng thích ngạ quỷ đi về năm phương, tất cả tăng chúng nội, ngoại đàn của pháp hội đều cùng tham dự vì là giai đoạn cao trào của nghi thức pháp hội thủy lục rất là tuyệt diệu. Cuối cùng, tùy theo việc cử hành nghi thức tống tiễn tăng thánh, đại chúng ăn mặc chỉnh tề rời chiếu, cờ phướn vân tập, khói hương nghi ngút, tượng trưng cho toàn bộ đàn tràng đến hồi kết thúc.
Tứ đại thiên vương hiến bình bát để đựng thức ăn khi đức Phật khất thực