Vu lan, dịch âm từ chữ Ullambana trong tiếng Phạn, nghĩa là “treo ngược - 倒悬 đảo huyền”. Gọi là treo ngược tức chỉ đây là cách nói theo thói quen của người Ấn Độ cổ đại, có ý chỉ một người nào đó bị treo lơ lửng trên một vật thể nào đó, đương nhiên người ấy sẽ rất đau khổ, do đó phải cần được giải cứu. Bồn là một dụng cụ để đặt đồ cúng. Vậy “Vu lan bồn” có ý là khí vật để giải cứu nỗi đau khổ của việc bị treo ngược, cũng là nói dùng dụng cụ bỏ đầy nhiều thứ bánh trái cúng dường đức Phật và chư tăng, để cứu vớt chúng sinh bị khổ nạn trong ba nẻo ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Hội Vu lan bồn do từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ mà có. Sự tích này thấy có sớm nhất là vào thời Tây Tấn do Trúc Pháp Hộ dịch từ kinh Phật thuyết Vu lan bồn. Kinh này đơn giản và vắn tắt, chỉ trên tám trăm từ, nói về Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, qua nỗ lực của bản thân, khắc khổ tu thiền, có được năng lực biến hóa thần thông, chứng đắc sáu loại thần thông [thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thần túc thông và lậu tận thông]. Do đó, trong chúng đệ tử, ngài được xưng hiệu là thần thông đệ nhất.
Để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, một hôm Mục Kiền Liên vận thiên nhãn siêu phàm của mình để nhìn thấy họ, phát hiện mẹ ngài do lúc sinh tiền làm quá nhiều điều ác nên cuối cùng bị đọa trong nẻo ngạ quỷ, thân hình khô khốc, quắt queo, khổ sở hết chỗ nói. Mục Kiền Liên vô cùng đau khổ, ngài bèn thi triển lực thần thông đem một bát cơm canh thơm ngon dâng trước mặt người mẹ đang đói khát. Bà mẹ buồn vui lẫn lộn, run run tiếp nhận bát cơm, tay trái cầm giữ cái bát, tay phải cố sức bốc nắm cơm đưa vào miệng. Không ngờ nắm cơm vừa mới đến miệng thì lập tức đã biến thành than, không thể nào nuốt được.
Nhận thấy tình cảnh như vậy, Mục Kiền Liên vô cùng kinh hãi, kêu gào khóc lóc, cảm thấy lực thần thông mạnh mẽ của mình cũng trở nên vô ích, chỉ có thể giương mắt nhìn người mẹ đang chịu đau khổ mà không có cách giải cứu. Trong tình cảnh cấp bách ấy, ngài vội vàng đến trước đức Phật quỳ xuống cầu cứu. Đức Phật bảo ngài rằng, bà mẹ ấy đã tạo nhiều tội nghiệp sâu nặng nên bị đọa vào nẻo ngạ quỷ chịu khổ đau, muốn cứu bà thoát khỏi bể khổ, phải nhờ vào sức lực của chúng tăng mười phương mới hy vọng thành công.
Theo lời khuyên của đức Phật, Mục Kiền Liên đợi đến ngày cuối cùng của mùa an cư (tức ngày tự tứ) viên mãn, ngài mới kính cẩn thiết Vu lan bồn, dùng trăm vị thức ăn thức uống cúng dường đại đức mười phương, đem sức của chúng tăng cứu vớt thành công mẹ của ngài ra khỏi nẻo ngạ quỷ tàn khốc kia. Thông qua sự việc này, đức Phật khuyên răn đệ tử rằng, phàm muốn báo đáp công ơn của cha mẹ, đệ tử của Phật đến ngày rằm tháng bảy cũng là ngày tăng chúng an cư viên mãn, đều phải chuẩn bị trăm vị thức ăn thức uống, thiết Vu lan bồn cúng dường tăng chúng mười phương, để công đức này có thể khiến cho cha mẹ bảy đời và cha mẹ đời này đang ở trong cảnh nguy nan thoát ra khỏi khổ ải của ba nẻo ác ma, đầu sinh vào cõi người hay cõi trời hưởng thụ phúc lạc. Cuối cùng, Phật thuyết:
Bất kể tỳ khưu, tỳ khưu ni, quốc vương, thái tử, tể tướng đại thần, tam công quan lớn, bách tính thứ dân, phàm người có hạnh từ hiếu chỉ cần thực hiện pháp này là có thể khiến cho cha mẹ đời này không bệnh không tật, cũng không khổ não, sống lâu trăm tuổi; cũng khiến cho cha mẹ đã qua đời thoát khỏi khổ nạn ngạ quỷ, sinh ra trong cõi trời, phúc lạc vô biên. Tất cả đệ tử của Phật cần phải phụng hành pháp này để báo ơn sinh thành nuôi dạy yêu thương của cha mẹ.
Ngoài ra, theo kinh Đại bồn Tịnh độ, lúc bấy giờ, sau khi quốc vương của mười sáu nước nghe sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ có liên quan đến đức Phật, Bình Sa Vương26 liền hạ lệnh các đại thần làm những cái bồn lớn, lấy năm trăm cái bồn bằng vàng, năm trăm cái bồn bằng bạc, năm trăm cái bồn bằng lưu ly, năm trăm cái bồn bằng xà cừ, năm trăm cái bồn bằng mã não, năm trăm cái bồn bằng san hô, năm trăm cái bồn bằng hổ phách, mỗi bồn đựng đầy trăm vị thức ăn thức uống đem đến tinh xá Kỳ Hằng cúng dường đức Phật và chúng tăng trong tăng đoàn. Ba Tư Nặc Vương nước Kiêu Tát La cũng tuyên bố lấy pháp của Mục Kiền Liên làm ra năm trăm cái bồn bằng vàng tía, năm trăm cái bồn bằng vàng ròng, mỗi bồn đựng đầy trăm vị thức ăn thức uống cúng dường đức Phật và tăng chúng trong tăng đoàn. Ăn uống xong, lại lấy năm trăm xe bằng vàng tía, năm trăm xe bằng vàng ròng, mỗi xe chứa một trăm loại vật phẩm để cúng dường. Có thể nói mọi sự đều đầy đủ, công đức vô lượng, khiến cho cha mẹ bảy đời quá khứ vượt qua khỏi tội của bảy mươi kiếp sinh tử.
26. Bình Sa Vương 瓶沙王 (558-491 TCN) tiếng Phạn Bimbisala, Hán phiên âm là Tần Tỳ Sa La, hay Bình Sa Vương. Là vị quốc vương nổi tiếng của nước Ma Kiệt Đà, tại vị từ năm 543 - 592 TCN, đóng đô ở thành Vương Xá, có quan hệ mật thiết với vua Cư Tát La nhằm ổn định vùng biên giới Tây bộ và Bắc bộ, tập trung toàn lực chinh phục nước Ương Ca ở phía đông, từ đó đẩy mạnh nền kinh tế của Ma Kiệt Đà. Đối nội, tăng cường khống chế cơ cấu quốc gia, thực hành nghiêm chỉnh hình luật, đồng thời duy trì việc truyền bá Phật giáo. Cuối đời bị người con là A Xà Thế sát hại. Thời kỳ A Xà Thế tại vị, nước Ma Kiệt Đà trở thành bá chủ của lưu vực sông Hằng Hà.
Theo kinh Phật thuyết Vu lan bồn và trong sự tương quan với sự tích, chúng ta phát hiện việc này với đề xướng quan niệm con cái tận hiếu đối với cha mẹ được nói trong Hiếu kinh của truyền thống Trung Quốc có nét tương đồng. Do đó, kinh này được đón nhận một cách rộng rãi trong lịch sử Trung Quốc, và được dịch nhiều lần, lại còn có nhiều vị cao tăng như Cát Tạng, Tông Mật, Vạn Ích chú sớ hơn sáu mươi loại khác nhau được lưu truyền trong nước, có lẽ tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên. Trong đó, sách Vu lan bồn kinh sớ của Tông Mật nhấn mạnh, kinh này có nêu tư tưởng người con hiếu thảo báo ân cha mẹ thật là hữu ích cho việc điều hòa quan hệ căng thẳng giữa luân lý Trung Quốc và Phật giáo, rất có lợi cho việc truyền bá Phật giáo và càng có ích cho phúc lợi nhân quần xã hội. Đây cũng là ý nguyện ban đầu về lòng từ bi vô hạn của đức Phật.
Đến thời Nam Bắc triều, Lương Vũ Đế thời nhà Lương lại vô cùng xem trọng kinh này, dựa vào sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ sáng lập nghi thức hội Vu lan bồn. Năm Lương Đại Đồng thứ tư (538), ông hạ lệnh mở đại tuần chay tại chùa Đồng Thái, thiết lập Vu lan bồn cúng dường tăng chúng mười phương, lấy công đức này hồi hướng cho oan hồn cha mẹ của nhiều đời đang ở trong ba nẻo ác ma. Do triều đình khởi xướng lễ hội Vu lan này mà dân chúng thấy trên làm dưới bắt chước, một thời người ta hưởng ứng phong khí ấy, gió dồn sóng cả, lâu dần trở thành một trong những phong tục tập quán nổi tiếng của Trung Quốc.
Thời nhà Đường, phong tục này càng ngày càng lớn mạnh, cho đến nhà vua cũng nghe thấy, nên ngay cả hoàng đế cũng tích cực tham gia, lại hiến nhiều bồn lớn để đựng vật phẩm, thậm chí dùng cả vàng bạc để trang sức. Mỗi năm hoàng gia đem bồn đến chùa công, dâng cúng rất nhiều phẩm vật, có cả đội nghi trượng âm nhạc và đem bồn đến để tăng cang tùy nghi sử dụng. Thời kỳ đế hậu Võ Tắc Thiên, vào năm Như Ý nguyên niên (692) Vũ Hoàng còn đem Vu lan bồn phân cấp về các tự viện, cử hành pháp hội rầm rộ, cảnh tượng chưa từng có trước đây. Vì vậy, Dương Quýnh, một trong bốn nhà văn lớn thời Sơ Đường đã viết bài phú Vu lan bồn miêu tả toàn bộ quá trình diễn ra pháp hội trang nghiêm, đồ sộ lúc bấy giờ.
Thêm vào đó, loại hình biến văn Mục Kiền Liên cứu mẹ cũng ra đời, trong thơ của các thi nhân như Bạch Cư Dị, Trương Hỗ… đều có nói đến. Mãi đến thời Vãn Đường, tăng nhân Nhật Bản là Viên Nhân lưu học tại Trung Quốc đích thân chứng kiến cảnh huống rầm rộ của hội Vu lan bồn, trong tập bút ký của ông có nhan đề là Nhập Đường cầu pháp tuần lễ hành ký miêu tả như sau:
Trong thành Trường An, các chùa cúng dường vào ngày rằm tháng bảy, họ trang hoàng đèn hoa, bánh, hoa, cây trái giả, mỗi thứ đều rất tinh xảo. Thường lệ đều có trần thiết bày lễ cúng dường trước điện Phật. Đi một vòng thăm chùa viện trong thành thì đúng là thạnh hội Vu lan. Năm nay các chùa đều thiết đặt cúng dường lớn hơn thường lệ.
Thời Tống Nguyên sau đó, hội Vu lan bồn tiếp tục phát triển. Trong sách Đông Kinh Mộng hoa lục có ghi, dân gian dùng tre đan thành bồn có ba chân, cao chừng năm, ba thước gọi là Vu lan bồn, bên trong đựng áo quần, tiền giấy… để sau pháp hội đem đốt dâng tiến vong linh và thí thực ngạ quỷ. Đồng thời người ta còn tụ tập góp tiền mời ban kịch về diễn vở tuồng Mục Kiền Liên cứu mẹ, trong các chùa viện lại ấn tống Tôn thắng Đà-la-ni kinh chú và Mục Kiền Liên kinh, rất được ưa chuộng. Về sau, tuồng Mục Kiền Liên càng diễn càng dài, nó vốn chỉ một sự tích ngắn gọn ít lời, nhưng lại diễn dịch thành vở tuồng có thể diễn đến chín mười ngày, tuồng thường bắt đầu vào đêm mồng bảy tháng bảy diễn suốt đến ngày mười lăm tháng bảy. Trong đó, Mục Kiền Liên tìm mẹ nói rõ cảnh Mục Kiền Liên đi khắp địa ngục tàn nhẫn đáng sợ, khiến mọi người kinh hồn khiếp vía, điều này có hiệu dụng tuyên truyền rất tốt. Còn các chùa viện cũng vào ngày mười lăm tháng bảy ấy quyên mộ tiền gạo để làm lễ Phật sự tiến vong.
Đến thời Nam Tống, hội Vu lan bồn đã trở thành pháp sự quan trọng trong các chùa viện, hằng năm đều phải cử hành pháp hội tụng kinh thí thực, đồng thời có thiết lễ thí thực cho ngạ quỷ chúng sinh đi kèm. Đến thời nhà Minh, trong các chùa viện vẫn lưu hành như cũ và người tham gia đặc biệt nhiều hơn, ảnh hưởng càng ngày càng lớn. Thực ra đó là người ta hiểu lầm, cuối đời Minh, cao tăng Chu Hoằng trong sách Chính Ngoa tập chỉ rõ rằng, hội Vu lan bồn có nguyên nhân từ Mục Kiền Liên, chủ yếu là vào ngày tự tứ tăng đoàn cúng dường chúng tăng để cầu được phúc đức, chứ không phải ngày cúng thí thực quỷ thần. Bởi vì cúng thí thực quỷ thần là hình thức giải thoát ngạ quỷ chúng sinh mà nguyên nhân của nó là do từ A Nan, vả lại, đối tượng để cúng thí thực là dành cho ngạ quỷ, có thể tùy lúc tiến hành, không nhất thiết phải vào ngày rằm tháng bảy. Tuy là như vậy, nhưng dân chúng chưa hiểu rõ sự chuyện mà cứ theo nếp cũ tiến hành. Có lẽ chỉ vì vào ngày rằm tháng bảy trong các chùa viện số trai tăng rất đông nên bày lễ luôn một thể!
Đồng thời từ đó các loại tuồng hát kịch về “Mục Kiền Liên cứu mẹ” cũng bắt đầu xuất hiện. Trịnh Chi Trân người làng Thanh Khê, Kỳ Môn, cũng mượn tuồng hát kịch này mà tuyên dương giáo lý nhà Phật nhằm khuyên mọi người làm thiện tránh ác để uốn nắn phong khí xã hội, trên cơ sở tuồng kịch, biến văn, truyền thuyết này, ông soạn Tân biên Mục Liên cứu mẫu khuyến thiện hý văn ba quyển gồm một trăm hồi, về sau tại thôn Lật Mộc được chuyển thành biểu diễn hát múa trên sân khấu lớn. Nhân đó, tuồng Mục Liên ở làng Thanh Khê đã sớm có lối truyền tụng rằng: “Ra đời tại Hoàn Sa, viết ở Thanh Khê, diễn tại thôn Lật Mộc”. Điều người ta muốn nói là sự tích của tuồng Mục Liên lấy Hoàn Sa Kỳ Môn làm nguyên gốc, bản của Trịnh Chi Trân người Thanh Khê biên soạn là bản gốc. Tuồng Mục Liên được diễn xuất phối hợp với nghi thức hội Vu lan bồn đem lại hiệu quả vô cùng tốt đẹp.
Bản tuồng Mục Liên của Trịnh Chi Trân ra đời, thì nguyên tại sáu huyện ở Huy Châu bắt đầu lưu truyền, sau đó dần dần truyền đến các vùng Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tứ Xuyên… rồi được nhiều loại tuồng địa phương như kinh kịch (kịch tuồng Bắc Kinh), Huy kịch (kịch tuồng An Huy), dự kịch (kịch tuồng Hà Nam) tiếp nhận biểu diễn. Nội dung của tuồng Mục Liên càng diễn càng dài, và trải qua hàng trăm năm nay vẫn không suy chuyển.
Hội Vu lan bồn thông thường được cử hành vào tiết trung nguyên ngày mười lăm tháng bảy âm lịch, diễn ra trong một ngày. Nhưng cũng có ngoại lệ. Nghi thức tụng niệm cá nhân cũng tương đối dễ thực hiện, trong đó quy định như sau:
Phàm là nam nữ hiếu thuận, để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, từ ngày mồng một tháng bảy âm lịch, mỗi ngày sớm tối đều niêm hương cúng Phật. Đồng thời tụng “Tiểu Di Đà sám” hoặc lễ Phật. Mục đích là thay mặt cha mẹ tại thế và cha mẹ bảy đời đã mất thành tâm sám hối tội lỗi. Và tụng niệm kệ:
Chúng con đồng hiếu tử, tu hành Tịnh độ nhân.
Báo đáp ơn song thân, nguyện trừ ba nghiệp chướng.
Người sống được phúc thọ, kẻ vong được siêu thăng.
Mọi pháp giới oan khiên, sống nơi an lạc quốc.
Tiếp theo tụng niệm kinh Phật thuyết Vu lan bồn một quyển, tụng niệm Nam mô A Di Đà Phật một trăm lần, cuối cùng niệm kệ Hồi hướng:
Lấy việc tu hành những thiện căn, cù lao báo đức ơn cha mẹ.
Người còn phúc lạc thọ vô cương, người mất thoát khổ đau an dưỡng.
Bốn ơn ba cõi đều nhận biết, ba nẻo tám nạn khổ chúng sinh.
Đều xin sám hối chuộc lỗi lầm, thoát khỏi luân hồi vui Tịnh độ.
Ngoài ra, ban đêm phải tắm rửa sạch sẽ, trai giới nghiêm túc và phát nguyện tụng niệm bài văn dưới đây:
Nguyện cha mẹ sở sinh, hoặc nay đang sống, hoặc đã mệnh chung, tùy nơi cư trú, chốn ở yên lành. Nguyện A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, chiếu khắp quang minh, nguyện hết sức nhiếp trì. Ba nghiệp tiêu trừ, năm căn thành lập. Phát Bồ đề nguyện, tu Tịnh độ nhân. Người sống được nhiều tuổi, chết được quy y Tam bảo; người mất xa rời sáu nẻo, thác sinh vào nơi Tịnh độ. Phục nguyện chúng con đồng tâm hiếu thuận mong thâm nhập pháp Phật nhiệm màu. Sau này, trong các Phật hội xin cùng ứng thân quyến thuộc.
Thông thường nghi thức hội Vu lan bồn vào ngày rằm tháng bảy, các chùa viện đều tiến hành làm lễ. Trước đó, phải chuẩn bị sẵn một số công việc, ví như quét dọn đường điện sạch sẽ, dựng Phật đàn, phổ thí đàn và cô hồn đàn. Trên Phật đàn bày biện các thứ pháp khí, trên phổ đàn bày các đồ cúng như hoa tươi, trái cây; còn cô hồn đàn thì đặt bài vị của người đã khuất. Nói một cách cụ thể, sắp sẵn năm cái bàn dài và ghế ngồi, trên bàn dài thứ nhất ở giữa cúng một bát cơm, hai bên phải trái đặt mười mâm quả phẩm, bánh cúng các loại; bàn dài thứ hai cúng Vu lan bồn, trong bồn để rau quả gồm hai mươi bốn thứ; bàn dài thứ ba cúng một bát nước trong, trong bát nước có để đóa hoa tươi, hai bên đối diện là trái cây; trên bàn dài thứ tư, giữa đặt một bình hoa tươi lớn, hai bên là trái cây; trên bàn dài thứ năm cúng Phật tượng và đặt thước Như ý (giới xích) để “đạo sư” sử dụng.
Sáng sớm, đội nghi thức bắt đầu dưới sự hướng dẫn của “đạo sư” với cái chuông lắc trên tay, đi cùng là ban nhạc tăng nhân diễn tấu bằng kèn là chính, một đội pháp sư sáu người đi theo sau, họ phân biệt tay cầm mõ, gõ khánh, đánh chiêng… đi theo hàng một.
Sau khi dừng lại, các pháp sư đứng trước Phật đàn tụng niệm Đại bi chú, Thập tiểu chú, Tâm kinh, sám chủ tụng đọc văn sớ công đức được viết trên giấy điều với giọng đau buồn ai oán, cầu xin Phật, Bồ Tát đến hạ giới tham dự chỉ bảo. Sau đó Tịnh đàn cử hành nghi thức dẫn hồn, pháp chủ tuyên đọc văn sớ được viết trên giấy vàng, đoạn dẫn hồn quỷ nhập đàn.
Đọc xong văn sớ, các vị pháp sư tụng Tâm kinh, Vãng sinh chú và Tâm chân ngôn. Cuối cùng, người đứng làm chủ hội Vu lan bồn lần này dùng bút đỏ ghi một nét trên Hội bảng chứng tỏ việc khai đàn đã hoàn tất.
Sau lễ khai đàn, là nghi thức bái sám. Thông thường, phần lớn các tự viện dựa vào nghi thức được ghi chép trong ba quyển Từ bi Thủy sám để thực hành. Thời gian bái sám khá dài, một mạch liên tục đến buổi chiều, cùng chia làm ba lần để tiến hành. Về cơ bản buổi sáng đọc quyển thượng, buổi chiều đọc quyển trung và quyển hạ, giữa đó còn xen vào nghi thức Thượng cúng và Trai tăng trước giờ ngọ, buổi chiều có lễ Phổ thí.
Gọi là Phổ thí tức là pháp hội Phổ thí vào buổi tối, thường thường kéo dài đến nửa đêm. Trong chùa viện thắp đèn kết hoa, bày biện nhiều thức cúng, trông rất náo nhiệt, nghi thức chính là cúng thí thực chúng ngạ quỷ, tức là nghi thức Phóng diệm khẩu27. Cuối cùng là đốt thuyền pháp, đốt phòng linh… biểu thị u linh hồn quỷ đã nhập vào Tịnh độ Phật quốc, hoặc mở cửa địa ngục để hồn quỷ đi ra ngoài lui tới đó đây, đem phòng ở và vật dụng hằng ngày cho vong linh sinh hoạt sử dụng nơi cõi âm. Những tự viện có điều kiện tương đối đầy đủ còn tổ chức hoạt động “thả đèn trên sông”, mục đích là phổ độ cho những vong hồn chết vì sông nước, hình thức này cũng rất đặc sắc, hấp dẫn nhiều tín chúng đưa cả nhà đến tham dự.
27. Phóng diệm khẩu 放焰口: Tức lễ cúng thí thực cho chúng ngạ quỷ ở địa ngục. Pháp hội này lấy chúng ngạ quỷ làm đối tượng; cúng lễ thí phóng diệm khẩu thì ngạ quỷ đều được siêu độ. Diệm khẩu hay còn gọi là diện nhiên (mặt bị thiêu cháy), tức chỉ ngạ quỷ ở địa ngục, thân thể khô đét gầy gò, cổ họng đau rát, miệng phun ra lửa, do lúc sống làm nhiều việc ác nên bị quả báo như vậy. Phóng diệm khẩu tức là cấp cho ngạ quỷ cơm nước, cứu giải cái khổ của đói và khát.
Thuyền pháp vốn là thí dụ thường dùng trong kinh Phật, ví như Phật pháp giống con thuyền sang sông đưa chúng sinh vượt qua biển khổ của luân hồi sinh tử để đến bờ bên kia của Niết bàn cực lạc. Trong hội Vu lan bồn, phần lớn người ta dùng giấy phất thành những chiếc thuyền lầu theo kiểu Trung Quốc hoặc giống dạng thuyền rồng, có cả cột buồm bánh lái, hình dáng giống như thật, trông tinh xảo và đẹp mắt.
Phòng linh thực ra là dùng giấy dán thành mô hình nhà ở, thường thường là hai, ba tầng, thậm chí bốn, năm tầng, hoặc biệt thự, bên cạnh có một người giấy cưỡi con ngựa giấy, thường có hình thù lớn nhỏ bằng người thật, ngựa thật. Tương truyền đó là Xá mã công, tức là vị quan cưỡi ngựa đi trước của các vong linh, lên thiên đình báo bẩm những vong linh sắp đến cầu xin tha hết tội lỗi cho họ. Để ngựa chạy nhanh hơn, thợ mã thường nhét ít sợi giấy vụn vào mõm ngựa giấy tượng trưng cho cỏ.
Ngoài ra, còn làm đèn thả sông có danh xưng là đèn hoa sen (hà hoa đăng). Thông thường làm thành hình cánh sen, trong lồng đèn có sáp cháy sáng. Mục đích của việc thả đèn trên sông là phổ độ những cô hồn dã quỷ bị chết chìm dưới nước. Trong cảnh đêm hôm mênh mang mờ mịt, vô số đĩa đèn xinh xắn trôi dập dềnh chầm chậm theo dòng nước, nhấp nháy như sao, thấp thoáng sáng tối, phản chiếu trên sông, theo đó là tiếng tụng kinh của chư tăng, hoặc gõ chiêng khánh, hoặc hỗn hợp đánh trống và ca hát, hoặc phối hợp với các loại đàn, sáo, tạo nên hình ảnh, âm thanh sinh động, khiến người ta thú vị, tín đồ nam nữ tranh nhau đi xem. Hoạt động này trở thành tập quán lưu hành trong dân gian ở mỗi địa phương của Phật giáo Hán truyền, kéo dài mãi đến nay, không có gì thay đổi.
Lại còn có một hội Vu lan bồn tương đối chính thức nữa. Theo những gì tác giả tăng nhân đời Thanh nói trong Bách Trượng Tùng lâm Thanh quy Chứng nghĩa ký - Lan bồn Nghi quỹ trích yếu, pháp hội này không giống với hội Vu lan bồn dân gian như đã nói ở trên, mục đích là kết hợp việc phụng kính hiền thánh và cứu giúp ngạ quỷ: Ban ngày hiến cúng bồn Vu lan, kính ngưỡng Tam bảo Phật, Pháp, Tăng; ban đêm bố thí thức ăn nhiều nơi và thí thực khắp chúng ngạ quỷ. Sau phần nghi thức, còn phụ thêm hai mươi mốt điều khoản với Vu lan bồn hội ước, như điều kiện nhập hội, các mục cần chú ý… Toàn bộ nghi thức cơ bản có thể chia làm ba khâu là: Đọc kinh quanh tịnh đàn, cúng thượng Vu lan bồn và tăng chúng thọ trai.
(1) Đọc kinh quanh tịnh đàn (tịnh đàn nhiễu kinh), trước hết vẩy nước thơm khu vực tịnh đàn, sau đó đi quanh tụng kinh Vu lan bồn. Đại chúng xướng từ xong, thầy tri sự tay cầm bát nước trong niệm Tịnh đàn kệ:
Nước cam lộ thơm lành từ cành dương Bồ Tát; Một giọt thôi đủ vẩy khắp mười phương; Bao xú uế tanh hôi đều tiêu hết; Gìn giữ đàn tràng luôn luôn thanh tịnh, có lời mật ngữ kính cẩn tụng trì.
Tiếp theo, đại chúng chấp sự theo thứ tự bước đi, từ phía trái của đàn lớn đi quanh đại hùng bảo điện, rồi từ phía phải của tượng Phật đi vòng xuống, trì chú một vòng sái tịnh và tụng kinh Phật thuyết Vu lan bồn. Tụng niệm ba lần khi đi quanh đàn, tụng hết kinh thì dừng lại. Sau đó quỳ xuống chắp tay trước ngực và tụng niệm lời chú:
Chúng con đồng hiếu kính, tu hành Tịnh độ nhân.
Nguyện trừ ba tội chướng, báo đáp ơn song thân.
Người sống được phúc thọ, người mất được siêu thăng.
Cùng sống nơi an lạc, độ hết người oán thân.
(2) Xướng tụng xong, đại chúng ai về chỗ cũ. Lát sau, uống trà ăn điểm tâm. Tiếp theo, thầy tri sự cử Hiến cúng tán. Đại chúng cùng xướng:
Âm Hán Việt:
Lan bồn hội khải; Phổ độ môn khai. Cung nghinh Tam bảo giáng lâm lai; Nhất nhất tọa hoa đài. Duy nguyện từ ai; thụ ngã diệu hương trai.
Nghĩa:
Hội Vu Lan thiết lễ; Cửa phổ độ mở ra. Cung nghinh Tam bảo giáng lâm; Thỉnh tọa lên đài hoa. Nguyện rủ lòng xót thương, nhận cho chúng con lễ trai hương.
Như vậy, nghi thức lễ cúng hội Vu lan bồn đã bắt đầu.
Qua tụng niệm kinh văn nhiều lần và các dạng chắp tay lễ bái Phật, Bồ Tát thể hiện lòng kính ngưỡng, rồi tụng niệm:
Lấy việc tu hành những thiện căn, cù lao báo đáp ơn cha mẹ.
Người còn phúc lạc thọ vô cương, người mất thoát khổ được siêu thăng.
Bốn sinh chín xứ đều nhận biết, ba nẻo tám nạn khổ chúng sinh.
Tất cả sám hối chuộc lỗi lầm, thảy mong cứu giúp thoát trầm luân.
(3) Chúng tăng thọ trai, sau khi cúng ở bàn thượng xong, thầy tri sự đem vật phẩm bố thí của thí chủ để vào một chỗ. Bên ngoài trai đường xếp bàn ghế, chén đũa để tiện pháp sư sử dụng khi thọ thực, đồ đã cúng ở bàn thượng thường là trái cây và rau củ, bất kể khách mời hay tăng chúng đều được phân phát bình đẳng. Chuẩn bị xong đâu đó, pháp sư đắp y cầm bát, tụng niệm: “Cha mẹ đã quá cố, bảy đời đã siêu sinh, cha mẹ hiện đang còn, mãi mãi không phiền não, được sống trong sung túc, sống chết được nhuần ân, mãi mãi xa ác đạo, cuối cùng được an vui”. Niệm xong, đại chúng bắt đầu ăn uống. Ăn xong, đại chúng đứng dậy, nhận đồ tự tứ, rồi trở về chỗ cũ.
Đến đây, nghi thức hoàn toàn kết thúc.
Tụng kinh, lễ sám, bố thí ngạ quỷ được trường thọ