Thông thường trong các tự viện, vào ngày viên mãn một pháp hội trọng đại nào đó, như pháp hội thủy lục hay siêu độ vong linh chẳng hạn, người ta thường cử hành một loại hoạt động Phật sự quan trọng nữa, đó là lễ phóng diệm khẩu. Đây cũng là một trong những hoạt động Phật sự có ảnh hưởng lớn nhất trong tín đồ Phật giáo Trung Quốc.
Diệm khẩu (miệng có lửa) hay còn gọi là “diện nhiên” (mặt bị cháy). Nguyên chỉ tên của một vị ngạ quỷ được nói trong kinh Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni. Sau, chỉ dùng hai chữ diệm khẩu để chỉ tên nghi thức Phật sự thí thực ngạ quỷ được lấy căn cứ từ kinh ấy.
Bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni kinh gọi tắt là Diệm khẩu kinh chỉ bản kinh do Thực Xoa Nan Đà28 dịch vào thời nhà Đường. Trong kinh nói, lúc đức Phật ở chùa Ni Cụ Luật Na Tăng tại thành Ca Tỳ La Vệ, thị giả A Nan một mình tu tập thiền định tại nơi khác. Vào lúc nửa đêm, ngạ quỷ Diệm Khẩu bỗng đến đứng trước mặt A Nan nói với ông rằng: “Ba ngày sau, ngươi sẽ chết và sẽ đọa lạc chịu khổ trong nẻo ngạ quỷ”.
28. Thực Xoa Nan Đà 實叉難陀, (625-710): tiếng Phạn Sishananda, Hán dịch là Học Hỷ, Hỷ Học. Ông người nước Vu Điền (nay là huyện Hòa Điền, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc), là nhà phiên dịch Tam tạng, ông tinh thông cả Đại, Tiểu thừa, và biết nhiều thứ tiếng khác. Ông đã dịch rất nhiều bộ kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Hán như các kinh thuộc Hoa Nghiêm bộ, Bảo Tích bộ, Đại thừa luật bộ, Bí Mật bộ… Tộng cộng mười chín bộ với 107 quyển.
A Nan vô cùng sợ hãi, ông liền đến trước đức Phật trước sau kể hết sự việc đã trải qua, cầu xin đức Phật cứu độ. Đức Phật từ bi, nói chú “Vô lượng Uy đức Tự tại Quang minh Thù thắng diệu lực Đà-la-ni”. Ngài còn nói rõ tụng niệm chú này tức có thể tránh khỏi cái khổ của ngạ quỷ, phúc thọ tăng thêm. Đồng thời chỉ ra rằng khi tu tập pháp này, cần có những đồ vật và theo đúng trình tự, đúng cách thức:
Bất cứ lúc nào mọi đồ dùng phải được giữ sạch sẽ, đựng đầy nước trong, bên cạnh để các thứ thức ăn như một ít cơm, bột gạo hoặc bột mì sao chín, và một vài cái bánh, tay mặt nắm đồ vật, tụng niệm bảy lần Đà-la-ni, sau đó niệm danh hiệu Đa bảo Như Lai, Diệu sắc thân Như Lai, Quảng bác thân Như Lai và Ly Bố úy Như Lai, rồi đem thức ăn rải trên mặt đất sạch làm thức bố thí. Nếu là bố thí cho tiên Bà la môn thì tụng niệm bốn mươi lần Đà-la-ni, và đem thức ăn ném xuống dòng nước sạch; nếu là cúng dường Tam bảo Phật, Pháp, Tăng thì tụng niệm hai mươi mốt lần, càng trở thành Vô thượng diệu vị.
Ngoài ra, Cam lộ Đà-la-ni chú cũng có cả các chú Biến thực Chân ngôn, Cam lộ Chân ngôn, phương pháp của chú này là lấy một vốc nước hộ niệm (gia trì) tụng chú mười lần, sau đó vảy nước lên không trung tức sẽ thành cam lộ. Về sau, đại sư Mật giáo là Tam tạng Bất Không lại dịch ra là Cứu bạt Diệm khẩu Đà-la-ni kinh, thực ra kinh này là bản dịch khác của kinh Cứu bạt Diệm khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni kinh mà Thực Xoa Nan Đà đã dịch.
Không chỉ thế, Bất Không còn dịch các kinh khác như Du Già Tập yếu cứu A Nan Đà-la-ni Diệm khẩu nghi quỹ kinh, Du Già Tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo A Nan Đà duyên do, Thí chư ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp. Trong đó Du Già Tập yếu cứu A Nan Đà-la-ni Diệm khẩu nghi quỹ kinh có đưa ra cách thực hành pháp thí thực theo các bước sau:
(1) Phá địa ngục Chân ngôn;
(2) Triệu ngạ quỷ Chân ngôn;
(3) Triệu tội Chân ngôn;
(4) Phá tội Chân ngôn;
(5) Định nghiệp Chân ngôn;
(6) Sám hối Chân ngôn;
(7) Bố thị cam lộ Chân ngôn;
(8) Khai yết hầu Chân ngôn;
(9) Thất Như Lai danh hiệu;
(10) Phát Bồ đề tâm Chân ngôn;
(11) Tam muội da giới Chân ngôn;
(12) Thí thực Chân ngôn;
(13) Nhũ hải Chân ngôn;
(14) Phổ cúng dường Chân ngôn;
(15) Phụng tống Chân ngôn.
Từ đó trở về sau, hành pháp trở thành việc phải làm hàng ngày của người tu trì Mật giáo. Tăng nhân Nhật Bản đến cầu pháp thời nhà Đường đều mang nghi thức thí thực ngạ quỷ theo cách này về nước, và lưu truyền ở Nhật Bản. Trái lại, tại Trung Quốc do Mật giáo mất ảnh hưởng nên đã bị thất truyền từ lâu.
Cứ như thế mãi đến triều nhà Tống, mọi người đối với pháp thí thực ngạ quỷ vẫn còn tương đối xa lạ, trong và ngoài giới Phật giáo đều hô hào yêu cầu khôi phục pháp này. Mặc dù đương thời có các bài văn như Thí thực Chính danh, Thí thực pháp, và Thí thực Quán tưởng được tập hợp trong sách Kim viên tập do cao tăng Từ Vân Tuân Thức biên soạn, nhưng theo ông thì phép cúng thí thực hoàn toàn không phải nghi thức của Mật giáo mà là áp dụng những lời chú trong kinh Du Già Tập yếu giáo An Nan Đà-la-ni Diệm khẩu nghi quỹ và phối hợp với phương pháp quán tưởng của tông Thiên thai mà thành. Ví như ba điều Hộc thực, Minh đạo và Thủy lục đều có ghi chép trong Thí thực Chính danh thì Hộc thực tức là chỉ lễ thí thực Diệm khẩu; Minh đạo tức là chỉ pháp hội vô già đại trai, hai pháp này đều thuộc hành pháp của Mật giáo; còn Thủy lục, tuy bắt nguồn từ nhà Lương thời Nam Bắc triều, nhưng thịnh hành vào thời Tống. Có điều cần nói rõ ở đây là, ba pháp Hộc thực, Minh đạo và Thủy lục bấy giờ đã được thực hành hòa lẫn vào nhau, không thực hiện một cách đơn độc. Ví dụ, Nhân Nhạc cao đồ của đại sư Tri Lễ soạn cuốn Thí thực tu tri thì đem phần Bố thí khoáng dã Quỷ thần thực được nói trong phẩm Phạm hạnh kinh Niết bàn và phần Độ hà Lợi đế Mẫu duyên của đại sư Nghĩa Tịnh ghi trong Nam Hải ký quy Nôi pháp truyện cùng với Giáo bạt Diệm khẩu trong nghi thức Mật giáo kết hợp làm một. Cũng không phải thi thoảng mới có mà sau này, Tông Hiểu soạn Thí thực Thông lãm cũng tập hợp những gì các nhà đi trước đã nói mà thành sách, chứ hoàn toàn chưa gia công chỉnh lý rõ ràng, đầy đủ, nên khá lộn xộn, không có chương, tiết mạch lạc. Từ đó, chúng ta có thể thấy, các học giả đời Tống tuy có ý khôi phục nghi thức Mật giáo, nhưng chưa thể đạt được ý nguyện.
Đến đời Nguyên, do Phật giáo Tạng truyền du nhập vào xứ Hán, Mật giáo được tầng lớp thống trị ủng hộ nên ngày càng hưng vượng. Sách Du Già Diệm khẩu thí thực nghi có nội dung nghi thức thuần túy Mật giáo cũng đã xuất hiện. Bộ nghi thức này có thứ tự hành pháp cơ bản tương tự sách Du Già Tập yếu cứu An Nan Đà-la-ni Diệm khẩu nghi quỹ kinh.
Đồng thời phía trước có thêm một số nội dung như Tam quy y, Đại luân Minh vương chú, Chuyển pháp luân Bồ Tát chú, Tam thập ngũ Phật danh hiệu, Phổ Hiền hạnh nguyện kệ, Vận tâm cúng dường, Tam bảo thí thực, Nhập Quan Âm định, sau cùng mới là Phá địa ngục Chân ngôn. Ngoài ra còn thêm các bài chú để bổ sung nội dung, như Tôn thắng Chân ngôn, Lục thú kệ, Phát nguyện Hồi hướng kệ, Cát tường kệ, Kim Cương Tát đỏa Bách tự chú. Còn có Thập loại cô hồn văn, Tam quy y tán. Trong đó bài văn chiêu thỉnh Thập loại cô hồn văn là nổi tiếng nhất, và cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong giới văn nhân Trung Quốc. Lời lẽ hay đẹp, thống thiết khiến người ta phải rơi lệ. Chiêu thỉnh các loại cô hồn dã quỷ: Vua chúa công hầu, quan văn quan võ, giai nhân kỹ nữ, thương gia phú hộ, và những người chết bất đắc kỳ tử, đầy đủ tất cả. Kèm theo đó là giọng xướng tụng buồn thương ảo não của tăng nhân gây xúc động lòng người.
Dưới đây xin chép mấy đoạn để mọi người tham khảo:
Một lòng triệu thỉnh: Ác vàng29 tiễn vút; Thỏ ngọc30 thoi đưa; Nhớ cốt nhục đã phân lìa; Ngắm bóng hình31 nay đâu tá. Lần đầu đốt nén danh hương, lần đầu giãi lời triệu thỉnh. Chỉ nguyện [cô hồn] nhờ sức Tam Bảo, nương lời bí mật, giờ này đêm nay đến với pháp hội, thụ nhận pháp thực cam lồ vô già32 này.
Một lòng triệu thỉnh: Xa trông non sắc biếc; Gần nghe nước không lời; Xuân qua hoa còn thắm; Người về chim chẳng kinh33. Lần hai đốt nén danh hương, lần hai giãi lời triệu thỉnh.
29. Dịch từ chữ kim ô 金乌, vốn chỉ chim ba chân sống ở mặt trời theo thần thoại Trung Hoa [Sơn Hải kinh - 山海经] do vậy, từ này dùng thay cho từ chỉ Mặt Trời. Tục gọi chim quạ là “ác”; kim là vàng, là kim loại hoặc màu vàng, nên dịch kim ô thành ác vàng.
30. Dịch từ chữ ngọc thố 玉兔, theo thần thoại thời Tiên Tần, thỏ ngọc là con thần thú ở cung trăng, do vậy người sau thường dùng để chỉ Mặt Trăng.
31. Dịch từ chữ âm dung 音容, chỉ tiếng nói và dung mạo người đã khuất.
32. Vô già tức không ngăn che, không bị cản trở. Tên đầy đủ là Pháp hội vô già, đại hội vô già, vô ngại đại hội, đại trai hội, ý nói trong pháp hội này, bất luận phàm thánh, tăng tục, sang hèn, ngu trí hay bất kỳ loại chúng sinh nào cũng đều được nghe chính pháp, được nhận thức ăn với tinh thần bình đẳng, không phân biệt.
33. Bốn câu này lấy từ bài thơ có tự đề là Họa - tức tranh vẽ - của Vương Duy. Cả bốn câu nghe có vẻ như không đúng với quy luật tự nhiên, nhưng do đây là bài miêu tả cảnh trong bức họa nên dù xuân đã qua mà hoa vẫn còn rộ, người đến gần song chim chẳng sợ hãi; thấy núi từ xa, tổng thể thì có màu xanh; thấy suối nhưng đến gần không nghe tiếng róc rách. Tác giả của khoa nghi này mượn bài thơ trên để tả cảnh giới như như bất động của pháp hội.
Một lòng triệu thỉnh: Phù sinh như mộng; Thân huyễn không bền. Nếu chẳng nương lòng từ của Phật; Bao giờ thấy nẻo siêu thăng! Lần ba đốt nén danh hương, lần ba giãi lời triệu thỉnh.
Một lòng triệu thỉnh: Đế chúa các triều; Vương hầu nhiều cõi. Ngự trên cung điện chín tầng34; Độc chiếm non sông vạn dặm. [thưa bạch] Chiến hạm Tây về35, nghìn năm vương khí thoắt tan; Xe Loan lùi Bắc36; Tiếng oán năm nước chẳng dứt. Than ôi! Đỗ quyên khóc khản mùa đào rụng; Máu nhuộm đầu cành hận còn dài37. Như vậy trước vương sau bá, âu cũng là một loại cô hồn mà thôi. Chỉn nguyện nương sức Tam Bảo; Cậy lời bí mật nhiệm mầu. Tối nay, giờ này đến trong pháp hội, thụ nhận cam lồ pháp thực vô già...
34. Cửu trùng tức chồng nhau lên chín lần, chỉ trời cao khôn tột, cũng gọi là cửu thiên - 九天, cửu tiêu - 九霄, người ta thường dùng từ này để chỉ nơi ở của nhà vua.
35. Dẫn từ tích danh tướng thời Tây Tấn 西晋 là Vương Tuấn 王濬 và Vương Hồn 王 浑 đánh Đông Ngô 东吴. Vương Tuấn tên chữ Sĩ Trị 士治, nhũ danh A Đồng 阿童,người huyện Hồ, quận Hoằng Nông, nay thuộc vùng tây nam, Linh Bảo, Hà Nam, Trung Quốc, nhân ông lập nhiều công tích ở Ích Châu nên được phong làm Hữu Vệ Tướng Quân 右卫将军, Đại Ti Nông大司农. Danh tướng biên ải của quân Tấn là Dương Hỗ 羊祜 dâng biểu xin cho Vương Tuấn ở lại Ích Châu làm nhiệm vụ, ở đây ông được phong là Long Tương Tướng Quân 龙骧将军, chuyên tạo chiến thuyền, huấn luyện thủy quân ở vùng Ba Thục 巴 蜀 . Tháng 11 năm thứ năm niên hiệu Hàm Ninh 咸 宁 (279年 ), Tấn Võ Đế phát binh tiến công nước Ngô, Vương Tuấn suất quân men theo đường sông đi từ Thành Đô về Tây Lăng Giáp 西陵峡. Phía Đông Ngô cử Trương Tượng 张象 nghênh chiến, song do thấy thanh thế của Tuấn lấn át nên xin hàng. Đúng lúc đó, quân chủ lực của Đông Ngô bị đại bại dưới sự xuất kích đánh úp của Vương Hồn, khi quân Hồn đến Tam Sơn, Tuấn gửi thư mời họp bàn kế thì bị Hồn từ chối khéo. Sau đó, Hồn thừa thế xông lên tiến thẳng đến Thạch Đầu Thành 石 头 城 , ở đây Ngô chủ là Tôn Hạo 孙 皓 cởi trần, trói tay đến đầu hàng ở trại của Hồn, thanh danh của Hồn từ đó vang khắp. Vương Tuấn thấy đại công của mình sắp thành lại bị Hồn phỗng mất bèn dâng biểu trách tội Hồn “không nghe mệnh lệnh”. Sau, người đời gọi sự kiện tranh công này là “nhị vương tranh công”. Trong bài nhắc đến “tây lai chiến hạm” tức chỉ thuyền chiến của Vương Tuấn từ phía Tây tràn xuống phía Nam theo đường sông, đánh úp và giành đại thắng; “Vương Khí” [chỉ khí tượng làm vương bá] của Đông Ngô chốt lát tiêu tan, do vậy gọi là “vương khí nga thâu”.
36. Tức sự kiện vua Tống Huy Tông bị quân nhà Kim bắt sống vào năm 1127, mấy năm sau (1135), ông chết ở Ngũ Thành Quốc 五城國, nguyên thành này gọi là Ngũ Quốc Bộ nên cũng gọi là Ngũ Quốc Thành. Bắc khứ loan dư: Loan dư là xe của vua đi; bắc khứ tức đi về phía Bắc, cũng có thuyết cho rằng, thua trận gọi là bại bắc, nên bắc khứ tức là thua trận, trong trường hợp này cả hai nghĩa đều đúng.
37. Dẫn từ tích Thục Vọng Đế 蜀望帝 tham sắc, bị bề tôi lừa về nhà riêng rồi giam cầm đến lúc chết. Vua nhớ nước muốn về nên khi chết hóa thành con chim đỗ quyên bay từ miệng thi thể nhà vua ra đậu trên cành hoa đào kêu “quốc quốc” cho đến khi máu nhỏ xuống cành đào.
Một lòng triệu thỉnh: Dựng đàn Bái tướng38; nuôi tiết Phong hầu39. Sức nâng đỉnh sắt nghìn cân40; Thân làm thành dài muôn dặm41. [Thưa bạch] Trướng Báo lạnh sương42; luống hoài sức hãn mã lập công. Gió ngừng khói hiệu43; phụ sự đoái trông bậc vương đế. Than ôi! Chiến mã tướng quân nay đâu tá; Cỏ dại hoa lay khắp chốn sầu. Như vậy anh hùng tướng soái, âu cũng là một loại cô hồn mà thôi...
38. Khi chưa gặp thời, danh tướng Hàn Tín dưới trướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang, lúc đầu Lưu Bang xem thường nên chỉ giao chức nhỏ việc thường, Hàn Tín thấy vậy cho rằng thời cơ chưa chín nên bỏ đi. Tiêu Hà đang được Lưu Bang trọng dụng nhưng ông lại bỏ đi tìm Hàn Tín, Lưu Bang hỏi nguyên do tướng lĩnh nhiều vậy sao khanh chỉ theo tìm Hàn Tín? Tiêu Hà thưa: các tướng khác dễ có được chứ Hàn Tín thì cả nước chẳng ai sánh kịp. Nghe vậy, Lưu Bang đã dựng cái đàn để vái cầu hiền lương tướng giỏi. Sau, khi giao tranh với nước Sở, Hàn Tín lập nhiều chiến công hiển hách, được phong là Hoài Âm Hầu.
39. Tích nói về Ban Siêu: Ban Siêu có chí lớn song nhà nghèo nên chỉ đi chép sách thuê cho người, lao khổ mệt nhọc lâu ngày, ông bèn ném bút than rằng: Đại trượng phu phải có chí lớn, học theo Phó Giới Tử 傅介子, Trương Khiên 張騫 lập công ở vùng đất ngoài biên ải những mong được phong hầu vùng đất nghìn dặm chứ sao cứ phục dịch mãi cho việc bút nghiên. Sau, ông bình định Tây Vực, được phong làm Định Viễn Hầu 定遠侯.
40. Kim đỉnh: đỉnh vàng, do vua Đại Vũ chú tạo. Khi Ngũ Viên 伍員 hiệu Tử Tư 子胥 về với nước Ngô, ông ba lần nâng đỉnh vàng nghìn cân này mà mặt không biến sắc, sau ông quả nhiên đánh thắng nước Sở.
41. Đàn Đạo Tế thời Tống tự kiêu vì bản thân văn võ toàn tài, nước nhà trông cậy. Văn Đế bệnh nặng, Nghĩa Khang giả chiếu vua để giết ông. Lúc tiếp chiếu, Đạo Tế nổi giận, mắt sáng như ánh chớp, lột mũ ném xuống đất nói lớn: việc làm hôm này, chính là vua đã phá hỏng cái thành dài muôn dặm rồi đấy.
42. Võ tướng dựng trại ngoài biên ải, thường treo cái trướng có hình vẽ con báo để tỏ uy nghiêm dũng mãnh.
43. Binh chế thời cổ cứ mười dặm dựng một doanh trại, mỗi doanh trại đều gom một đống phân của loài sói hoang để đốt lên làm hiệu nhằm thông báo cho nhau cần tập trung lại một điểm định sẵn để phòng địch. Do phân loài sói hoang khi đốt lên khói bay thẳng mà khó tản mát vì gió nên từ xa có thể trông thấy được, thế nên gọi khói hiệu này là lang yên tức khói (bốc lên từ phân) của loài sói hoang.
Một lòng triệu thỉnh: Anh tài tuấn kiệt Ngũ Lăng44; Hiền năng lương tướng Bách Quận. Ba năm giữ tiết làm quan; Một tấm lòng thành báo chủ. [Thưa] Châu Nam huyện Bắc; mãi xa quê hương cắt rốn chôn nhau45; Góc bể chân trời; táng mạng nơi Bồng Lai hải đảo46. Than ôi! Đường quan chức tiêu điều theo dòng nước; Hồn lìa mù mịt cửa âm dương. Như vậy quan văn tể tướng, âu cũng thành ra một loại cô hồn thôi vậy...
Một lòng triệu thỉnh: Tài tử học trường; Thư sinh nhà lá47. Thám Hoa du ngoạn rừng văn48; Sĩ tử thân ở vùng khảo thí49. [Thưa] Đèn đóm lụi tàn, ba năm phí uổng công phu50;
44. Ngũ Lăng, chỉ lăng tẩm Hán Lăng ở Thiểm Tây, cũng chỉ Kim Lăng, Ba Lăng, Quảng Lăng, Mậu Lăng và Vũ Lăng.
45. Dịch thoát từ chữ tang tử 桑梓 桑: Vốn chỉ hai loại cây gồm tang - cây dâu và tử - cây tử. Theo Tiểu Biện - Tiểu Nhã - Kinh Thi: Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ 维桑与梓,必恭 敬止: Cây Tang và cây Tử, ắt phải cung kính. Sau, Chu Hy chú rằng: Hai cây Tang và Tử, xưa, nhà rộng năm mẫu, thì trồng nó dưới tường để lại cho con cháu: (cây dâu) thì cho tằm ăn, (cây tử) thì để làm dụng cụ dùng. Nay, tang tử là từ dùng để chỉ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn.
46. Núi Bồng Lai ở Đông Hải, sách Lục Thiếp nói: Đấy là nơi ở của thần tiên, có đủ cung bằng bạc, cửa khuyết bằng vàng, phủ tô màu đỏ tía, bặt tích của người và chim muông.
47. Tài tử học trường: dịch từ câu hoàng môn tài tử - 黌門才子, trong đó, hoàng môn chỉ cổng của trường học, sau chỉ trường học là hoàng môn; tài tử, nghĩa cổ của từ này chỉ người có tài hoa và đức hạnh xuất chúng. Bạch ốc tức nhà lợp bằng cỏ bằng lá, chỉ nhà ở của người nghèo.
48. Dịch từ câu Thám Hoa túc bộ văn lâm - 探花足步文林: Thời Đường, sĩ tử thi tiến sĩ cập đệ [đỗ tiến sĩ] sẽ mở yến tiệc đầu tiên ở Hạnh Viên 杏园 [Tên khu vườn làm nơi vua ban mở yến tiệc cho người mới đỗ tiến sĩ, nay là khu vực phía Nam của Đại Nhạn Tháp 大雁塔 ở ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc], gọi người mới đỗ tiến sĩ trong thời gian này là Thám Hoa, trong lúc yến tiệc, họ sẽ sai hai đồng nam làm sứ giả thám hoa (tìm kiếm hoa), đồng nam sẽ đi khắp khu vườn để tìm những loài hoa lạ, nổi tiếng, nếu có người nào tìm ra hoa trước thì sứ giả tìm hoa kia sẽ bị phạt. Yến tiệc này còn có các tên khác như Thám hoa diên 探花筵, Thám hoa yến 探花宴.
49. Xạ tức là ném, sách tức “đối sách”. Khi đi thi, quan chủ khảo giả thiết đưa ra vấn nạn, thí sinh ghi lời giải đáp vào cuối bài rồi đặt lên bàn, không để cho người khác trông thấy. Quan chủ khảo theo đó chấm bài, đáp án tốt là Giáp, xuống cấp nữa là Ất. Cức viện tức viện được rào bằng cây gai nhằm ngăn ngừa việc “quay cóp” giữa các thí sinh, do mỗi thí sinh được làm bài trong một phòng riêng biệt, từ đó “cức viện” được hiểu là “phòng thi”.
50. Xa Dận 車胤 [tcn: 333-401], một thư sinh nhà nghèo, không đủ tiền mua dầu đèn để đọc sách nên phải gom đom đóm vào cái túi nhỏ cho sáng để học. Đèn đóm tức đèn bằng đom đóm.
Nghiên sắt mài mòn51; mười thu dãi dầu cay đắng. Than ôi! Bảy thước lụa hồng ghi tên tuổi52; Một nắm đất vàng lấp văn chương. Như vậy văn nhân sĩ tử âu chỉ là một loại cô hồn thôi vậy...
Một lòng triệu thỉnh: Thượng sĩ xuất trần, cao tăng phi tích53; Tại gia gìn giữ năm điều54; Chúng tỉ khâu ni phạm hạnh. [Thưa] Hoa vàng trúc biếc55, bàn suông lẽ bí mật nhiệm mầu; Trâu trắng dân đen56, luống diễn kệ Khổ - Không vi diệu. Than ôi!
51. Dịch từ câu Thiết nghiễn ma xuyên - 鐵硯磨穿 - tức mài mòn xuyên thủng cả chiếc nghiên bằng sắt. Tích rằng, Tang Duy Hàn 桑維翰 thời Ngũ Đại 五代, lúc đầu, quan chủ khảo không thích chữ tang trong nghĩa tang là cây dâu và tang trong tang ma nên không tiến cử Hàn, ông làm bài phú Phù Tang (phù tang phú - 扶桑賦) để khuyên học trò đổi nghề. Hàn về đúc cái nghiên bằng sắt, ở Thanh Châu 清 洲 dùng sắt làm nghiên nên nghiên rất đen, ông cho đúc chiếc nghiên này để tỏ ý với mọi người rằng, chừng nào mài thủng chiếc nghiên này mới đổi nghề, sau ông thi đỗ như mong muốn, từ đó dùng tích này để tỏ quyết tâm và sự bền bỉ.
52. Bảy thước lụa hồng: dịch từ câu thất xích hồng la - 七尺紅羅: chỉ cái phướn [hình thức như bài vị hiện nay], do người chết rồi không thể phân biệt là hạng người nào trong xã hội, do vậy ghi tên tuổi, chức danh, nghề nghiệp lên tấm vải phướn này để mọi người biết rõ hơn về người đã khuất. Dĩnh Đạt 穎達 sớ rằng: kẻ sĩ dùng tấm lụa dài ba thước, quan đại phu năm thước, chư hầu bảy thước, thiên tử chín thước. Nếu yêu mến người đã khuất thì ghi tên họ lên đó, nếu kính người đã khuất thì ghi hết công trạng người đó.
53. Dịch từ nguyên văn Xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng - 出塵上士。飛錫高僧: Căn cứ vào nghĩa mặt chữ của câu, đoán rằng tác giả bài văn này chỉ mượn ý để tả tăng nhân chứ không thực sự đúng như nghĩa theo chữ. Vì xuất trần tức ra khỏi trần gian, siêu xuất tam giới; phi tích cao tăng vốn chỉ các tăng nhân dùng tích trượng (gậy) bay trong không trung mỗi lần di chuyển, sau, chỉ tăng sĩ vân du đây đó là “phi tích”. Theo nghĩa gốc của hai từ này đều chỉ cao tăng đắc đạo, siêu việt tam giới chứ không thể trở thành “một loại cô hồn” được.
54. Ngũ giới tịnh nhân: ngũ giới tức chỉ năm giới cấm căn bản: không giết chóc, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Tịnh nhân, chỉ tín đồ tại gia Phật giáo đến các cơ sở hoạt động của Phật giáo như chùa, tịnh thất, tịnh xá... để thay tăng chúng làm việc, giúp đỡ tăng chúng quản lý cơ sở vật chất...
55. Nguyên văn là Hoàng hoa thúy trúc - 黃花翠竹, cụm từ được cao tăng Trúc Đạo Sinh 竺道生 thời Đông Tấn 东晋 dùng, vốn muốn nói rằng ngoài chúng sinh hữu tình có Phật tính thì ngay cả chúng sinh vô tình như hoa vàng trúc biếc cũng có Phật tính, sau được Thiền Lâm dùng như một quán ngữ để chỉ sự linh động vi diệu của Phật tính trong mọi sự vật, hiện tượng.
56. Dịch từ câu bạch hỗ lê nô - 白牯黧奴: bạch hỗ, chỉ con trâu; lê nô chỉ loài chồn, cáo màu đen. Văn học Thiền Tông thường dùng cụm từ này để chỉ những đối tượng căn cơ thấp kém, nghe pháp không tỏ ngộ.
Trăng canh ba lạnh soi qua song cửa; Đèn nửa đêm leo lét rọi chốn thiền phòng. Như vậy ca sa57 Thích tử, âu cũng thành ra một loại giác linh58 mà thôi.
Một lòng triệu thỉnh: Mũ vàng, ẩn sỹ59; áo vũ60 tiên nhân. Tu chân trong động Đào nguyên61; Dưỡng tính trước vùng Lãng uyển62. [Thưa] Chín vòng tu luyện Tam hoa63, Thiên đình64 chắc đâu nêu cao tên tuổi; Vô thường của thân tứ đại, Địa phủ khó cho chuyển di định mệnh. Than ôi! Đạo quán65 sương hàn, lò luyện đan lạnh buốt; Tiếu đàn66 gió thảm, hoa ngân hạnh lưa thưa. Như vậy đạo sĩ cửa Huyền, âu cũng thành ra một loại hà linh mà thôi....
57. Ca sa: dịch ý từ chữ truy y 緇衣, truy là màu đen, truy y tức áo đen, chỉ áo tăng nhân thường mặc để lao động phục dịch trong tự viện cho đỡ thấy màu bẩn, từ đó dùng để chỉ giới tu sĩ, cũng chỉ cho áo quần tu sĩ mặc.
58. Thần thức của người thế tục gọi thường gọi là hương linh, nếu không nơi nương tựa gọi là vong linh, của người xuất gia là giác linh, của người u mê là mê linh, của đạo sĩ là hà linh.
59. Nguyên văn Hoàng quan dã khách 黃冠野客: hoàng quan tức mũ vàng, do Đạo sĩ thường đội mũ màu vàng nên dùng mũ vàng để chỉ chung cho đạo sĩ. Tích truyền, vào thời Đường, cha của Lý Thuần Phong 李湻風 là Bá Sĩ Tùy 播仕隋 bỏ quan làm Đức sĩ 德士 [tức tăng sĩ] lấy hiệu là Hoàng Quan Tử 黃冠子 [tức kẻ mũ vàng], từ đó, đạo sĩ thường đội mũ vàng. Dã khách, tức người sống nơi hoang dã, chỉ những vị ẩn sĩ.
60. Vũ phục tức áo của tiên nhân, đạo sĩ mặc. Tương truyền vào thời Đường Thái Tông 唐太 宗có vị tiên tên Đào Tử Hà 譚紫霄, được nhà vua sủng ái, cho phép tự do ra vào cung cấm, người đời gọi là Kim Môn Vũ Khách 金門羽客 hoặc Vũ Nhân 羽人. Có thuyết nói rằng Châu Chiêu Vương 周昭王 nằm mơ thấy vị tiên trong mây, mình mặc áo lông vũ, vua học theo tiên thuật, thụ nhận giáo pháp tuyệt dục, nhân đó người đời gọi ông là Vũ Sĩ 羽士 tức người mặc áo lông vũ.
61. Động Đào Nguyên dịch từ Đào nguyên động 桃源洞: Trung Quốc có nhiều động cùng tên là Động Đào Nguyên, do từ Đào Nguyên - nguồn đào - được lấy từ điển tích trong bài Đào Hoa Nguyên Kí của Đào Tiềm, chỉ nơi ở lý tưởng ngoài trần gian. Các vị đạo sĩ luyện đan tu tiên thường chọn chốn hoang vu vắng vẻ nên văn nói “tu chân trong động Đào Nguyên”.
62. Chỉ nơi ở của thần tiên trong thần thoại Trung Hoa.
63. Dịch từ nguyên văn Tam hoa cửu luyện 三花九煉, trong đó tam hoa tức ba thứ tinh hoa của con người gồm tinh - khí - thần. Cửu luyện, chỉ phép tu luyện thất hoàn cửu chuyển 七還九 轉. Đạo sĩ của Đạo gia dùng đỉnh vàng nấu thức ăn, nhả bỏ cái cũ tiếp nạp cái mới để làm nội đan. Luyện đốt kim thạch năm phương khiến nó mềm đi để làm ngoại đan, gộp chín mươi ngày đêm, từ giờ dần đến giờ thân gọi là thất hoàn.
64. Dịch từ chữ Thiên tào 天曹, Đạo gia gọi quan thự trên trời là thiên tào.
65. Dịch ý từ chữ lâm quán 琳觀, đồng nghĩa với từ Đạo viện, Đạo quán.
66. Tiếu đàn 醮壇, chỉ đàn tràng tế thần của đạo sĩ.
Một lòng triệu thỉnh: Giang hồ lữ khách; Nam bắc kinh doanh. Ruổi rong vạn dặm kiếm tiền; Chứa hàng nghìn vàng buôn bán. [Thưa] Gió sương bất trắc, thân thành món ngon bụng cá67; Đường sá khó phòng, mạng chôn đường vòng hiểm trở68. Than ôi! Thể phách nặng nề theo mây đen cuộn về phương Bắc; Hồn vía dật dờ chảy theo dòng nước bạc về phía Đông. Như vậy kẻ lữ khách tha hương, âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi...
Một lòng triệu thỉnh: Chinh y chiến sĩ; Xông trận cường binh. Tranh hùng dưới bóng cờ hồng69; Đoạt mệnh trong rừng gươm trắng. [Thưa] Trống trận70 đánh dồn, tiếp theo bụng thủng ruột rơi; Thắng bại vừa xong, khắp đất chân tay đầu rụng. Than ôi! Mù mịt sa trường nghe quỷ khóc; Mênh mang xương trắng chẳng người gom. Như vậy binh tốt trận vong, âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi...
Một lòng triệu thỉnh: Mang thai mười tháng71; Ngồi cỏ72 ba hôm. Đầu mừng loan phượng giao hòa73; Sau ngóng giấc mơ sinh trai gái74. [Thưa] Cung phụng muốn nói, cát hung chỉ ở thoáng chốc75; Ngọc ngói chưa chia76, mẹ con đã về đêm tối. Than ôi! Hoa vừa hé nụ gió mưa tạt; Trăng đang tỏa rạng bị mây che. Như vậy sản nạn huyết hồ, âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi...
Một lòng triệu thỉnh: Mọi rợ man di77, ngọng câm mù điếc. Kẻ nô bộc cần lao mất mạng; Người tì thiếp đố vong thân. [Thưa] Khinh khi Tam bảo, oan khiên chất tựa cát bồi78; Ngỗ nghịch song thân, hung ác lớn hơn vũ trụ. Than ôi! Đêm dài tối tăm bao giờ sáng; Ngục thất bít kín không biết đến mùa xuân. Như vậy ngu si bội nghịch, âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi....
Một lòng triệu thỉnh: Mỹ nữ cấm cung; Giai nhân khuê các. Phấn son kẻ mắt đua xinh; Hương xạ79 xông người ganh đẹp.
67. Thân thành món ngon bụng cá: dịch từ câu thân cao ngư phúc chi trung 身膏魚腹之中, trong đó từ thân cao lại được rút ngắn từ thành ngữ thân cao đỉnh hoạch 身膏鼎镬, chỉ một hình phạt tàn khốc thời xưa: dùng đỉnh vạc để nấu cao tội nhân, ở đây mượn hình phạt này để cực tả việc người buôn bán kinh doanh phải ra biển, không may bị gió mưa, thân phải thành món “cao” trong bụng cá.
68. Dịch thoát từ nguyên văn dương trường chi hiểm 羊腸之險. Ở trên miêu tả việc buôn bán cực nhọc theo đường biển, ở đây nói nỗi cực nhọc theo đường núi, trong đó, dương trường tức ruột dê, chỉ con đường gập ghềnh khúc khuỷu quanh co như ruột con dê của đường núi Thái Hành. Sau mượn hình ảnh này để cực tả sự nguy hiểm của đường bộ.
69. Cờ hồng: dịch từ chữ hồng kì 紅旗, ngày xưa dùng vải đỏ làm lá cờ để làm hiệu hoặc để trang hoàng trong các nghi thức trong quân đội.
70. Trống trận: dịch từ chữ cổ kim 鼓金, có hai nghĩa: 1. chỉ việc luyện kim. 2. chỉ trống và chiêng để đánh thúc quân trong các trận đánh ngày xưa, ở đây mang nét nghĩa thứ hai.
71. Có bản ghi là hoài thai, ở bản này ghi là hoài đam 懷耽, nghĩa như chữ hoài thai, tức mang thai. Thời gian mang thai của con người là chín tháng mười ngày, nên thường gọi tròn là mười tháng mang thai.
72. Tọa thảo 坐草 tức ngồi trên cỏ, chỉ phụ nữ đến kỳ sinh nở.
73. Dịch từ chữ Loan phụng hòa minh 鸞鳳和鳴. Loan tức chim loan, tượng trưng cho con trai, phụng tức chim phụng, tượng trưng cho con gái, nghĩa cả cụm là chim loan chim phượng hót hòa nhau, ý chỉ vợ chồng hòa thuận, cũng chỉ những đôi vợ chồng mới cưới.
74. Dịch từ câu thành ngữ Hùng bi hiệp mộng 熊羆叶夢. Thành ngữ này dẫn từ bài Tư Can - Tiểu Nhã - Kinh Thi. Hùng và bi là tên hai loài động vật, trong đó hùng là gấu, bi có ngoại hình như loài gấu, vốn là hai loài mãnh thú, dùng để chỉ con trai. Hiệp mộng tức những điều đã thấy trong giấc mơ, do thầy đoán mộng ngày xưa coi mơ thấy hai loài này là điềm sinh con trai, do vậy người sau thường dùng thành ngữ này để chúc nhau sớm sinh hạ quý tử.
75. Dịch từ câu phụng cung dục xướng - 奉恭欲唱 - phụng cung, chỉ việc khẩn cần bà mụ cho trẻ khỏe mạnh; dục xướng, tức muốn cho trẻ sinh ra khóc to lên, do quan niệm rằng khi mới sinh, nếu trẻ khóc là điềm lành, không khóc là điềm dữ.
76. Ngọc ngói chưa chia: dịch từ câu chương ngõa vị phân 璋瓦未分, trong đó, chương 璋, lấy từ thành ngữ 弄璋之喜. Theo bài Tư Cán - Tiểu Nhã - Kinh Thi, ngày xưa, khi sinh con trai, người ta trao cho cậu bé mới sinh miếng ngọc chương với mong muốn con mình sau này sẽ có đức hạnh như ngọc sáng; ngõa 瓦, lấy từ thành ngữ Lộng ngõa chi hỉ 弄瓦之喜, xuất xứ như thành ngữ trên, ngày xưa khi sinh con gái, bố mẹ trao cho cô bé một linh kiện của công cụ dệt vài bằng đất nung - ngõa - với mong muốn sau này con mình sẽ giỏi việc dệt vải, thêu thùa. Từ đó, chương ngõa hay ngõa chương đều cùng chỉ việc sinh con trai hoặc con gái.
77. Dịch từ chữ Nhung di man địch 戎夷蠻狄, người Trung Hoa gọi dân chúng của bốn vùng dân tộc ít người, văn minh văn hóa chưa phát triển, phía Nam gọi là Man, Tây là Nhung, Bắc là Địch, Đông là Di.
78. Dịch thoát từ chữ hà sa 河沙, nghĩa trong câu chỉ tội nghiệp của loại người này nhiều như số cát sông Hằng.
79. Dịch từ chữ long xạ 龙麝, trong đó long chỉ Long Diên Hương 龙涎香, tức nước dãi con rồng và Xạ hương 麝香, tức mùi hương tiết ra từ tuyến sinh dục của con xạ đực. Đây là hai loại hương liệu quý hiếm dùng để làm nước hoa ngày xưa.
[Thưa] Mây tan mưa tạnh, hồn tiêu tán trong vườn Kim Cốc80; Trăng khuyết hoa tàn, đứt ruột chuyện trạm dịch Mã Ngôi81. Than ôi! Phong lưu ngày cũ nay nào thấy; Liễu xanh cỏ biếc lấp xương tàn. Như vậy nữ giới váy đẹp trâm cài82 âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi...
Một lòng triệu thỉnh: Ăn mày đói lạnh; Tội phạm tử tù. Gặp nước lửa mà mất thân; Bị hổ báo nên vong mạng. [Thưa] Treo cổ, uống thuốc độc; nghìn năm oán khí trầm trầm; Sét đánh, bị núi lở; một chớp kinh hồn rợn rợn. Than ôi! Mưa chiều khói xanh làm lạnh đi sự huyên náo; Gió thu lá vàng bay lả tả loạn xạ như quạ đen chao. Như vậy kẻ thương vong chết đột ngột, âu cũng thành một loại cô hồn mà thôi...
80. Kim Cốc chi viên 金 谷 之 園 - vườn Kim Cốc: dẫn từ tích truyền về ông Thạch Sùng 石崇传 nói trong sách Tấn Thư 晋书: Thạch Sùng là một người nổi tiếng giàu có, ông cho xây một biệt thự xa hoa tráng lệ lộng lẫy đặt tên là Kim Cốc Viên, tức vườn lúa vàng (nay ở phía tây Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc). Nhân ông có người thiếp tên Lục Chu 绿珠, nhan sắc yêu kiều diễm lệ. Tôn Tú - một vị quan lớn đương thời muốn có được Lục Chu, sai người tìm cách mua về nhưng không được, ông bèn giả chiếu dụ của vua để thu phục Thạch Sùng. Khi Thạch Sùng đang ngồi dự yến tiệc trên lầu với quan quân triều đình, ông bảo với Lục Chu rằng “ta nay vì nàng mà đắc tội”. Nghe vậy, Lục Chu nói “thiếp sẽ treo cổ trước mặt chàng đây”, nói rồi nhảy lầu tự tử. Về sau, vườn Kim Cốc như một nơi mà ai ai cũng thấy tiếc nuối, cảm thương khi đến đây.
81. Mã Ngôi dịch, cũng gọi là Mã Ngôi Pha 马嵬坡: Năm 755, thời Đường nổ ra vụ binh biến do An Lộc Sơn cầm đầu, sử gọi là binh biến Mã Ngôi Dịch. Lần này, vua Đường Huyền Tông chạy đến Mã Ngôi Dịch, tướng sĩ tùy tùng xử tử tể tướng Dương Quốc Trung, ép em gái ruột của ông là Dương Ngọc Hoàn tự sát.
82. Quần xoa: Quần tức cái váy, xoa là cái trâm cài đầu, do vậy ngày xưa người ta mượn hai vật này để chỉ giới nữ.
Bài văn chiêu thỉnh nêu trên có đề cập đến vong linh của các loại thân phận và những nguyên nhân mà người tử nạn, phạm vi rất rộng lớn, lời lẽ bi thiết, gây xúc động sâu sắc trong lòng người nghe, không khỏi khiến người ta phải buông lời cảm thán về sinh mạng là tạm bợ, cuộc đời là vô thường! Đây là về mặt văn tự trong nghi thức Phật giáo, nhưng khi xướng đọc lên phối hợp với âm nhạc thì sẽ gây xúc động lòng người sâu sắc.
Đời Minh sau đó, đối với văn bản về Diệm khẩu, do nhiều người trong các tùng lâm có lối giải thích không thống nhất, dẫn đến hiện tượng tùy ý thêm bớt tình huống của pháp hội Phóng Diệm khẩu. Thời Minh có sư Hạnh Pháp soạn cuốn Du Già Diệm khẩu Thí thực khoa nghi. Về sau, thiền sư Thiên Cơ không hài lòng vì văn mạch của bản sách này rối tạp, quá rộng nên san định lại cho đơn giản, rõ ràng hơn, viết thành cuốn Tu tập Du Già Tập yếu Thí thực đàn nghi, gọi tắt là Thiên Cơ Diệm khẩu. Linh Tháo, tông Thiên Thai, chú giải sách này, soạn thành hai quyển có nhan đề Tu tập Du Già Tập yếu Thí thực đàn nghi Ứng môn. Cuối đời Minh, đại sư Liên Trì lại tu đính sách của Thiên Cơ soạn thành Tu thiết Du Già Tập yếu Thí thực Nghi quỹ, lại còn chú giải sách ấy thành Thí thực bổ chú, được lưu hành trong và ngoài nước.
Đến triều Thanh, Năm Khang Hy thứ ba mươi hai (1693), hòa thượng Đức Cơ ở núi Bảo Hoa, tỉnh Giang Tô lại san định biên tập sách của đại sư Liên Trì thành bộ Du Già Diệm khẩu Thí thực Tập yếu, người đời quen gọi là Hoa Sơn Diệm khẩu. Từ đó, đời Thanh hình thành hai bộ Diệm khẩu là Thiên Cơ và Hoa Sơn lưu hành song song. Thời cận đại, tuy đại thể có tính thống nhất, nhưng hai vùng Nam - Bắc vẫn có đôi chỗ khác biệt, phong vị và âm điệu lại có nhiều bất đồng, đó cũng chính là hiện tượng vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Tượng thái tử đản sinh