Nghi thức tắm Phật là một trong những tiết mục quan trọng nhất của Phật giáo, nhằm kỷ niệm ngày đản sinh của Thích Ca Mâu Ni, còn gọi là Ngày Phật đản, tại Đông Nam Á và các quốc gia khác trên thế giới thì gọi là Vesak.
Ngày Phật đản bắt nguồn từ một sự tích Phật giáo vô cùng hay đẹp.
Sự tích kể rằng, nước Ca Tỳ La Vệ (nay là Nepal) thời Ấn Độ cổ đại, Hoàng hậu Ma Da của vua Tịnh Phạn mang thai sắp đến kỳ sinh đẻ, theo phong tục tập quán của bản địa, Hoàng hậu phải về nhà cha mẹ để sinh. Thế là Ma Da lên đường trở về nhà mẹ, trên đường đi khi qua vườn Lâm Tỳ Ni, Hoàng hậu thấy trong vườn cây cỏ xanh tốt, cảnh sắc hợp lòng mình, bèn có ý dừng lại nghỉ ngơi thưởng thức. Khi đi đến dưới tán cây vô ưu tỏa bóng rất rộng, Thái tử Tất Đạt Đa lại giáng sinh từ sườn bên phải của Hoàng hậu. Vừa rơi xuống đất, Thái tử liền tự mình đứng dậy đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói câu: Trên trời dưới đất chỉ có ta là đáng tôn quý nhất. Bấy giờ trên không bay xuống chín con rồng lớn, chín rồng phun nước để Thái tử tắm, mừng Ngài đến với nhân gian.
Về sau, để kỷ niệm nghi thức ngày đản sinh của đức Phật, tín đồ Phật giáo đã căn cứ vào sự tích trên mà thiết đặt nghi thức tắm Phật. Thông thường, tại điện Phật hay giữa lộ thiên, người ta bày một chiếc bàn cúng lớn, cao thấp tùy hợp, trên bàn cúng để một chậu nước tắm Phật, bồn nước được đặt trên một đài sen, tượng Phật bằng vàng với “một tay chỉ trời, một tay chỉ đất” của Thái tử Thích Ca, có khi còn có cái yếm hồng quấn trước bụng Thái tử. Bên dưới đài sen rắc nhiều cánh hoa và nước thơm. Tứ chúng đệ tử Phật giáo theo thứ tự trước sau múc nước dội chầm chậm từ trên đầu tượng Phật trở xuống, biểu thị ý chúc mừng và cúng dường. Đó gọi là tắm Phật (dục Phật) hay rưới nước Phật (quán Phật). Vào ngày ấy được gọi là Lễ tắm Phật. Ở Trung Quốc, theo âm lịch là ngày tám tháng tư. Các quốc gia Phật giáo Nam truyền thì lấy ngày trăng tròn tức mười lăm tháng sáu âm lịch của Ấn Độ cổ làm Ngày Vesak.
Nghi thức tắm Phật bắt nguồn sớm nhất là tại Ấn Độ cổ đại. Vào thời đức Phật, Bà la môn giáo có phong tục tắm tượng thờ để cầu phúc diệt tội. Nghi thức tắm Phật cũng do từ đấy diễn biến mà có. Căn cứ kinh Đại Bảo Tích kể lại sự tích con gái vua Ba Tư Nặc tại thành Xá Vệ nước Thiên Trúc là Vô Cấu Thi, vào ngày mồng tám tháng hai cùng với năm trăm Bà la môn xách những bình đựng đầy nước đến ngoại thành chuẩn bị nghi thức tắm tượng thiên thần tại đấy. Lúc ấy, người Bà la môn thấy có nhiều tỳ khưu Phật giáo đứng ở ngoài cổng thành, cho là điềm chẳng lành, trong đó một vị trưởng giả thậm chí yêu cầu Vô Cấu Thi trở về thành, nhưng bị từ chối. Thế là mọi người bắt đầu cuộc tranh luận, cuối cùng, Vô Cấu Thi cảm hóa được năm trăm vị Bà la môn khiến họ phải quy y Phật giáo. Từ đó có thể thấy nghi thức tắm Phật đã dựa vào phong tục của xã hội Ấn Độ thời cổ đại mà xiển dương một biểu hiện của hình thức Phật hóa.
Hòa thượng Nghĩa Tịnh đời Đường trong sách Nam Hải Ký quy Nội pháp truyện có ghi lại cảnh tắm Phật rầm rộ chính mắt mình chứng kiến khi ông đi thăm một thắng tích Phật giáo tại Ấn Độ. Ông viết:
... Nhưng các chùa ở Tây Trúc, mỗi khi cử hành nghi thức tắm Phật tượng, chức sự của chùa đánh chuông mõ để báo, ở sân chùa, một bên người ta giăng lọng quý, một bên đặt bình hương. Lấy tượng Phật bằng vàng, bạc, đồng, đá để vào mâm đồng, vàng, gỗ. Lệnh cho các ca nữ tấu nhạc, thoa bột thơm, tắm bằng nước thơm, lấy vải dạ trắng sạch lau khô, sau đó đem đặt vào trong điện, chưng các loại hoa… Còn như tượng đồng, bất kể lớn nhỏ, phải lấy bột ngói mịn chùi lên cho sáng bóng, lấy nước trong xối rửa lại, bóng như gương. Tượng lớn cứ giữa tháng và cuối tháng gọi mọi người lại cùng làm, tượng nhỏ thì tùy khả năng mình cũng cần xối rửa cho sạch. Việc làm này tuy chi phí ít, nhưng phúc lợi thì rất nhiều. Nước tắm tượng dùng hai ngón tay nhón vào nước rồi tự vảy lên đỉnh đầu, đây gọi là nước cát tường.
Ngoài ra, trong Dục Phật công đức kinh do Nghĩa Tịnh dịch cũng nói đến việc ngày ngày tắm tượng Phật thì có thể có rất nhiều lợi lạc, nhưng hoàn toàn không nói tắm tượng Phật là nghi lễ được cử hành vào ngày Phật đản. Cho nên cao tăng đời Tống là Tán Ninh sau khi phân tích lý do nêu trên cho rằng ngày ngày tín đồ Phật giáo Ấn Độ tắm tượng Phật hoàn toàn không phải là để chúc mừng ngày Phật đản sinh, mà là do thời tiết nóng bức, thân mình rất dễ ra mồ hôi, tăng lữ cần phải thường tắm rửa để giữ thân thể trong sạch, đức Phật cũng đã làm như vậy và dạy đệ tử của mình phải theo đó mà phụng hành, cho nên dần dần hình thành tập tục tốt đẹp ấy. Nhưng Trung Quốc lưu hành nghi thức tắm Phật vào mùa đông, ngày mồng tám tháng chạp, hay vào tháng hai, hay mồng tám tháng tư âm lịch, mới có ý nghĩa là chúc mừng ngày đức Phật giáng sinh.
Trên thực tế, tùy theo sự du nhập không ngừng của Phật giáo vào phương đông, nghi thức tắm Phật đã xuất hiện rất sớm tại Trung Quốc. Tương truyền đời Hán có một người tên là Trách Dung vô cùng thành tâm sùng tín Phật giáo, ông ta từng quy tụ hàng trăm người, kết hợp với các quan chức địa phương ở Từ Châu, xây chùa thờ Phật. Mỗi lần tắm Phật đều thiết tiệc chiêu đãi người qua đường, hàng đội dài đến cả mươi dặm, số người đến xem và ăn uống thường lên đến hàng vạn, tốn kém rất nhiều. Đó là những ghi chép sớm nhất về nghi thức Phật giáo có tính chất đại quy mô tại Trung Quốc.
Sau đó, nghi thức tắm Phật diễn ra như Phật giáo truyền bá đã dần dần lưu hành trong triều đình và trong giới quý tộc, quan lại. Đến thời Đông Tây Tấn, Nam Bắc triều do trên làm dưới bắt chước nên nghi thức tắm Phật cũng bắt đầu lan tỏa trong dân gian, ảnh hưởng ngày càng lớn rộng. Tương truyền Thạch Lặc (274-333) thời Hậu Triệu từng cử hành nghi thức tắm Phật để cầu phúc cho con cái. Quyển 10, sách Cao tăng truyện nói về Phật Đồ Trừng truyện (Truyện cao tăng Tây Vực Phật Đồ Trừng) có ghi lại sự việc này. Trong đó kể rằng: “Những đứa con của Thạch Lặc đều được nuôi dưỡng trong chùa. Mỗi năm đến ngày mồng tám tháng tư, Lặc tự mình đến chùa tắm Phật, vì con cái mà phát nguyện”. Chí Bàn trong Phật Tổ Thống kỷ cũng kể lại sự việc tắm Phật và cúng dường tăng chúng vào năm Đại Minh thứ sáu (462) triều Tống Hiếu Vũ Đế thời Nam Bắc triều tại nội điện hoàng cung vào ngày mồng tám tháng tư. Những ghi chép về dân gian tắm Phật cũng thấy xuất hiện trong sách sử. Như sách Tống thư - Lưu Kính Tuyên truyện nói: Vào ngày mồng tám tháng tư, tướng lĩnh Đông Tấn là Lưu Kính Tuyên thấy dân chúng tắm Phật, thế là ông cũng theo ý chính đáng của mọi người cử hành lễ tắm Phật cầu phúc cho mẹ, trong một lúc tâm tình xúc động ông không cầm được nước mắt bi thương. Từ đó, chúng ta có thể thấy tùy vào sự truyền bá, Phật giáo trong nước ảnh hưởng ngày một gia tăng thì nghi thức tắm Phật lại được lưu hành rộng rãi trên cả nước từ thành thị đến nông thôn.
Ngày tắm Phật thì xưa nay vẫn còn chưa thống nhất, nhưng cơ bản không ngoài ba ngày sau: Một là mồng tám tháng hai, hai là mồng tám tháng tư, ba là mồng tám tháng mười hai. Như trên đã nói, thời gian phân biệt là gồm các ngày Phật đản sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo và ngày nhập diệt. Do Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền liên quan đến tiểu sử đức Phật việc ghi chép các mốc thời gian ấy có sai khác. Ví như Huyền Trang, Biện Cơ thuật lại trong sách Đại Đường Tây Vực ký từng ghi những gì mà Thượng tọa bộ và các bộ phái khác truyền lại thường có tình trạng không giống nhau.
Theo truyền thuyết của Thượng tọa bộ, ngày giáng thai của đức Phật là ba mươi tháng ôn thư la ngạch sa đồ, tương đương với âm lịch là ngày mười lăm tháng năm; còn ngày đản sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo đều là mười lăm tháng phệ xá khư, tương đương với âm lịch là ngày mười lăm tháng ba. Các phái bộ khác thì nói ngày giáng thai là mồng tám tháng ngạch sa đồ giống với Thượng tọa bộ, tức tương đương với âm lịch là ngày mười lăm tháng năm; ngày đản sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo cùng là mồng tám tháng phệ xá khư, tương đương với âm lịch là mồng tám tháng ba. Đây là do Ấn Độ cổ đại và Trung Quốc trong ghi chép năm tháng có liên quan về lịch pháp còn những điểm lệch nhau.
Căn cứ lời tựa của kinh Bổn sinh do hòa thượng Giác Âm soạn thì các quốc gia Phật giáo Nam truyền cho rằng ngày đản sinh Phật là mồng tám tháng thệ sắt tra, tương đương với âm lịch là ngày mồng tám tháng tư. Theo quyển 2 sách Tây Vực ký ghi chép thì lịch pháp Ấn Độ thường lấy hắc nguyệt [tức từ ngày trăng tròn (vọng) đến ngày trăng tối (hối)] làm nửa tháng trước; và lấy bạch nguyệt [tức từ mồng một (sóc) đến ngày trăng tròn (vọng)] là nửa tháng sau. “Trăng đầy đến tròn gọi là “bạch phần”, trăng khuyết đến tối gọi là “hắc phần”. Hắc phần hoặc là ngày mười bốn, ngày mười lăm, tức do trăng lớn nhỏ mà gọi như vậy. Hắc trước, bạch sau hợp thành một tháng”. Trăng hạ huyền tháng bảy (tức chỉ trăng vào ngày mồng tám) thì tại Trung Quốc là trăng thượng huyền của tháng. Trung Quốc dịch kinh ra tiếng Hán ghi là tháng hai hoặc tháng tư thì đại để lấy tháng nào đó của Ấn Độ tương đương với tháng nào đó của Trung Quốc, lại tùy vào sự sai biệt của lịch pháp lúc dịch kinh mà truyền lại là tháng hai hay tháng tư. Ngày tám nửa tháng sau của tháng phệ xá tra vốn tương đương với âm lịch Trung Quốc là ngày mồng tám tháng ba, mà dịch giả thì hiểu là ngày thượng huyền tháng hai nên nhân đó truyền lại là ngày mồng tám tháng hai. Như vậy thuyết cho rằng mồng tám tháng tư là ngày Phật đản trở thành cách nói phổ biến trong giới Phật giáo Trung Quốc.
Xét theo lịch sử lưu truyền Phật giáo ở Trung Quốc, thì ngày tắm Phật của Trách Dung vào thời Hậu Hán không được ghi chép ngày tháng một cách chính xác, phải đến thời kỳ Nam Bắc triều tình hình mới khá rõ ràng, thông thường phần nhiều Bắc triều cử hành nghi thức tắm Phật vào mồng tám tháng tư. Còn Nam triều thì bắt đầu từ thời nhà Lương, trải qua thời Tùy Đường đến đầu thời Tống, Liêu cơ bản theo thuyết ngày mồng tám tháng hai. Như Liêu sử - Lễ chí ghi rõ nhà Liêu lấy ngày mồng tám tháng hai làm ngày đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa. Đến đời Tống có một số thay đổi, phía Bắc lấy ngày lạp bát, tức mồng tám tháng mười hai cử hành nghi thức tắm Phật, như Tán Ninh trong Tăng sử lược - Phật đản sinh niên đại nói: “Nay Đông Kinh (triều Tống đóng đô ở phủ Khai Phong) lấy ngày tám tháng lạp làm ngày tắm Phật, nói là ngày Phật đản sinh”. Nhưng cũng có một thuyết khác cho rằng, lạp bát (tức mồng tám tháng mười hai âm lịch) là ngày Phật thành đạo mà nói là ngày tắm Phật. Đời Tống, sách Đan Hà Tử Thuần thiền sư ngữ lục có bài thơ nói: “Khuất chỉ hân phùng lạp nguyệt bát, Thích Ca thành đạo thị tư thần, nhị thiên niên hậu truy tiên sự, trọng bã hương thang dục Phật thân - Bấm tay may gặp tám tháng Chạp, ấy là ngày Thích Ca thành đạo. Hai nghìn năm sau truy việc trước, kính hiến nước thơm tắm Phật thân”.
Theo sách Sự văn loại tụ của Chúc Mục đời Tống, ghi: “Hoàng triều Đông Kinh ngày mồng tám tháng mười hai, tại những ngôi chùa lớn ở đô thành đều cử hành lễ tắm Phật, và nấu cháo năm vị bảy báu, gọi là ‘lạp bát chúc’ (cháo mồng tám tháng Chạp)”. Đây là ghi lại lễ tắm Phật kết hợp với ngày mời cháo lạp bát (cháo mồng tám tháng Chạp). Những ghi chép này nói rõ một cách chắc chắn rằng trong lịch sử về ngày cử hành nghi thức tắm Phật từng tồn tại nhiều thuyết khác nhau, mỗi thuyết tự lưu hành tùy theo tình hình, chứ không giống như những gì ngày nay người ta tưởng tượng chỉ có một ngày nhất định. Những suy đoán ấy tương đối phù hợp với sự thật lịch sử.
Tại khu vực rộng lớn ở phía nam Trung Quốc, người ta lại thực hiện thuyết ngày mồng tám tháng tư là ngày tắm Phật. Như trên đã nói, Thạch Lặc và Lưu Tống Hiếu Vũ Đế, Lưu Kính Tuyên triều Hậu Triệu thì lấy ngày mồng tám tháng tư làm ngày tắm Phật. Sách Kinh Sở tuế thời ký soạn vào đời Lương ghi chép, lấy ngày mồng tám tháng hai làm ngày Phật đản. Đạo Tuyên thời nhà Đường tác giả sách Tục Cao tăng truyện - Thích Huyền Uyển truyện cho rằng, mồng tám tháng hai là ngày đản sinh của Đại thánh Phật Đà, do đó, mỗi năm vào ngày này ắt mở hội giảng pháp thiết trai, đại hội tăng tục để kỷ niệm. Nhưng tại Giang Nam, phần lớn thường cử hành lễ tắm Phật vào ngày mồng tám tháng tư. Ví như trong Tuế thời tạp ký có nói: “Các kinh nói ngày đản sinh của Phật không giống nhau, trong đó nói giáng sinh vào ngày mồng tám tháng tư nhiều hơn… cho nên lấy ngày mồng tám tháng tư là ngày tắm Phật. Nay người phương Nam đều dùng ngày này, còn người phương Bắc chuyên dùng ngày mồng tám tháng Chạp, những năm gần đây, nhân thiền sư Viên Chiếu (1020-1099) đến thiền viện Tuệ Lâm đầu tiên lấy ngày này thực hành lễ tắm Phật, tụng Ma Ha Sát Đầu kinh, tức kinh nói về việc tắm Phật; rồi tự tuân thủ thực hiện… Sau đó, ở kinh đô Khai Phong đời Tống có nhiều thơ nói về ngày tắm Phật mồng tám tháng tư”.
Ngoài ra sách Đông Kinh Mộng hoa lục cũng có có thuật lại: “Ngày mồng tám tháng tư đức Phật đản sinh, mười thiền viện lớn có mở trai hội tắm Phật, người ta nấu nước dược hương ban cúng, gọi là ‘nước tắm Phật’”. Do đó có thể thấy nghi thức tắm Phật được cử hành vào ngày mồng tám tháng tư tương đối phổ biến. Về điểm này, các sách ở triều Nguyên như Huyễn Trú Am Thanh quy và Sắc Tu Bách Trượng Thanh quy đều quy định mồng tám tháng tư là ngày đản sinh của Thích Ca Như Lai, và đây là ấn chứng rõ ràng nhất. Do mồng tám tháng tư là ngày được hầu hết tín đồ Phật giáo chấp nhận và tán đồng, nên về sau ngày tắm Phật, Nam Bắc hoàn toàn đi đến nhất trí.
Còn như cách tắm tượng Phật, thì những gì nói trong Dục tượng công đức kinh do Bảo Ân Duy dịch là rõ ràng nhất: “Nếu muốn tắm tượng, phải dùng hương đàn, tử đàn, hoắc hương (tamala-pattra), cam tùng, xuyên khung, bạch đàn, uất kim hương, long não, trầm hương, xạ hương, đinh hương... đem các thứ diệu hương ấy tùy cách làm của mình để có nước thuốc thơm, xong để vào nơi tinh sạch. Trước hết xây đàn vuông vắn, đặt tòa diệu đài trên đó tôn trí tượng Phật. Lấy thứ nước thơm ấy tuần tự tắm Phật. Dùng nước thơm tắm khắp châu thân tượng Phật xong, lại dùng nước trong tinh sạch rửa từ trên xuống. Nước tắm tượng Phật ai nấy cùng lấy một ít dùng tay vốc nước vảy lên đỉnh đầu, rồi đốt các loại hương để cúng dường. Ban đầu, khi tượng tắm nước, cần tụng kệ: ‘Nay con tắm tượng chư Như Lai; Công đức trang nghiêm tịnh trí tụ. Ngũ trọc chúng sinh được gột sạch;
Nguyện chứng Nha Lai tịnh pháp thân’”. Bao nhiêu năm nay cách tắm Phật của các tự viện trong nước đều áp dụng phương thức này không thay đổi.
Nghi thức tắm Phật của các tùng lâm phần lớn dựa vào trình tự tiến hành được quy định trong Sắc tu Bách Tượng Thanh quy của đời Nguyên. Nhưng so với Sắc tu Bách Trượng Thanh quy thì Ảo Trú Bách Trượng Thanh quy của Trung Phong Minh Bổn soạn trước đó mười chín năm đã có những quy định này rồi. Quyển hai, mục Phật giáng đản trong Báo bổn chương sách Sắc tu Bách Trượng Thanh quy có quy định cụ thể nghi thức tắm Phật:
Đến ngày mồng tám tháng tư, khố ty [ban chuyên trách chuyện kho tàng trong chùa] nghiêm trang lập hoa đình, bên trong đặt tượng Phật giáng sinh, trong thau chứa nước thuốc thơm để hai cái gáo nhỏ. Trước bàn Phật bày biện thức cúng dường xong, trú trì thượng đường niêm hương khấn chúc: “Nay là ngày Phật đản sinh, trú trì của bổn chùa… lòng thành dâng hương cúng dường Đại Hòa thượng Thích Ca Như Lai, báo đáp đức Phật từ bi che chở. Pháp giới chúng sinh trông mong trong mỗi niệm chư Phật xuất hiện tại thế”. Trú trì thuyết pháp xong, lệnh cho mọi người cùng lên điện, trú trì dâng hương lạy ba lạy, sau đó quỳ trước lư hương. Viên tri sự bạch Phật rằng: “Mặt Trăng giữa trời, bóng in cả trăm sông, mỗi đức Phật xuất thế, ngồi mỗi tòa hoa, mi mắt điểm tròn mà pháp giới sáng lên, nước cam lộ rảy mà tứ sinh nhuần thấm.…” Đọc sớ xong, tụng bài Dục Phật kệ.
Vừa tụng đi tụng lại bài kệ, vừa để tăng chúng tiến hành tắm Phật. Tiếp theo, để ưu bà tắc, ưu bà di lần lượt bước lên tắm Phật cho đến khi toàn bộ những người tại chỗ tắm Phật xong. Cuối cùng, do tăng chúng xướng tụng công đức tắm Phật để hồi hướng cho tất cả chúng sinh khiến mọi người cùng đạt đạo quả Bồ đề.
Đời Minh trở về sau, phong tục tắm Phật đại để thừa nhận cách làm cơ bản của đời trước, và tiếp tục mãi cho đến cuối đời Thanh, kể cả ngày nay cũng không có gì thay đổi lớn. Nói chung những gì thay đổi cũng chỉ một vài chi tiết nhỏ nhặt liên quan đến nghi thức tắm Phật mà thôi. Ví như, theo Sắc tu Bách Trương Thanh quy, vào ngày tắm Phật, trong các tùng lâm còn có phong tục nấu nước thuốc thơm và làm “cơm đen” cúng dường đại chúng. Trong quyển bốn, sách Thanh quy có quy định: “Ngày Phật đản tắm Phật, nấu canh cúng đại chúng”. Quyển bảy cũng nói: “Ngày mồng tám tháng tư là ngày Phật đản tắm Phật, khố ty chuẩn bị làm “cơm đen”, phương trượng mời đại chúng điểm tâm trước”. Nhưng không biết nguyên nhân gì mà những quy định ấy về sau dần dần không thực hiện.
Ma quỷ quỳ gối sám hối trước đức Phật, khởi đầu hình thức sám hối