Xưa nay thông thường người Trung Quốc xem ông trời ở trên đầu họ, không ai là không kính sợ, kể cả Khổng Tử cũng không ngoại lệ. Ông từng nói “năm mươi tuổi phải biết mệnh trời” (ngũ thập nhi tri thiên mệnh), lại còn xác định rõ “sợ mệnh trời - úy thiên mệnh”. Do đó có thể thấy, mệnh trời không thể vi phạm, đó là điều vô cùng thiêng liêng, ai dám nói “không”? Dù xét xem trong kinh luận Phật giáo, chư thiên chẳng qua chỉ là một trong sáu cõi, hoàn toàn không thể làm chủ vận mệnh của nhân loại, nhưng mưa gió, sấm chớp, hạn hán, lụt lội, khí hậu thay đổi, không gì là không liên quan đến trời. Trời có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn vong của con người. Sự kính sợ trời hầu như lan tỏa ra khắp các hang cùng ngõ hẻm. Cho nên Phật giáo cũng tùy thuận với tình cảm của thế tục mà tiếp nhận tập quán dân gian để cải biến nó trở thành một phần của Phật giáo. Trong đó nghi lễ trai thiên là một trong những nghi lễ mang tính điển hình quan trọng.
Trai thiên còn có tên là cúng thiên (tế trời), hoặc cúng Phật trai thiên, thế tục gọi là bái thiên công (cúng ông trời). Đây là hoạt động pháp sự quan trọng do Phật giáo cử hành vào tháng Giêng hàng năm. Nghi thức này do đại sư Trí Giả tông Thiên Thai sống vào thời nhà Tùy căn cứ vào những hàm nghĩa trong Kim Quang Minh kinh mà sáng lập ra. Kinh văn ghi rằng, chư thiên quy y Phật, phát Bồ đề tâm thực hành chính pháp, hộ trì, tụng niệm, soạn viết, giữ gìn những lời giáo huấn của đức Phật, tuần xét nhân gian, trị ác, khuyến thiện, do đó được nhân gian hoan nghênh thành lập pháp hội nhằm thể hiện ý nguyện cảm ơn Phật pháp. Sám pháp mà Trí Giả soạn ra đầu tiên gọi là Kim Quang Minh sám pháp, sau được đưa vào tập Quốc Thanh bách lục.
Từ đó về sau, các triều Tống, Minh đều dựa vào đấy mà mở rộng, bổ sung, tăng giảm, hoặc soạn ra văn bản mới, nhưng nội dung chủ yếu vẫn không vượt ra ngoài tinh thần của Trí Giả. Trong Kim Quang Minh sám pháp thờ cúng mười vị thiên chúng là: Trời công đức, Trời đại biện tài, Mẫu vương quỷ tử, Trời Đế thích, Trời Đại phạm tôn, Kim Cương mật tích, Tứ vương hộ thế, Đại tướng Tán Chi. Các cao tăng đời sau có nhiều ý kiến khác nhau về việc sắp xếp và số lượng chư thiên, như Thần Hoán thời Nam Tống soạn Chư thiên liệt truyện, Hạnh Đình soạn Chư thiên truyện có những bất đồng không nhỏ; người đời sau thường cung phụng ba mươi chư thiên, mười hai chư thiên, hai mươi bốn chư thiên, mười sáu chư thiên hoặc hai mươi chư thiên. Nhưng đối với toàn bộ sám pháp thì ảnh hưởng của nó không lớn lắm.
Trong số những người đức hạnh, tài danh của tông Thiên Thai tu tập sám pháp vào đời Tống, cao tăng Tri Lễ rất coi trọng Kim Quang Minh sám pháp, ông đã biên tập thành sách Kim Quang Minh tối thắng sám pháp. Từ Vân Tuân Thức là người cùng thời lại tiến thêm một bước đối với Kim Quang Minh sám pháp của Trí Giả, khi giảng giải rõ và phát triển thêm để viết thành sách Kim Quang Minh sám pháp bổ trợ nghi. Sách này chia làm sáu phần: 1. Duyên khởi, nói nguyên nhân soạn sách; 2. Án văn khai chương, dĩ định thuyên thứ; 3. Biệt minh lễ thỉnh, sái tán nhị pháp; 4. Lược minh năng thỉnh, cập sở cầu ly quá; 5. Tổng thị sự lý, quán tuệ sở y; 6. Bổ trợ chính tu thập khoa sự nghi. Thập khoa (mười khoa) chia ra làm: Dọn dẹp tịnh thất nghiêm trang; thanh tịnh ba nghiệp; chuẩn bị hương hoa cúng dường; mời gọi trì chú, tán thán thuật ý; đọc tên phụng cúng; lễ kính Tam bảo; thực hành ngũ hối (sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng, phát nguyện); nhiễu quanh quay về và tụng niệm kinh điển. Như vậy là đã hình thành được quá trình thực hiện nghi thức tương đối hoàn chỉnh.
Do đó, đến thời nhà Nguyên, việc lưu hành nghi lễ tế trời càng ngày càng mở rộng, cuối cùng chỉ còn xuất hiện sách Kim Quang Minh Sám pháp bổ trợ nghi, và tự nhiên nó trở thành nghi thức Phật sự được quy định trong các chùa viện cử hành mỗi năm một lần. Theo Luật uyển sự quy của Tỉnh Thường, thời bấy giờ vào sáng sớm một ngày tháng Giêng âm lịch, hoặc vào ngày Tết Nguyên tiêu, tổng hội cử hành nghi thức tế trời. Như vậy có thể thấy được tình hình thực hiện nghi thức tế trời thời nhà Nguyên. Đến triều Minh, luật sư Hoằng Tán căn cứ Kim Quang Minh sám pháp soạn cuốn Trai thiên Khoa nghi rất thông dụng và trở thành bản gốc của nghi thức tế trời hiện nay tại Trung Quốc. Mãi đến thời cận đại, lại có người căn cứ nhu cầu thực tế đem bản của Hoằng Tán sửa chữa thành hai bản sách Hoa Sơn Trai thiên khoa nghi và Kim Quang Minh Trai thiên khoa nghi. Lưu hành phổ biến trong các tự viện cơ bản chỉ lấy Hoa Sơn Trai thiên khoa nghi làm chuẩn, ảnh hưởng của nó trong tín đồ cũng khá lớn.
Do yêu cầu bối cảnh nền của Hoa Sơn Trai thiên khoa nghi tương đối hoành tráng, nồng nhiệt, số người cần có và nguyên vật liệu để trang hoàng cũng khá nhiều. Ví dụ, cần một vị chính biểu, hai vị phó biểu, do ba vị đại hòa thượng chủ trì; ngoài ra còn cần mười vị sư dẫn lễ, một vị sư tiếp khách, ba mươi hai vị hầu chiếu, bốn người bưng mâm, ba chú tiểu, sáu đến tám người đánh thổi âm nhạc. Những vị trí đã được sắp xếp này không thể thiếu khuyết.
Việc bày biện xếp đặt cũng rất được chú trọng, thông thường bố trí bố tát đường ở chính giữa, bên cạnh thiết chỗ ngồi cao của Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, ngay chỗ đó dùng mười ghế ngồi rộng (hay bàn dài cũng được), ngang hai dọc tám, ở trên để sáu cái bàn vuông, chính giữa cúng ba bức tượng Phật, tượng Phật bên trái cúng phụng Long cung Hải tạng một bức; tượng Phật bên phải cúng phụng Bồ Tát, Thánh tăng một bức; chính giữa còn cúng một pho tượng Thích Ca bằng vàng, hai bên trái - phải lại cúng Quán Phật hai pho. Dưới Phật tòa, ở giữa lấy nửa bàn làm hương án, hai bên đối xứng thiết đặt chư thiên. Trước hương án, xếp thành hàng chữ nhất ba cái bàn dài dùng làm pháp đàn. Ngoài ra, chuẩn bị bốn cặp đế đèn, mười ba chiếc lò cầm tay, lại thêm bản sách khoa nghi, và mõ, khánh, chiêng, chuông, trống…, có cả trà, hương, nước trong, trái cây tươi.
Như trên đã nói, đặt ba vị pháp sư làm đại hòa thượng chủ trì, mười vị thầy dẫn lễ, chia thành nhóm mõ, khánh, chiêng, chuông, trống và tùy lễ cùng nhau xướng họa. Lại đặt một vị sư tri khách, dẫn trai chủ lên đàn tế…. Cứ như vậy đúng như pháp Phật, đúng như nghi thức tiến hành cúng chư thiên, ai nấy theo vị thứ ổn định xong, nghi thức tế trời chia làm bốn phần lớn và đã có thể bắt đầu.
(1) Đàn tế tinh sạch, nghiêm trang. Thầy tri khách đưa hương cho trai chủ, trai chủ cầm lấy, thầy dẫn lễ đánh mõ thỉnh trai chủ dâng hương, thầy tri khách dẫn trai chủ tiến lên. Ba vị pháp sư đầu tiên đứng ra nhận lời mời, trai chủ bước lên dâng hương dẫn đến trước đàn tràng, lễ Phật. Cứ như thế mời từng hòa thượng, các vị hòa thượng đến đàn tràng. Thầy tri sự gõ khánh cử Thủy tán.
Tiếp theo, pháp sư cầm chén nước trong thuyết kệ:
Nước cam lộ đầu cành dương liễu trên tay Bồ Tát;
Khéo biến một giọt vẩy khắp mười phương.
Tanh hôi xú uế tiêu trừ hết;
Vảy khắp đàn tràng thảy trong sạch.
Rồi sau đó, đi quanh đàn ba vòng. Mọi người cùng tụng chú Đại bi, Thập chú, tụng niệm Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa ba lần.
(2) Nghiêm túc cúng lễ thỉnh. Mọi người tề tựu nơi tế trời, đánh mõ lạy Phật ba lạy, phân nhóm đứng ổn định. Tri khách mời pháp sư đến đàn tế, lễ Phật ba lạy. Lại mời hòa thượng đến, trai chủ kính lễ hòa thượng, ba pháp sư và các sư khác, tại đàn tế ai vào chỗ nấy. Tri sự cử bài hương tán. Tiếp theo, dâng hoa mời thánh:
Nhất tâm kính thỉnh pháp giới mười phương; thỉnh Phật quá khứ, hiện tại, vị lai;
Nhất tâm kính thỉnh pháp giới mười phương; thỉnh Pháp quá khứ, hiện tại, vị lai;
Nhất tâm kính thỉnh pháp giới mười phương; thỉnh Tăng quá khứ, hiện tại, vị lai;
Thỉnh Tam bảo Phật, Pháp, Tăng xong, kính mời an tọa. Sau đó mời Trời Đại công đức, Trời Đại biện tài, Trời Đại Phạm vương, Trời Đại Đế Thích các vị… Trên tuân sắc Phật, dưới thương phàm nhân, quang lâm pháp đàn, tiếp nhận cúng dường. Lại mời Đông phương Trì quốc Thiên vương, Nam phương Tăng trưởng Thiên vương, Tây phương Quảng mục Thiên vương và Bắc phương Đa văn Thiên vương… Kính mời an tọa. Lại mời Đại ma ni Chi thiên, Ma ngự Thủ la thiên, Kim Cương Mật tích thiên, Tán chi Đại tướng các vị… Lại mời tiếp Đại Vi Đà Thiên, Bồ Đề Thụ Vương Thiên, Kiên Lao Địa Thần Thiên, Ha Lợi Đế Nam Thiên, Nhật Cung Thái Dương Thiên, Nguyệt Cung Thái Âm Thiên, Quỷ Tử Thánh Mẫu Thiên, Sa Kiệt Long Vương Thiên, Tâm Thập Tam Thiên, Thiên Nam Thiên Nữ, Thiên Tiên Quyến Thuộc và Tinh Cung Nguyệt Phủ Thiên, Diêm Ma La Vương Thiên, Khẩn Na La Vương Thiên, Lôi Thần Đại Tướng và Ký Vị Chư Thiên, Kim Cương Lực Sĩ, Bát Bộ Thiên Long thị chúng thiên cung, và Kim Thần Trai chủ Bổn mệnh Tinh quân, tất cả đều kính mời an tọa.
Sau khi các vị pháp sư tụng xong Phổ đại nữ chú, thầy tri sự cất lời tán:
Công đức Phật không thể lường;
Chúc thọ quân vương vạn tuế.
Bốn ân ba cõi nguyện báo đền;
Người thân, kẻ oán đều siêu thoát.
Hiện thời tất cả phúc huệ tăng;
Lâm chung chính niệm chiêu ảnh.
Phật đưa kim thủ phóng hào quang;
Tiếp dẫn vãng sinh nơi cực lạc.
Kết thúc Nguyện kệ rằng:
Nguyện tiêu tam chướng và phiền não;
Nguyện đạt trí tuệ thấu tỏ hết.
Nguyện tội chướng đều tiêu trừ
Đời đời thường theo đạo Bồ Tát.
(3) Kính dâng trai pháp. Thầy tri sự biết hội điện chủ đã thức dậy, âm nhạc đã nổi lên. Mọi người tề tựu nơi đàn tế, do thầy tri sự chỉ huy, đem những tách trà đã cúng ở Tam bảo Phật, Pháp, Tăng và chư thiên cất đi, nhớ hai tay bưng đỡ. Người bưng mâm đi vào lễ đàn, mọi người chia nhau đặt tách trà vào mâm, người bưng mâm theo thứ tự lui ra. Đầu tiên thu tách trà ở các vị thị thiên (người hầu chư thiên), tiếp đến thu ở bàn Vi Đà Thiên, cuối cùng thu tách trà ở bàn Tông thân và Bổn mệnh Tinh quân. Những tách trà cúng dường Tam bảo và chư thiên không được tùy tiện đổ đi, có thể dùng bình ấm tinh sạch rót vào, hoặc để lại cho trai chủ tự dùng, hoặc có thể hâm nóng rồi chia cho mọi người cùng uống để biểu thị lòng tôn kính, nhuần đượm pháp ích của Tam bảo và chư thiên.
Sau đó, người bưng mâm theo thứ tự đem trái cây, bánh cúng đơm trong các đĩa nhỏ đã cúng Tam bảo và chư thiên xuống. Dâng tách trà lần thứ nhất, bàn giữa ba tách, hai bên trái - phải sáu tách, bàn ngoài bốn tách. Đợi trai chủ niêm hương lễ bái xong, dâng tách trà lần thứ hai như lần trước, cho đến tách trà lần thứ tư, sau đó lại dâng cơm, cách thức giống lần trước. Dâng cơm xong, lại dâng năm tách trà, cho đến tách thứ chín. Sau khi đặt cúng phẩm lên đầy đủ, trai chủ đứng trước bàn Tam bảo, thành tâm lạy ba lạy. Rồi theo thứ tự ai nấy đến trước bàn kính thỉnh cúng dường chư thiên lễ ba lạy, và theo thứ tự bước ra, trở về chỗ cũ.
(4) Lúc thượng cúng, thầy tri sự cử Hương tán, rồi tụng niệm Biến thực Chân ngôn hai mươi mốt lần, Cam lộ thủy Chân ngôn bảy lần, Phổ cúng dường Chân ngôn bảy lần. Thầy tri sự ở nguyên chỗ, lạy ba lạy và quỳ xuống, tuyên đọc văn sớ:
Cúi xin kính báo: Hộ pháp chư thiên, đại quyền chủ tể, thân ở thượng giới mà đức tại nhân gian. Công lớn chống trời dựng đất, sức cả giữ nước an dân. Giáo hóa chúng sinh, cứu độ muôn loài, phát nguyện lớn lao mà giúp Phật truyền dương, thần lực ra uy mà trừ gian diệt ác. Thành tựu cho chúng sinh, cùng chứng đắc được Phật quả. Như thử quy y kim tướng, chiêm lễ uy dung, ngẩng lên trời cao để nhìn ra xa, ngắm lại tâm mình mà xét cho thấu đáo. Không trái lời thề, khắp nơi cầu đảo, kính cẩn quỳ ai, mạo thiên bồng tọa…
Tuyên đọc văn sớ xong, tụng niệm Lăng Nghiêm chú, Tâm kinh, sau đó cử Hồi hướng tán:
Hồi hướng Tam bảo, Bát bộ Thiên Long, các hoàn bổn giới diễn chân tông, pháp thiện khánh chu long, giá khởi vân tùng, sở nguyện giai ưu sùng.
Cuối cùng, cử Tông thánh tán và kết thúc:
Đức Phật từ bi quảng đại, cảm ứng không sai. Ánh sáng tam muội chiếu khắp hà sa, nguyện không rời đức Phật Thích Ca, xin giáng phúc cho trai gia, đất vàng đầy những liên hoa.
Thích Trí Nghĩ liễu ngộ kinh Pháp Hoa