Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hè tháng 7 năm 1965 ấm áp hôm đó, ngày mẹ tôi đột ngột qua đời vì một căn bệnh lạ ở tuổi ba mươi sáu. Chiều hôm đó, một cảnh sát ghé qua hỏi ý kiến của cha tôi để bệnh viện được sử dụng van động mạch chủ và giác mạc mắt của mẹ. Tôi hoàn toàn sửng sốt. Tôi nghĩ: Bác sĩ muốn giải phẫu tử thi của mẹ để hiến tặng cho người khác, rồi vừa chạy vào nhà vừa khóc.
Mười bốn tuổi, tôi không thể hiểu tại sao người ta lại lấy đi người mà tôi yêu quý. Đã thế, cha tôi còn nói: “Tôi đồng ý”.
Tôi hét lên: “Sao cha có thể để họ làm thế với mẹ chứ? Mẹ con sinh ra lành lặn và mẹ ra đi cũng phải được lành lặn”.
Cha đặt tay lên vai tôi, điềm tĩnh nói: “Linda, món quà quý giá nhất mà con có thể cho đi chính là một phần cơ thể con. Trước đây, mẹ con và cha đã quyết định rằng nếu chúng ta có thể làm thay đổi sinh mạng của một con người sau khi chúng ta chết đi thì cái chết của chúng ta sẽ rất có ý nghĩa”. Cha giải thích cha và mẹ đã quyết định hiến tạng.
Bài học cha dạy tôi ngày ấy đã trở thành một trong những điều quan trọng nhất trong đời tôi.
Nhiều năm trôi qua. Tôi kết hôn và có mái ấm riêng của mình. Năm 1980, cha tôi bệnh phù thủng nặng và chuyển đến sống cùng chúng tôi. Sáu năm sau, cha con chúng tôi dành thời gian để nói về sự sống và cái chết.
Cha vui vẻ nói với tôi rằng khi ông chết đi, ông muốn tôi hiến những bộ phận còn khỏe mạnh của ông cho y học, đặc biệt là đôi mắt. “Ánh sáng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể cho đi.” – Cha nói, không quên nhấn mạnh rằng thật tuyệt vời biết bao nếu một đứa bé có thể được giúp để có thể nhìn thấy và vẽ bầy ngựa, giống như con gái Wendy của tôi đã vẽ.
Con gái tôi chỉ vẽ ngựa, và nó giành hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Cha tôi nói: “Hãy tưởng tượng xem, những người làm cha làm mẹ khác sẽ thấy tự hào biết bao nếu con gái họ có thể vẽ giống như Wendy, và con sẽ tự hào biết bao khi cảm nhận được rằng đôi mắt của cha đã làm nên điều đó”.
Tôi kể cho Wendy nghe và con bé khóc, con bé đến phòng ông ngoại và ôm lấy ông.
Con bé chỉ mới mười bốn tuổi – bằng tuổi tôi lúc tôi được biết đến chương trình hiến tặng cơ thể. Con bé thật khác với tôi!
Cha mất ngày 11 tháng 4 năm 1986 và chúng tôi đã hiến tặng đôi mắt cha theo như ý nguyện của ông. Ba ngày sau, Wendy nói với tôi: “Mẹ, con thật tự hào vì những gì mẹ đã làm cho ông”.
“Điều đó khiến con thấy tự hào?”
“Mẹ có thể coi đó là một điều hiển nhiên! Mẹ có bao giờ nghĩ rằng không nhìn thấy đường thì sẽ thế nào không? Khi con chết đi, con cũng muốn hiến tặng đôi mắt giống như ông.”
Lúc đó, tôi nhận ra rằng cha tôi đã cho đi nhiều hơn đôi mắt của ông. Điều ông để lại trong mắt con gái tôi – chính là niềm tự hào.
Tôi không thể biết được rằng ngày hôm đó, ngày tôi ôm Wendy vào lòng, lại là ngày mà chỉ hai tuần sau đó tôi lại một lần nữa ký tên vào những giấy tờ hiến tặng nội tạng.
Con gái yêu của tôi, Wendy tài năng đã chết vì bị một chiếc xe tải tông vào khi con bé đang cưỡi ngựa bên lề đường. Khi tôi ký vào những giấy tờ hiến nội tạng, câu nói của con bé cứ vang mãi trong tôi: “Mẹ có thể coi đó là một điều hiển nhiên! Mẹ có bao giờ nghĩ rằng không nhìn thấy đường thì sẽ thế nào không?”.
Ba tuần sau cái chết của Wendy, tôi nhận được một lá thư từ ngân hàng mắt.
Thưa ông bà Rivers,
Chúng tôi muốn thông báo cho ông bà biết rằng ca phẫu thuật ghép màng sừng đã thành công. Hiện nay, hai người khiếm thị trước đây đã lấy lại được ánh sáng. Họ chính là hiện thân của con gái ông bà – một người quan tâm đến cuộc sống và muốn chia sẻ vẻ đẹp của cuộc sống cho những người khác.
Nếu ở một nơi nào đó có một người phát hiện ra tình yêu dành cho ngựa và ngồi xuống phác họa lại con ngựa thì tôi nghĩ tôi biết ai đã tặng điều tốt đẹp ấy. Một cô bé với mái tóc vàng hoe, đôi mắt xanh vẫn đang vẽ.
- Linda Rivers