N
hớ lại những gì đã qua, tôi vẫn nghĩ rằng các bác sĩ nên viết giấy chứng tử cho tôi, cũng giống như họ đã làm điều đó với con trai tôi vậy; bởi vì khi con trai tôi mất đi, một phần cuộc đời tôi coi như cũng chết theo thằng bé.
Andy con tôi khoảng 12 tuổi. Nó đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư trong hơn ba năm. Cứ sau mỗi lần trải qua những đợt xạ trị thì bệnh tình của con trai tôi có thuyên giảm được một thời gian, nhưng sau đó lại tiếp tục nặng hơn; và nó đã phải trải qua vài lần như thế. Tôi rất ngạc nhiên vì sự kiên cường của con trai. Mỗi lần bị căn bệnh ung thư hành hạ, nó đều gắng gượng để vượt qua. Có lẽ chính sự dũng cảm và lòng can đảm của Andy đã khiến tôi có một cách nhìn riêng đối với tương lai của nó; hay nói một cách đơn giản hơn là tôi sợ phải đối mặt với cái chết đang chờ đợi con trai tôi phía trước. Nhưng dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa thì tôi vẫn luôn nghĩ là Andy đều có thể vượt qua được, vì vốn dĩ con trai tôi là một đứa trẻ biết vượt qua nghịch cảnh.
Liên tục trong suốt ba mùa hè, Andy đã tham gia vào một hội trại dành riêng cho trẻ em bị ung thư. Thằng bé rất yêu nơi này và dường như rất thích khoảng thời gian được ở lại đấy, đó là khoảng thời gian mà nó có thể quên đi nỗi ám ảnh khi phải nằm viện và cả căn bệnh đang hành hạ để vui đùa như một đứa trẻ. Sau ngày trở về từ hội trại lần thứ ba, chúng tôi đến bệnh viện để khám định kỳ. Lần ấy, chúng tôi đã nhận được tin xấu. Bác sĩ hẹn chúng tôi hai ngày sau đến một bệnh viện cách nhà khoảng hai trăm dặm để tiến hành cấy ghép tủy cho con trai tôi. Ngày hôm sau, chúng tôi bỏ tất cả những thứ cần thiết vào va-li và lên đường.
Một trong những thứ tôi cho vào va-li là món quà mà Andy đã mang về cho tôi từ hội trại – đó là một vật bằng nhựa có thể thu được ánh sáng mặt trời. Nó có hình dáng giống như một chiếc cầu vồng, với một núm nhỏ hình chén để gắn vào cửa sổ. Cũng giống như bao bà mẹ khác, tôi luôn xem những thứ mà con trai mình tặng là báu vật và luôn muốn mang theo chúng bên mình.
Chúng tôi đến bệnh viện và bắt đầu giai đoạn thử thách vô cùng mệt mỏi mà theo như các bác sĩ nói thì đấy chính là cơ hội cuối cùng của con trai tôi. Chúng tôi ở đó bảy tuần, và không ngờ đó lại là bảy tuần cuối cùng trong cuộc đời của Andy.
Từ trước đến nay, chúng tôi chưa bao giờ đề cập đến cái chết, ngoại trừ lần ấy. Andy rất mỏi mệt và hẳn thằng bé cũng biết rằng mình đang dần kiệt sức. Vì thế mà nó cứ cố hỏi tôi cho bằng được. Vì phải trải qua nhiều đợt điều trị hết sức khó khăn nên thằng bé liên tục nôn mửa rồi đuối sức dần. Một lần nọ, sau một lần như thế, Andy quay sang hỏi tôi: “Con có đau đến chết luôn không hả mẹ?”.
Tôi cảm thấy bị sốc, nhưng vẫn trả lời con một cách chân thành: “Mẹ không biết nữa con trai à. Nhưng mẹ không muốn nói về cái chết, bởi con sẽ không chết đâu Andy”.
Thằng bé nắm lấy tay tôi và nói: “Nhưng con cảm thấy rất mệt mẹ à”.
Tôi hiểu những gì thằng bé nói, nhưng tôi đã phải cố gắng phớt lờ chuyện đó đi, đồng thời cố ngăn không cho những ý nghĩ khủng khiếp ấy xâm chiếm tâm trí mình.
Tôi đã dành nhiều ngày chỉ để nhìn Andy ngủ. Thỉnh thoảng tôi ghé đến các cửa hiệu bán hàng lưu niệm để mua thiệp và giấy ghi chú. Lúc đó tôi còn rất ít tiền, khó mà đủ sống qua ngày. Các y tá ở đấy đều hiểu hoàn cảnh của mẹ con tôi nên họ cũng vờ như không hay biết gì khi thấy tôi ngủ lại trong phòng bệnh của Andy và ăn phần thức ăn thừa trong khẩu phần của thằng bé. Thế nhưng tôi luôn cố cóp nhặt để dành tiền mua giấy và thiệp cho Andy vì thằng bé rất thích được nhận thư.
Việc ghép tủy xương là một thử thách vô cùng kinh khủng. Không ai được vào thăm Andy vì hệ miễn dịch của thằng bé hoạt động rất yếu. Tôi biết chắc rằng lúc ấy Andy sẽ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Vì thế tôi quyết định phải làm điều gì đó để giúp Andy bớt cô đơn. Thế là tôi bắt đầu làm quen với tất cả những người lạ trong phòng đợi và nhờ họ: “Ông có thể viết cho con trai tôi một tấm thiệp được không?”. Tôi giải thích hoàn cảnh của con trai tôi rồi đưa cho họ một tấm thiệp hoặc vài tờ giấy để họ viết thư cho thằng bé. Gương mặt của họ biểu lộ sự ngạc nhiên, nhưng rồi họ cũng viết. Không một ai từ chối cả. Họ nhìn tôi và cảm nhận được rằng tôi là một người mẹ đang đau khổ.
Điều làm tôi ngạc nhiên là những con người này cũng đang có nhiều nỗi lo lắng muộn phiền của riêng mình, thế nhưng họ vẫn dành thời gian để viết thiệp cho Andy. Một vài người chỉ ký tên dưới mỗi tấm thiệp kèm lời chúc thằng bé chóng bình phục. Một số người khác thì viết hẳn một bức thư: “Xin chào, tôi từ Idaho đến đây thăm bà ngoại tôi cũng đang điều trị ở bệnh viện này...”; và rồi họ còn kể lại những câu chuyện của mình trên một hoặc hai trang giấy, thỉnh thoảng còn có người mời Andy đến thăm nhà khi nào cậu bé khỏe hơn. Có lần một người phụ nữ gọi tôi lại và nói: “Cách đây vài tuần, chị đã nhờ tôi viết thư cho con trai chị. Giờ tôi có thể viết nữa được không?”. Tôi gửi tất cả những lá thư này cho Andy qua đường bưu điện và hạnh phúc nhìn con say sưa đọc. Andy cứ đều đều nhận được những dòng thư ấy cho đến ngày thằng bé trút hơi thở cuối cùng.
Một ngày nọ, tôi đến cửa hàng lưu niệm để mua thêm một vài tấm thiệp và thấy ở đây có bán một lăng kính cầu vồng. Nhớ đến vật thu ánh sáng mà Andy đã tặng tôi, tôi cảm thấy mình cần phải mua cho thằng bé chiếc lăng kính này. Nó rất đắt, nhưng tôi vẫn quyết định mua và nhanh chóng quay trở về phòng để cho Andy xem món quà.
Thằng bé đang nằm trên giường, kiệt sức đến nỗi không thể ngẩng đầu lên được. Mấy tấm rèm che cửa sổ gần như đã được kéo hết xuống, thế nhưng vẫn có một tia nắng mặt trời chiếu xiên đến tận giường. Tôi đặt lăng kính vào tay Andy và nói: “Andy, hãy làm cho mẹ một chiếc cầu vồng nhé”. Nhưng Andy không thể. Nó cố gắng nắm chặt lấy lăng kính, nhưng điều đó quả thật quá sức của thằng bé.
Thằng bé quay về phía tôi và nói: “Mẹ, ngay khi con khỏe hơn, con sẽ làm cho mẹ một chiếc cầu vồng mà mẹ sẽ không bao giờ quên được đâu”.
Đó là một trong những điều sau cùng mà Andy nói với tôi. Chỉ vài giờ sau, thằng bé đã chìm sâu vào giấc ngủ; và trong đêm đó, Andy lạc vào trạng thái hôn mê. Tôi ở lại bệnh viện với Andy, chăm sóc con cẩn thận, xoa bóp cho con, nói chuyện với con và đọc thư cho con nghe; nhưng thằng bé chẳng hề động đậy. Âm thanh duy nhất mà tôi nghe được là tiếng ro ro và tiếng bíp bíp của những chiếc máy hồi sức chung quanh giường bệnh của Andy. Tôi đã thấy rõ bóng dáng thần chết hiện trên gương mặt của con trai tôi, nhưng tôi vẫn cầu mong vào phút cuối, phép mầu sẽ xuất hiện và đưa thằng bé trở về với tôi.
Sau năm ngày, bác sĩ nói rằng não của Andy đã ngừng hoạt động, và đã đến lúc họ phải tháo máy hồi sức ra khỏi cơ thể Andy.
Tôi hỏi các bác sĩ là liệu tôi có thể ôm con trai tôi một lúc được không. Thế là vào lúc rạng đông, họ mang một chiếc xích đu vào phòng, và khi tôi đã ngồi yên trên ghế thì họ tắt máy, bế Andy ra khỏi giường bệnh và đặt thằng bé vào lòng tôi. Khi họ vừa bế Andy lên, một chân của thằng bé vô tình chạm vào chiếc bình nước bằng nhựa trong ở chiếc bàn bên cạnh, làm chiếc bình ngã lăn trên giường.
“Mở rèm ra đi”. Tôi hét lên nức nở. “Tôi muốn căn phòng này tràn đầy ánh sáng!” Thế là cô y tá nhanh chóng chạy đến cửa sổ và kéo dây rèm.
Ngay khi cô ấy kéo dây rèm, tôi chợt chú ý đến vật thu ánh sáng mặt trời hình chiếc cầu vồng đang được gắn trên cửa sổ. Tôi thở gấp trong sự kinh ngạc. Và rồi khi ánh sáng tràn vào phòng, từng tia nắng đã rọi vào chiếc bình đang ngã lăn trên giường. Tất cả mọi người đều dừng công việc đang làm. Họ sững sờ quá đỗi.
Căn phòng tràn ngập sắc màu. Hàng chục, hàng chục cầu vồng hiện lên trên tường, sàn nhà, trần nhà, trên cả tấm chăn đang bao bọc lấy Andy khi thằng bé nằm yên trong vòng tay tôi - căn phòng như tràn ngập sức sống với vô số những chiếc cầu vồng.
Không ai nói được lời nào. Tôi nhìn xuống con trai mình, thằng bé đã ngừng thở. Andy đã ra đi. Dẫu rất sốc vì đau khổ, tôi vẫn cảm thấy thanh thản. Andy đã tạo nên những chiếc cầu vồng mà thằng bé đã hứa với tôi – những chiếc cầu vồng mà tôi sẽ không bao giờ quên được.
- Linda Bremner