T
ôi nhẹ nhàng lấy chiếc cúp giải Little League của con trai tôi là Joseph, chồng phim X-man và khung ảnh có hình con voi từng dùng để trang trí bức tường trong phòng ngủ của thằng bé để mang trở về căn hộ cũ của chúng tôi. Chỉ mới cách đây hai tuần thôi, Joseph còn rất háo hức khi được dọn về phòng riêng của mình ở căn hộ mới. Thế mà giờ đây, trong khi dọn giường cho con trai, tôi không thể nào ngăn được những dòng nước mắt cứ chực tuôn. Đứa con trai bé bỏng của tôi sẽ không bao giờ còn được ngủ trên chiếc giường này nữa. Tôi đau đớn nghẹn ngào. Tôi sẽ không còn được trông thấy nụ cười cũng như cảm nhận được vòng tay yêu thương của thằng bé nữa.
Tôi tự hỏi làm sao mình có thể tiếp tục sống trên cõi đời này và bắt đầu mở bọc thú nhồi bông mà Joseph đã sưu tập - những chú gấu, khỉ, sóc chuột và cả hươu cao cổ.
Ngồi trên chiếc giường của con trai, tôi ôm chặt chú gấu nhồi bông được đặt tên là Chris Colombus mà lúc nhỏ Joseph rất hay rúc đầu vào nó. Tôi lại đọc quyển Mãi Mãi Yêu Con và một vài câu chuyện khác mà con trai tôi rất thích. Joseph rất thích đọc sách, và đối với thằng bé, những quyển sách còn đặc biệt quý giá vì Joseph mắc chứng kém phát triển trí tuệ nên thằng bé không thể tự đọc sách một mình được.
Tuy vậy, Joseph là một cậu bé giàu nghị lực vì thằng bé không bao giờ để khiếm khuyết đó ngăn cản mình tiếp thu những kiến thức mới. Thằng bé thường mở băng để nghe lại những bài giảng trong sách giáo khoa và cả những bài kiểm tra. Khi hai mẹ con ngồi quanh bàn ăn mỗi tối, tôi lại đọc cho con nghe các đề toán và giúp thằng bé học đánh vần. Joseph học hành rất chăm chỉ và thằng bé luôn có tên trong bảng danh dự của trường. Con trai tôi còn có cả đai xanh karate và là một cầu thủ trong đội bóng chày Little League.
Dù thế nào đi nữa thì Joseph cũng chỉ là một cậu bé bình thường như bao cậu bé khác. Thằng bé rất thích chơi game với anh trai David hoặc đi xem phim với chị gái Shalom. Tuy vậy, Joseph cũng biết thế nào là cảm giác bị xa lánh và cũng hiểu cảm giác của một người khi cần được giúp đỡ.
Tôi không nhớ đã bao lần tôi nhìn thấy Joseph mang hàng hóa giúp những người hàng xóm lớn tuổi hoặc từ chối nhận tiền sau khi cào lớp tuyết để xe của họ có thể tiếp tục dịch chuyển về phía trước. Thằng bé còn thích bày trò múa rối cho một bé gái mắc hội chứng Down ở dưới thị trấn xem. Và một lần nọ, khi bác sĩ cho biết cậu bạn Micah của con trai tôi cần phải thay thận thì thằng bé liền đến bên tôi và nói rằng: “Con thật sự mong muốn có thể cho bạn ấy một quả thận của con mẹ ạ”.
Joseph - đứa con trai bé nhỏ của tôi - luôn làm tôi cảm thấy tự hào, ngay cả vào ngày cuối đời của thằng bé.
Đó là một buổi chiều thứ Bảy, khi tôi đang gấp quần áo trong phòng riêng thì bỗng từ đâu chồng tôi, Lou, thét lên bảo tôi hãy gọi ngay cho 911. Trước đó, anh và Joseph đang bàn luận về một bộ phim mà hai cha con sắp xem thì Joseph bỗng ngã gục xuống giường với một cơn đau đầu dữ dội. Hơi thở của Joseph đứt quãng và sau đó thì ngừng hẳn. Chồng tôi cũng là một bác sĩ nên anh đã hô hấp nhân tạo cho con cho đến khi các nhân viên y tế đến. Sau đó anh ấy gọi cho phòng cấp cứu, còn tôi thì đi cùng xe cứu thương với Joseph và luôn miệng cầu nguyện cho con trai mình đừng mệnh hệ gì.
Joseph, luôn là hiện thân của sự khỏe mạnh, lại mắc chứng phình mạch máu não. Tôi hỏi chồng tôi: “Liệu con chúng ta có chết không anh?”. Ôm chặt tôi vào lòng, Lou trả lời: “Ừ...”.
Không thể nào như vậy được. Chỉ mới cách đây một giờ đồng hồ thôi, con trai tôi còn đang ở nhà xem tivi - vậy mà giờ đây thằng bé lại mê man với các thiết bị hồi sức cấp cứu và hầu như chẳng có hy vọng tỉnh lại. Hụt hẫng và đau đớn, tôi chỉ muốn gào khóc thật to...
Nhưng không còn nhiều thời gian nữa rồi. Còn nhiều điều quan trọng tôi cần phải làm – và tôi phải làm ngay lập tức.
Nhớ lại có lần Joseph bảo muốn cho Micah một quả thận, tôi liền nói với chồng tôi: “Chúng ta hãy hiến các bộ phận trên cơ thể của con anh ạ. Đó là điều con muốn chúng ta làm đấy”.
Điều phối viên cấy ghép sắp xếp mọi việc và chỉ vài giờ sau, gia đình tôi tập trung quanh giường bệnh của Joseph để cầu nguyện cho con và nói lời vĩnh biệt với thằng bé.
Sau đó chúng tôi quay trở về nhà. Suốt đêm hôm ấy, trong khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để tách lấy các bộ phận trong cơ thể của con trai tôi thì tôi nằm cuộn người trên giường của thằng bé, ôm chặt tấm chăn mà nó rất thích và nói rằng tôi sẽ mãi thương nhớ nó.
Tôi không biết mình đã làm thế nào để có thể vượt qua được hai tuần sau đó - đó là thời gian chúng tôi tổ chức đám tang cho thằng bé và chuyển đến ngôi nhà mới mà chúng tôi đã ký hợp đồng. Tôi luôn bật khóc nức nở mỗi khi đến gần phòng ngủ mới của Joseph – căn phòng mà hẳn là thằng bé rất thích nếu nó còn sống. Có một nỗi trống trải quá lớn trong tim tôi.
Rồi một ngày nọ, khi tôi cảm thấy mình không thể nào chịu đựng đau khổ thêm được nữa thì tôi nhận được một lá thư của nhân viên điều phối cấy ghép. “Tôi viết lá thư này để báo cho ông bà biết một tin vui, cũng là kết quả của tấm lòng nhân hậu của ông bà...” Tôi đọc lá thư với những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Bức thư cho biết có hai phụ nữ người Thổ Nhĩ Kỳ, một trong hai người là mẹ của một cậu bé cũng trạc tuổi Joseph, mỗi người đều nhận được một quả thận của con trai tôi và sau đó đã được ghép thận. Trong khi đó, ở Missouri, các tế bào gan của Joseph đã giúp cứu sống một bệnh nhân cần được thay gan đang trong giai đoạn ngặt nghèo. Tại California, có hai đứa bé sẽ sớm được chạy nhảy, vui đùa khi được nhận van tim mới, khỏe mạnh từ con trai tôi. Ngoài ra còn có hai thiếu niên, một ở Thổ Nhĩ Kỳ, một ở New York, đã phục hồi thị lực nhờ vào giác mạc của con trai tôi.
Nhờ con trai tôi mà cuộc sống của bảy con người đã được đổi thay. Tôi mang theo bức thư đó bên mình suốt nhiều ngày liền và cứ đọc đi đọc lại mãi. Tôi đặc biệt lấy làm lạ cho đứa bé nào đã nhận được giác mạc từ con trai tôi. Khiếm khuyết của Joseph là không thể tự đọc sách được, nhưng nhờ món quà đặc biệt này của thằng bé mà giờ đây trên thế giới này sẽ có thêm hai đứa trẻ có thể đọc sách. Điều này giúp tôi hiểu rằng con trai tôi không ra đi một cách vô nghĩa.
Tôi muốn mỗi một người nhận được các bộ phận của con trai tôi đều biết thằng bé là ai. Vì vậy một đêm nọ, tôi đã viết cho mỗi người một lá thư và kể về cậu con trai bé bỏng, người đã để lại cho họ món quà vô cùng quý giá. Tôi nhờ viện cấy ghép gửi tất cả các lá thư ấy tới bảy người đó. Kèm theo thư, tôi còn gởi tặng mỗi người một con thú nhồi bông yêu thích của Joseph và một bản photo bài làm văn mà có lần con trai tôi đã viết về cách chăm sóc chúng.
Nhận thức được những điều tốt đẹp mà Joseph đã mang lại cho cuộc sống này, tôi mới giữ được mình không bật khóc mỗi khi đi ngang phòng của con. Điều đó cũng giúp rất nhiều cho những thành viên khác trong gia đình tôi. Vì sau cùng thì chúng tôi cũng có thể chia sẻ những kỷ niệm tuyệt đẹp về Joseph khi cả gia đình quây quần bên bàn ăn và cả trong những buổi họp mặt gia đình.
Tôi và Lou cũng tưởng nhớ con trai mình bằng những buổi nói chuyện trước nhiều người và trước các học sinh trung học về ý nghĩa của việc hiến các bộ phận trên cơ thể. Sau một cuộc phỏng vấn trên ti-vi, người mẹ trước đây đã nhận được một quả thận từ Joseph đã liên lạc với chúng tôi.
“Tôi không biết phải cảm ơn ông bà thế nào nữa.” Cô ấy nức nở ngay lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Tôi trả lời: “Với tôi, thấy được một phần cơ thể của con trai mình vẫn còn sống là đủ rồi”.
Nhờ có quả thận mới mà người mẹ đó mới có thể tham dự được buổi lễ tốt nghiệp lớp tám của con trai mình. Joseph chưa học đến lớp tám, nhưng thay vì ghen tỵ với niềm hạnh phúc của người mẹ đó, tôi lại cảm thấy tự hào bởi chính con trai tôi đã làm cho điều kỳ diệu ấy trở thành hiện thực.
Con trai tôi đã ra đi, nhưng thực sự tôi cảm thấy như thằng bé vẫn còn và đang làm những điều tốt mà trước kia thằng bé vẫn từng làm - đó là sẵn sàng đưa tay ra với những ai cần được giúp đỡ. Một vài người cho rằng cuộc đời của Joseph thật ngắn ngủi, thế nhưng tôi lại nghĩ rằng thằng bé đã sống một cuộc sống thật trọn vẹn.
Tôi từng nghe nói rằng nếu bạn cứu được cuộc sống của một ai đó thì cũng có nghĩa là bạn đã cứu được cả thế giới. Thế mà con trai tôi đã cứu được cuộc sống của năm con người và còn trao tặng ánh sáng cho hai người khác. Thế thì một người mẹ còn có thể đòi hỏi gì hơn ở con trai của mình? Và người mẹ ấy còn có điều gì đáng để tự hào hơn thế?
- Kathie Kroot
Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình, bởi những điều tốt đẹp mà chúng ta mang lại cho cuộc sống sẽ tạo nên một vòng tuần hoàn và sẽ quay trở về với chính bản thân mỗi người.
- Flora Edwards