N
ăm 2011, khủng hoảng nợ công của châu Âu bùng nổ, đà hồi phục kinh tế toàn cầu bị lay động dữ dội, luận thuyết về sự sụp đổ của đồng Euro lại được dịp lan tràn khắp nơi, sóng xung kích kinh tế bắt nguồn từ châu Âu khiến cho toàn thế giới đều cảm thấy lạnh gáy.
Bản chất của “khủng hoảng đồng Euro” chính là sự khủng hoảng chất lượng của tài sản thế chấp phía sau đồng Euro. Tài sản thế chấp của đồng Euro dựa vào trọng tâm là khối nợ quốc gia của 17 nước thành viên, nguồn tài chính gánh đỡ là nguồn thuế quốc gia, trong khi đó nguồn thuế lại phụ thuộc vào hoạt động kinh tế của các quốc gia. Do đó, xét từ bề nổi, sự khủng hoảng chính là sự không tương thích giữa các chính sách tài chính của các thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhưng trên thực tế, chính sự rạn vỡ trong mô thức phát triển kinh tế của hai khu vực Bắc và Nam châu Âu mới là căn nguyên của vấn đề.
Kể từ khi đồng Euro ra đời, các quốc gia phía Bắc khu vực đồng tiền chung châu Âu mà đại diện là Đức và Hà Lan, đã tận dụng triệt để chính sách tiền tệ lãi suất thấp và mức độ lạm phát thấp nhằm tăng cường sức cạnh tranh công nghiệp. Điều đó diễn ra trong bối cảnh hết sức có lợi cho các quốc gia này do các nước Nam Âu không thể phá giá đồng tiền riêng của mình để cạnh tranh. Các sản phẩm công nghiệp chất lượng cao và giá thành rẻ của Đức đã không ngừng công phá và xâm lấn thị trường Nam Âu. Qua đó Đức tích lũy được khối lượng lớn thặng dư thương mại, kinh tế phát triển ổn định, nguồn tài chính dồi dào. Còn các chủ thể kinh tế Nam Âu trong quá trình cạnh tranh với Bắc Âu đã dần dần tan đàn xẻ nghé. Mức lãi suất thấp của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã kích thích nguy cơ lạm phát tài sản của Nam Âu, mà trung tâm là bong bóng bất động sản. Việc sử dụng hiệu ứng tài chính phúc lợi giả tạo để kích thích nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mô thức phát triển kinh tế với hình mẫu lạm phát tài sản đã thay thế cho mô thức tăng trưởng kinh tế thực thể đang trên đà suy yếu.
Trong khi đó, ở Nam Âu, sự phồn vinh cực độ của thị trường bất động sản và giá cả tư sản không ngừng tăng cao đã kích thích nhu cầu mua bán các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp của Bắc Âu. Nhờ đó, kinh tế Bắc Âu càng có thêm trợ lực, viễn cảnh kinh tế lớn mạnh trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Đồng thời, bữa tiệc thịnh soạn mang tên bong bóng tư sản Nam Âu lại thu hút một lượng lớn nguồn vốn tư bản Bắc Âu, tiến thêm một bước trong việc đẩy cao giá cả tư sản của Nam Âu. Đúng là một khung cảnh phồn vinh tuyệt hảo của việc đổ thêm dầu vào lửa, dệt hoa trên gấm! Các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp chính là những đại diện điển hình của mô thức này. Thị trường bất động sản leo thang, giá cả tư sản tăng nhanh chóng mặt, các nguồn vốn ngoại lai khổng lồ không ngừng đổ vào, quy mô tiêu dùng tăng mạnh, nguồn tài nguyên thuế vô cùng dồi dào. Nhưng hệ lụy đi cùng với đó là thâm hụt thương mại ngày càng lớn, thu-chi tài chính trở nên vô độ, mức nợ ngân sách tăng chóng mặt.
Sự phồn thịnh mà Nam Âu “mượn” đến rất nhanh, nhưng đi còn nhanh hơn thế. Khi tốc độ tăng trưởng nợ vượt xa so với tốc độ tăng thu nhập thì sự đứt gãy của chuỗi vốn chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi bong bóng bất động sản 2011 vỡ tung, giá cả tư sản ở các quốc gia Nam Âu sụt giảm khủng khiếp, mức độ tiêu dùng co lại. Cùng với đó, đầu tư ảm đạm, thất nghiệp trầm trọng, nguồn thu thuế giảm sút, thương mại tiêu điều, Nam Âu rơi vào cục diện rủi ro tháo vốn ra nước ngoài và nguy cơ rủi ro tín dụng ở mức cao.
Nếu nhìn thấu được bản chất của khủng hoảng nợ công châu Âu, hiển nhiên là để thực sự khôi phục nền kinh tế châu Âu, thì không thể chỉ đề xuất ra những biện pháp ứng cứu cấp thiết như “Tài chính liên minh”, “Ngân hàng liên minh”, “Trái phiếu Euro” là có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Thế nhưng, xét theo những biện pháp ứng phó do Liên minh châu Âu đề xuất, “tài chính liên minh” sẽ trở thành Bộ Tài chính thống nhất của Liên minh châu Âu, thu nạp chủ quyền tài chính của các quốc gia. “Ngân hàng liên minh” sẽ nắm quyền giám sát quản lý tài chính của các quốc gia. Còn mục đích của “trái phiếu châu Âu” lại nhằm thay thế chủ quyền tín dụng của các quốc gia. Thêm nữa, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nắm giữ quyền phát hành tiền tệ, thì hậu khủng hoảng, chủ quyền tiền tệ của các quốc gia trong Liên minh châu Âu sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn!
Có lẽ kết cục của khủng hoảng nợ công châu Âu không phải là sự giải thể của đồng Euro, mà là đẩy đổ cải cách, các quốc gia bị ép phải chắp tay dâng hiến chủ quyền tài chính, và cuối cùng là tăng tốc để sinh ra cái gọi là “Hợp chúng quốc châu Âu!” Trải qua cuộc khủng hoảng lần này, rốt cuộc ai mới là người hưởng lợi lớn nhất? Hiển nhiên không phải là chính phủ các nước, bởi quyền lực chủ yếu của họ sẽ mất đến tận gốc. Cũng không phải là nhân dân các nước, vì họ sẽ bị ép phải đứng ra “thanh toán” cho cuộc khủng hoảng lần này. Vậy người hưởng lợi lớn nhất rốt cuộc là ai? Đó chính là nguồn vốn!
Nhìn theo một khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng này có thể coi là cuộc so kè giữa “chủ quyền” và “quyền lực tài chính”.
Quyền năng tối cao của nguồn vốn tư bản là phá vỡ mọi hạn chế đối với nguồn vốn, dùng tiền tệ để thống lĩnh kinh tế, dùng kinh tế để chèo lái chính trị, dùng “quyền lực tài chính” để xưng bá thiên hạ! Thế nhưng, nguồn vốn tư bản thường bị giới hạn bởi biên giới chủ quyền và sự quản lý giám sát tài chính giữa các quốc gia. Trong một quốc gia, nguồn vốn tư bản sẽ buộc phải đối diện với nhiều sự gò ép. Bên trên là sự kiểm soát ngặt nghèo của nghị viện, phía dưới là sự khống chế của công đoàn, ở giữa lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ mức thuế và phúc lợi xã hội cao, nên nó khó có thể tự do lưu động và tùy ý trục lợi. Vì vậy, việc suy yếu hóa chủ quyền, thủ tiêu biên giới chủ quyền, xóa bỏ quyền lực chủ quyền và biến châu Âu thành một khối thống nhất đã làm cho nguồn vốn có thể tự do tung hoành ngang dọc mà không bị khống chế. Châu Âu trở thành một lục địa rộng lớn do tiền tệ thống trị chính là “Hợp chúng quốc châu Âu” trong lý tưởng!
Nếu như không có sự soi chiếu lịch sử thì cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu xảy ra trước mắt, quả thực sẽ khiến cho tất cả chúng ta phải choáng váng. Xét từ ý nghĩa đó, cuốn sách này muốn mang đến cho độc giả cái tinh thần quật khởi của thế lực tài chính châu Âu gần 300 năm nay. Chúng ta có thể coi cuốn sách này là “tiền truyện của khủng hoảng nợ công châu Âu”.
Sự quật khởi của quyền lực tài chính không phải là một lý thuyết ảo tưởng, quá trình này đã đi cùng với sự thịnh suy của 17 đại gia tộc trong lĩnh vực tài chính. Họ đều từng phát huy sức ảnh hưởng to lớn của mình đối với nền kinh tế, quyền lực chính trị và chiến tranh xung đột giữa các quốc gia. Tư đó để thấy sự ra đời của Liên minh châu Âu và sự xuất hiện của đồng Euro có liên hệ mật thiết với sự tồn tại của các gia tộc tài chính này. Tương tự như vậy, phương hướng của khủng hoảng nợ công châu Âu, vận mệnh của đồng Euro, cùng với sự xuất hiện của Hợp chúng quốc châu Âu trong tương lai, vẫn có sự tương quan mật thiết với họ.
Năm 2009, trong ấn bản thứ nhất của cuốn sách này, tôi đã đưa ra ba dự đoán quan trọng. Thứ nhất, kinh tế Âu Mỹ sẽ vô cùng ảm đạm trong một thời gian dài (ít nhất là 10 năm), dù họ có nới lỏng chính sách tiền tệ hay kích thích tài chính, về cơ bản đều không hiệu quả. Thứ hai, khi khái niệm “lượng khí thải carbon” vẫn còn tương đối xa lạ với Trung Quốc, sẽ phát huy tác dụng ngày càng quan trọng đối với kinh tế và xã hội; nó sẽ bị “tài chính hóa” và “tiền tệ hóa”. Thứ ba, loại tiền tệ khu vực sẽ từng bước thay thế loại tiền tệ chủ quyền và hướng đến sự thống nhất tiền tệ trên toàn thế giới.
Ba năm sau, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể giống như những đánh giá lạc quan ban đầu của các quốc gia. Sự nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính khó có thể đạt được hiệu quả lâu bền. Nền kinh tế Mỹ sau khi trải qua hai đợt nới lỏng tiền tệ, tổng dư nợ quốc gia đã tăng vọt lên ngưỡng 50%, trong khi tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức trên 8%. Nếu cộng thêm số lượng người làm việc bán thời gian, theo thời vụ và từ bỏ hy vọng tìm việc làm thì trên thực tế, tỉ lệ thất nghiệp còn chạm mức 15%! Đây là tình trạng khốn khó nghiêm trọng chưa từng có kể từ đợt khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ XX. “Liều thuốc trợ tim” cho tiền tệ rõ ràng chưa cho thấy hiệu quả. Khi giấc mộng hồi phục kinh tế Âu Mỹ bị gián đoạn giữa chừng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các quốc gia mới nổi cũng giảm xuống rõ rệt, nền kinh tế thế giới đang lún sâu vào một vũng lầy hiểm ác hơn nữa.
Trong vòng ba năm qua, khái niệm “lượng khí thải carbon” đã giành được nhiều sự chú ý từ các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, đến những người dân bình thường. Giao dịch lượng khí thải carbon của các quốc gia Âu Mỹ đã trở thành một sản phẩm trọng yếu trên thị trường tài chính, còn Sở giao dịch Lượng khí thải Carbon của Trung Quốc hiện cũng đang tích cực được xây dựng. Năm 2012, trong những việc làm thu hút đầu tư nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế do chính phủ Trung Quốc liệt kê ra, thì tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải là hạng mục thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Nếu như sự ra đời của Hợp chúng quốc châu Âu là kết quả tất yếu của sự quật khởi quyền lực tài chính, vậy thì đồng Euro với tư cách là bài test quan trọng của một loại tiền tệ khu vực, chắc chắn sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trên con đường hướng tới sự thống nhất tiền tệ trên thế giới!
Bắc Kinh, tháng 9 năm 2012