Đ
ầu năm 2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu rút dần khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài 5 năm, và nền kinh tế toàn cầu lúc đó đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường sinh thái tài chính. Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, đồng đô-la với định giá rẻ đã tràn ngập thế giới. Trong làn sóng kích thích tiền tệ ở nhiều quốc gia, các khoản nợ đã tăng vọt, nguy cơ bong bóng đã nổi lên và giá trị tài sản ở mức cao chót vót. Cũng trong lúc đó, sự phục hồi của các ngành công nghiệp vẫn rất chậm chạp, sự phân chia tài sản ngày càng mạnh, tăng trưởng việc làm bị chậm lại và nhu cầu của người tiêu dùng trên đà giảm sút. Những “cố tật” đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trong quá khứ vẫn chưa bị triệt tận gốc, và những thách thức mới bắt nguồn từ việc nới lỏng tiền tệ đã ở ngay trước mắt. Khi FED – được coi là “suối nguồn” của sự mở rộng tiền tệ trên thế giới – bắt đầu đạp phanh, các quốc gia với thị trường mới nổi đã thức tỉnh khỏi cơn ảo tưởng về sự tăng giá phi mã tài sản, dưới áp lực của mức nợ công cao, những hệ lụy về mặt tài chính đã xảy ra, thị trường chứng khoán sụt giảm trầm trọng, và thị trường trái phiếu cũng ầm ầm lao dốc. Tỷ giá chuyển đổi tụt dốc không phanh, và bước ngoặt trong bất động sản đột nhiên xuất hiện. Dấu hiệu của một cơn giông bão đang tới gần, và một cuộc khủng hoảng mới đã không còn xa nữa.
Mọi người cuối cùng sẽ thừa nhận rằng, việc nới lỏng tiền tệ không thể giải quyết vấn đề, mà chính nó gây ra vấn đề!
Người ta có câu “Giữa các quốc gia thì có ranh giới, nhưng tiền bạc thì không có ranh giới”. Các quốc gia thống trị tiền tệ luôn có thể kiểm soát chi phí vốn bằng các loại tiền dự trữ của thế giới và tác động đến sự biến động của tỷ giá hối đoái, dòng vốn và sự khan hiếm tín dụng ở các quốc gia khác, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng kinh tế, an ninh tài chính và ổn định xã hội của các quốc gia khác. Tiền tệ chưa bao giờ là một yếu tố kinh tế trung lập, và phát hành tiền tệ là một trong những quyền lực quan trọng nhất trong xã hội loài người. Giống như cựu giáo sư nhân học Mỹ, Jack Weatherford nói: “Kiểm soát tiền tệ là một cuộc tranh đấu vĩ đại. Kiểm soát việc phát hành và phân phối tiền tệ là kiểm soát tài sản, tài nguyên và toàn nhân loại”.
Điều này đúng không chỉ trong thực tế, mà cả trong lịch sử, không chỉ ở phương Tây, mà cả ở Trung Quốc.
Trong lịch sử văn học của Trung Quốc, tiền tệ ít nổi bật hơn hẳn so với vị thế chính trị, văn hóa hoặc quân sự. Mọi người thường quen thuộc với tài văn thao võ lược của các bậc đế vương, biết rõ các sự tích về những bậc năng tướng công thần của các triều đại, đặc biệt là các tác phẩm thi ca của các tao nhân mặc khách lại càng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng phạm trù tiền tệ thì chỉ có rất ít cơ hội để xuất đầu lộ diện. Tiền tệ ở Trung Quốc dường như là một lĩnh vực bị lãng quên từ lâu.
Cuốn sách này sẽ từng bước khai mở bức tranh về lịch sử Trung Quốc cận đại dọc theo trục chính là tiền tệ. Thông qua hiệu ứng thấu thị của loại “nước rửa ảnh” mang tên tiền tệ, một loạt các hình ảnh quen thuộc sẽ hiển hiện thành những phong cách và góc nhìn hoàn toàn khác nhau. Tại sao thương mại nha phiến và Chiến tranh Nha phiến chỉ xảy ra ở Trung Quốc? Tại sao cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản lại thành công, còn Phong trào Tây phương hóa của Trung Quốc thì thất bại? Tại sao Tưởng Giới Thạch hoàn thành cuộc Bắc phạt với đồng rúp của Liên Xô, nhưng đột nhiên trở mặt chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc? Tại sao cả Quốc dân Đảng lẫn Đảng Cộng sản đều “một tay cầm chắc súng, một tay nắm túi tiền”? Tại sao Tưởng Giới Thạch có thể thống nhất tiền tệ nhưng không duy trì chủ quyền tiền tệ? Tại sao cuộc Cải cách Tiền tệ của Quốc dân Đảng lại chọc giận Nhật Bản, dẫn dụ sự chú ý của Anh, nhưng cuối cùng lại rơi vào vòng tay của Mỹ? Tại sao lại có sự tranh chấp giữa quyền lực hoàng gia và quyền lực tài chính ở Nhật Bản? Tại sao Quân đội Nhật Bản luôn xảy ra tình trạng “hạ khắc thượng”? Tại sao Nhật Bản liên tục xảy ra các cuộc đảo chính và ám sát? Tại sao Cải cách Tiền tệ của Quốc dân Đảng lại kích thích Nhật Bản và đẩy nhanh sự bùng nổ của cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản? Tại sao đồng tiền của Quốc dân Đảng lại đi tới bờ vực sụp đổ, trong khi đồng nhân dân tệ của Đảng Cộng sản thì ngạo nghễ ra đời?
Những câu hỏi lịch sử này buộc tôi phải tiến hành tư duy một cách sâu sắc hơn, và dần dần nhận thức được ảnh hưởng to lớn của quyền phát hành tiền tệ đối với lịch sử Trung Quốc hiện đại. Để cấu thành và thực hiện quyền phát hành tiền tệ, cần phải có cả một bộ cấu trúc hệ thống để hỗ trợ nó. Đây là một cách hiểu mới của tôi về quyền phát hành tiền tệ trong cuốn sách này. Tôi gọi hệ thống này là “Biên giới tài chính”, giống như biên giới trên cao của một quốc gia.
Lý thuyết Biên giới trên cao là một tư duy an ninh quốc gia mới mẻ, được khởi xướng bởi trung tướng Quân đội Mỹ Graham vào đầu những năm 1980. Tiếp nối Lý thuyết Sức mạnh Trên biển của Mahan và Lý thuyết Sức mạnh Không gian của Douhet, ông đề xuất rằng không gian trên cao cũng là một loại “biên giới trên cao” mà các quốc gia có chủ quyền phải dốc sức bảo vệ, và hình thành nên cơ sở lý thuyết của kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ.
Khi nghiên cứu lịch sử tài chính của châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác, tôi ngày càng cảm thấy rằng tài chính là “biên giới thứ tư” mà một quốc gia có chủ quyền bắt buộc phải bảo vệ. Khái niệm biên giới của một quốc gia có chủ quyền không chỉ bao gồm không gian vật lý ba chiều được hình thành bởi đất, biển và bầu trời (bao gồm cả không gian), mà còn cả một không gian mới: Tài chính. Trong thời đại mà những đám mây đen của cuộc chiến tiền tệ quốc tế đang bao phủ, tầm quan trọng của biên giới tài chính sẽ ngày càng trở nên nổi bật.
Từ con đường tiến hóa tài chính của các quốc gia châu Âu và Mỹ, có thể thấy rõ rằng bản vị tiền tệ1, ngân hàng trung ương, mạng lưới tài chính, thị trường giao dịch, tổ chức tài chính và trung tâm thanh toán tạo thành cấu trúc hệ thống của biên giới tài chính. Mục đích chính của việc thiết lập hệ thống này là để đảm bảo hiệu quả và an toàn của tiền tệ đối với việc huy động nguồn lực. Từ nguồn tạo ra tiền tệ là ngân hàng trung ương, cho đến tay khách hàng cuối cùng tiếp nhận tiền tệ, từ mạng lưới dày đặc của dòng tiền, cho đến trung tâm thanh toán và trao đổi tiền tệ, từ thị trường giao dịch hối phiếu tài chính, cho đến hệ thống xếp hạng và đánh giá tín dụng, từ việc giám sát hệ thống pháp lý tiền tệ mang tính mềm dẻo, cho đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính mang tính cứng rắn, từ các tổ chức tài chính khổng lồ, cho đến các hiệp hội công nghiệp hoạt động hiệu quả, từ các sản phẩm tài chính phức tạp, đến một loạt các công cụ đầu tư, biên giới tài chính đã bảo vệ dòng máu tiền tệ từ trái tim là các ngân hàng trung ương, chảy đến từng mạch máu và mao mạch tài chính, thậm chí là tất cả tế bào của toàn bộ nền kinh tế. Cuối cùng nó chảy trở lại một cách hiệu quả và an toàn trong hệ thống lưu thông của các ngân hàng trung ương.
1 Bản vị tiền tệ là thứ được dùng làm cơ sở định giá đồng tiền quốc gia. Đây là yếu tố thường thay đổi trong chế độ tiền tệ.
Điều này cung cấp một góc nhìn mới về chiến lược quốc tế hóa hối phiếu nhân dân tệ trong tương lai. Quốc tế hóa hối phiếu nhân dân tệ không đơn giản là đưa đồng nhân dân tệ ra bên ngoài, rồi tiến hành lưu thông ngoại thể. Tự do trao đổi đồng nhân dân tệ, bãi bỏ các quy định quản chế dự án vốn, thanh toán nhân dân tệ cho thương mại xuyên biên giới, xây dựng các trung tâm hoán đổi tiền tệ và nhân dân tệ hải ngoại chỉ là giai đoạn sơ khởi của quá trình quốc tế hối phiếu nhân dân tệ. Nhiệm vụ này phải được phối hợp với cả một bộ hệ thống hoàn chỉnh thì mới đạt được kết quả mong muốn. Đồng nhân dân tệ cần phải ra ngoài, cần phải được nhìn thấy và được quản lý. Trong tương lai, bất kể là nơi nào trên thế giới, miễn là đồng nhân dân tệ tồn tại thì đó chính là lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Và Trung Quốc bắt buộc phải tiến hành giám sát một cách đáng tin cậy và hiệu quả, để đảm bảo rằng những đồng nhân dân tệ lưu hành ở nước ngoài này được sử dụng trong phạm trù “hợp pháp”.
Trong cuốn sách này, bạc chính là một sợi dây ngầm xuyên suốt từ đầu chí cuối. Là một loại tiền tệ, bạc đã trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Trung Quốc trong 500 năm lịch sử. Nó từng là một loại tiền tệ thế giới thực thụ và đã đóng một vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy thương mại Đông-Tây suốt 400 năm qua. Nó cũng là một kim loại công nghiệp được sử dụng rộng rãi và trong quá trình đồng đô-la suy giảm trong tương lai, nó sẽ đóng vai trò kép quan trọng hơn về tài chính và công nghiệp. “Vật dĩ hi vi quý2” chính là nguyên lý muôn thuở của đầu tư, và bạc đáp ứng hoàn hảo nguyên tắc này.
2 Sự quý giá của đồ vật dựa trên số lượng hiện hữu của nó.
Trong quá trình sáng tác cuốn sách kéo dài hai năm (mùa Thu 2008 đến mùa Thu 2010), do cuộc khủng hoảng tài chính, giá bạc đã giảm xuống còn 9 đô-la (mỗi ounce) và ổn định ở mức 15 đô-la trong hầu hết thời gian sau đó, do vậy tôi cho rằng giá bạc đã ở trong trạng thái bị định giá thấp và độc giả nên cân nhắc đối với việc đầu tư bạc.
Sau khi cuốn sách được hoàn thành vào mùa Thu năm 2010, giá bạc đã tăng mạnh từ 18 đô-la và đạt gần 50 đô-la vào mùa hè năm 2011. Tất nhiên, sự cuồng nhiệt mang tính đầu cơ rất khó duy trì lâu dài, và giá bạc cuối cùng đã trở về mức ổn định từ 20 đến 25 đô-la. Xem xét đến hiện trạng “siêu phát” tiền tệ toàn cầu hiện nay và mối lo ngại lạm phát trong tương lai, cộng với sự gia tăng đáng kể chi phí khai thác bạc, tôi nghĩ rằng một lần nữa bạc lại bị rơi vào trạng thái bị đánh giá thấp.
Mục đích của việc nghiên cứu lịch sử tiền tệ là để nhận rõ tình trạng tiền tệ hiện tại và hiểu rõ hơn về tương lai của nó. Năm năm kể từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính, những hiểm họa do chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu gây ra còn nhiều hơn số lượng vấn đề mà nó đã giải quyết. Nó không những chẳng mang lại sự phục hồi kinh tế thực sự, mà còn đẩy thế giới đến bờ vực của cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Vận mệnh của tiền tệ cuối cùng sẽ đại diện cho vận mệnh của quốc gia. Tiền tệ đi đến nơi nào, nó sẽ chỉ hướng để thế giới đi tới đó. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Song Hong Binh
Bắc Kinh, tháng 3 năm 2014