LỜI DẪN CHƯƠNG
Ai là hung thủ thực sự đã sát hại Hồ Tuyết Nham?
Tại sao cuộc Chiến tranh Nha phiến chỉ xảy ra ở Trung Quốc?
Tại sao bản vị bạc của Trung Quốc bị bản vị vàng của Anh đánh bại?
Tại sao hệ thống “tiền trang” và “phiếu hiệu”3 của Trung Quốc không phát triển thành một đế chế tài chính của thế giới?
Tại sao chỉ có những kẻ mại bản4 giàu sụ ở Trung Quốc?
3 Các cơ sở kinh doanh và trao đổi tiền bạc, ngân phiếu thời phong kiến của Trung Quốc.
4 Chỉ những thương nhân bản địa chuyên thay mặt người nước ngoài tiến hành thu mua sản phẩm, vật liệu và trao đổi tiền tệ ở Trung Quốc.
Các cường quốc phương Tây sẽ không thể biến Trung Quốc thành vùng đất nửa thuộc địa chỉ bằng cách dựa vào pháo hạm và các cuộc cách mạng công nghiệp. Cắt đất nhượng địa, bồi thường chiến phí và mở các cảng thương mại cũng chẳng thể bóp nghẹt tiềm lực kinh tế của Trung Quốc. Nguyên nhân thực sự dẫn tới sự suy tàn của nhà Thanh là do các lực lượng vốn tài chính phương Tây đã tiến hành công phá biên giới tài chính của Trung Quốc.
Mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu của việc buôn bán nha phiến là lật đổ hệ thống tiền tệ của Trung Quốc, việc xây dựng và thực hiện chiến lược này bắt nguồn từ thành phố tài chính London. Cuộc Chiến tranh Nha phiến thực ra là một trận chiến quyết định chiến lược giữa bản vị vàng của Anh và bản vị bạc của Trung Quốc. Kết quả của cuộc chiến sẽ quyết định sự thịnh suy hưng vong của phương Đông và phương Tây trong vài trăm năm tới!
Đối với các chủ ngân hàng của Đế quốc Anh, mục tiêu chiến lược cao nhất của nó chính là sử dụng London làm trung tâm tài chính thế giới, sử dụng vàng làm bản vị của tiền tệ thế giới. Đế quốc Anh đã xuất khẩu tín dụng bảng Anh ra thế giới thông qua Ngân hàng Anh, biến các nước chủ chốt ở châu Âu và châu Mỹ thành những thành viên cốt lõi của bản vị vàng, biến các quốc gia ở vùng ngoại vi trên thế giới thành những khu vực phụ thuộc của đồng bảng Anh, duy trì hoạt động của hệ thống này bằng chiến tranh và bạo lực, kiểm soát và huy động các nguồn lực toàn cầu ở mức độ tối đa bằng tiền tệ. Cuối cùng, nó hoàn thành việc kiểm soát toàn bộ của cải trên thế giới và nhân loại.
Lực lượng đột kích vốn tài chính của Anh có uy lực lớn hơn nhiều so với lực lượng hải quân tinh nhuệ của họ. Đầu tiên họ sẽ đánh bại bản vị bạc của Trung Quốc, chiếm lấy điểm cao chiến lược của ngân hàng trung ương để kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ của nhà Thanh, xâm nhập và phá hoại mạng lưới tài chính của Trung Quốc, nắm chặt các kênh cho dòng vốn và tín dụng của Trung Quốc, hoàn thành quyền kiểm soát toàn diện biên giới tài chính Trung Quốc.
Với việc mất kiểm soát đối với biên giới tài chính, quyền định giá thương mại của Trung Quốc, quyền định vị phát triển công nghiệp một cách độc lập, quyền thu thuế tài chính của chính phủ và quyền chi tiêu quân sự và quốc phòng sẽ dần bị biến mất. Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi kết cục trở thành một con cừu nằm chờ các cường quốc phương Tây xuống tay giết hại.
Trên thực tế, tài chính, chứ không phải quân sự, chính là nguyên nhân trước tiên dẫn tới sự bại vong của nhà Thanh.
Vào cuối thế kỷ XIX, chiến lược gia Mahan của Mỹ là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Kiểm soát biển” và tin rằng “kiểm soát đại dương chính là kiểm soát thế giới”. Năm 1921, Douhet người Ý đã đưa ra khái niệm “Kiểm soát trên không” và đề xuất rằng “nắm được quyền kiểm soát trên không đồng nghĩa với việc giành chiến thắng”. 60 năm đã trôi qua, đến lượt Trung tướng Graham của Quân đội Mỹ đề xuất lý thuyết “Biên giới trên cao” của khái niệm “kiểm soát không gian”, tin chắc rằng “kiểm soát được không gian bên ngoài Trái Đất là có thể thống trị thế giới”.
Graham có rất nhiều kinh nghiệm phong phú, từng nhậm chức Phó cục trưởng Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ, Phó cục trưởng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và Cục trưởng Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ. Năm 1980, ông cũng từng làm cố vấn quốc phòng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Reagan. Ngay sau khi Chính quyền Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, Graham đã thành lập một nhóm nghiên cứu “biên giới trên cao” với sự tài trợ của Quỹ Di sản Mỹ. Nhóm nghiên cứu bao gồm hơn 30 nhà khoa học, nhà kinh tế, kỹ sư vũ trụ và chiến lược gia quân sự nổi tiếng của Mỹ. Sau hơn bảy tháng, báo cáo nghiên cứu của ông đã được công bố vào ngày 3 tháng 3 năm 1982 với tiêu đề Biên giới trên cao - Chiến lược quốc gia mới. Sau khi chiến lược “Biên giới trên cao” được công bố, nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của chính phủ, quân đội và công chúng Mỹ, và tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, quân sự, công nghệ cao của Mỹ và tình hình thế giới. Cốt lõi của chiến lược “Biên giới trên cao” đề cập đến Mỹ - quốc gia có truyền thống liên tục mở rộng lãnh thổ trong lịch sử, trong tương lai sẽ cần phải thực hiện những chuyến thám hiểm mới ở bên ngoài Trái Đất và biến không gian vũ trụ trở thành lãnh thổ chiến lược mới, nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ.
Dù là “Sức mạnh hàng hải”, “Sức mạnh không quân hay “Biên giới trên cao”, xét cho cùng, chúng đều nhấn mạnh đến phạm vi kiểm soát và khả năng kiểm soát. Từ quan điểm của nền văn minh phương Tây, tất cả các khu vực có hoạt động của con người nhưng không bị kiểm soát đều được coi là “biên cương” cần phải được chinh phục.
Trên Trái Đất, từ lục địa đến đại dương, từ đất liền đến bầu trời và thậm chí bao gồm cả không gian, những không gian vật lý với các hoạt động của con người về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ bởi các cường quốc. Và lĩnh vực tài chính đang ngày càng trở thành chiến trường chính trong trò chơi của các cường quốc.
Biên giới của một quốc gia không chỉ là không gian vật lý ba chiều bao gồm đất, biển và tầng không. Nó sẽ cần bao gồm một không gian mới: Biên giới tài chính.
“SĂN” HỒ TUYẾT NHAM
Hồ Tuyết Nham
Tuyệt đỉnh thương nhân
Đầu tháng 11 năm 1883, Hồ Tuyết Nham trải qua giai đoạn dằn vặt, trăn trở nhất trong cuộc đời. Đế chế tài chính mà ông đã dày công vun đắp suốt cả cuộc đời sắp đến hồi sụp đổ. Đây là một “siêu huyền thoại” được tạo dựng bởi 20 triệu lạng bạc. Nếu ước tính bằng sức mua lương thực, một lạng bạc tương đương với khoảng 200 nhân dân tệ hiện nay. Nói cách khác, đế chế tài chính của Hồ Tuyết Nham vào thời điểm đó có tổng lượng tài sản đạt 4 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Hồ Tuyết Nham đang phải đối mặt với một cơn bão “hoàn hảo” chết người.
Đầu tháng 11 cùng năm, ông có một khoản nợ trị giá 500.000 lạng bạc phải trả cho Ngân hàng Hội Phong, điều này khiến ông cực kỳ lo lắng. Trong hoàn cảnh bình thường, với quy mô tài sản của Hồ Tuyết Nham, chắc chắn ông sẽ không bị làm khó chỉ bởi 500.000 lạng bạc. Tuy nhiên thật không may, các đối thủ của ông đã giăng sẵn “thiên la địa võng”. Tại thời điểm này, Hồ Tuyết Nham không thể thoát khỏi số phận bị săn đuổi. Ông có một dự cảm chẳng lành: “Tình trạng thị trường quá tệ, người nước ngoài quá lợi hại, tôi không biết làm thế nào để lật ngược tình thế”.
Kẻ thù trực tiếp của Hồ Tuyết Nham chính là tập đoàn Jardine Matheson của Anh quốc, lúc này hai bên đang trong giai đoạn kịch chiến để giành quyền bá chủ việc buôn bán tơ thô.
Trong suốt những năm 1870, Jardine Matheson kiểm soát chặt chẽ quyền định giá xuất khẩu tơ thô của Trung Quốc. Dưới sự thao túng của Jardine Matheson, giá tơ thô ngày một sụt giảm, và còn một nửa chỉ sau 10 năm. Các hộ sản xuất tơ ở vùng Giang-Chiết vô cùng khổ sở, cánh thương nhân địa phương cũng than trời vì việc kinh doanh ảm đạm, trong khi lợi nhuận béo bở đều bị Jardine Matheson nuốt trọn.
Sau khi bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh tơ thô, Hồ Tuyết Nham đã thực sự cảm nhận được những áp lực đè nén từ phía Jardine Matheson. Tận mắt chứng kiến cảnh các hộ sản xuất tơ đang dần bị Jardine Matheson “châm xương hút tủy” và rơi vào tình cảnh phá sản, ông thầm hạ quyết tâm phải giành lại quyền định giá trên thị trường buôn bán tơ thô và buộc Jardine Matheson phải thỏa hiệp về giá cả. Ông bắt đầu tìm kiếm những hạn chế trong hệ thống kiểm soát giá cả của các hiệu buôn nước ngoài. Tập đoàn Jardine Matheson kiểm soát khả năng huy động tài chính thương mại về tơ thô, trao đổi quốc tế, kênh xuất khẩu và bảo hiểm vận chuyển, lại còn được hỗ trợ bởi pháo hạm của Đế quốc Anh. Tuy nhiên, Hồ Tuyết Nham vẫn cực kỳ nhạy bén khi nắm bắt được tử huyệt của tập đoàn Jardine Matheson – họ rất khó kiểm soát được nguồn sản xuất tơ thô.
Hồ Tuyết Nham quyết tâm chiếm lĩnh cao điểm chiến lược mang tên nguồn tơ thô, qua đó đập vụn quyền định giá của Jardine Matheson.
Cuối cùng, cơ hội đã đến vào năm 1882. Dịp đầu xuân, Hồ Tuyết Nham đã tự đi đến các vùng sản xuất tơ thô để tiến hành điều tra kỹ lưỡng. Đồng thời, trong quá trình trò chuyện với các thương nhân tơ thô của địa phương, ông biết được rằng sản lượng tơ thô trong năm đó sẽ giảm sút và nguồn cung sẽ thiếu nghiêm trọng. Ông ngay lập tức nắm bắt cơ hội hiếm có này và bắt đầu âm thầm hành động, thu mua tằm kén trên quy mô lớn ở khắp các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Tứ Xuyên, rải tiền khắp nơi để kiểm soát nguồn cung.
Quả nhiên, vụ thu hoạch tơ thô trên thị trường vào tháng 5 năm đó ước tính đạt khoảng 80.000 kiện, nhưng “đến tháng 8, tình hình ngày càng hiện rõ khi sản lượng chỉ đạt 60.000 kiện”.
Hồ Tuyết Nham – lúc này đã hoàn thành việc kiểm soát nguồn cung cấp tơ thô, ngay lập tức triển khai một cuộc tổng tấn công. Ông đã huy động đến từng cắc bạc trong đế chế tài chính khổng lồ của mình, và dốc hàng chục triệu lạng bạc vào trận quyết chiến chưa từng có trong lịch sử thương mại Trung Quốc này. Đến mùa hè năm 1882, ông đã tích trữ gần 20.000 kiện tơ thô, chiếm hơn 1/3 tổng nguồn cung. Để kiểm soát triệt để giá cả, ông đã thúc giục các đối tác trong ngành tơ lụa thành lập một liên minh giá tơ thô, kiên trì bán với giá cao và cố gắng giành quyền định giá tơ thô.
Quả nhiên “tuyệt chiêu” này đã phát huy hiệu quả. Jardine Matheson đột nhiên thấy rằng nếu không chịu bỏ ra mức giá cao hơn thì sẽ rất khó để mua được tơ thô. Họ đã cố gắng để đè bẹp từng đối thủ một, nhưng vòng vây của Hồ Tuyết Nham thực sự quá đỗi kiên cố, những hộ buôn tơ có chút quy mô đều được thông báo rằng phải tuân thủ triệt để báo giá chung mà các hộ đã đặt ra. “Tơ thô cao cấp có giá chỉ 16 shilling và 6 pence mỗi gói ở London, nhưng do Hồ Tuyết Nham đã thu mua và thao túng nên giá tơ ở Thượng Hải lên tới 17 shilling và 4 pence”. Logic của đại đa số các hiệu buôn nước ngoài là: Họ áp đặt giá lụa thô một cách có tổ chức thì không bị coi là thao túng, nhưng sự phản kháng có tổ chức của Trung Quốc thì lại bị coi là thao túng. Logic như vậy vẫn còn rất phổ biến đến tận ngày nay. Việc Mỹ in tiền đô-la với số lượng điên rồ không được tính là thao túng tỷ giá hối đoái, trong khi các biện pháp đối phó của Trung Quốc lại bị đánh giá là thao túng.
Rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ, Jardine Matheson lúc này đành phải mời Ty Thuế vụ Hải quan Đại Thanh – Robert Hart của Anh đứng ra làm trung gian. Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu, một người Anh đang làm quan lớn trong lĩnh vực hải quan của Trung Quốc. Đây không phải là một chính sách đặc biệt của chính quyền nhà Thanh để thu hút nhân tài nước ngoài, mà là sau khi đánh bại nhà Thanh, người Anh đã buộc triều đình nhà Thanh phải cắt đất để bồi thường chiến phí. Để nhằm đảm bảo nhà Thanh sẽ thanh toán đúng hạn, họ đã trực tiếp bổ nhiệm một người Anh đến để nắm quyền kiểm soát hải quan Trung Quốc. Tất cả thu nhập thuế quan đều sẽ bị người Anh nẫng trọn để bồi thường chiến phí.
Mới 28 tuổi nhưng Hart đã trở thành người phụ trách toàn bộ ngành hải quan của Đại Thanh, là một “thanh niên đắc chí” điển hình, anh ta vẫn còn rất non tay so với Hồ Tuyết Nham. Sử dụng mồi nhử bằng cách mời Hồ Tuyết Nham góp vốn để cùng thành lập một nhà máy tơ lụa, và sẵn sàng trả thêm “tiền hoa hồng ngoài giá thị trường”, anh ta đã cố gắng thuyết phục Hồ Tuyết Nham nhượng bộ. Sau đó không lâu, các thương nhân Nhật Bản cũng đến ngỏ lời thu mua, và mức giá họ đề xuất là: Dựa trên giá thị trường tại thời điểm đó cộng với 8 triệu lạng bạc. Sau quá trình đàm phán, họ đã đồng ý tăng thành 10 triệu lạng bạc. Chỉ cần Hồ Tuyết Nham gật đầu, lợi nhuận gộp tương đương với 2 tỷ nhân dân tệ (hiện nay) sẽ ngay lập tức đến tay. Tình thế lúc này là thực sự tuyệt vời, tuy nhiên, Hồ Tuyết Nham lại từ chối, ông chờ đợi một mức giá cao hơn.
Đúng vào thời điểm này, “sản lượng tơ của châu Âu đã chứng kiến một vụ mùa bội thu, thị trường London và lục địa châu Âu không còn bị ảnh hưởng bởi sản lượng thu hoạch kém của Trung Quốc nữa”, Jardine Matheson quyết định chuyển sang mua tơ thô châu Âu. Đến thời điểm cuối năm 1883, giá tơ lụa đã giảm mạnh, một nửa số thương nhân tơ lụa phải xin hoãn kết toán, và một số hãng tơ lụa lớn đã phá sản. Hồ Tuyết Nham cố gắng mời các thương nhân cùng chung tay thu mua tơ lụa thêm một lần nữa trong năm tới để buộc Jardine Matheson phải nhượng bộ, nhưng chẳng ai hào hứng.
Tình trạng giao dịch tơ thô tại thị trường Thượng Hải hết sức ảm đạm, người mua và người bán giằng co nhau suốt ba tháng trời. Tại thời điểm này, hai bên chủ yếu đọ sức về thực lực dòng tiền.
Jardine Matheson không phải là một hiệu buôn nước ngoài bình thường. Ông chủ lớn đứng đằng sau nó là ngân hàng Bahrain của Anh, đây là ngân hàng khởi nghiệp sớm nhất và quyền lực nhất trong số 17 gia tộc ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới. Vào thế kỷ XIX, gia tộc Bahrain được gọi là “cường quyền thứ sáu của châu Âu”. Họ “phát tích” sớm hơn gia tộc Rothschild và là một ông lớn không thể tranh cãi trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ đó, tập đoàn Jardine Matheson luôn bất khả chiến bại trong cuộc đối đầu với Hồ Tuyết Nham.
Tình hình của Hồ Tuyết Nham bắt đầu xấu đi. Việc duy trì kiểm soát giá luôn đòi hỏi mức chi phí rất cao để bù đắp lợi ích cho các nhà buôn tơ chấp nhận gia nhập liên minh, mua tơ thô với mức giá cao, nâng cao tỉ lệ tiền gửi, chi phí kho đắt đỏ, chi phí huy động tài chính, vận chuyển, bảo hiểm và lao động… tất cả những thứ đó đều phải trả tiền. Sự chiếm dụng nguồn vốn khổng lồ đó khiến cho dòng tiền của Hồ Tuyết Nham rơi vào tình thế suy giảm hết sức nguy hiểm.
Thịnh Tuyên Hoài
Thịnh Tuyên Hoài – vị tướng tài thuộc phe Bắc Dương đã để mắt đến điều này và bắt đầu ra tay hành động, ông ta âm mưu “triệt bỏ” Hồ Tuyết Nham. Trên thực tế, Hồ Tuyết Nham và Thịnh Tuyên Hoài không có quá nhiều mối tư thù cá nhân, chỉ là họ đang “ăn cây nào rào cây ấy” mà thôi. Hậu trường của Hồ Tuyết Nham khi đó là Tổng đốc Lưỡng giang – Tả Tông Đường. Trong quá trình bình định cuộc nổi loạn Tân Cương, Hồ Tuyết Nham phụ trách vấn đề hậu cần, ông đã sử dụng mạng lưới tín dụng và tài chính của mình là tiền trang Phụ Khang làm tài sản thế chấp để tiến hành vay nợ Jardine Matheson và các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Trong 14 năm, họ đã huy động được 16 triệu lạng bạc cho các hoạt động quân sự của Tả Tông Đường, góp công lao cực lớn giúp Tả Tông Đường có được chiến tích lịch sử là thu phục Tân Cương.
Khoản nợ trị giá 500.000 lạng bạc với Ngân hàng Hội Phong đã khiến Hồ Tuyết Nham tuyệt vọng vào năm 1883 chính là khoản bảo lãnh mà ông dùng để trả nợ cuộc chiến Tân Cương bằng chính khoản tín dụng của mình. Nếu tiền của triều đình không được gửi tới đúng hạn, ông sẽ buộc phải tự móc hầu bao ra trả cho Ngân hàng Hội Phong.
Hậu thuẫn của Thịnh Tuyên Hoài đương nhiên là Lý Hồng Chương – đại thần Bắc Dương. Cả thiên hạ đều biết mâu thuẫn giữa Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường. Trong những năm 1860 và 1870, Trung Quốc đã trải qua một cuộc khủng hoảng biên giới nghiêm trọng. Ở phía tây bắc Trung Quốc, A Cổ Bách của Trung Á đã lợi dụng mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo ở vùng tây bắc Trung Quốc vào thời điểm đó để xâm chiếm Tân Cương với sự hỗ trợ của các cường quốc Anh và Nga, và thành lập cái gọi là “Hãn quốc Kokand”. Chẳng mấy chốc, quân đội Nga đã chiếm lĩnh Ily – một trọng trấn phòng thủ biên giới, và bố cục biên giới ở vùng Tây Bắc rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Cũng trong lúc đó, ở hướng đông nam, Nhật Bản đã tiến hành một loạt những vụ xâm lược nghiêm trọng đối với Đài Loan, chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản chực chờ bùng nổ. Sau cuộc chiến kéo dài 14 năm với “Thái Bình Thiên Quốc”, ngân khố của triều đại nhà Thanh đã hoàn toàn trống rỗng, và tài chính quốc gia không thể cho phép tiến hành cùng lúc giành phần thắng trong hai cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, “phe Hải phòng”5 đại diện bởi Lý Hồng Chương chủ trương tăng cường cho hải quân là ưu tiên hàng đầu, không ngần ngại từ bỏ Tân Cương. Còn Tả Tông Đường thì kiên trì với quan điểm không thể bỏ mặc “Trại phòng”6, cần phải dứt khoát tiến hành chinh phạt bằng vũ lực đối với phản loạn Tân Cương. Trọng tâm của mâu thuẫn giữa hai bên là vấn đề “huy động chiến phí”. Nếu triều đình quyết định ưu tiên “Hải phòng” thì một lượng tiền khổng lồ sẽ chảy vào phạm vi thế lực của phe Bắc Dương. Đây là một cuộc đọ sức cân não liên quan đến lợi ích quốc gi và lợi ích cá nhân.
5 Hải phòng: Phòng thủ bờ biển, thiên về phát triển hải quân.
6 Trại phòng: Phòng thủ trên bộ, thiên về phát triển bộ binh.
Cuối cùng, Tả Tông Đường đã thành công trong việc giành lại toàn bộ lãnh thổ Tân Cương, danh tiếng và địa vị của ông tạm thời áp đảo Lý Hồng Chương. Lúc này, cuộc chiến Trung-Pháp đang phủ mây đen lên triều đình nhà Thanh. Tả Tông Đường một lần nữa chủ chiến, còn Lý Hồng Chương cầm đầu phe chủ hòa. Lý Hồng Chương sợ rằng một lượng lớn tiền sẽ lại chảy vào tay phe chủ chiến, dẫn đến không đủ kinh phí cho phe Bắc Dương. Do đó, ông quyết định tiến hành một cuộc tấn công “đảo Tả”. Trong chiến tranh thì quan trọng nhất là tiền bạc và lương thực. Nếu muốn khắc chế Tả Tông Đường, trước tiên phải diệt trừ Hồ Tuyết Nham – “túi đựng tiền” của Tả Tông Đường.
Thực không dễ để Thịnh Tuyên Hoài diệt trừ Hồ Tuyết Nham, và năng lực của ông ta cũng chỉ giới hạn trong việc cắt đứt thỏa thuận 500.000 lạng bạc mà Thượng Hải Đạo – vốn nằm dưới sự kiểm soát của phe Bắc Dương – phải trả cho Hồ Tuyết Nham, và khoản tiền đó chính là khoản nợ mà triều đình phải trả cho Ngân hàng Hội Phong. Vì Hồ Tuyết Nham đã sử dụng tín dụng của Tiền trang Phụ Khang để vay tiền của Ngân hàng Hội Phong cho triều đình, nên nếu triều đình trả chậm, ông buộc phải tự trả. Tuy nhiên, sau tất cả, Hồ Tuyết Nham thực sự có “máu mặt” trong giới tài chính. Ở trung tâm thị trường vốn Thượng Hải, cho dù ông đề xuất gia hạn khoản vay với Ngân hàng Hội Phong, hay vay chiết phiếu từ các hiệu buôn nước ngoài khác, hoặc vay chiết phiếu từ các tiền trang hoặc phiếu hiệu ở Thượng Hải, cùng lắm là đem hàng chục triệu gói lụa thô ra để vay thế chấp, đó là chưa kể ông cũng đang sở hữu một lượng bất động sản khổng lồ gồm hàng chục ngàn mẫu đất và trang viên, cùng với đó hơn 20 cửa hàng Điểm đương phố7, chuỗi tiệm Phiếu hiệu, những tiệm bốc thuốc Hồ Khánh Dư Đường và các tài sản kinh doanh khổng lồ khác, thu thập 500.000 lạng bạc không phải là một việc quá đỗi khó khăn.
7 Một dạng cửa hàng cầm đồ.
Vì lẽ đó, Thịnh Tuyên Hoài không chỉ cần cắt đứt các nguồn tiền chính thức của Hồ Tuyết Nham, mà còn phải cắt đứt tất cả các kênh tài chính cho Hồ Tuyết Nham trên thị trường vốn. Đây không phải là điều mà Thịnh Tuyên Hoài có thể làm được. Ông ta phải móc nối với những tên tuổi lớn thực sự trên thị trường tài chính của Thượng Hải để đâm nhát dao chết người này vào sau lưng Hồ Tuyết Nham.
PHE ĐỘNG ĐÌNH SƠN: THỦ PHẠM THỰC SỰ ĐẰNG SAU VỤ ÁM SÁT HỒ TUYẾT NHAM
Tại Thượng Hải, Hồ Tuyết Nham rất có uy tín, lại có chỗ dựa là Tổng đốc Lưỡng giang Tả Tông Đường – viên đại thần chủ quản Thượng Hải. Bình thường ông cũng quảng giao kết bạn trong giới kinh doanh, nếu không ông sẽ không thể thành lập một liên minh kinh doanh tơ lụa mạnh mẽ với các Dương mại bản. Ai có thể tác động đến quyết định của tất cả các hiệu buôn nước ngoài, đồng thời kiểm soát số phận của tất cả các tiền trang, phiếu hiệu, điển đương phố ở Thượng Hải và khiến mọi người nhất loạt từ chối tài trợ cho Hồ Tuyết Nham?
Đây là người sáng lập nên đế chế mại bản tài chính hùng mạnh nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc: Tập Chính Phủ đến từ vùng Động Đình Đông Sơn, nhóm người này được gọi là “phe Động Đình Sơn”. Giống như “cách đánh” của các chủ ngân hàng quốc tế, gia tộc họ Tập khá kín tiếng, ngoại trừ một vài nhân sĩ trong giới sử học ra, còn thì hầu hết người dân Trung Quốc đều thấy cái tên này rất đỗi xa lạ. “Đại đạo vô hình” chính là đặc điểm của họ!
Khi các hiệu buôn nước ngoài lần đầu đặt chân đến Trung Quốc để kinh doanh, họ chưa thạo ngôn ngữ và cũng hoàn toàn không biết về môi trường thương mại và quan hệ với chính phủ nơi đây. Nếu muốn mở rộng kinh doanh, họ bắt buộc phải nhờ cậy tới người Trung Quốc bản địa, và đó chính là những người được gọi với cái tên “Dương mại bản”. Các Dương mại bản thường “hợp tác” với các hiệu buôn nước ngoài với tư cách là thương nhân độc lập. Họ sẽ phải chi một khoản “tiền đảm bảo” rất cao cho người nước ngoài, để đảm bảo rằng khi công việc buôn bán bị tổn thất thì sẽ dùng khoản tiền đó để bồi thường. Đồng thời, các Dương mại bản cũng được hưởng một phần thu nhập từ công việc kinh doanh đó. Vì lợi ích của riêng mình, họ luôn phải vắt kiệt tâm sức để khai thác nghiệp vụ cho các hiệu buôn nước ngoài.
Ngoài việc kết giao với quan chức để nắm bắt các nguồn lực từ triều đình, họ cũng cần thiết lập các mối quan hệ trong giới kinh doanh và vươn xúc tu tới tất cả các ngóc ngách của xã hội. Họ đã dệt nên một mạng lưới đan xen tầng tầng lớp lớp các mối quan hệ và tiền bạc, thiết lập nên các kênh xuyên suốt giữa phú quý và lợi ích. Vai trò chính thức của họ là thương trường, hậu thuẫn của họ là người nước ngoài, và vũ đài của họ là quan trường. Thông qua họ, nguồn vốn từ nước ngoài mới có thể xâm nhập vào các huyết mạch kinh tế của Trung Quốc, hàng hóa nước ngoài đã chảy tới các thành thị của Trung Quốc, tinh thần nước ngoài dần dần lật đổ ý thức của Trung Quốc, và lợi ích nước ngoài đã ràng buộc giới tinh hoa quyền quý của Trung Quốc. Có thể nói, nếu không có Dương mại bản, công việc kinh doanh của người nước ngoài sẽ gặp muôn vàn khó khăn ở Trung Quốc, và họ cũng chẳng thể gây dựng được thế lực ở đất nước này.
Khi các lực lượng tài chính và thương mại địa phương do Hồ Tuyết Nham dẫn đầu bắt đầu thách thức các hiệu buôn nước ngoài, ông không chỉ đe dọa trực tiếp đến lợi ích thương mại của các hiệu buôn nước ngoài, mà còn đe dọa đến lợi ích thiết thân của giai cấp Dương mại bản.
Tập Chính Phủ
người sáng lập phe Động Đình Sơn
Năm 1874, Tập Chính Phủ trở thành một Dương mại bản của Ngân hàng Hội Phong. Sau khi trả khoản tiền đảm bảo 20.000 lạng bạc, coi như ông đã mua được một tấm “vé tốc hành” để kiểm soát thị trường tài chính của Thượng Hải. Tất nhiên, tài năng của Tập Chính Phủ không làm Ngân hàng Hội Phong thất vọng. Ngay khi đến Ngân hàng Hội Phong, ông đã kiếm về cho họ một thương vụ lớn: chính phủ nhà Thanh vay Ngân hàng Hội Phong 20 triệu lạng bạc với thuế muối làm tài sản thế chấp, lãi suất 8%/năm và trả nợ trong 10 năm. Vậy là Tập Chính Phủ đã nổ một phát súng đầu tiên và ngày càng chìm đắm trong công việc này. Dưới tài điều hành của gia tộc họ Tập, Ngân hàng Hội Phong đã lần lượt giành được các thương vụ cho vay đường sắt ở các vùng Hỗ Ninh (Thượng Hải - Nam Kinh), Quảng Cửu (Quảng Châu - Cửu Long), Hỗ Hàng Dũng (Thượng Hải - Hàng Châu - Ninh Ba), Tân Phố, Kinh Phong, Hồ Quảng, Phổ Tín, và họ cũng đã nhận được những khoản hoa hồng khổng lồ.
Về khía cạnh phát hành tiền giấy, họ cũng đạt được kết quả rất đáng chú ý. Khả năng lưu thông tiền giấy của Ngân hàng Hội Phong có thể coi là lớn nhất trong số các hiệu buôn nước ngoài. Phạm vi lưu thông của nó trải dài khắp các thành phố và thị trấn thuộc lưu vực sông Trường Giang, Châu Giang, ở vùng Hoa Nam, tiền giấy của Ngân hàng Hội Phong gần như đã thay thế địa vị của tiền tệ của chính phủ nhà Thanh. Năm 1893, một nhà trí thức của phái Dương Vụ8 là Trịnh Quan Ứng đã chỉ ra trong cuốn sách Thịnh thế nguy ngôn của mình rằng: “Hiện nay loại ngân phiếu (tiền giấy) của các thương nhân nước ngoài không hề được các quan lại của triều đình kiểm tra hư-thực, họ cứ thế tự tung tự tác, làm bất cứ điều gì mình muốn. Nghe nói số lượng ngân phiếu thông dụng của Ngân hàng Hội Phong ở khu vực Thượng Hải đã đã lên tới cả trăm vạn, và ngân hàng này đã trục lợi được hơn 200 vạn ngân phiếu”. Gia tộc nhà họ Tập đã đóng góp rất lớn trong việc giúp cho Ngân hàng Hội Phong chiếm hữu tài sản thực thể Trung Quốc bằng phương thức bạch điều9.
8 Dương Vụ vận động, tên cũ là Đồng Quang Tân Chính. Trong quá trình phái phản động liên kết với nhau để trấn áp cách mạng Thái Bình Thiên Quốc, trong tập đoàn phong kiến triều Thanh, một số quân phiệt quan liêu đã hình thành, bắt đầu chủ trương sử dụng một số kỹ thuật sản xuất tư bản chủ nghĩa để thực hiện mục đích bảo vệ ách thống trị phong kiến đang lung lay. Những người này thuộc phái Dương Vụ đang làm việc trong chính phủ đương thời. Từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ XIX, họ đã thực hiện Dương Vụ cách tân, sử sách gọi là Dương Vụ vận động.
9 Dạng dịch vụ cho vay để chi tiêu trước rồi trả tiền sau.
Về khía cạnh thu hút tiền gửi tiết kiệm, gia tộc Tập cũng thể hiện được tài năng phi thường của mình. Cánh quan lại của Trung Quốc thi nhau gửi tiền vào các tài khoản của Ngân hàng Hội Phong vì chính phủ không có quyền tài phán ở đây. Họ sẵn sàng chấp nhận một mức lãi suất rất thấp chỉ để có được một sự “đảm bảo an toàn”. Theo thống kê, trong số những khách hàng mở tài khoản dài hạn ở Ngân hàng Hội Phong, có 5 người có tiền gửi có kỳ hạn hơn 20 triệu lạng bạc, 20 người gửi từ 15 triệu lạng bạc trở lên, 130 người gửi từ 10 triệu lạng bạc trở lên, còn các cấp độ hàng triệu lạng bạc và hàng trăm ngàn lạng bạc thì rất khó thống kê. Số tiền hoa hồng mà gia tộc Tập thu được càng chẳng thể đong đếm.
Nhờ sự mẫn cán của Tập Chính Phủ, tổng lượng nghiệp vụ của Ngân Hàng Hội Phong tại Thượng Hải cao hơn nhiều so với trụ sở chính ở Hồng Kông. Bản thân người Anh cũng phải thừa nhận rằng “Mặc dù trụ sở chính của Ngân hàng Hội Phong ở Hồng Kông, nhưng xét ra chi nhánh Thượng Hải lại đảm nhận nhiều hoạt động kinh doanh hơn”. Khi xảy ra mâu thuẫn về quan điểm giữa Tập Chính Phủ và tầng lớp đại ban10, trụ sở chính thường sẽ coi ý kiến của Tập Chính Phủ là quyết định cuối cùng.
10 Danh xưng chỉ những người phụ trách công việc thông thương giữa các công ty nước ngoài và Trung Quốc thời xưa.
Tập Chính Phủ không chỉ “nhất ngôn cửu đỉnh” với Ngân hàng Hội Phong, mà còn luôn giữ lời hứa với các tiền trang và phiếu hiệu ở Thượng Hải.
Vào thời điểm đó, tiền trang và phiếu hiệu ở Thượng Hải rất khó phát triển kinh doanh vì nguồn vốn của họ chỉ khoảng vài chục ngàn lạng bạc. Tập Chính Phủ đã khởi xướng triển khai dịch vụ chiết phiếu, cung cấp mô hình cho vay tín dụng không cần tài sản thế chấp cho các tiền trang và phiếu hiệu, giúp tăng cường đáng kể khả năng tài chính của các tổ chức tài chính địa phương. Những chủ tiền trang già thực lực đã phát hành các loại ngân phiếu dài hạn dựa trên khả năng tín dụng của chính họ, trong vòng từ 5 đến 20 ngày, họ sẽ thực hiện huy động vốn ngắn hạn với Ngân hàng Hội Phong hoặc các ngân hàng nước ngoài khác. Theo cách này, một tiền trang chỉ với 70.000-80.000 lạng bạc có thể được thế chấp cho Ngân hàng Hội Phong, qua đó vay về một lượng vốn lớn để tiến hành cho vay thương mại và quy mô của nó có thể lên tới 700.000-800.000 lạng bạc. Bởi vì Ngân hàng Hội Phong có một lượng tiền gửi rất lớn và chi phí lãi suất thấp, nên trong quá trình cho các tiền trang vay qua dịch vụ chiết phiếu, họ có thể thu được mức lợi tức rất cao, từ đó thưởng thức bữa tiệc hậu hĩnh của mức chênh lệch lãi suất. Tờ Tự lâm tây báo vào ngày 23 tháng 5 năm 1879 chỉ ra rằng việc các tiền trang ở Thượng Hải “sử dụng vốn của ngân hàng nước ngoài để kinh doanh là một sự thực rõ như ban ngày. Khoản vay trị giá gần 3 triệu lạng bạc thực sự là số tiền cần thiết để duy trì trạng thái thị trường ở Thượng Hải.” Khi mức tiền giảm xuống dưới con số này, toàn bộ hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Thông qua nghiệp vụ chiết phiếu, Ngân hàng Hội Phong thực sự đã kiểm soát được nguồn vốn của các tiền trang và phiếu hiệu ở Thượng Hải. Khi Ngân hàng này nới lỏng tay thì nguồn tiền trên thị trường sẽ dồi dào, còn nếu ngược lại thì nguồn tiền ngay lập tức trở nên căng thẳng. Lượng tiền tiết kiệm khổng lồ với mức lãi suất thấp của Trung Quốc mà Ngân hàng Hội Phong nhận được đã giúp họ tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát hệ thống tài chính Trung Quốc, và trên thực tế họ đã trở thành “Ngân hàng Anh của Trung Quốc”.
Chính vì Ngân hàng Hội Phong kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền của hệ thống tài chính ở Thượng Hải và toàn Trung Quốc, và Tập Chính Phủ sở hữu quyền ký kết cho vay của Ngân Hàng Hội Phong, vì vậy các tiền trang ở Thượng Hải phải tranh giành kịch liệt để lôi kéo ông góp cổ phần hòng mưu toan ràng buộc về lợi ích. Tập Chính Phủ có ảnh hưởng tuyệt đối đến các tổ chức tài chính địa phương của Thượng Hải, bao gồm cả Hồ Tuyết Nham. Năm 1878, Hồ Tuyết Nham đã vay được 3,5 triệu lạng bạc của Ngân hàng Hội Phong cho Tả Tông Đường, đó là nhờ sự tác động của Tập Chính Phủ.
Tập Chính Phủ không chỉ một mình độc chiếm các chức vị mại bản chủ chốt của Ngân hàng Hội Phong suốt ba thế hệ, mà còn lợi dụng ảnh hưởng của mình để sắp xếp cho những con em khác của gia tộc Tập vào hệ thống các ngân hàng nước ngoài. Bất luận là hệ thống ngân hàng Anh như Ngân hàng Chartered, Ngân hàng Tak Fung; Ngân hàng Crédit Agricole của Pháp, Ngân hàng Công thương Trung-Pháp; Ngân hàng Deutsch-Asiatische của Đức; Ngân hàng Nga-Hoa Đạo Thắng của Nga; Ngân hàng Hoa-Bỉ của Bỉ; Ngân hàng Citibank, Ngân hàng American Express, Ngân hàng Thương Tín của Mỹ; Ngân hàng Yokohama, Ngân hàng Sumitomo của Nhật Bản... tất cả đều là “thiên hạ” của gia tộc Tập. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt 75 năm từ 1874 đến 1949, đã có hơn 20 ngân hàng nước ngoài được mở tại Thượng Hải và gia tộc Tập đã độc chiếm quyền mại bản của 13 ngân hàng trong số đó.
Cùng với sự bành trướng thế lực của Tập Chính Phủ, ngay cả Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường cũng phải tranh giành để nhận được sự phò giúp của ông ta. Cả hai đều đến diện kiến Tập Chính Phủ mỗi dịp tới Thượng Hải. Xét cho cùng ông ta là một “đại thần tài”, thế nên bất luận là phe “Hải phòng” hay là phe “Trại phòng”, tất cả đều sẽ vô dụng nếu như không có tiền.
Cả hai đều dốc hết tâm sức trong việc lôi kéo Tập Chính Phủ. Họ cũng đồng thời tiến cử Tập Chính Phủ đảm nhiệm một chức quan trong chính phủ, nhưng Tập chẳng chút hứng thú với việc này. Chỉ đến khi Lý Hồng Chương năm lần bảy lượt tiến cử, Tập Chính Phủ mới miễn cưỡng lĩnh nhận hàm quan nhị phẩm. Điều này xem ra chẳng hề ăn nhập với vẻ khiêm tốn mà ông ta luôn cố tỏ ra. Gần như sống đời ẩn cư, Tập Chính Phủ không bao giờ tham gia vào các hoạt động kết nối mạng lưới kinh doanh của phe Động Đình Đông Sơn, và tên của ông ta cũng hiếm khi xuất hiện trên các mặt báo ở Thượng Hải. Ông ta luôn tuân theo niềm tin rằng sự thao túng phía sau hậu trường mới có thể làm nên đại nghiệp.
Mối quan hệ giữa Tập Chính Phủ và Thịnh Tuyên Hoài thậm chí còn mật thiết hơn. Khi Thịnh Tuyên Hoài đánh bại Hồ Tuyết Nham để thành lập ngân hàng hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, Ngân hàng Thông thương Trung Quốc, Tập Chính Phủ là người ủng hộ chủ chốt đứng sau ông ta. Hai người họ có mối quan hệ cực kỳ bền chặt trong kinh doanh. Trong danh mục hối phiếu của Thịnh Tuyên Hoài luôn tồn tại một mục khiến người ta chú ý là “Tài khoản ngân phiếu và bảng Anh của Ngân hàng Hội Phong”. Bất cứ yêu cầu nào mà Tập Chính Phủ đưa ra, Thịnh Tuyên Hoài sẽ luôn đáp ứng đầy đủ, một số lượng lớn người thân và bạn bè của gia tộc Tập đã được sắp xếp để phục vụ trong hệ thống của Thịnh Tuyên Hoài. Hai bên đã thực hiện sự đan xen triệt để về mặt lợi ích.
Khi chính quyền nhà Thanh chuẩn bị thành lập một ngân hàng trung ương do chính phủ và doanh nghiệp cùng góp vốn - Ngân hàng Hộ Bộ, nhận thức được những lợi ích to lớn của ngân hàng trung ương tư nhân, gia tộc Tập đã đã nhanh chân đến trước. Ngân hàng Hộ Bộ đã phát hành tổng cộng 40.000 cổ phiếu, trong đó một nửa được bán cho các đơn vị trung ương, và nửa còn lại bán cho khối tư nhân. Các con của Tập Chính Phủ đã lần lượt góp vốn vào Ngân hàng Hộ Bộ. Trong số đó, chỉ riêng Tập Lập Công – con trai trưởng của Tập Chính Phủ đã sở hữu 1.320 cổ phiếu bằng các danh tính khác nhau.
Khi Ngân hàng Hộ Bộ được đổi tên thành Ngân hàng Đại Thanh, gia tộc Tập đã sắp xếp để bốn người con trai của ông ta vào đảm nhiệm các vị trí chủ chốt. Khi Ngân hàng Đại Thanh đổi thành Ngân hàng Trung Quốc, gia tộc Tập trở thành cổ đông lớn của nó và phụ trách toàn bộ nghiệp vụ ngoại hối, trở thành đồng minh với phe Tống Tử Văn.
Khi Ngân hàng Trung ương của chính phủ quốc dân được thành lập, gia tộc Tập lập tức trở thành nhà đầu tư các loại cổ phiếu do chính phủ sở hữu và tham gia vào quá trình ra quyết định của hội đồng quản trị. Đồng thời, gia tộc Tập cũng giữ các vị trí chủ chốt của chính phủ quốc dân như Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối, Giám đốc Xưởng Đúc tiền Trung ương, v.v... Ông cũng thay mặt chính phủ Quốc dân tham gia thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và trở thành đại diện của chính phủ Quốc dân.
Có thể thấy, mạng lưới quan hệ của gia tộc Tập thực sự rất lớn và liên quan đến hầu khắp các lĩnh vực tài chính Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng của họ đối với hệ thống ngân hàng nước ngoài, hệ thống ngân hàng chính phủ, hệ thống tiền trang và phiếu hiệu ở Thượng Hải và các cơ quan ban ngành về tài chính của chính phủ, có thể nói là có một không hai trong suốt lịch sử gần trăm năm của Trung Quốc. Do gia tộc Tập nắm trong tay một khối lượng khổng lồ nguồn lực tài chính của nước ngoài và Trung Quốc, thế nên họ có sức ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Điều này sẽ được giới thiệu trong các chương tiếp theo.
Nếu như Hồ Tuyết Nham không thách thức lợi ích cốt lõi của tiệm buôn nước ngoài về vấn đề tơ thô thì có lẽ mối quan hệ giữa Tập Chính Phủ và Hồ Tuyết Nham vẫn sẽ được duy trì ổn thỏa. Tuy nhiên, các cổ đông của Ngân hàng Hội Phong lại chính là những tiệm buôn nước ngoài lớn này. Với mục đích ban đầu của việc thành lập Ngân hàng Hội Phong là sở hữu và chiếm lĩnh một “ngân hàng trung ương” cho các tiệm buôn nước ngoài, Hồ Tuyết Nham đã đụng chạm đến lợi ích cốt lõi của các đại cổ đông Ngân hàng Hội Phong, khiến các cổ đông kêu ca phàn nàn, Tập Chính Phủ há lại tha cho ông ta?
Trên thực tế, thủ phạm thực sự đứng đằng sau việc các tiệm buôn nước ngoài ép giá lụa thô và lũng đoạn quyền định giá chính là sự thao túng của Ngân hàng Hội Phong và Tập Chính Phủ đối với nguồn tiền của Thượng Hải và toàn Trung Quốc.
Theo bài viết trên trang Thân báo đăng tải vào ngày 28 tháng 8 năm 1878, đến những năm 70 của thế kỷ XIX, số lượng chiết phiếu mà các ngân hàng nước ngoài cho các tiền trang ở Thượng Hải vay đã lên tới khoảng 3 triệu lạng bạc. Đến những năm 90 của thế kỷ XIX, những khoản vay chiết phiếu khoảng 7-8 triệu lạng bạc đã là điều rất đỗi bình thường. Điều này khiến cho sự luân chuyển dòng vốn của các tiền trang ngày càng phụ thuộc vào ngân hàng nước ngoài. Và khi dòng tiền trên thị trường vốn của Thượng Hải bị thắt chặt thì tác động của nó sẽ ngay lập tức lan rộng ra cả nước.
Một điều kỳ lạ nhưng chẳng đáng ngạc nhiên, đó là kể từ năm 1878, cứ mỗi khi lụa và trà thô của Trung Quốc có mặt trên thị trường là y như rằng sẽ xảy ra “hiện tượng lạ” là sự khan hiếm dòng vốn. Thủ phạm duy nhất có thể tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung tiền và có ý đồ rõ ràng chính là Ngân hàng Hội Phong. Cần khoảng 3 triệu lạng bạc để duy trì sự lưu chuyển thương mại bình thường ở Thượng Hải, và Ngân hàng Hội Phong thường tích cực thu về nguồn tiền mặt dưới 1 triệu lạng bạc trong các dịp thu mua trà và lụa. Điều này dẫn đến việc các thương nhân trà, lụa không thể huy động đủ tiền và những hộ nông dân trồng lụa và nông dân trồng chè bất đắc dĩ phải bán với giá thấp. Nhờ đó, các cổ đông là những tiệm buôn nước ngoài của Ngân hàng Hội Phong sẽ có thể thỏa sức mặc cả và thu được lợi nhuận khổng lồ!
“Mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ đều bắt nguồn từ các ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả Ngân hàng Hội Phong, họ đã cố tình thu hẹp nguồn cung tiền tệ. Bắt đầu từ năm 1878, nguồn cung tiền đã ở trong tình trạng căng thẳng, đến cuối năm, đã có khoảng 20-30 tiền trang ở Thượng Hải phải đóng cửa vì không thể kham nổi những khoản nợ xấu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các ngân hàng nước ngoài đã thu hẹp lại khoản vay lên tới 2 triệu lạng bạc – một con số khổng lồ.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1879 xảy ra vào tháng 5 – thời điểm rất cần nguồn vốn để đưa trà, lụa ra thị trường. Vào thời điểm này, trạng thái thị trường Thượng Hải – vốn cần khoảng 3 triệu lạng bạc để duy trì dòng chảy – đã bị các ngân hàng nước ngoài thu hẹp lại còn 900.000 lạng bạc, đây rõ ràng là một trạng thái khát vốn trầm trọng. Con số này không thể đáp ứng nhu cầu thông thường của thương mại địa phương. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài đó đã không dừng lại ở đó, họ đã tiếp tục thu hẹp dòng vốn xuống còn 600.000 lạng bạc để làm phức tạp thêm vấn đề.”
Năm 1883, một lần nữa lịch sử đã lặp lại.
Khi Hồ Tuyết Nham và Jardine Matheson rơi vào trạng thái giằng co trong cuộc chiến tơ thô, nguồn cung tiền của Thượng Hải bị thắt chặt từng ngày, và một lượng lớn các thương nhân tơ lụa đã phải đóng cửa ngừng buôn, giá lụa tụt dốc không phanh. Đầu tháng 9, giá các kiện lụa thô cao cấp vẫn duy trì ở mức 427 lạng bạc. Trong tháng 10, nó đã giảm xuống còn 385 lạng bạc, đến đầu tháng 11, giá đã giảm xuống còn 375 lạng bạc. Vào thời điểm này, các hiệu buôn nước ngoài ở Thượng Hải đã hoàn toàn ngừng mua tơ mới và chuỗi vốn của Hồ Tuyết Nham đang trên bờ vực sụp đổ.
Đến ngày 9 tháng 11, những lo ngại của dân chúng đối với dòng vốn của Hồ Tuyết Nham cuối cùng đã bùng nổ. Chi nhánh của tiền trang Phụ Khang tại Hàng Châu và Thượng Hải rơi vào tình trạng đột biến rút tiền gửi11. Khoản nợ 500.000 lạng bạc với Ngân hàng Hội Phong cũng không thể gia hạn. Thật “tình cờ” làm sao, phía Thượng Hải Đạo cũng không gửi tiền hiệp hướng12 tới để trả nợ cho Hội Phong, và Hồ Tuyết Nham đành phải dốc hết gia sản ở tiền trang Phụ Khang ra để trả nợ. Và như thế, đế chế tài chính của ông cuối cùng đã sụp đổ vào ngày 1 tháng 12 năm 1883. Các chi nhánh của tiền trang Phụ Khang tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Trấn Giang, Ninh Ba, Phúc Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và các địa điểm khác của Hồ Tuyết Nham đều nhất loạt đóng cửa. Đế chế tài chính mà Hồ Tuyết Nham đã khổ công gây dựng suốt nhiều thập kỷ đã sụp đổ tan tành. Cuối cùng, đại đa số lụa thô đã bị Jardine Matheson thu mua với giá rẻ.
11 Hiện tượng những người gửi tiền vào một tổ chức tín dụng nào đó đồng loạt đến rút tiền của mình, gây ra rối loạn tài chính cho tổ chức tín dụng và đôi khi cho cả hệ thống ngân hàng.
12 Chế độ hiệp hướng là một phương thức quan trọng cho các khoản thu-chi quân sự của nhà Thanh. Nó cũng là phương tiện chính mà chính quyền trung ương kiểm soát các vấn đề quân sự, kinh tế và chính trị của từng địa phương.
Hồ Tuyết Nham không thể chịu nổi hành vi ép giá của các hiệu buôn nước ngoài và kiên quyết chống lại, nhưng phía sau cuộc chiến giành quyền định giá thực chất là một cuộc tranh đoạt quyền lực tài chính. Tiếc là cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Hồ Tuyết Nham vẫn không thể hiểu điều đó. Trong tình cảnh mất đi điểm cao kiểm soát tài chính là ngân hàng trung ương, chỉ đơn thuần dựa vào việc tích trữ tơ thô để cố gắng tranh tài cao thấp với các hiệu buôn nước ngoài rõ ràng là uổng công vô ích. Một khi dòng tiền trên thị trường bị co hẹp thì chuỗi vốn của ông ngay lập tức đứng trước bờ vực sụp đổ. Cuộc phản công của lực lượng tài chính bản địa Trung Quốc do Hồ Tuyết Nham lãnh đạo nhằm chống lại các chủ ngân hàng quốc tế đã kết thúc trong thảm bại. Ông đã bị rơi vào thế “nội công ngoại kích” của lực lượng vốn tài chính nước ngoài và lực lượng mại bản tài chính trong nước, và thất bại của ông về mặt chiến lược là không thể vãn hồi.
Thất bại của Hồ Tuyết Nham và chiến thắng của hiệu buôn nước ngoài đều bắt nguồn từ cùng một nguyên nhân, đó là ai có thể kiểm soát dòng tiền thì người đó sẽ nắm được quyền chủ động chiến lược trong cuộc chiến tranh thương mại đó. Cho dù là nhà Thanh, hay là các tiền trang phương nam và phiếu hiệu Sơn Tây do Hồ Tuyết Nham làm đại diện, tất cả đều chưa nhận thức được uy lực khổng lồ của ngân hàng trung ương. Khi Ngân hàng Hội Phong chiếm lĩnh được vị trí này, số phận của toàn bộ đế chế nhà Thanh đã hoàn toàn bị các chủ ngân hàng quốc tế kiểm soát. Nếu tài chính không độc lập thì nền kinh tế sẽ chẳng thể độc lập, nếu nền kinh tế không độc lập thì nền chính trị cũng chẳng thể độc lập. Việc chính quyền nhà Thanh đánh mất biên giới tài chính là bước khởi đầu cho việc cả dân tộc Trung Quốc rơi vào vòng xoáy thảm họa!
Địa vị ngân hàng trung ương của chính phủ nhà Thanh đã bị sụp đổ như thế nào? Mấu chốt của vấn đề là bạc – bản vị tiền tệ của Trung Quốc đã bị các chủ ngân hàng quốc tế kiểm soát hoàn toàn. Một khi bản vị tiền tệ bị lung lay thì tài chính – hệ thống tuần hoàn máu của cả quốc gia chắc chắn sẽ bị tê liệt. Sau đó các cơ quan quan trọng của nền kinh tế sẽ lâm vào trạng thái suy kiệt, cuối cùng đành phải bó tay chịu chết.
Để chinh phục Trung Quốc, các chủ ngân hàng quốc tế trước tiên phải chinh phục tiền tệ của Trung Quốc. Nguyên nhân cốt lõi của cuộc Chiến tranh Nha phiến không phải là một cuộc chiến thương mại, mà đó là một cuộc chiến bạc! Đây là lý do tại sao Chiến tranh Nha phiến không xảy ra ở Ấn Độ, châu Mỹ hay châu Phi, cũng không xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, mà chỉ ở Trung Quốc!
Mục tiêu tấn công của việc buôn bán nha phiến chính là bản vị tiền tệ của Trung Quốc: Bạc!
BUÔN BÁN NHA PHIẾN: TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH CỦA BẢN VỊ VÀNG VÀ BẢN VỊ BẠC
Trước khi Vương quốc Anh bắt đầu triển khai buôn bán nha phiến quy mô lớn với Trung Quốc, Trung Quốc đã chiếm được một ưu thế rõ rệt trong thương mại quốc tế. Trà thơm, gốm sứ và tơ lụa của Trung Quốc đã tạo thành một “tam giác sắt” xuất khẩu không thể phá vỡ, vượt qua tất cả các rào cản của thị trường thế giới. Vào thời điểm đó, bối cảnh thực sự của thị trường Trung Quốc là: Xuất khẩu trà của vùng duyên hải Phúc Kiến đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có cho nền kinh tế địa phương.
Do vị trí độc quyền trong sản xuất và chế biến, vùng Vũ Di Sơn đã trở thành “thánh địa” của các thương nhân trà từ mọi quốc gia trên thế giới. Ở các vùng trung-hạ du của sông Trường Giang, tơ và lụa là hai sản phẩm thủ công mỹ nghệ quan trọng nhất. Đội quân gồm hàng trăm ngàn chuyên gia sản xuất và dệt lụa tơ tằm đã tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và giàu sức cạnh tranh, họ gần như không có đối thủ trên thị trường thế giới.
Tại vùng đồng bằng Châu Giang đã hình thành nên chuỗi ngành nghề Cảnh Đức trấn – Quảng Châu, những món đồ gốm sứ cao cấp liên tục được đưa tới các phòng khách xa hoa của giới hoàng gia và quý tộc châu Âu. Vào cuối thế kỷ XIX, Hart, một người Anh phụ trách Ty Thuế vụ Hải quan của Trung Quốc, đã viết như sau trong Trung Quốc kiến văn lục: “Trung Quốc có loại lương thực tốt nhất trên thế giới – gạo; loại thức uống ngon nhất – trà; chất liệu vải tốt nhất – lụa, tơ tằm và da thú. Họ chẳng phải tốn một xu để mua bất cứ thứ gì ở nơi khác.”
Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, mức độ thị trường hóa và sự phát triển của nền kinh tế tiền tệ ở Trung Quốc kéo dài suốt 400 năm qua đã vượt xa châu Âu. Kết quả là, trong số 133.000 tấn bạc được người châu Âu khai thác ở châu Mỹ, cuối cùng đã có 48.000 tấn được vận chuyển sang Trung Quốc. Cấu trúc cơ bản của thương mại quốc tế khi đó là Trung Quốc đã sáng tạo nên một phần chủ yếu của hàng hóa thương mại thế giới, còn phương Tây đã cướp đi một phần chủ yếu tài nguyên của thế giới. Trong quá trình bạc chảy từ phương Tây sang phương Đông, nó cũng đi kèm với việc hàng hóa Trung Quốc cuồn cuộn chảy về phía Tây.
Dòng chảy bạc liên tục về phía Đông đã gây ra sự mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân tài chính thế giới.
Do xuất khẩu ròng bạc sang Trung Quốc suốt thời gian dài nên đến cuối thế kỷ XVII, tình trạng thiếu hụt bạc và sụt giảm giá chung đã xảy ra ở châu Âu, đồng thời quy mô thương mại bắt đầu bị thu hẹp. Từ năm 1649 đến năm 1694, lượng bạc lưu thông trung bình hằng năm ở châu Âu giảm mạnh, ít hơn 50% so với lượng vàng lưu thông trung bình hằng năm trong giai đoạn 1558-1649, trong khi lượng vàng lưu thông tăng gần 50%.
Lượng lưu thông bạc giảm là việc có thể hiểu được, nhưng tại sao lượng lưu thông vàng lại tăng lên?
Thì ra vào đầu thế kỷ XVII, tỉ giá vàng và bạc ở Quảng Châu, Trung Quốc là 1:5,5 - 1:7, trong khi đó tỉ giá của Anh là 1:16, chuyển bạc sang Trung Quốc không chỉ có thể đổi được một số lượng lớn hàng hóa có lợi nhuận cao, mà còn có thể hưởng mức chênh lệch giá vàng-bạc gấp đôi, dùng bạc rẻ để đổi lấy vàng đắt ở Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ngay cả John Locke cũng từng phàn nàn: “Tôi được thông báo rằng (công ty Đông Ấn) nhập khẩu (vàng) từ một số vùng của Ấn Độ và hưởng lợi nhuận từ 50% trở lên. Nhưng của cải thực sự của Anh đã bị chôn vùi ở Ấn Độ Dương. Bây giờ là lúc để mọi người nói ra sự thật một cách thẳng thắn, tại sao chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu bạc chưa từng có trong thời đại này.”
Sau khi một lượng lớn vàng được đổ vào Vương quốc Anh, bằng các khoản hối lộ lớn, những chủ ngân hàng đã được thông qua Dự luật tự do đúc tiền năm 1666. Về thực chất, dự luật này là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiền tệ. Nó đã “thay đổi hệ thống tiền tệ của thế giới và tác dụng cụ thể của nó là xóa bỏ sự độc quyền của nhà vua trong việc phát hành tiền tệ”. Dự luật quy định rằng bất kỳ ai cũng có quyền đem vàng thỏi đến các xưởng đúc tiền và yêu cầu đúc tiền vàng một cách hợp pháp và miễn phí.
Dự luật này về cơ bản đã phục vụ cho lợi ích của các chủ ngân hàng sở hữu vàng thỏi và các nhà tư bản thương mại – những người sẽ có quyền kiểm soát thực tế đối với việc cung ứng tiền. Với việc nắm trong tay một lượng lớn vàng (thực thể), họ sẽ có thể quyết định nguồn cung tiền dựa trên lợi ích của chính mình. Khi đóng vai trò chủ nợ thì họ sẽ giảm số lượng tiền đúc, tạo hiệu ứng giảm phát và khiến cho hàm lượng vàng trong các khoản nợ tăng cao. Khi họ là con nợ, họ có thể tăng nguồn cung tiền và sử dụng hiệu ứng lạm phát để bù đắp cho những khoản nợ mà họ đang gánh. Đây là lần đầu tiên ở phương Tây, quyền phát hành tiền tệ của chính phủ đã được chuyển giao một cách thực chất cho tư nhân. Kể từ đó, cơ sở pháp lý cho quyền phát hành tiền tệ của các ngân hàng tư nhân đã được đặt ra. Cánh cửa để kiểm soát sự phân phối của cải bằng cách kiểm soát nguồn cung tiền của một quốc gia hoặc cả thế giới đã được mở ra.
Tại thời điểm này, một câu nói nổi tiếng của Rothschild vang lên trong tai tôi: “Miễn là tôi kiểm soát được việc phát hành tiền tệ của một quốc gia, tôi sẽ chẳng quan tâm ai là người đưa ra luật.”
Trong mắt các chủ ngân hàng, kiểm soát tiền tệ là một cuộc đấu tranh lớn, kiểm soát việc phát hành và phân phối tiền tệ là để kiểm soát sự giàu có, tài nguyên và toàn nhân loại. Nếu muốn kiểm soát thế giới, trước tiên bạn phải chinh phục tiền tệ, nếu muốn chinh phục tiền tệ, trước tiên bạn phải chinh phục vàng, và nếu muốn chinh phục vàng, trước tiên bạn phải chinh phục bạc.
Trong quá trình bạc của châu Âu đi về phía Đông, thì vàng của châu Á cũng trên đường Tây tiến. Thời gian cứ thế trôi qua, kết quả cuối cùng là Anh tích trữ vàng còn Trung Quốc thì hấp thụ bạc. Cốt lõi của vấn đề là liệu vàng hay bạc cuối cùng sẽ trở thành bá chủ tiền tệ của thế giới. Điều này sẽ can hệ đến sự hưng-suy hàng trăm năm của phương Đông và phương Tây!
Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, sức mạnh quốc gia của Đế quốc Anh đã tăng lên chưa từng thấy và các điều kiện để thiết lập một loại tiền tệ với bản vị là vàng đã được đáp ứng đầy đủ vào năm 1717. Mặc dù việc thiết lập cuối cùng của bản vị vàng mãi tới năm 1816 mới được hoàn thành một cách danh chính ngôn thuận tại Anh, nhưng trên thực tế Anh đã sử dụng bản vị vàng trong 100 năm trước đó rồi.
Đối với các chủ ngân hàng của Đế chế Anh, mục tiêu chiến lược cao nhất của họ là biến London thành trung tâm tài chính và biến vàng thành một loại bản vị tiền tệ chung của thế giới. Đế quốc Anh đã tiến hành xuất khẩu tín dụng bằng đồng bảng Anh ra thế giới thông qua Ngân hàng Anh. Họ biến các nước lớn ở châu Âu và châu Mỹ thành các thành viên cốt lõi sử dụng bản vị vàng. Các thành viên cốt lõi này sẽ biến các quốc gia lạc hậu trên thế giới thành những khu vực phụ thuộc của đồng bảng Anh. Họ sử dụng chiến tranh và bạo lực để duy trì sự vận hành của hệ thống này, sử dụng tiền tệ để kiểm soát và huy động các nguồn lực toàn cầu đến mức tối đa, và cuối cùng là kiểm soát hoàn toàn của cải thế giới và nhân loại!
Để thiết lập quyền bá chủ tiền tệ thế giới của đồng bảng Anh và bản vị vàng thì trước tiên phải đánh bại các quốc gia sử dụng bản vị bạc. Trong số đó, quốc gia lớn nhất và khó bề đối phó nhất chính là Trung Quốc.
Sau nhiều năm thử nghiệm, các chủ ngân hàng quốc tế cuối cùng đã chọn nha phiến làm vũ khí chống lại bản vị bạc của Trung Quốc.
Và tổ chức đặc biệt chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược này là công ty Đông Ấn.
CHIẾN TRANH TIỀN TỆ CÔNG TY ĐÔNG ẤN: MỘT ĐẾ CHẾ CỦA CÁC CHỦ NGÂN HÀNG
Thông thường, mọi người rất khó tưởng tượng rằng một công ty lại có thể tuyển mộ quân đội, nắm quyền đúc tiền, tư pháp hành chính, tuyên bố chiến tranh và ký kết hòa ước, vậy mà công ty Đông Ấn đã làm được những điều đó. Ai có thể sở hữu một nguồn lực khổng lồ để thành lập một công ty hùng mạnh đến vậy? Câu trả lời là các chủ ngân hàng quốc tế của thành phố London!
Bản thân công ty Đông Ấn – được thành lập bởi các chủ ngân hàng tại thành phố London và Hoàng gia Anh, đã là một đế chế. Theo ủy quyền của quốc hội Anh, công ty Đông Ấn đã nắm độc quyền tất cả các giao dịch từ Mũi Hảo Vọng đến eo biển Magellan. Đồng thời, họ có quyền tuyển dụng hải-lục quân, chiếm lĩnh đất đai, phát hành tiền tệ, đánh thuế, thực hiện các thử nghiệm lập pháp và tư pháp, tuyên chiến và ký kết hòa ước trong các khu vực chiếm đóng.
Kể từ khi Anh đánh bại Pháp để thống trị tiểu lục địa Ấn Độ trong cuộc chiến bảy năm giữa Anh và Pháp từ 1756 đến 1763, Anh đã thiết lập một bộ hoàn chỉnh các cơ chế cướp đoạt và trị lý ở Ấn Độ thuộc Anh (bao gồm Pakistan, Bangladesh và Myanmar ngày nay).
Trong khoảng thời gian 50 năm kể từ năm 1750, công ty Đông Ấn đã vắt kiệt tổng cộng 100 triệu đến 150 triệu bảng từ Ấn Độ, trong khi đó thu nhập tài chính của Anh năm 1750 chỉ là 9,2 triệu bảng. Con số đó vẫn chưa bao gồm những lợi ích thương mại quốc tế to lớn do việc nắm độc quyền thương mại Ấn Độ mang lại. Nguồn của cải đáng kinh ngạc đó chảy như thủy triều vào túi tiền của các chủ ngân hàng tại thành phố London và Hoàng gia Anh. Trong suốt thế kỷ XVIII và XIX, nhờ hành vi cướp bóc thực dân và tích lũy thương mại khổng lồ, Anh chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu vốn. Và đây chính là điều kiện tiên quyết quan trọng để Anh tiến hành cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ XVIII.
Gia tộc Bahrain, là một trong 17 gia tộc ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới, họ đã xưng bá “giang hồ” tài chính của thế giới với tư cách là “quyền lực thứ sáu ở châu Âu”. Năm 1779, người sáng lập triều đại Bahrain – Francis Bahrain, từng là Giám đốc công ty Đông Ấn cho đến khi qua đời vào năm 1810 và tại vị trong suốt 30 năm. Kể từ khi gia nhập công ty Đông Ấn, ông đã trở thành đại diện chính của các chủ ngân hàng thành phố London trong công ty Đông Ấn và được công nhận là cốt lõi và linh hồn của công ty. Ông đã làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Đông Ấn từ năm 1792 và nắm quyền điều hành đế chế thực dân rộng lớn của công ty này. Chính nhờ tài lãnh đạo của ông, việc buôn bán nha phiến của công ty Đông Ấn sang Trung Quốc đã phát triển một cách đáng kinh ngạc.
Từ năm 1790 đến năm 1838, số lượng nha phiến được nhập lậu vào Trung Quốc bởi công ty Đông Ấn đã tăng từ vài trăm thùng lên hàng chục nghìn thùng mỗi năm. Tổng số lượng nha phiến nhập khẩu vào Trung Quốc đạt hơn 400.000 thùng và giá trung bình của mỗi thùng là khoảng 750 đô-la, tổng giá trị ước đạt 230 triệu lạng bạc hoặc hơn!
Công ty Đông Ấn buôn bán nha phiến theo một hệ thống nghiêm ngặt: đầu tiên, họ xác lập thế độc quyền nha phiến ở thuộc địa Ấn Độ, thực hiện việc buôn bán nha phiến theo mô hình “bao tiêu” ở Ấn Độ và Bangladesh, và chỉ tiến hành mở cửa đấu giá nha phiến ở Kolkata. Họ ủy quyền cho các doanh nghiệp bán lẻ có mối quan hệ đại lý với công ty để thực hiện buôn bán nha phiến. Đồng thời, công ty đã thành lập một ủy ban quản lý thường trú tại Quảng Châu, với các thành viên được gọi là “đại ban” và tiến hành quản lý thống nhất tất cả các giao dịch với Trung Quốc. Có thể coi ủy ban quản lý này là một “ngân hàng trung ương” kiểm soát tất cả các giao dịch với Trung Quốc. Tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngoại hối với Trung Quốc đều phải qua tay của họ. Họ cũng sẽ tiến hành hỗ trợ tín dụng cho các thương nhân bán lẻ, đồng thời trong giai đoạn hậu kỳ họ cũng phát hành tín dụng cho “thập tam hàng13” ở Quảng Châu. Thu nhập thương mại bán lẻ từ Trung Quốc, bao gồm cả tiền thu được từ việc bán nha phiến, tất cả phải được gửi vào ngân khố dưới quyền quản lý của ủy ban. Ủy ban sẽ phát hành hối phiếu ở London, Ấn Độ và Bangladesh, các thương nhân bán lẻ có thể đến những nơi này để đổi thành bạc. Công ty sẽ sử dụng kho bạc tích trữ để mua vàng, trà, lụa và các mặt hàng khác ở Trung Quốc và bán chúng sang châu Âu để thu về lợi nhuận khổng lồ.
13 Chỉ 13 hiệu buôn nha phiến nước ngoài nằm trên khu phố dọc theo sông Châu Giang ở phía tây nam Quảng Châu
Cấu trúc của công ty Đông Ấn giống như một chuỗi buôn bán nha phiến nằm dưới sự độc quyền về tài chính. Nếu nói rằng các thương nhân bán lẻ độc lập sẽ phải chịu một số rủi ro nhất định, thì các công ty cung cấp dịch vụ tài chính độc quyền chính là một dạng “bảo trợ rủi ro”.
Lợi nhuận khổng lồ của công ty Đông Ấn từ “dịch vụ tài chính” trong việc buôn bán nha phiến đủ để chi trả cho hầu hết chi phí hành chính của việc nhập khẩu chè và tơ thô của Anh từ Trung Quốc, bông sợi từ Mỹ và Ấn Độ, xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Anh sang Ấn Độ và hầu hết thuộc địa khác. Trong suốt thế kỷ XIX, địa vị chiến lược của việc độc quyền nha phiến của Đế chế Anh trong thương mại quốc tế có thể sánh ngang với quyền bá chủ dầu mỏ của Mỹ ngày nay. Chiến lược cơ bản của công ty Đông Ấn là kiểm soát tất cả các khía cạnh của chuỗi buôn bán nha phiến và kiểm soát chặt chẽ các kênh sản xuất, bán hàng, kho bãi, vận chuyển và tiếp thị.
Trong số các hiệu bán lẻ dưới trướng của công ty Đông Ấn, có ba hiệu buôn đã hình thành xu hướng ly khai, đó là: Jardine Matheson, Bảo Thuận và Kỳ Xương.
Jardine Matheson được thành lập vào tháng 7 năm 1832 bởi Jardine và Madison, và gia tộc Bahrain đã cung cấp tài chính cho họ. Với sự hỗ trợ của gia tộc ngân hàng hùng mạnh nhất thủ phủ tài chính London, Jardine Matheson đã nhanh chóng trở thành “vua của các hiệu buôn nước ngoài” ở vùng Viễn Đông. Hồ Tuyết Nham đã thảm bại trong trận chiến tranh đoạt tơ thô với Jardine Matheson, nhưng có lẽ ông không biết về nguồn gốc của Jardine Matheson. Madison sau đó trở thành thống đốc Ngân hàng Anh và là chủ đất lớn thứ hai ở Anh. Người kế thừa của gia tộc Madison – Hugh Madison, đã dùng nguồn tiền từ việc buôn bán nha phiến của gia tộc để mua lại mỏ thiếc ở Tây Ban Nha vào năm 1873, và thành lập một công ty khai thác có tên là “Rio Tinto”. Ngày nay, nó được gọi là Tập đoàn Rio Tinto.
Người đứng đầu hiệu buôn Bảo Thuận chính là Lancelot Dent – tay buôn nha phiến nổi tiếng, và đứng đằng sau anh ta chính là gia tộc Bahrain. Sau đó, do việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh nha phiến khiến cho “danh dự” gia tộc ngân hàng số một ở thủ phủ tài chính London của Bahrain bị tổn hại, họ đã lùi về sau hậu trường. Từ đây, Lancelot Dent đã phụ trách toàn diện tất cả các nghiệp vụ buôn bán ở Trung Quốc, và trở thành nhà buôn nha phiến lớn thứ hai sau hiệu buôn Jardine Matheson tại Trung Quốc.
Hiệu buôn Kỳ Xương là một công ty Mỹ tham gia buôn bán nha phiến, trà và tơ thô giữa Quảng Châu và Boston. Đối tác cao cấp của nó, John Murray Forbes – “tằng ngoại tổ phụ” của John Forbes Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2004, đã từng là người đại diện tại Mỹ của anh em nhà Bahrain. Người chủ quản nghiệp vụ Warren Delano Jr. là ông nội của Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Người em họ của chủ hiệu buôn là William Huntington Russell đã thành lập nên nhóm “Skull and Bones” nổi tiếng tại Đại học Yale. Ngoài ra, một số gia tộc ngân hàng lớn ở Boston cũng đã tham gia buôn bán nha phiến thông qua hiệu buôn Kỳ Xương. Chính mức lợi nhuận ngất ngưởng mà nha phiến mang lại đã nuôi dưỡng các gia tộc ngân hàng này, hình thành nên Tập đoàn Tài chính Boston và vương triều gia tộc Roosevelt.
Ba hiệu buôn lớn nhất này đã chiếm một nửa thương mại nha phiến của Trung Quốc. Tất cả đều liên quan mật thiết đến gia tộc Bahrain. Bahrain kiểm soát từ xa những “thương nhân bán lẻ khổng lồ” này ở thủ phủ tài chính London. Trong những thập kỷ trước và sau Chiến tranh Nha phiến, họ đã sử dụng nha phiến để liên tục tấn công bản vị tiền tệ bạc của nhà Thanh.
Thủ phủ tài chính London cũng đã thiết lập một hệ thống tiếp thị ngầm ít được biết đến nhưng cực kỳ hiệu quả ở Trung Quốc thông qua công ty Đông Ấn. Hệ thống này bao gồm bốn bộ phận cấu thành: nhà truyền giáo, Hội Tam Hoàng, thương nhân và quan chức nhà Thanh. Hệ thống này đã định hình nên tiến trình lịch sử của Trung Quốc cận đại.
Một mặt, các nhà truyền giáo ở Trung Quốc tiến hành tìm hiểu về xã hội, kinh tế, quân sự và các thông tin khác của Trung Quốc thông qua các hiệp hội truyền giáo, kết giao với giới quyền quý và các giáo phái khác, tập trung vào việc thành lập các trường học, bệnh viện và phương tiện truyền thông hiện đại trực thuộc giáo hội, những đơn vị này trở thành một lực lượng quan trọng trong việc hình thành tầng lớp tinh hoa thân phương Tây trong xã hội Trung Quốc.
Hội Tam Hoàng ban đầu là một xã đoàn tồn tại bí mật trong dân gian Trung Quốc với mục đích “phản Thanh phục Minh”, sau đó rất nhiều thành viên của họ đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo. Các hoạt động vũ trang chống lại nhà Thanh của Hội Tam Hoàng ở vùng lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) cũng cần đến sự hỗ trợ tài chính quy mô lớn, vì vậy nhiều thành viên đã lũ lượt tham gia vào mạng lưới buôn bán nha phiến của công ty Đông Ấn tại Trung Quốc thông qua các trung gian của giáo hội. Họ trở thành lực lượng buôn lậu nha phiến chủ lực dọc vùng duyên hải Quảng Đông. Hội Tam Hoàng với tôn chỉ chống lại triều đại nhà Thanh coi như đã gián tiếp nhận nguồn trợ cấp tài chính từ thủ phủ tài chính London. Sự phát triển sau này của Hội Tam Hoàng có mối liên quan chặt chẽ với việc kết giao và liên minh bí mật với hội Bái Thượng Đế của Hồng Tú Toàn, và phái Duy tân của bộ tứ Khang (Hữu Vi) - Lương (Khởi Siêu) - Đàm (Tự Đồng) - Đường (Tài Thường). Phùng Vân Sơn – cánh tay phải đắc lực kiêm người phụ trách hình thái ý thức của Hồng Tú Toàn, năm xưa đã từng thờ phụng trước cổng của giáo hội Cơ Đốc. Dương Tú Thanh – nhân vật phụ trách đấu tranh quân sự, cũng từng hoạt động buôn lậu nha phiến ở lưu vực sông Châu Giang. Hội Tam Hoàng của vùng lưỡng Quảng đã trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa Kim Điền.
Sau thất bại của phong trào Mậu Tuất biến pháp14, Đàm-Tự đều lâm nạn. Đường Tài Thường – viên tướng tài dưới trướng Đàm Hệ đã tập hợp thế lực của Hội Tam hoàng ở vùng Hồ-Quảng để phát động một cuộc khởi nghĩa khác. Ban đầu, các cuộc nổi dậy chống lại nhà Thanh của liên minh này đều dựa trên lực lượng của Hội Tam Hoàng. Thanh Bang15 ở Thượng Hải – một nhánh của Hội Tam Hoàng đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khởi động cuộc đảo chính và củng cố quyền lực “Ngày 12 tháng 416” của Tưởng Giới Thạch.
14 Mậu Tuất biến pháp, Mậu Tuất duy tân hoặc Duy Tân biến pháp, đều là tên dùng để chỉ cuộc biến pháp do phái Duy Tân đề xướng, được Quang Tự Đế cho thi hành kể từ ngày 11 tháng 6 năm 1898 ở Trung Quốc.
15 Một tổ chức tội phạm của Trung Quốc, nổi bật trong hoạt động tội phạm, xã hội và chính trị ở Thượng Hải từ đầu đến giữa thế kỷ XX.
16 Vụ thảm sát Thượng Hải ngày 12 tháng 4 năm 1927, thường được biết đến ở Trung Quốc là Cuộc thanh trừng ngày 12 tháng 4, hay sự kiện “Ngày 12 tháng 4” là sự đàn áp dữ dội các tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải bởi lực lượng quân sự của Tưởng Giới Thạch và phe phái bảo thủ trong Quốc dân Đảng.
Các “Hàng thương”, tức “thập tam hàng” ở Quảng Châu là một cơ cấu chuyên biệt được triều đình ủy quyền phụ trách về ngoại thương, được giao dịch trực tiếp với các công ty nước ngoài. Nó vừa là một công ty thương mại vừa kiêm nhiệm một số chức năng ngoại giao, đồng thời họ cũng có nghĩa vụ đứng ra đảm bảo cho các đối tác thương mại của mình ở nước ngoài. Sau Chiến tranh Nha phiến, thập tam hàng ở Quảng Châu đã chuyển sang mô hình mại bản cho các hiệu buôn nước ngoài, đặt nền móng cho giai cấp mại bản của Trung Quốc cận đại.
Công ty Đông Ấn cũng kiểm soát và thao túng một số quan chức nhà Thanh thông qua hối lộ và nha phiến, họ đã ra tay với giới thượng tầng của Trung Quốc để bảo vệ và phát triển buôn bán nha phiến. Thông qua mạng lưới buôn bán nha phiến phía bắc với trung tâm là Thiên Tân, công ty này đã thâm nhập được vào triều đình Bắc Kinh. Trước Chiến tranh Nha phiến, họ đã kiểm soát một số lượng lớn các quan chức cấp cao để tiện bề sử dụng. Những người này bao gồm đại học sĩ Liêu Chương A, Kỳ Thiện – Tổng đốc vùng Trực Lệ, Kỳ Anh – chủ sự của Tông Nhân phủ17. Liên quan đến vấn đề này, Marx đã có một câu luận thuật hết sức đặc sắc: “Người Anh đã mua chuộc chính quyền, quan chức hải quan và cả những quan chức bình thường của Trung Quốc. Đây là kết quả mới nhất đến từ sự kháng cự về mặt pháp luật của người Trung Quốc đối với nha phiến. Nạn hối lộ và làn khói nha phiến đã cùng lúc xâm nhập vào lá phổi của các quan lại ‘thiên triều’, phá hủy trụ cột của chế độ tông pháp.” Nhóm người này đã cấu thành nên nguồn gốc của phái Dương Vụ trong chính quyền nhà Thanh.
Năm 1839, khi nhân vật “hùng tâm vạn trượng” là Lâm Tắc Từ đặt chân đến Quảng Đông với tư cách là khâm sai đại thần để ban hành lệnh nghiêm cấm hút nha phiến, ông đã phải đối mặt với một đế chế nha phiến được tổ chức chặt chẽ, có sức mạnh tài chính hùng hậu, vũ trang tối tân và trong ứng ngoài hợp. Ngay sau khi nhậm chức, Lâm Tắc Từ đã lập tức hạ lệnh trấn áp quyết liệt mạng lưới buôn lậu nha phiến dưới lòng đất của Hội Tam Hoàng, ra lệnh cho các hiệu buôn nước ngoài phải giao nộp nha phiến và thực hiện vụ “Hổ Môn tiêu nhan18” gây sốc trên thế giới. Nhưng Lâm Tắc Từ không thể tưởng tượng nổi đối thủ của mình mạnh đến mức nào. Ông đã thách thức chiến lược tài chính cốt lõi của toàn bộ Đế quốc Anh và sự sống-còn của các chủ ngân hàng quốc tế!
17 Tông Nhân phủ, còn gọi Tông Chính phủ hay Tôn Nhân phủ, là cơ quan quản lý nội bộ hoàng tộc thời quân chủ Trung Hoa.
18 Việc tiêu hủy nha phiến tại Hổ Môn bắt đầu vào ngày 3 tháng 6 năm 1839 và liên quan đến việc tiêu hủy 1.000 tấn nha phiến được cho là bất hợp pháp thu giữ từ các thương nhân người Anh.
Tình trạng buôn bán nha phiến đã dẫn đến hiện tượng “chảy máu” dòng bạc quy mô lớn khỏi Trung Quốc, gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ “bạc đắt tiền rẻ” nghiêm trọng ở nước này. Trong suốt hơn 100 năm kể từ khi nhà Thanh thành lập đến đầu thế kỷ XIX, cơ chế tiền tệ kép – bạc-đồng – của Trung Quốc đã hoạt động rất tốt và tỷ giá về cơ bản ổn định ở mức 1 lạng bạc tương đương 1.000 đồng xu. Trước khi Chiến tranh Nha phiến bùng nổ, tỷ giá bạc-đồng đã tăng phi mã lên thành 1 lạng bạc đổi được 1.600 đồng xu. Nguồn tiền mà nông dân, thợ thủ công và người dân kiếm được đều là tiền xu, nhưng đến khi nộp các loại thuế khác nhau thì phải được chuyển đổi thành bạc. Vì lẽ đó mà gánh nặng kinh tế đã tăng lên rất nhiều. Do cuộc sống của người dân ngày một khốn cùng nên tất nhiên việc nộp thuế sẽ bị trì hoãn. Kết quả là tình trạng nợ thuế ở các tỉnh thành cũng ngày một tăng lên, dẫn đến sự suy giảm mạnh về khả năng tài chính của chính quyền nhà Thanh. Năm 1781 trong thời Càn Long, trước khi việc buôn bán nha phiến quy mô lớn bắt đầu, ngân khố ước đạt 70 triệu lạng bạc, đến năm 1789 là khoảng 60 triệu lạng bạc. Nhưng cùng với sự lan tràn của nha phiến, đến năm 1850 quốc khố chỉ có hơn 8 triệu lạng bạc, không đủ để ứng phó với một cuộc chiến tranh.
Chính nha phiến đã phá hủy bản vị tiền tệ bạc – nền móng biên giới tài chính của Đế chế Đại Thanh, hệ quả kéo theo đó là thâm hụt thương mại lớn, thu nhập giảm, cuộc sống người dân khốn khó, sự phân cực nghiêm trọng giữa người giàu và người nghèo, xung đột xã hội ngày càng gay gắt. Trong khi đó, các chủ ngân hàng quốc tế thì nắm giữ số lượng bạc khổng lồ thông qua nha phiến, họ đã thành lập “Ngân hàng Anh tại Trung Quốc”, chiếm đoạt được điểm cao của biên giới tài chính Đế chế Đại Thanh: Ngân hàng trung ương.
Việc thành lập Ngân hàng Hội Phong đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên thuộc địa tài chính trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Trong quá trình Ngân hàng Hội Phong chiếm lĩnh vị thế nòng cốt từ ngân hàng trung ương của Đế chế Đại Thanh, một đế chế mới mang tên Sassoon đã âm thầm trỗi dậy. Sau này, nó đã thay thế công ty Đông Ấn và trở thành kẻ thao túng của chiến lược tài chính nha phiến.
SASSOON: GIA TỘC ROTHSCHILD CỦA PHƯƠNG ĐÔNG
Gia tộc Sassoon và Rothschild đều là người Do Thái Sefadi. Từ thời cổ đại họ đã sinh sống trên bán đảo Iberia (chủ yếu là lãnh thổ Tây Ban Nha ngày nay), làm thợ kim hoàn và kinh doanh trao đổi tiền, thường xuyên làm người đại diện của gia tộc Genève để tham gia điều tra tín dụng, cho vay nợ và các nghiệp vụ khác. Trong quá trình đó, Sassoon dần dần thiết lập mạng lưới tín dụng và tài chính kinh doanh của riêng mình. Vào những năm 1890, khi các tín đồ Kitô ở Iberia trục xuất chính quyền Hồi giáo, người Do Thái Sefadi cũng bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Gia tộc Rothschild phải sống lưu vong ở Đức và theo nghề cũ của mình, sau đó trở thành “chủ ngân hàng hoàng gia” của vương thất Đức. Một gia tộc tài chính Do Thái khác đã lánh nạn sang Hà Lan và Bỉ, nhanh chóng trỗi dậy với mạng lưới kinh doanh mà họ đã tích lũy trong nhiều năm. Họ tham gia thành lập Ngân hàng Amsterdam, Ngân hàng Hà Lan và Công ty Đông Ấn Hà Lan. Chính nhờ khoản tiền tài trợ 2 triệu đồng guilder từ các chủ ngân hàng Do Thái Hà Lan mà vào năm 1688, William III của Anh đã lãnh đạo 15.000 người từ Hà Lan đặt chân lên đất Anh để bắt đầu cuộc “cách mạng vinh quang”. Trong khi đó, gia tộc Sassoon đã di chuyển về phía đông và chuyển đến Baghdad, trung tâm thương mại của khu vực Vịnh Ba Tư ở Trung Đông. Tại đây, dựa vào sự nhạy bén và kinh nghiệm tài chính hết sức độc đáo của người Do Thái, lợi dụng quy định cấm các tín đồ Hồi giáo vay nặng lãi ở Trung Đông và tận dụng điều kiện thuận lợi là người Do Thái không chịu sự ràng buộc từ các phép tắc của đạo Hồi, gia tộc Sassoon đã cung cấp những khoản vay cho người dân Trung Đông và nhanh chóng trở thành gia tộc tài chính hàng đầu khu vực. Họ cũng đảm nhận vị trí thống lĩnh tài chính hàng đầu của Baghdad trong suốt thời gian dài, và đã trở thành tộc trưởng của toàn bộ cộng đồng Do Thái ở Baghdad, được gọi là “Naxi”, tức là vua của người Do Thái.
David Sassoon Người sáng lập nên Vương triều Sassoon
Nhưng khoảng thời gian đẹp đẽ đó không kéo dài. Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, phong trào bài Do Thái ở Baghdad lên cao. Viên quan tổng quản do đế chế Ottoman phái tới đóng quân ở Baghdad bắt đầu trục xuất người Do Thái trên quy mô lớn. Với tư cách là “vua của người Do Thái”, gia tộc Sassoon dính nạn đầu tiên, họ bất đắc dĩ phải chuyển đến Mumbai, Ấn Độ vào năm 1832. Và David Sassoon, người sáng lập đế chế Sassoon, đã bắt đầu một câu chuyện huyền thoại mới ở Ấn Độ.
Do gia tộc Sassoon đến Ấn Độ quá muộn, chiếc bánh khổng lồ mang tên buôn bán nha phiến đã không còn lại bao nhiêu. Mặc dù công ty Đông Ấn đã tan rã, thế nhưng ba hiệu buôn khổng lồ dưới sự hỗ trợ của gia tộc Bahrain, vẫn tiếp tục độc quyền nhập khẩu nha phiến của Trung Quốc và chuỗi cung ứng nha phiến của Ấn Độ. Toàn bộ chuỗi thương mại nha phiến, sản xuất, vận chuyển, bảo hiểm, bán hàng, tài chính và trao đổi gần như hoàn toàn nằm trong tay của Jardine Matheson, một con ruồi cũng chẳng thể lọt qua. Trong đế chế nha phiến hết sức chặt chẽ mà gia tộc Bahrain kiểm soát, gia tộc Sassoon muốn chen chân vào quả thực khó như lên trời.
Vào thời điểm này tại thủ phủ tài chính London, gia tộc Rothschild mới nổi đã áp đảo Bahrain. Gia tộc Rothschild cũng muốn cắt một miếng bánh của riêng họ trong thị trường kinh doanh nha phiến. Khổ nỗi khả năng kiểm soát của gia tộc Bahrain đối với các thương nhân bán lẻ của công ty Đông Ấn quá cao, thế nên gia tộc Rothschild buộc phải thông qua con đường đó. Vừa hay, sự xuất hiện của Sassoon hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển chiến lược của gia tộc Rothschild. Họ cũng là những người Do Thái Sefadi. Với sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ của gia tộc Rothschild, Sassoon chuẩn bị “sải cánh tung hoành” một phen.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Sassoon phát hiện ra rằng sự kiểm soát nha phiến Ấn Độ của Jardine Matheson tồn tại một lỗ hổng rõ ràng, đó là Jardine Matheson chưa thể kiểm soát được các đồn điền nha phiến ở vùng nội địa Ấn Độ. Sassoon nắm bắt cơ hội này và tận dụng nguồn vốn mạnh mẽ để cung cấp tới 75% khoản vay cho các thương nhân nha phiến Ấn Độ. Đoàn người thu mua từ khắp nơi trên thế giới sau khi nghe tin đã lũ lượt kéo đến, và Sassoon đã kiểm soát được nguồn trồng nha phiến với một tốc độ kinh hoàng, đồng thời nắm được thế độc quyền trong nguồn cung. Trên thực tế, suy nghĩ của Hồ Tuyết Nham gần như giống hệt Sassoon. Sự khác biệt là Sassoon được hỗ trợ bởi một thế lực bá quyền tài chính quốc tế – gia tộc Rothschild.
Đến năm 1871, cục diện đã trở nên rất rõ ràng. Trong màn tranh đoạt quyết liệt nguồn cung nha phiến với Sassoon, Jardine Matheson đã thất bại. Sassoon được công nhận là người nắm giữ chính tất cả các kho nha phiến ở Ấn Độ và Trung Quốc và kiểm soát tới 70% tổng lượng tất cả các loại nha phiến! Từ năm 1840 đến 1914, gia tộc Sassoon đã kiếm được tới 140 triệu lạng bạc nhờ nắm độc quyền thị trường kinh doanh nha phiến! Đây chính là sức mạnh của sự lũng đoạn!
Được hậu thuẫn bởi một thế lực như vậy, con gái của Rothschild đã được gả sang gia tộc Sassoon và kể từ đó, mối quan hệ liên minh kinh doanh này càng được củng cố và duy trì bởi sức mạnh tông pháp truyền thống của người Do Thái. Đế chế Sassoon uy chấn khắp vùng Viễn Đông.
Kể từ đó, các hiệu buôn ở vùng Viễn Đông đã bước vào thời đại Sassoon.
Sự nhạy cảm siêu hạng của người Do Thái đối với tiền bạc cũng không phải là ngoại lệ đối với gia tộc Sassoon. Sau khi gia tộc này hoàn thành đại nghiệp độc quyền nha phiến và sở hữu nguồn vốn cực kỳ hùng hậu, họ bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một ngân hàng trung ương để tận hưởng cảm giác nắm trong tay quyền phát hành tiền tệ. Tại thời điểm đó, khu vực Viễn Đông chưa có ngân hàng trung ương, và cơ hội này một lần nữa đã được Sassoon nắm bắt.
NGÂN HÀNG HỘI PHONG: “ĐỊA BÀN CỦA ANH, TÔI SẼ LÀM CHỦ”
Trong tất cả các yếu tố của nền kinh tế-chính trị, tiền bạc chính là yếu tố quan trọng nhất. Trong toàn bộ hệ thống tiền bạc, quyền tạo ra tiền bạc chính là yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, trong vấn đề quyền lực thần thánh này của quốc gia, hầu như không thấy bất cứ học giả kinh tế nào mở miệng ho he
- Nhà sử học tiền tệ Mỹ, DeMar -
Vào đầu năm 1864, hai bản kế hoạch thương mại nhằm thành lập một ngân hàng ở Trung Quốc đã được đặt trên bàn của Sassoon. Một bản do thương nhân người Anh ở vùng bản địa Mumbai đề xuất xây dựng “Ngân hàng Hoàng gia Trung Quốc” để nhắm tới thị trường tài chính Trung Quốc, và còn lại là bản kế hoạch thành lập “Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải” do một thương nhân vận chuyển trẻ tuổi người Scotland đề xướng. Cuối cùng, chính chàng trai trẻ chưa hề có kinh nghiệm gì về mảng ngân hàng đã thuyết phục được Sassoon. Chàng trai người Scotland đó tên là Thomas Sutherland. Mới 30 tuổi, nhưng anh ta đã là giám đốc kinh doanh chi nhánh Hồng Kông của một công ty tàu hơi nước nổi tiếng của Anh và là chủ tịch của công ty Whampoa Dock ở Hồng Kông.
Sassoon đã ngay lập tức thích ý tưởng này. So với các ngân hàng nước ngoài chỉ thành lập chi nhánh ở Hồng Kông và Thượng Hải, một ngân hàng có trụ sở tổng bộ tại Hồng Kông và Thượng Hải sẽ thuận tiện hơn về mặt kết nối thông tin. Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thế kỷ XIX khi tình trạng giao thông và truyền thông vẫn chưa phát triển. Cơ hội trên thị trường chỉ thoáng qua phút chốc, và trong tương lai, những ngân hàng luôn cần tới sự chỉ đạo từ trụ sở chính ở phía bên kia bờ đại dương rõ ràng sẽ rơi vào thế “hạ phong” so với Ngân hàng Hội Phong
Sassoon ngay lập tức phê duyệt bản kế hoạch này.
Trong số các cổ đông chính của Ngân hàng Hội Phong, ngoài Sassoon ra còn có hai hiệu buôn trứ danh là Bảo Thuận và Kỳ Xương. Tuy nhiên, Bảo Thuận đã phá sản trong cuộc khủng hoảng bong bóng sợi bông càn quét thế giới vào năm 1866, còn Kỳ Xương thì biến mất khỏi thị trường Trung Quốc vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Do đó, Sassoon – vị bá chủ mới của thị trường nha phiến, trở thành trụ cột chính của Ngân hàng Hội Phong. Ngân hàng Hội Phong thực sự là một phần quan trọng trong cục diện tài chính của liên minh Rothschild – Sassoon ở khu vực Viễn Đông.
Sự xuất hiện của một ngân hàng như vậy chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc phản kháng quyết liệt từ hiệu buôn Jardine Matheson của gia tộc Bahrain. Điều này bắt nguồn từ cuộc chiến tranh ngôi bá chủ giữa thế lực gia tộc Bahrain và gia tộc Rothschild ở thủ phủ tài chính London, và đó cũng là cuộc chiến tranh giành lợi ích hết sức khốc liệt.
Ngay khi ra đời, Ngân hàng Hội Phong đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ sự kết thúc của Nội chiến Mỹ.
Vào thời điểm đó, ngành chiến lược cốt lõi của hệ thống công nghiệp thế giới là ngành dệt may, và nguyên liệu chính cần thiết cho ngành dệt may là sợi bông thô. Các khu vực sản xuất sợi bông chính trên thế giới là ở Ấn Độ và các bang miền nam nước Mỹ. Sau khi cuộc Nội chiến Mỹ bùng nổ, miền Bắc – vốn nắm quyền kiểm soát biển, đã áp đặt một cuộc phong tỏa hàng hải đối với miền Nam. Nguồn cung sợi bông thô từ miền Nam ra thị trường thế giới ngay lập tức bị gián đoạn. Ngành công nghiệp dệt bông của Anh chuyển sang dùng sợi bông Ấn Độ và giá sợi bông Ấn Độ đã tăng mạnh. Các thị trường sợi bông ở Mumbai và Kolkata ngay lập tức trở thành “sòng bạc” cho các nhà đầu cơ cả lớn và nhỏ. “Bong bóng sợi bông” đã châm ngòi cho một bong bóng tài chính lớn hơn. Tại Anh, số lượng ngân hàng thuộc địa của nước này cũng gia tăng chóng mặt. Từ 1862 đến 1865, 19 ngân hàng đã lần lượt ra đời. Có đến 7 ngân hàng thuộc địa được đăng ký vào năm 1864. Tại Hồng Kông và Thượng Hải, số lượng ngân hàng mới thành lập của Anh cũng tăng đáng kể. Ngân quỹ thực sự của các ngân hàng “vỏ rỗng” này khác xa so với số tiền mà họ tuyên bố trong bản cáo bạch.
Đúng lúc này “ác mộng” đã ập đến: Nội chiến Mỹ đã kết thúc! Cuộc khủng hoảng sợi bông gây chấn động ngành tài chính toàn cầu đã thực sự bùng nổ. Thủ phủ tài chính London là nơi đầu tiên phải hứng chịu, và chỉ riêng trong năm 1866, 17 ngân hàng đã phá sản.
Lực xung kích của cơn sóng thần tài chính nhanh chóng lan sang khu vực Viễn Đông. Năm 1866, Hồng Kông và Thượng Hải đã xuất hiện cơn khủng hoảng tài chính đầu tiên sau hơn 20 năm, một loạt các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng địa phương đóng cửa. Khi những ngọn sóng thần tài chính khổng lồ rút đi, những người duy nhất còn bám trụ lại trên bãi biển là Ngân hàng Lệ Như, Ngân hàng Mercantile, Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng France và Ngân hàng Hội Phong.
Tuy nhiên, sóng này chưa lặng thì sóng khác đã ập tới. Vào năm thứ hai của cơn sóng thần tài chính, trụ cột của Ngân hàng Hội Phong – hiệu buôn với thương hiệu lâu đời Bảo Thuận đã bị “chết đuối”. Vào thời điểm này, gia tộc Bahrain đã không thể tự bảo vệ mình dưới đòn tấn công kép của cuộc khủng hoảng tài chính và gia tộc Rothschild.Họ chẳng còn tâm trí đâu mà để tâm tới vị “tiểu huynh đệ” của mình ở vùng Viễn Đông và đành phải bất lực nhìn hiệu buôn Bảo Thuận bị cơn khủng hoảng sợi bông kéo chìm xuống đáy biển. Sự sụp đổ của Bảo Thuận đã ảnh hưởng nặng nề đến Ngân hàng Hội Phong vẫn còn chưa mọc đủ lông đủ cánh.
Lúc này, chính hiệu buôn Sassoon đã đứng ra vãn hồi cục diện. Bắt đầu từ năm 1866, gia tộc Sassoon đã tiến hành trao đổi tất cả lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc phiện ở Trung Quốc thông qua Ngân hàng Hội Phong. Dưới tác động của sóng thần tài chính thế giới, công việc làm ăn duy nhất vẫn duy trì được lợi nhuận vượt mức chính là buôn bán thuốc phiện. Loại “hàng hóa thông dụng” vốn duy trì huyết mạch kinh tế của thủ phủ tài chính London và Đế quốc Anh, giờ lại một lần nữa lại bòn rút dòng máu kinh tế của người dân Trung Quốc để cứu rỗi hệ thống tuần hoàn tài chính của Đế quốc Anh ở Viễn Đông, và trở thành một con át chủ bài để các chủ ngân hàng quốc tế hoàn thành màn “gột rửa” lợi ích ở vùng Viễn Đông.
Đúng trong thời điểm các ngân hàng lớn rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, Ngân hàng Hội Phong – với sự hỗ trợ từ nguồn lợi nhuận thuốc phiện khổng lồ của Sassoon, đã nắm bắt thời cơ ngàn năm có một này và bắt đầu càn quét các đối tác tài chính khác ở Hồng Kông và Thượng Hải.
Tháng 6 năm 1866, “đại ca” của ngành ngân hàng khu vực Viễn Đông – Ngân hàng Lệ Như đã triệu tập các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Mercantile và Ngân hàng France để thảo luận về các vấn đề rủi ro tài chính trong “thời kỳ hậu khủng hoảng”.Cuối cùng, họ đã quyết định rút ngắn kỳ hạn của hối phiếu thương mại19 thông thường là 6 tháng xuống còn 4 tháng. Một là giảm thiểu rủi ro cho chính ngân hàng, và thứ hai là thích nghi với môi trường kinh doanh và thương mại mới. Bắt đầu từ tháng 1 năm 1867, các chi nhánh ở Trung Quốc không còn mua bán các hối phiếu có kỳ hạn vượt quá 4 tháng.
19 Hối phiếu thương mại (commercial bill) là loại hối phiếu được phát hành để tài trợ cho ngoại thương hoặc các hoạt động sản xuất và thương mại khác. Các công ty danh tiếng khi có nhu cầu vốn có thể phát hành hối phiếu thương mại bán trực tiếp cho người mua theo mức giá chiết khấu.
Hối phiếu thương mại có từ khoảng thế kỷ XIII. Với sự phát triển của tôn giáo và thương mại hàng hải, tại khu vực Địa Trung Hải của Ý, một thị trường khổng lồ cho thương mại và vận chuyển hàng hóa đã nhanh chóng được hình thành. Dựa trên nhu cầu của thương mại hàng hải, Ý đã tạo ra loại hối phiếu thương mại đầu tiên. Đặc điểm quan trọng nhất của ngành thương mại hàng hải toàn cầu là khoảng cách và thời gian dài, đồng thời còn đi kèm với một số rủi ro nhất định. Vì vậy, cả phía người mua lẫn người bán đều rất do dự trong cả khâu thanh toán và giao hàng. Nếu thanh toán tiền mặt ngay lập tức thì người mua sẽ lo lắng rằng phải làm gì nếu người bán ở xa không giao hàng hoặc hàng hóa gặp rắc rối. Chỉ có hai cách để phá vỡ bế tắc này: thứ nhất, người mua rất có uy tín và không bao giờ chây ỳ. Thứ hai, có một người bảo lãnh đáng tin cậy để đảm bảo giao dịch thành công. Vì tất cả mọi người đều làm ăn kinh doanh ở Ý, thế nên một người dân địa phương có nhà cửa, điền sản đương nhiên sẽ là ứng cử viên tốt nhất cho vai trò người bảo lãnh. Và thế là một số lượng lớn các chủ ngân hàng thương mại người Ý đã xuất hiện để đảm bảo thanh toán cho người mua. Người mua chỉ cần viết một giấy nợ, trong đó ghi rõ thời gian và số tiền mà họ sẽ thanh toán trong tương lai, đưa cho người Ý ký và lấy dấu vân tay là được. Nếu quá thời hạn mà người mua vẫn không thanh toán, người Ý sẽ thanh toán toàn bộ số tiền thay cho họ, rồi sau đó người Ý sẽ tự tìm cách đòi tiền từ người mua. Sau khi người bán nhận được giấy nợ, họ sẽ gửi hàng đi mà chẳng còn lo lắng gì nữa. Loại giấy nợ này chính là một hối phiếu thương mại sơ khai. Người Ý chỉ việc ngồi không mà thu về một khoản tiền bảo lãnh.
Khi người bán đang rất cần tiền mặt mà hối phiếu vẫn chưa hết hạn, người bán có thể dùng hối phiếu đó bán cho chủ ngân hàng thương mại với mức chiết khấu. Đó được gọi là hối phiếu chiết khấu.
Chủ ngân hàng thương mại có thể mua hối phiếu chiết khấu và sau đó chờ đến khi hối phiếu hết hạn để thu thập toàn bộ số tiền và kiếm lợi nhuận. Giá chiết khấu này thực ra chính là một loại lãi suất ẩn, chiết khấu càng thấp thì lãi suất càng cao. Giáo hội Công giáo thời xưa nghiêm cấm cho vay nặng lãi, vì vậy các loại hối phiếu chiết khấu đã trở thành một giải pháp cho việc vay nặng lãi. Khi thị trường giao dịch hối phiếu trở nên cực kỳ sôi động, thì về cơ bản các hối phiếu có thể đổi thành tiền mặt bất cứ lúc nào và công năng của chúng gần như tương đương với tiền mặt. Ở Anh vào thế kỷ XVIII đến XIX, trước khi các công cụ mới như tiền giấy ngân hàng, chi phiếu và hạn mức tín dụng bắt đầu lưu thông trên quy mô lớn, các hối phiếu thực sự đã trở thành một phần quan trọng trong cung ứng tiền.
Thời hạn của một hối phiếu thương mại thường khớp với thời gian vận chuyển hàng hóa. Nếu hàng hóa đã được giao đến từ rất lâu, nhưng hối phiếu vẫn chưa đến hạn thì điều đó tương đương với việc người mua chây ỳ thanh toán quá lâu, chiếm dụng nguồn vốn của người bán, đồng thời rủi ro của ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán cho người mua cũng vì đó mà tăng theo.
Cùng với sự cải thiện về mặt tốc độ của tàu hơi nước, thời gian vận chuyển hàng hải giữa châu Âu và Trung Quốc được rút ngắn rất nhiều, và họ cũng không sẵn sàng chấp nhận quá nhiều rủi ro. Vì vậy Ngân hàng Lệ Như mới đề xuất rút ngắn thời hạn hối phiếu. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời hạn này cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp quy mô tín dụng, đẩy cao ngưỡng tín dụng và nguồn vốn của người mua. “Hiệu quả” của nó tương đương với việc cự tuyệt rất nhiều khách hàng.
Thỏa thuận liên ngân hàng này đã tạo ra cơ hội lớn cho Ngân hàng Hội Phong mở rộng nguồn lực khách hàng. Khi các ngân hàng khác từ chối mua hối phiếu kỳ hạn 6 tháng, dưới sự bảo trợ từ nguồn vốn khổng lồ của Sassoon, Ngân hàng Hội Phong đã “đi ngược số đông” bằng cách mua vào với số lượng lớn. Cánh thương nhân nắm giữ hối phiếu kỳ hạn 6 tháng rơi vào cảnh đường cùng, chỉ đến Ngân hàng Hội Phong mới thực hiện được chiết khấu, và đương nhiên mức chiết khấu sẽ nhiều hơn. Ngân hàng Hội Phong chỉ cần giữ hối phiếu đến khi đáo hạn là có thể kiếm được bộn tiền, và tất nhiên thu nhập lại càng khả quan hơn. Đồng thời, Ngân hàng Hội Phong cũng rao bán hối phiếu kỳ hạn 4 tháng với giá cao cho các đối thủ đang tranh nhau mua vào, qua đó hưởng trọn khoản chênh lệch giá nhờ chiêu “mua thấp bán cao”. Sau nửa năm, nghiệp vụ trao đổi tiền tệ của Ngân hàng Hội Phong đã tăng nhanh từ 9,2 triệu lạng bạc lên 13 triệu lạng bạc. Trong vòng chưa đầy 10 tháng, các ngân hàng khác đã bất đắc dĩ phải “đầu hàng” Ngân hàng Hội Phong, sau đó “tìm về lối cũ” bằng cách thu mua lại các hối phiếu kỳ hạn 6 tháng.
Trong cuộc đại chiến hối phiếu này, Ngân hàng Hội Phong đã giành trọn phần thắng, cho thấy danh hiệu “Ngân hàng Anh tại Trung Quốc” đã thực sự đổi chủ. Ngân hàng Hội Phong đã trở thành một nhà lãnh đạo mới trong lĩnh vực ngân hàng nước ngoài ở khu vực Viễn Đông.
Một loại “ám khí” tuyệt đỉnh khác của Ngân hàng Hội Phong là thu hút một lượng lớn tiền gửi từ những khách hàng gửi tiết kiệm của Trung Quốc, đặc biệt là số tiền gửi khổng lồ của giới thượng lưu Trung Quốc. Trong cuốn tiểu thuyết được sáng tác vào cuối triều đại nhà Thanh mang tên Quan trường hiện hình ký, tác giả đã thuật lại một câu chuyện như sau: Một viên quan của chính quyền nhà Thanh được lệnh đến Thượng Hải để điều tra một quan chức đã gửi tất cả những khoản tiền mà ông ta nhận hối lộ vào Ngân hàng Hội Phong. Ngay khi đến Thượng Hải, ông ta mặc quan phục, ngồi kiệu bát đài20, dẫn theo một số tùy tùng đến thẳng Ngân hàng Hội Phong. Nhưng khi đến cổng ngân hàng, ông ta đã bị chặn lại, nhân viên gác cổng nói rằng ông ta phải đi qua cửa sau. Chẳng còn cách nào khác, ông đành phải đến cửa sau của ngân hàng và đứng chờ rất lâu nhưng chẳng ai đếm xỉa đến. Sau đó, ông ta mới biết rằng Ngân hàng Hội Phong có quy tắc bảo mật nghiêm ngặt mọi thông tin liên quan đến tiền gửi của khách hàng Trung Quốc và từ chối mọi cuộc điều tra của các quan chức Trung Quốc. Không có cách nào khác, ông ta đành phải hồi đáp với thượng cấp rằng “người nước ngoài không cho phép kiểm tra tài khoản”, và thế là mọi chuyện kết thúc.
20 Loại kiệu có tám người khiêng.
Ngân hàng Hội Phong đã ỷ vào thế lực của Đế quốc Anh để cự tuyệt sự điều tra của chính phủ nhà Thanh đối với bất kỳ khoản tiền nào từ khách hàng của mình. Do sở hữu đặc quyền này nên khi đó nhiều quân phiệt, quan lại và địa chủ đã coi Ngân hàng Hội Phong là kho tài sản an toàn nhất. Họ gửi vào đó tất cả những khoản tiền bẩn đã vơ vét được trong suốt nhiều năm.
Do được chính quyền Anh và Hồng Kông coi là “ngân hàng của chúng ta”, nên Ngân hàng Hội Phong đã được bảo vệ và biệt đãi. Họ đã có được quyền phát hành tiền giấy – một quyền lực cực lớn. Năm 1872, chính phủ Anh và Hồng Kông cho phép Ngân hàng Hội Phong phát hành tiền giấy với mệnh giá nhỏ là 1 đô-la. Sau đó, tiền giấy mệnh giá nhỏ của Ngân hàng Hội Phong xuất hiện với số lượng lớn và nhanh chóng lưu hành khắp miền nam Trung Quốc. Tháng 3 năm 1874, tờ Tự lâm tây báo của Thượng Hải đã đăng tải một bài viết nói rằng vào tháng 2 năm 1874, với tổng số lượng tiền giấy, 3,5 triệu đô-la, do bốn ngân hàng lớn nhất của Anh – Lệ Như, Standard Chartered, Mercantile và Hội Phong, phát hành, thì tiền giấy ngân hàng Ngân hàng Hội Phong chiếm hơn 51%.
Vào thời điểm này, Ngân hàng Hội Phong đã trở thành một ngân hàng phát hành tiền giấy lớn nhất tại Hồng Kông. Đây là ngân hàng xuất-nạp của chính phủ Anh cũng như là ngân hàng kết toán của tất cả các đối tác tại Trung Quốc. Nó thực sự trở thành “Ngân hàng Anh tại Trung Quốc”.
Đối diện với sức mạnh khủng khiếp của Ngân hàng Hội Phong, lãnh đạo mới của Jardine Matheson – gia tộc Keswick, bất đắc dĩ phải tích cực cân nhắc lại mối quan hệ với Ngân hàng Hội Phong. Trong chiến dịch cùng bắt tay để tiêu diệt Hồ Tuyết Nham, hai bên đã trở nên thân thiết và hiểu nhau hơn.
Tuy nhiên, kỳ vọng của Tập đoàn Rothschild-Sassoon đối với Ngân hàng Hội Phong không chỉ là biến nó thành ngân hàng nắm trong tay quyền quản lý tất cả các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc. Họ còn muốn biến nó thành ngân hàng quản lý toàn bộ hệ thống tài chính Trung Quốc và trở thành một “ngân hàng trung ương” thực thụ.
Ngân hàng Hội Phong, địa chỉ cũ nằm ở Bến Thượng Hải
Để thực hiện các chức năng của ngân hàng trung ương, thì cần có khả năng quản lý và kiểm soát các tổ chức tài chính, đó chính là hệ thống tiền trang và phiếu hiệu của nước này. Tại thời điểm này, chính phủ nhà Thanh vẫn có thể dựa vào hệ thống tiền trang và phiếu hiệu để duy trì hoạt động. Đồng thời, hệ thống tiền trang và phiếu hiệu còn cung cấp một lượng lớn tài chính cho các hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, kiểm soát nguồn của cải của nền kinh tế tư nhân rộng lớn. Chỉ khi các ngân hàng quốc tế kiểm soát được hệ thống tiền trang và phiếu hiệu của Trung Quốc, họ mới có thể thực hiện được chiến lược thuộc địa hóa đối với lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
TIỀN TRANG-PHIẾU HIỆU: TẠI SAO CHÚNG KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN THÀNH MỘT ĐẾ CHẾ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ?
Trong số các tổ chức tài chính đã sinh ra và phát triển tại bản địa Trung Quốc, đặc sắc nhất chính là tiền trang của phe Ninh Thiệu và phiếu hiệu của phe Sơn Tây. Nói một cách đơn giản thì phiếu hiệu chuyên dành cho ngân phiếu, còn tiền trang thì chuyên dụng cho tiền xu.
Bất kể ở Ý, hay sau đó là ở Hà Lan, Anh quốc, tài chính và thương mại gần như là anh em sinh đôi. Chúng tồn tại song hành, thúc đẩy và tận dụng lẫn nhau. Hầu như tất cả các tổ chức tài chính ra đời sớm nhất của châu Âu có nguồn gốc từ các hiệu buôn. Trong các hoạt động kinh doanh, nhu cầu ngày càng gia tăng đối với dịch vụ tài chính cuối cùng đã dẫn đến sự tách biệt các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp khỏi các hoạt động thương mại. Hệ thống phiếu hiệu của Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Phiếu hiệu có nguồn gốc từ vùng Sơn Tây của Trung Quốc, chứ không phải các khu vực ven biển có nền kinh tế phát triển và điều kiện hàng hải thuận tiện. Nghe thì có vẻ rất kỳ lạ, nhưng nếu nghĩ kỹ thì lại thấy hợp tình hợp lý. Tấn thương21 được biết đến là một trong mười thế lực thương mại hàng đầu ở Trung Quốc. Bản tính chịu thương chịu khó, không ngại vất vả và dám tung hoành nam bắc đã giúp họ nổi bật trên bản đồ thương mại Trung Quốc. Các thương nhân Sơn Tây đã in dấu giày trên khắp thiên hạ, ngay từ đầu triều đại nhà Thanh, hai hệ thống thương mại lớn là phe lương thuyền (thuyền chở ngũ cốc) và phe lạc đà (chở hàng hóa bằng lạc đà) đã được hình thành. Phe lương thuyền thì bôn ba khắp các bến sông cửa biển ở mọi tỉnh thành, còn phe lạc đà thì vượt ngàn dặm xa xôi đến Mông Cổ, Moscow, trở thành nhà buôn trà, lụa, vải, thực phẩm, sắt… lớn nhất Trung Quốc, thiết lập nên mạng lưới giao dịch đầu tiên và rộng lớn nhất của Trung Quốc.
21 Tấn thương là viết tắt của cụm từ “Thương nhân Sơn Tây”, đề cập đến nhóm thương nhân xuất thân từ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Khác với chặng đường phát triển của các gia tộc tài chính Do Thái, mạng lưới trao đổi tiền tệ của các thương nhân Sơn Tây được sinh ra từ một mạng lưới giao dịch trong nước và quốc tế khổng lồ với chiều dài hàng chục nghìn kilomet và hàng trăm nghìn nhân viên. Mạng lưới tài chính Do Thái bắt nguồn từ các nghiệp vụ thuần tiền tệ như trao đổi tiền tệ, gửi tiền-cho vay, giao dịch hóa đơn... Điểm chung của cả hai là hiệu ứng quy mô và lợi thế nhanh chóng-thuận tiện được hình thành từ năng lực lan tỏa mạnh mẽ. Một khi họ đã thiết lập được lợi thế mạng lưới này, sẽ rất khó để các đối thủ sau này chen chân vào. Đây cũng là lý do cơ bản khiến các tiền trang ở khu vực phía nam không thể vượt qua hệ thống phiếu hiệu Sơn Tây trong lĩnh vực thương mại trao đổi với lộ trình xa.
Việc thiếu đi một mạng lưới đủ lớn đã khiến cho quy mô của hệ thống tiền trang nhìn chung khá nhỏ, rất khó để hình thành nên một đế chế tài chính quốc tế khổng lồ tương tự như ngành tài chính của Do Thái.
Sau bản vị tiền tệ và ngân hàng trung ương, mạng lưới tài chính đã tạo thành trụ cột thứ ba của biên giới tài chính.
Do mạng lưới giao dịch của Tấn thương có phạm vi bao phủ khổng lồ, nên trong thời đại giao thông cực kỳ kém phát triển, nguồn tiền thường chỉ có thể được lưu chuyển mỗi năm một lần, điều này hạn chế nghiêm trọng việc mở rộng kinh doanh. Đồng thời, việc chuyển giao tiền mặt qua một cung đường quá dài sẽ mất rất nhiều thời gian và cũng không an toàn. Do đó xét về mặt khách quan, cần phải có một phương thức chuyển tiền từ xa tiện lợi và nhanh chóng. Đây chính là nghiệp vụ cốt lõi đã giúp phiếu hiệu mở mang và phát triển – trao đổi tiền từ xa.
Các nghiệp vụ trao đổi ban đầu là chỉ là để cho thuận tiện. Ví dụ, “Tây Ngọc Thành Nhan Liệu trang” của khu vực Bình Dao, Sơn Tây đã thành lập các phân trang (chi nhánh) ở Tứ Xuyên, Bắc Kinh, Sơn Tây, v.v... Người thân hoặc bạn bè ở Bắc Kinh muốn gửi một khoản bạc gửi đến Tứ Xuyên, họ chỉ cần trao bạc cho phân trang ở Bắc Kinh, và sau đó phân trang ở Bắc Kinh sẽ viết thư để thông báo cho phân trang ở Tứ Xuyên, sau đó người thân hoặc bạn bè ở Tứ Xuyên có thể đến phân trang ở địa phương để nhận bạc. Sự xuất hiện của mô hình trao đổi này đã ngay lập tức thu hút được một số lượng lớn nghiệp vụ và mọi người sẵn sàng trả phí 1% cho dịch vụ như vậy. Lôi Phục Thái – chưởng quỹ của Nhan Liệu trang đã hết sức nhạy bén khi phát hiện ra mô hình kinh doanh rất giàu tiềm năng này và ngay lập tức từ bỏ việc kinh doanh truyền thống của Nhan Liệu trang để thành lập phiếu hiệu đầu tiên của Trung Quốc có tên “Nhật Thăng Xương” vào khoảng năm 1823.
Trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Nha phiến, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc lên tới 300 triệu lạng bạc mỗi năm. Nếu 100 triệu lạng bạc trong số đó được trao đổi từ xa, lợi nhuận của nó sẽ lên tới 1 triệu lạng bạc. Sau vài năm hoạt động, phiếu hiệu Nhật Thăng Xương đã thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ nghiệp vụ trao đổi tiền từ xa và tiền gửi. Người ta nói rằng trong khoảng thời gian hơn 50 năm từ thời Đạo Quang đến thời Đồng Trị, Tài Đông Lý Thị đã nhận được hơn 2 triệu lạng bạc tiền hoa hồng từ phiếu hiệu Nhật Thăng Xương. Được gợi cảm hứng từ sự thành công của phiếu hiệu Nhật Thăng Xương, các thương nhân Sơn Tây đã lũ lượt thiết lập hoặc chuyển sang kinh doanh phiếu hiệu, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại mậu dịch tại thời điểm đó. Suốt gần một thế kỷ sau đó, hệ thống phiếu hiệu của các thương nhân Sơn Tây về cơ bản đã độc quyền kinh doanh trao đổi tiền tệ của nhà Thanh, và được ca tụng với mỹ từ “Hội thông thiên hạ22”.
22 Trao đổi tiền tệ trên khắp thiên hạ.
Nghiệp vụ chủ yếu của phiếu hiệu là trao đổi tiền từ xa. Sự phát triển của nó cho thấy một hình thái mở rộng cơ bản từ Bắc xuống Nam và lan tỏa từ Sơn Tây đến các khu vực phía tây của Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu, do sự gia tăng thương mại giữa khu vực Hoa Bắc, Hoa Trung với Mông Cổ và Nga, sự mở rộng số lượng phiếu hiệu cũng dựa trên tình hình kinh tế. Hơn 200 phiếu hiệu đã mở cửa tại hơn 30 thành phố và thị trấn trong nội địa, trọng tâm nằm ở khu vực phía bắc, các phân hiệu với trung tâm nằm tại khu vực Bắc Kinh. Đến giai đoạn trung hạn thì giao thương trên biển và lục địa đều quan trọng như nhau. Hàng loạt phân hiệu đã được thiết lập ở các vùng biên giới và duyên hải. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán trở thành bốn trung tâm lớn nơi các phân hiệu tề tựu.
Trước thời Quang Tự, số lượng tổng hiệu và phân hiệu đã lên tới con số hơn 400, tạo thành một mạng lưới tài chính khổng lồ. Bất luận là nguồn vốn thương mại, chính phủ hoặc tư nhân, do đặc điểm nhanh chóng, an toàn và thuận tiện của phiếu hiệu, tất cả đã lũ lượt đổ dồn vào hệ thống đường cao tốc tài chính này để lan tỏa khắp đất nước. Vào đầu thế kỷ XX, tổng số tiền trao đổi của 22 phiếu hiệu chính trên toàn Trung Quốc vào khoảng 820 triệu lạng bạc, và tổng lợi nhuận xấp xỉ 8,2 triệu lạng bạc, tương đương khoảng 1/10 tổng doanh thu tài chính trong một năm của chính phủ nhà Thanh.
Môn lầu của phiếu hiệu Nhật Thăng Xương
Mạng lưới trao đổi tiền tệ của phiếu hiệu đã tạo nên một lợi thế mạng tài chính khổng lồ. Trên cơ sở đó, ban đầu nó có tiềm năng phát triển thành một “hệ thống đường cao tốc tài chính” tương tự như hệ thống tài chính Do Thái ở phương Tây, qua đó nắm độc quyền các động mạch tín dụng và lưu thông vốn. Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự suy bại của nó: Thứ nhất, do thiếu đi yếu tố “địa lợi”, không thành lập trụ sở riêng tại Thượng Hải – trung tâm thương mại quốc tế và nội địa, từ đó khiến cho mọi quyết sách chiến lược bị xa rời khỏi trung tâm thương mại và dịch vụ tài chính có tiềm năng phát triển lớn nhất, đánh mất cơ hội nắm lấy nghiệp vụ giao dịch hối phiếu thương mại và các thị trường tài chính khác. Thứ hai là nó không thể tạo ra một hệ thống tài chính tương tự như trái phiếu chiến tranh và trái phiếu quốc gia ở châu Âu. Nó chỉ giới hạn nghiệp vụ trong lĩnh vực trao đổi tiền tệ, tự gò bó chính mình, cuối cùng bị các ngân hàng ngoại quốc và ngân hàng do chính phủ điều hành gặm nhấm dần nghiệp vụ trao đổi tiền tệ – vốn là nền tảng cho sự sống còn của hệ thống phiếu hiệu.
Thị trường tài chính, đặc biệt là lực lượng cốt lõi hình thành nên khả năng huy động tài chính của các quốc gia – thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ và các loại chi phiếu khác nhau, tạo thành nền tảng thứ tư của biên giới về tài chính. Các tổ chức tài chính trong nước của Trung Quốc – phiếu hiệu và tiền trang, đã không hoàn thành sứ mệnh lịch sử quan trọng này.
Nghiệp vụ ban đầu của tiền trang rất giống với hoạt động nghiệp vụ chủ đạo của các gia tộc tài chính Do Thái đương đại – trao đổi tiền tệ.
Sức mạnh cốt lõi của các gia tộc tài chính Do Thái trên thế giới hầu như luôn có nguồn gốc từ nước Đức.
Có nhiều lý do để Đức là nơi sản sinh của gia tộc tài chính hiện đại. Xét về mặt địa lý, Đức là điểm kết nối giữa Đông Âu và Tây Âu, đặc biệt là Berlin. Nó cũng nằm ở vị trí trung tâm địa lý và giao thông của châu Âu. Các doanh nhân từ Bắc đến Nam và Đông sang Tây đều tề tựu tấp nập tại Berlin. Từ đó hình thành nên cục diện mà trong đó tất cả các loại tiền tệ châu Âu đều được phân phối tại Berlin. Kể từ thời đế chế La Mã, Berlin đã là một trung tâm trao đổi tiền tệ. Sau khi Napoléon chiếm lĩnh vùng đất này, nhu cầu trao đổi tiền tệ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Với 2.000 năm kinh nghiệm giao dịch tiền tệ và nhu cầu cấp bách của thị trường đối với nghiệp vụ trao đổi tiền tệ đã khiến Đức trở thành mảnh đất màu mỡ cho các gia tộc tài chính Do Thái phát triển.
Sự trỗi dậy của hệ thống tiền trang Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Kể từ khi bản vị bạc được thiết lập vào thời nhà Minh, cục diện lưu thông song hành của ngân lượng và tiền đồng đã được thực hiện, và tỷ giá giữa ngân lượng và tiền đồng đã được điều chỉnh theo thị trường. Do giá trị của ngân lượng quá cao, đối với người dân bình thường mà nói, giá trị của việc sử dụng ngân lượng để mua hàng trực tiếp trên thị trường là quá lớn. Do đó, trong đời sống hằng ngày, tiền đồng là loại tiền tệ lưu thông thực sự, còn ngân lượng chủ yếu được sử dụng trong các giao dịch lớn, bổng lộc quan chức, thu thuế tài chính và ngân sách quân đội. Đồng thời, ngay cả bản thân ngân lượng cũng rất phức tạp. Ngân lượng của mỗi tỉnh thành sẽ có trọng lượng, hình dạng, màu sắc khác nhau. Ngoài ra, cộng thêm tình trạng một lượng lớn đồng bạc nước ngoài tràn vào, nên đã hình thành nên một nhu cầu lớn đối với nghiệp vụ trao đổi tiền tệ và đánh giá màu sắc của ngân lượng.
Ảnh thực tế mẫu biên lai của tiền trang, giai đoạn cuối triều Thanh
Đặc biệt là khi Hiệp ước Ngũ khẩu thông thương trong Chiến tranh Nha phiến được ký kết, nhu cầu trao đổi tiền tệ của Thượng Hải – với tư cách là giao điểm của thương mại quốc tế và thương mại nội địa, đã trở nên cấp thiết hơn. Hệ thống tiền trang Ninh Thiệu với trung tâm Ninh Ba - Thiệu Hưng - Thượng Hải, đã ra đời. Để giải quyết vấn đề chiết toán ngân lượng của các thương nhân trong nước và định giá các loại tiền tệ mà các thương nhân nước ngoài mang tới, bắt đầu từ năm 1856, các tiền trang ở Thượng Hải bắt đầu áp dụng một đơn vị thống kê ngân lượng ảo gọi là “quy nguyên”. Sáng kiến này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nghiệp vụ thống kê thương mại của giới thương nhân ở khắp mọi nơi.
Ngoài nghiệp vụ cơ bản là trao đổi tiền tệ, hệ thống tiền trang Ninh Thiệu đã tận dụng tối đa lợi thế là trung tâm thương mại quốc tế và nội địa của Thượng Hải để phát triển một cách sáng tạo hệ thống hối phiếu thương mại mang đặc trưng Trung Quốc. Tích hợp thành một nền tảng linh hoạt và hiệu quả.
Trong giai đoạn đầu khi Hiệp ước Ngũ khẩu thông thương được ký kết, các hiệu buôn nước ngoài đã vào Thượng Hải để mua các sản phẩm địa phương và bán các sản phẩm công nghiệp nước ngoài. Vấn đề lớn đầu tiên họ gặp phải là thiếu niềm tin thương mại đối với các nhà cung cấp và người mua Trung Quốc. Khi mua các sản phẩm Trung Quốc, họ lo rằng sẽ không nhận được hàng sau khi thanh toán. Khi bán các sản phẩm công nghiệp nước ngoài, họ sợ rằng sẽ không nhận được tiền sau khi giao hàng. Tình huống này giống hệt như tình trạng mà các thương nhân người Ý gặp phải trong thế kỷ XIII. Hệ thống tiền trang Ninh Thiệu đã nắm bắt cơ hội kinh doanh khổng lồ này và sáng tạo ra công cụ hối phiếu mang tên “trang phiếu”, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng thương mại trong nước và quốc tế.
Trang phiếu đã xuất hiện ở Thượng Hải từ đầu thế kỷ XIX, nhưng xét về mặt bản chất, trang phiếu chính là ngân phiếu. “Cái gọi là trang phiếu là một loại ngân phiếu không ghi chép danh tính giữa bên cho vay và bên nhận nợ mà các tiền trang sử dụng khi cho vay hoặc đáp ứng nhu cầu của các thương gia.” Đặc điểm chủ yếu của nó là tính tức thời, thay vì trả chậm dựa trên giao dịch thực tế trong các hối phiếu thương mại.
Những loại hối phiếu thương mại có thời gian thanh toán kéo dài và đồng thời có thể được chiết khấu. Vì vậy khi hối phiếu thương mại được sử dụng làm phương thức thanh toán thì trong thời hạn của nó, nó sẽ tương đương với việc mở rộng quy mô tín dụng. Quan trọng nhất, đó là mở rộng tín dụng dựa trên giao dịch thực tế.
Bản chất của hối phiếu thương mại là loại tiền tệ giao dịch ngắn hạn được phát hành theo tài sản thế chấp thương mại, khác với các loại tiền nợ được phát hành theo tài sản thế chấp nợ. Hối phiếu thương mại là phương tiện mở rộng tín dụng quan trọng nhất trong kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản thương mại. Sau đó là sự mở rộng tín dụng tư bản thực dân, được thế chấp bằng nợ quốc gia, mở rộng tín dụng tư bản công nghiệp, được thế chấp bằng nợ công nghiệp, và mở rộng tín dụng hậu công nghiệp, chủ yếu được thế chấp bằng nợ cá nhân.
Phát minh trang phiếu của hệ thống tiền trang Ninh Thiệu được đưa ra dựa trên bối cảnh các thương nhân Trung Quốc có nhu cầu đổi hối phiếu “dựa trên thương mại làm cơ bản” có kỳ hạn 5-20 ngày với các tiền trang. Khi mua hàng hóa của các hiệu buôn nước ngoài thì sẽ thanh toán bằng trang phiếu. Các hiệu buôn nước ngoài thường không tin tưởng các thương nhân Trung Quốc, nhưng đối với các tiền trang, đặc biệt là các tiền trang có tiềm lực thì họ khá tin tưởng. Lý do nằm ở việc các hiệu buôn nước ngoài thường áp dụng chế độ “dương mại bản”. Các “dương mại bản” không chỉ nắm bắt rất rõ thực lực của các tiền trang địa phương, mà họ còn bắt buộc phải gánh chịu trách nhiệm vô hạn nếu chẳng may xảy ra sự cố nào đó. Nếu thương nhân Trung Quốc không thể thanh toán đúng hạn, thì tiền trang sẽ phải chịu trách nhiệm trả thay cho tiệm buôn nước ngoài, sau đó tiền trang sẽ đi “tính sổ” với thương nhân Trung Quốc kia. Hoặc là tiền trang sẽ trực tiếp thanh toán cho hiệu buôn nước ngoài, rồi sau đó thu lại tiền từ thương nhân Trung Quốc. Như vậy, hàng hóa của các hiệu buôn nước ngoài sẽ được tiêu thụ, trang phiếu do các tiền trang in ra sẽ thu được lợi tức, thế nên điều đó sẽ giúp tiền trang mở rộng lợi nhuận và tăng cường các nghiệp vụ mới. Các doanh nhân Trung Quốc thì nhận được một nguồn vốn ngắn hạn, giúp mở rộng khối lượng kinh doanh của họ. Đây là một sự đổi mới tài chính “ba bên cùng có lợi”. Hơn nữa, người nắm giữ các trang phiếu có thể nhận được tiền mặt bằng cách tiến hành rao bán với mức giá chiết khấu ở rất nhiều tiền trang hoặc ngân hàng nước ngoài.
Khi Ngân hàng Hội Phong tiến vào Thượng Hải, họ phải đối mặt với cục diện các ngân hàng nước ngoài và tiền trang địa phương đang “chung sống” với nhau. Lợi thế của các ngân hàng nước ngoài là nguồn vốn hùng hậu và kiểm soát hoàn toàn nghiệp vụ trao đổi tiền tệ quốc tế. Ưu điểm của ngân hàng là sự am hiểu thị trường và chiếm lĩnh vai trò là một trung gian tín dụng để phát hành hối phiếu nội địa cho các giao dịch nội địa, đặc biệt là nghiệp vụ trao đổi tiền tệ cơ bản dựa trên chế độ tiền tệ trong nước, vô vàn lợi nhuận và không thể thay thế. Vì vậy, nó cũng có thể có chỗ đứng.
Nếu đã có hùng tâm tráng chí thống nhất “giang hồ tài chính”, chắc chắn Ngân hàng Hội Phong sẽ phải hạ bệ các thế lực chư hầu tài chính địa phương bằng sức mạnh của mình. Khi cuộc đại chiến hối phiếu - vốn càn quét các ngân hàng nước ngoài khác, kết thúc với chiến thắng của Ngân hàng Hội Phong, họ đã chuyển sự chú ý sang các tiền trang địa phương. Do Ngân hàng Hội Phong có thể lôi kéo nguồn tiền gửi từ tầng lớp người giàu Trung Quốc với chi phí rất thấp, cùng với lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc buôn bán nha phiến, vào cuối thế kỷ XIX, tổng tài sản của ngân hàng này đã đạt mức 211 triệu đô-la Hồng Kông, tạo nên bá quyền tài chính hàng đầu của khu vực Viễn Đông. Ngân hàng Hội Phong đã tận dụng triệt để nguồn vốn dồi dào của chính mình và bắt đầu sử dụng chiết phiếu trên quy mô lớn để khống chế nguồn vốn của hệ thống tiền trang Trung Quốc.
Do nguồn vốn tư hữu khá hạn chế, thế nên các tiền trang đành lực bất tòng tâm trước cơ hội tranh đoạt miếng bánh hối phiếu thương mại. Ngân hàng Hội Phong đã nhận ra điểm yếu này, và sau đó đã cho các tiền trang ở Thượng Hải vay nguồn tiền dư thừa của mình với giá rẻ, các tiền trang chỉ cần thế chấp trang phiếu cho Ngân hàng Hội Phong là có thể vay tín dụng. Do đó, các tiền trang ở Thượng Hải đã vay một số tiền lớn từ Ngân hàng Hội Phong. Ngân hàng Hội Phong cũng có thể trực tiếp mua các trang phiếu đã được giảm giá trên thị trường, tiến hành tái chiết khấu và kiếm lợi nhuận từ mức chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tái chiết khấu. Các tiền trang sau khi giảm giá thu mua trang phiếu của những tiền trang khác, vốn dĩ họ có thể giữ cho tới khi đáo hạn để kiếm lời, nhưng để đẩy nhanh lưu chuyển dòng vốn và thu được lợi nhuận lớn hơn, chỉ cần Ngân hàng Hội Phong trả giá phù hợp, họ sẽ không ngần ngại bán lại các trang phiếu này cho Ngân hàng Hội Phong. Sau khi đã thực sự đút túi được lợi nhuận, họ sẽ tiếp tục thực hiện các giao dịch giảm giá mới.
Và như vậy, mặc dù các tiền trang ở Thượng Hải có thể vay được tiền của Ngân hàng Hội Phong để mở rộng kinh doanh, nhưng nó cũng phải trở thành một chư hầu của Ngân hàng Hội Phong vì nguồn vốn đã bị ngân hàng này kiểm soát. Ngân hàng Hội Phong có thể thắt chặt dòng vốn bằng cách từ chối sách phiếu23 hoặc gia tăng lãi suất. Họ cũng có thể đẩy cao tỷ lệ tái chiết khấu, nghĩa là giảm giá thật sâu các trang phiếu mà các tiền trang muốn bán lại cho Ngân hàng Hội Phong. Điều này khiến cho các tiền trang không thể nhận được khoản lợi nhuận chênh lệch giữa hai lần giảm giá, qua đó buộc họ phải giảm thiểu hoặc ngừng giảm giá lần thứ nhất. Điều này sẽ khiến tất cả các tiền trang bất đắc dĩ phải giảm thiểu việc huy động vốn thương mại do dòng lưu chuyển hối phiếu thương mại bị chậm lại. Kết quả cuối cùng là việc thiếu vốn sẽ khiến các thương nhân Trung Quốc không thể thu mua các sản phẩm địa phương như trà và lụa, tầng lớp nông dân và thợ thủ công buộc phải bán thành quả lao động của họ với mức giá bèo bọt. Tại thời điểm đó, “vừa hay” các cổ đông của hiệu buôn nước ngoài đứng sau Ngân hàng Hội Phong có thể mua vào với mức giá rẻ, và sau đó bán ra với mức giá cao trên thị trường quốc tế để thu về lợi nhuận khổng lồ.
23 Sách phiếu là dạng vay ngắn hạn giữa các tiền trang.
Khi các lực lượng tài chính Trung Quốc, với Hồ Tuyết Nham là đại diện, đang chiến đấu tuyệt vọng chống lại các lực lượng tài chính nước ngoài, thì Ngân hàng Hội Phong có thể tạo ra sự khan hiếm nguồn vốn bằng cách vặn chặt chiếc vòi cung ứng tiền tệ, dễ dàng đập tan mọi sự kháng cự của các liên minh kháng chiến thương mại.
Với sự thống trị của Ngân hàng Hội Phong đối với Ngân hàng trung ương nhà Thanh, bất kỳ tổ chức tài chính địa phương nào cũng không thể phát triển thành đối thủ cạnh tranh có thể thách thức các chiến lược cốt lõi của các chủ ngân hàng quốc tế.
DƯƠNG MẠI BẢN: HIỆN TƯỢNG ĐẶC THÙ CỦA TRUNG QUỐC
Từ “mại bản” có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha, ban đầu chỉ những nô bộc chịu trách nhiệm thu mua hàng hóa trên thị trường cho các thương nhân châu Âu ở khu vực miền nam Trung Quốc. Sau đó, nó được dùng để chỉ các thương nhân địa phương đã giúp các công ty nước ngoài mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu, dương mại bản không phải là nhân viên của các công ty nước ngoài, mà là các thương nhân độc lập và có mối quan hệ đại lý với các hiệu buôn nước ngoài. Để đủ điều kiện làm dương mại bản, họ thường phải nộp một khoản tiền đảm bảo nhất định. Nếu như quy mô của việc buôn bán không đạt được mục tiêu đã đặt ra hoặc bị thua lỗ thì các hiệu buôn nước ngoài sẽ phạt trừ vào khoản tiền đảm bảo đó. Ngược lại, nếu như họ làm ăn hiệu quả thì sẽ được các hiệu buôn nước ngoài chia lợi nhuận.
Xét từ góc độ thương mại thuần túy, mại bản chỉ một hành vi đại diện thương mại hết sức thông thường, không có gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, nếu các hiệu buôn nước ngoài không đảm bảo công bằng thương mại mà tiến hành theo kiểu chèn ép, các ngân hàng nước ngoài không triển khai các dịch vụ tài chính thông thường, mà lại có những hành vi mang tính thao túng để kiểm soát cung ứng tiền tệ, vậy thì bản chất của vấn đề sẽ thay đổi. Thế lực của các hiệu buôn nước ngoài và ngân hàng nước ngoài càng mạnh, quy mô kinh doanh càng lớn thì tác hại đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ càng lớn. Trong quá trình đó, dương mại bản – lực lượng trực tiếp “hà hơi tiếp sức” cho các thế lực tài chính nước ngoài mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Quốc đã trở thành đồng phạm quan trọng làm tổn hại đến lợi ích của chính đất nước mình.
Qua sự việc Hồ Tuyết Nham bị “săn lùng”, người ta có thể thấy rõ sức sát thương nghiêm trọng mà giai cấp dương mại bản đã gây ra đối với kinh tế, tài chính, thương mại và sinh kế của người dân Trung Quốc. Nếu không có sự dốc sức phục vụ của dương mại bản, cá hiệu buôn nước ngoài và ngân hàng nước ngoài chắc chắn sẽ không thể giành được quyền kiểm soát lớn đến vậy ở Trung Quốc.
Là giao dịch thương mại bình đẳng, hay là sự kiểm soát và thao túng? Phán đoán một cách chính xác ý định và hành vi của dòng vốn tài chính nước ngoài sẽ là yếu tố cốt lõi để đánh giá tất thảy công-tội, đúng-sai.
Nếu quan sát các quốc gia trên khắp thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng dương mại bản là một hiện tượng mang đậm nét Trung Quốc. Một giai cấp đặc biệt như vậy chưa bao giờ xuất hiện ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hoa Kỳ. Đây là một hiện tượng độc đáo của nhà nước nửa thuộc địa của Trung Quốc. Trong quá trình mở rộng của phương Tây, Mỹ và châu Phi là hai khu vực đầu tiên bị thuộc địa hóa, sau đó tới lượt Ấn Độ và Đông Nam Á bị chinh phục. Ở các khu vực này, các thế lực thống trị phương Tây có thể trực tiếp thực hiện mô hình cai trị theo chiều dọc mà không cần phải dựa vào các trung gian địa phương, do đó không xuất hiện giai cấp mại bản. Còn bối cảnh ở Trung Quốc tương đối đặc biệt. Các thế lực thực dân phương Tây đến Trung Quốc quá muộn, trong khi đó đất nước này lại tương đối hùng mạnh, thế nên họ không thể cai trị một cách triệt để theo chiều dọc chỉ trong một thời gian ngắn mà phải dựa vào một tầng lớp trung gian để kiểm soát thay, đó chính là giai cấp quan liêu và dương mại bản.
Nếu nhìn từ một góc độ sâu sắc hơn, khi cai trị một thuộc địa thì phải loại bỏ một cách triệt để văn tự của nơi đó, bởi lẽ văn tự luôn mang theo “gen” của nền văn minh, nó giúp duy trì bản sắc dân tộc phức tạp và sự quy thuộc về khía cạnh tinh thần, nếu chinh phục một quốc gia nhưng không thể phá hủy được văn tự thì điều đó đồng nghĩa với việc kẻ thống trị hoặc sẽ bị đồng hóa, hoặc sẽ bị trục xuất. Kẻ bị cai trị đồng nhất với kẻ cai trị cả về phương diện tinh thần lẫn cảm xúc – đó mới là biện pháp duy nhất để cai trị thành công. Đây là một triết lý từ cổ chí kim, bất kỳ thuộc địa nào trên thế giới đều sẽ như vậy. Các đế quốc thực dân như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Mỹ và Nhật Bản đầu tiên luôn cố công tiêu diệt văn tự của các khu vực thuộc địa, khiến cho các quốc gia đó rơi vào tình trạng “mất ký ức tập thể” một cách hoàn toàn và triệt để. Từ đó chấp nhận hấp thụ văn hóa và tinh thần từ các đế quốc thực dân, giúp cho những kẻ cai trị thực hiện được mục tiêu “trường trị cửu an”. Trong thế giới ngày nay, tình trạng nghèo đói và lạc hậu phổ biến trong các khu vực thuộc địa trước kia đa phần là một di sản từ thời kỳ thuộc địa. Điều khủng khiếp không phải là sự cướp bóc của cải vật chất ở những khu vực này, mà là sự rối loạn cực độ của thế giới tâm linh và sự phân mảnh hoàn toàn của hệ thống niềm tin – hệ quả của việc văn tự của họ đã bị phá hủy. Quá trình xây dựng lại niềm tin vào nền văn minh của chính mình sẽ không thể phát huy hiệu quả chỉ sau thời gian ngắn giống như việc phát triển kinh tế và vật chất.
Vận may của Trung Quốc nằm ở sức sống ngoan cường của Hán tự và hệ thống văn minh khổng lồ được xây dựng trên đó. Cho dù là sự xảo trá của Anh, sự tham lam của Nga hay kiêu ngạo của Nhật Bản, cũng không thể chinh phục hoàn toàn nền văn minh Trung Quốc. Khi hoàn toàn bất lực trước hiện thực này, các đế quốc thực dân phương Tây bất đắc dĩ phải mượn sức và dựa vào giai cấp dương mại bản để đạt được mục tiêu cướp bóc và kiểm soát của cải của Trung Quốc.
Với sự sụp đổ hoàn toàn của biên giới tài chính, cho dù là Phong trào Dương Vụ, Phong trào Bách nhật duy tân năm 1898 và thậm chí là lật đổ nhà Thanh cũng chẳng thể thay đổi trạng thái bán thuộc địa của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, Nhật Bản cũng phải đối mặt với tham vọng của các cường quốc phương Tây, và cũng bị đập tan cánh cửa thương mại, nhưng số phận của họ lại hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Sự khác biệt cơ bản giữa thành công của Phong trào Duy Tân Meiji và sự thất bại của Phong trào Dương Vụ là Nhật Bản đã giữ vững được biên giới tài chính và các lực lượng tài chính nước ngoài đã thất bại trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ của Nhật Bản. Điều đặc biệt quan trọng là ở Nhật Bản đã không hình thành một giai cấp dương mại bản nước ngoài với thế lực hùng hậu. Do đó, các ngân hàng nước ngoài rất khó để tiến hành kinh doanh, chứ đừng nói đến việc kiểm soát mạng lưới tài chính của Nhật Bản.
Kể từ năm 1863, sáu ngân hàng lớn của nước ngoài lần lượt khai trương tại Nhật Bản với tổng số vốn lên tới 220 triệu lạng bạc. Họ mạnh hơn không biết bao nhiêu lần so với ngân hàng Nhật Bản. Mặc dù đã gặt hái được thành công sau phong trào Duy Tân Meiji, thế nhưng tổng nguồn vốn của các ngân hàng Nhật Bản vẫn chưa bằng một nửa con số này. Thế nhưng, ngoài Ngân hàng Hội Phong vẫn có thể xoay sở được, các ngân hàng nước ngoài khác đã lần lượt đóng cửa. Trong khi đó số lượng ngân hàng Nhật Bản đã tăng vọt từ 0 lên 1.867 vào năm 1901.
Trước khi tiến hành phong trào Duy Tân Meiji, việc hiện đại hóa công nghiệp của Nhật Bản đã được hoàn tất với sự hỗ trợ tín dụng gần như hoàn toàn từ hệ thống ngân hàng nội địa. Điều này đã giúp Nhật Bản một bước nhảy vọt lên ngang hàng với các cường quốc phương Tây, và trở thành ví dụ thành công duy nhất của châu Á trong việc thoát khỏi chế độ thực dân.
Chính vì đã kiểm soát chặt chẽ biên giới tài chính, liên tục cung cấp một lượng tín dụng lớn cho ngành công nghiệp, quốc phòng và thương mại của mình, nên Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một cường quốc công nghiệp.