CÁC TẤM LÓT NGỰC
Mặc dù đây không phải là những thứ thiết yếu, nhưng chúng giữ được cho đầu vú bạn được sạch sẽ và khô ráo.
Chóp che vú
Khi bạn cho bé bú một bên vú, ở đầu vú bên kia, sữa có thể nhỏ giọt hay thậm chí chảy ra. Người ta có thể sử dụng một chóp che để gom phần sữa dư ấy, đem trữ trong tủ lạnh để cho bé bú lần sau.
Miếng lót vú
Hiện nay đã có những tấm lót vú dùng một lần rồi bỏ hay giặt lại, được đặt vừa vào trong nịt vú của bạn và giữ cho quần áo của bạn không bị sữa rỉ ra làm hoen ố.
Nhiều bà mẹ cho con bú được suôn sẻ ngay từ đầu, tuy nhiên nếu bạn thấy hơi khó khăn lúc đầu thì cũng là điều bình thường, vì bé không bú được lâu, hoặc vì hai bầu vú bạn có cảm giác hơi đau.
Chăm sóc hai bầu vú
Việc giữ vệ sinh hai bầu vú và đầu vú của bạn là rất quan trọng. Bạn nên rửa sạch vú và đầu vú mỗi ngày. Hãy lau khô nhẹ nhàng sau khi cho bé bú. Nên đeo nịt ngực, vì hai bầu vú cần phải được nâng đỡ thường xuyên. Bạn có thể dùng kem giữ ẩm thoa lên đầu vú hay nếu đầu vú bị đau, hãy bôi thêm thuốc sát trùng.
Một khi dòng sữa đã được khơi thông bạn cần phải dùng tấm lót vú hoặc khăn tay sạch lót bên trong nịt ngực để thấm sữa. Bạn nên thay chúng thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. Chóp che vú có túi chứa sẽ giúp bạn giữ được đầu vú cho khô ráo và thu được phần sữa rỉ ra.
Trong trường hợp đau ốm
Trong trường hợp bị bệnh, bạn có thể nặn sữa để chồng bạn cho bé bú khi bạn cảm thấy không đủ sức cho con bú. Nếu bạn bệnh nặng và quá mệt, không đủ sức để nặn sữa, có thể cho bé tạm bú bình hay đút cho bé bằng muỗng, và, có thể lúc đầu bé không thích, nhưng khi đói quá thì bé cũng sẽ chịu bú thôi.
Trong trường hợp phải nhập viện mà bạn vẫn muốn cho con bú sữa mẹ, bạn nên báo cho nhân viên điều dưỡng biết bạn có ý định đó để họ có thể sắp xếp những việc cần thiết – thí dụ như xếp người để bế bé và thay tã, nếu bạn không đủ sức hay quá mệt không làm được việc đó. Tuy nhiên, nếu bạn vào bệnh viện để mổ, bạn sẽ không thể tiếp tục cho con bú được sau cuộc phẫu thuật vì ảnh hưởng của thuốc mê – bạn sẽ còn bị say thuốc và điều quan trọng hơn, chúng có thể truyền vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ.
Thuốc men và sữa mẹ
Nếu có thể, bạn nên tránh mọi thứ thuốc men trong thời gian cho con bú. Nhiều loại thuốc truyền được vào sữa và ảnh hưởng đến bé. Luôn nhớ báo cho bác sĩ biết là bạn đang cho con bú, nếu bạn đi khám bác sĩ vì bất cứ chứng bệnh nào mới phát sinh; khi đó bác sĩ có thể kê toa thuốc thích hợp cho bạn hơn.
Nếu muốn uống thuốc tránh thai, thì bạn phải chọn loại viên chỉ có progestogen thôi, vì kích thích tố estrogen trong viên kết hợp có thể làm giảm lượng sữa của bạn. Tuy nhiên vì người ta chưa biết hết được tất cả các tác dụng của progestogen nên tốt nhất bạn nên sử dụng các phương pháp tránh thai khác, cho đến khi bé đã dứt sữa.
PHÒNG TRÁNH BỊ ĐAU NÚM VÚ
Cho bé bú có thể khiến cho bạn bị đau xung quanh núm vú. Để giảm thiểu mọi nguy cơ bị đau núm vú bạn nên:
- Luôn luôn kiểm tra lại xem núm vú và cả quầng vú đã được bé ngậm đúng cách chưa.
- Luôn luôn cho bé nhả vú ra nhẹ nhàng.
- Giữ cho núm vú khô ráo.
- Trong trường hợp một trong hai núm vú của bạn bị đau, bạn hãy cho bầu vú bên đó được nghỉ ngơi không cho bé bú trong 24 tiếng hoặc cho đến khi hết đau hẳn. Bạn hãy nặn sữa bên đau và cho bé bú bên không đau. Để phòng tránh cho núm vú bị nứt nẻ, bạn hãy thoa kem có camomile hay calendula hai hay ba lần mỗi ngày.
Chóp che núm vú
Chóp này được làm bằng silicone mềm và đeo vừa vặn lên trên núm vú của bạn; em bé mút qua một núm vú nhựa nhỏ ở đằng trước. Luôn tiệt trùng trước khi dùng.