T
rẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi phát triển rất nhanh và mỗi ngày trẻ cũng ít ngủ hơn trước. Giai đoạn này, trẻ thích học hỏi, khám phá do đó sẽ thích ứng nhanh với những sự thay đổi. Đây là lúc thích hợp nhất để bạn cho trẻ làm quen với các món ăn có hương vị mới hay các thức ăn có nhiều thành phần trộn lẫn vào nhau.
“Dần dần nên tập cho trẻ làm quen với những thức ăn có dạng hạt nhỏ, nghiền ít mịn hơn và có nhiều mùi vị mới hơn.”
CHUYỂN TỪ THỨC ĂN ĐƯỢC NGHIỀN MỊN SANG DẠNG ÍT MỊN HƠN
Tập nhai
Tuy mỗi trẻ có nhịp độ phát triển khác nhau, nhưng thông thường khoảng 6 - 7 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng cửa đầu tiên. Các loại răng khác sẽ tiếp tục mọc trong vòng 5 tháng sau đó. Khi trẻ bắt đầu mọc răng, bạn có thể tập cho trẻ làm quen với các món ăn có dạng hạt nhỏ. Đầu tiên, trẻ thường tập nhai bằng lợi nên bạn cần cho trẻ ăn thức ăn đã được nghiền nhỏ hay băm vụn; không nên cho trẻ ăn các thức ăn được xay nhuyễn quá lâu vì khi đó, trẻ sẽ lười nhai và không biết sử dụng lưỡi để đẩy các thức ăn cứng vào trong. Nếu trẻ không thích ăn các thức ăn có nhiều hạt nhỏ trộn lẫn, bạn có thể tập dần bằng cách pha một ít vào món ăn đã được nghiền nhuyễn hay không nên xay quá nhuyễn như trước đây.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Từ 6 tháng đến 1 năm tuổi, trẻ nên uống từ 500 đến 800ml sữa mẹ hay sữa formula mỗi ngày.
Cho dù có dùng sữa bò để chế biến các món ăn dặm cho trẻ thì mỗi ngày bạn vẫn phải cho trẻ bú đủ lượng sữa mẹ hoặc sữa formula cần thiết vì trong sữa bò không có chứa một số dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như chất sắt và vitamin C.
Nếu trẻ uống ít hơn 500ml sữa mẹ hoặc sữa formula mỗi ngày thì cần phải được bổ sung vitamin A, C và D cho đến khi trẻ được 1 năm tuổi.
Bạn cũng có thể cho trẻ dùng thêm các sản phẩm được chế biến từ sữa như pho - mát, sữa chua hoặc dùng sữa để chế biến món ăn. Lưu ý, đến bữa ăn mà trẻ không đòi ăn thì bạn có thể giảm lượng sữa cho trẻ uống trước khi ăn để trẻ ăn được ngon miệng hơn.
Khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm, trẻ sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước hơn. Vì thế, bạn nhớ cho trẻ uống thêm một ít nước sôi để nguội hoặc nước trái cây pha loãng trong khi ăn.
MÓN ĂN MỚI CHO TRẺ
Bánh mì và ngũ cốc
Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng những thức ăn có chứa gluten, hay các thức ăn có chứa nhiều chất xơ, vì khi đó, trẻ vẫn cảm thấy no nhưng lại không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Các sản phẩm chế biến từ sữa
Sữa tươi tiệt trùng, sữa chua tiệt trùng, pho-mát dạng mềm rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn những thực phẩm ít béo vì chúng không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Trứng
Trứng được nấu chín là thực phẩm rất giàu chất bổ dưỡng và không mất nhiều thời gian chế biến. Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn trứng nấu chưa chín nhằm tránh nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.
Cá
Rất tốt cho trẻ. Một số loại cá có nhiều dầu như cá mòi, cá hồi hay cá tuna... chứa rất nhiều axit béo, rất cần cho sự phát triển và hoàn thiện của não bộ. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận nhặt hết xương trước khi cho trẻ dùng món cá.
Thịt đỏ (thịt bò, thịt heo...)
Nên chọn loại thịt không có mỡ. Gan cũng là món dễ tiêu hóa và cung cấp rất nhiều chất sắt cho cơ thể. Bạn có thể nấu thịt bò hay thịt heo kết hợp với khoai tây và nấm rơm rồi xay nhuyễn...
Thịt gà
Thịt gà cũng rất tốt cho trẻ, hầu hết trẻ đều rất thích ăn thịt gà. Bạn có thể nấu thịt gà với các món như khi nấu với thịt heo hay thịt bò.
Rau xanh
Đây cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho trẻ, chẳng hạn như hành tây, cần tây, cải bắp, cà chua, cải bó xôi, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cà rốt, khoai tây, bí ngô...
Trái cây
Giống như rau xanh, trái cây cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, như cam, bom, lê, táo, bơ, chuối... đặc biệt xoài, nho (đã lột vỏ, bỏ hạt, xắt đôi), cam, chanh và dâu.
Các loại đậu hạt
Bao gồm đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành... đây là nguyên liệu tốt nhất nhằm bổ sung hàm lượng chất đạm và chất sắt (rất cần thiết đối với các trẻ ăn theo chế độ ăn chay). Đặc biệt, đậu hũ có chứa đầy đủ các dưỡng chất có thể thay thế thịt bò, thịt heo.
Món ăn mới cho trẻ
• Thực phẩm chế biến công nghiệp từ hạt ngũ cốc nguyên chất (snack hạt)
• Bánh ngọt làm từ bột gạo
• Phó mát tiệt trùng, nguyên kem dạng mềm
• Trứng luộc chín
• Cá có nhiều dầu
• Gan
• Thịt gà hầm với cà rốt
• Rau xanh
• Đậu hũ
• Trái xoài
• Đậu lăng
Lưu ý:
• Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn các thực phẩm có chứa gluten.
• Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn trứng luộc chưa chín tới.
• Một số trẻ thường bị dị ứng với trái dâu. Do đó, nên cẩn thận khi cho trẻ ăn dâu, nhất là khi trẻ bị di ứng hay bị chàm bội nhiễm.