BẮT ĐẦU CHO TRẺ ĂN DẶM
T
rong năm đầu tiên, trẻ tăng tưởng và phát triển rất nhanh. Hầu hết trẻ khi được 6 tháng tuổi nặng ít nhất là gấp đôi trọng lượng so với lúc mới sinh. Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ ngừng bú sữa (dù là sữa mẹ hoặc sữa bình) một cách đột ngột để chuyển sang chế độ ăn dặm (nhất là các loại thức ăn đặc) vì hệ tiêu hóa lẫn hệ miễn nhiễm của trẻ chưa kịp thích ứng với nguồn dưỡng chất mới nên có thể gây ra một số dị ứng, hoặc bị tiêu chảy.
Khi nào nên cho trẻ ăn dặm Khi trẻ được khoảng 26 tuần tuổi, cơ thể trẻ cần được bổ sung thêm một số thực phẩm khác ngoài sữa (chẳng hạn thời điểm này, lượng sắt mà cơ thể mẹ truyền sang cho trẻ trong khi mang thai đã cạn). Vì thế Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đây là giai đoạn tốt nhất mà các bà mẹ nên cho trẻ ăn dặm thêm nhằm bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết.
Khi mới chào đời, bú là một phản xạ tự nhiên, nên trẻ thường nôn, ọe các loại thức ăn đặc hơn sữa. Nếu trẻ quá 6 tháng mà chưa được tập cho ăn dặm thì sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhai và nuốt. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải học cách dùng lưỡi đẩy thức ăn xuống cổ và nuốt.
“Nên cho trẻ làm quen với chế độ ăn dặm bằng cách dùng từng thìa nhỏ thức ăn dạng lỏng được chế biến từ trái cây, rau quả hay bột nghiền nhuyễn vào nhiều lần trong ngày.”
Dấu hiệu nhận biết trẻ có thể chuyển sang chế độ ăn dặm:
- Trẻ bắt đầu lơ là, không thích uống sữa.
- Thường thức dậy vào nửa đêm để đòi ăn.
- Bắt đầu nhìn chăm chú đến những thứ người khác đang ăn.
THỰC PHẨM DÀNH CHO TRẺ ĂN DẶM
Trong bốn tuần đầu tiên sau khi chuyển sang chế độ ăn dặm, bạn có thể cho trẻ ăn bột hòa với sữa mẹ hoặc sữa formula. Đồng thời, bạn cũng nên cho trẻ ăn những món nghiền đơn giản khác. Tập cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn nghiền giúp bạn nhận biết trẻ không thể dung nạp loại thức ăn nào, trước khi kết hợp các thành phần thực phẩm rau củ, thịt cá lại với nhau trong cùng một món ăn.
Các loại rau củ như khoai lang, khoai tây, cà rốt ... là những loại thức ăn thích hợp đối với trẻ vì hương vị ngọt tự nhiên và ít xơ. Táo và lê là hai loại trái cây tráng miệng rất tốt cho trẻ nhưng bạn phải nhớ chọn những quả chín mọng và có vị ngọt tự nhiên. Chuối, đu đủ, bơ nghiền... cung cấp nhiều dưỡng chất và rất tiện lợi vì bạn không cần phải đun nấu.
Tại sao nên chế biến thức ăn cho trẻ tại nhà
Nếu có thể, bạn nên dành thời gian chế biến thức ăn cho trẻ từ các nguồn nguyên liệu tươi sống và xanh như thịt, cá, rau, củ, quả. Thức ăn chế biến tại nhà vừa không chứa các chất phụ gia, vừa tiết kiệm, đồng thời bạn còn có thể chủ động thay đổi khẩu vị cho trẻ.
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
Bạn sẽ rất mất thời gian để chế biến chỉ một phần ăn cho trẻ, do đó cách tốt nhất là chế biến sẵn cho cả tuần rồi chia thành từng phần nhỏ và cho vào tủ đông. Vì trẻ mới làm quen với loại thức ăn dạng đặc nên trong những lần đầu, bạn nên nấu sệt như ya-ua, rồi mới từ từ tăng dần độ đặc lên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị món ăn cho trẻ theo thức ăn của cả nhà. Ví dụ, khi nấu món canh cho gia đình, bạn dành riêng một phần không nêm gia vị, sau đó pha với bột và khuấy đều để làm thức ăn cho trẻ.
Các thiết bị cần thiết
Bạn nên mua những dụng cụ cần thiết cho việc chuẩn bị món ăn cho trẻ như máy xay, nồi hấp, khay trữ đông, bộ đồ ăn cho trẻ. Trong những lần đầu, bạn có thể cho trẻ nếm thức ăn qua đầu ngón tay bạn, nhưng khi trẻ quen dần, bạn có thể dùng một cái chén và muỗng nhỏ bằng nhựa.
Loại muỗng cạn, làm bằng nhựa dẻo sẽ tốt hơn cho lợi non của trẻ. Chén nên là loại có tay cầm. Trước khi ăn, bạn nên đeo cho trẻ một cái yếm trước ngực và chuẩn bị sẵn một cái khăn ướt để kịp thời lau thức ăn bị vung vãi.
Những điều cần ghi nhớ:
• Luôn rửa tay bạn và tay trẻ thật sạch trước khi ăn.
• Để giảm độ sệt của các món ăn thuộc dạng nghiền, bạn có thể cho vào đó một ít nước đun sôi để nguội hoặc sữa để trẻ nuốt dễ dàng hơn.
• Không nên cho trẻ dùng nước khoáng đóng chai vì loại nước này không được khử trùng tốt và có hàm lượng muối cao.
• Muỗng, bình sữa, chén của trẻ cần phải được khử trùng trong nước nóng trên 80oC rồi lau lại bằng khăn sạch.
“Bạn không nên quá lo lắng khi trẻ không chịu làm quen với các thức ăn có dạng đặc, bởi vì trẻ cần có thời gian để thích nghi với những điều mới lạ. Cần phải kiên trì tập cho trẻ ăn dần.”
CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI CÁC LOẠI THỨC ĂN DẶM
Thời gian đầu, một số trẻ có thể chưa quen ăn món ăn đặc nên không chịu ăn, thậm chí khóc thét lên mỗi khi bạn cố ép trẻ ăn. Trong trường hợp này, bạn chớ băn khoăn lo ngại, mà hãy cố gắng thử lại nhiều lần và cho trẻ ăn từ từ. Nếu có thể, mỗi ngày, bạn nên tập cho trẻ làm quen với các món ăn đặc vào cùng một thời điểm như nhau. Bạn có thể cho trẻ uống trước một nửa lượng sữa dùng hàng ngày để tránh tình trạng trẻ bị quá đói. Dần dần, trẻ sẽ thích ứng với những món ăn mới và bạn cũng có thể tạo được thói quen ăn uống đúng bữa cho trẻ.
Tập cho trẻ làm quen với thức ăn dặm
Trong những lần đầu, bạn có thể thăm dò bằng cách cho trẻ nếm một hoặc hai muỗng thức ăn (tương đương 15ml). Dần dần tăng lượng thức ăn lên cho đến khi nào trẻ không chịu ăn nữa - sau đó, cho trẻ tiếp tục bú phần sữa còn lại.
Nghệ thuật bón thức ăn cho trẻ
Cho dù trẻ có tỏ ra thích thú với các món ăn đặc ngay từ lần ăn đầu tiên thì bạn cũng chớ vì thế mà cho trẻ ăn quá nhiều. Hãy tập cho trẻ học cách nuốt thức ăn và thư giãn trong khi ăn. Tránh tập ăn lúc trẻ quá mệt, cần được ngủ, nên nói chuyện và thể hiện các cử chỉ giao tiếp với trẻ trong khi ăn.
Những thực phẩm cần tránh Để tránh những nguy cơ bị dị ứng hay mắc phải chứng không dung nạp thức ăn, cũng như những căn bệnh không tốt cho trẻ sau này, khi chế biến món ăn cho trẻ, bạn nên cẩn thận với một số gia vị và nguyên vật liệu sau đây:
• Muối: Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng những món ăn có muối để tránh gây tổn hại đến thận và tình trạng mất nước trong cơ thể. Nếu tập thói quen ăn mặn, sau này trẻ rất dễ bị cao huyết áp. Thực phẩm xông khói cũng là những thức ăn có chứa muối.
• Đường: Bạn không nên thêm đường vào thức ăn cho trẻ, ngoại trừ một số thực phẩm có chứa đường sẵn. Tập thói quen ăn ngọt là nguyên nhân gây sâu răng cho trẻ sau này.
• Trứng chưa nấu chín: Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella, bạn cần phải luộc thật chín cả lòng trắng lẫn lòng đỏ trứng khi chế biến món ăn cho trẻ.
• Pho-mát chưa tiệt trùng: Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, bạn không nên cho trẻ ăn các loại pho-mát chưa tiệt trùng, chẳng hạn như pho-mát mềm Brie hay Camembert.
• Những thực phẩm có chứa gluten: Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn các món ăn có chứa nhiều gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, lúa mạch đen.
• Các loại hạt: Tuyệt đối không nên cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống ăn những thức ăn ở dạng hạt bởi vì chúng có thể khiến trẻ bị hóc, gây nghẹn, nghẹt thở đường hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
• Mật ong: Nên rất hạn chế cho trẻ ăn mật ong vì trong mật ong có chứa một loại vi khuẩn mà trẻ em dưới 1 tuổi khi ăn vào có thể kết hợp tạo nên độc tố gây ngộ độc cho trẻ.
- Nghêu sò: Nghêu sò là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây ngộ độc thức ăn ở trẻ. Trẻ nhỏ cũng thường không dung nạp các thực phẩm chế biến từ nghêu sò.
- Thực phẩm có nhiều chất xơ: Bạn không nên cho trẻ dùng quá nhiều thực phẩm có nhiều chất xơ, vì chúng sẽ gây cản trở việc hấp thu một số khoáng chất cần thiết đối với cơ thể trẻ.
Nếu trẻ không chịu ăn
Trong những lần đầu, trẻ thường không chịu ăn. Đây là biểu hiện bình thường của trẻ, bạn không nên lo lắng hay vội vàng thúc ép trẻ mà hãy kiên nhẫn thử lại vào những ngày tiếp theo. Bạn nên cho trẻ làm quen với từng loại thức ăn riêng biệt trước khi trộn chúng lại với nhau. Trong giai đoạn này, điều quan trọng là không nên giảm lượng sữa mà trẻ cần phải uống mỗi ngày bởi vì những thức ăn mới này chưa thể cung cấp đủ dưỡng chất thay thế được sữa. Nếu trẻ vẫn không chịu ăn từng món riêng biệt, hãy thử trộn chúng lại với nhau và tỏ ra kiên nhẫn khi cho trẻ ăn.
Trẻ không thích ăn có thể bởi vì ngày hôm đó trẻ cảm thấy khó chịu trong người, không khí xung quanh nóng bức và chỉ muốn uống sữa mà thôi. Bạn không nên quá lo lắng về điều này, không ăn dặm một vài bữa cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bạn nên chờ một vài ngày sau rồi thử cho trẻ ăn món khác lỏng hơn để trẻ dễ nuốt. Nếu trẻ vẫn uống sữa và lên cân đều đặn thì không có gì phải lo ngại cho sức khỏe của trẻ cả.
Lưu ý:
• Trẻ mới sinh thường có phản xạ đẩy lưỡi, do đó, nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm thì theo phản xạ, trẻ sẽ dùng lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài để khỏi bị nghẹn. Phản xạ này thường biến mất khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi.
• Trước khi cho trẻ ăn bất kỳ món ăn gì, tốt nhất bạn nên nếm trước để xem nhiệt độ, mức mặn nhạt của món ăn đó. Nếu món ăn lấy ra từ tủ lạnh, bạn nhớ hâm nóng lại thật kỹ rồi để vừa đủ nguội. Lưu ý, khi hâm nóng nhớ khuấy đều để thức ăn không có chỗ nóng, chỗ lạnh.
• Khi cho trẻ ăn những thức ăn lấy ra từ tủ lạnh, chỉ nên hâm lại một lần mà thôi. Tùy theo nhu cầu của trẻ, bạn chỉ cần lấy ra một lượng vừa đủ để trẻ ăn trong một lần.
• Đối với các món nghiền nhuyễn hay bột khuấy quá đặc, bạn có thể thêm vào sữa mẹ, sữa formula hoặc nước đun sôi để nguội để làm cho thức ăn có độ loãng phù hợp với nhu cầu của trẻ.
• Không nên cất những thức ăn mà trẻ đã ăn dở vì thông qua thìa múc thức ăn, các vi trùng trong nước miếng đã lây sang và sinh sôi nảy nở trong phần thức ăn thừa đó. Trẻ ăn vào có thể sẽ bị tiêu chảy, sình bụng, thậm chí bị ngộ độc.
• Không nên bón cho trẻ từng thìa đầy thức ăn, vì trẻ có thể bị sặc, nghẹn.
• Khi cho thực phẩm vào tủ đông, nên múc thật đầy sau đó đậy kín để không tạo ra một khoảng trống làm khí tích tụ trên bề mặt thức ăn nhằm đảm bảo chất lượng món ăn.
• Mặc dù, có nhiều người khuyến cáo rằng không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn dặm; nhưng bạn cũng có thể cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn dặm, trong trường hợp này nên tránh dùng những món ăn có trứng, các loại quả có vị chua và nghêu sò, ốc hến...
LẦN ĐẦU CHO TRẺ ĂN DẶM
Trước tiên, cần phải rửa tay thật sạch rồi quệt lên đầu ngón út một chút thức ăn của trẻ để kiểm tra nhiệt độ; nếu thức ăn đã nguội, thì thử cho trẻ mút ngón tay có thức ăn của bạn. Cách dùng ngón tay bón thức ăn này nhằm đem lại cho trẻ cảm giác quen thuộc và trẻ sẽ bớt lạ lẫm với thức ăn hơn. Sau đó mới cho trẻ ăn bằng muỗng.
• Quệt một chút thức ăn lên đầu ngón tay út và thử cho trẻ mút ngón tay có thức ăn ấy.
• Sau đó, quệt một chút bột nghiền nhuyễn rồi đưa vào giữa hai làn môi để trẻ chủ động mút thức ăn. Nếu trẻ quay đầu đi, bạn lau sạch và thử lại lần nữa.